tournaments

Hình ở trên là danh sách những giải đấu thế thao điện tử (esport) có tổng trị giá giải thưởng cao nhất. Dễ nhận thấy ở đây là sự vượt trội siêu tuyệt đối của DotA2. Hiện tại thời điểm này, TI4 (The International 4 – giải vô địch thế giới DotA2) đã gần đạt được mốc 7 triệu USD giải thưởng, và chắc chắn con số sẽ không dừng ở đó.

Đây là một tin tốt không chỉ cho DotA2 nói riêng, mà cả nền esport nói chung. Tuy không thể sánh ngang với các môn thể thao truyền thống như bóng đá, bóng rổ, bóng bầu dục… nhưng esport cũng đã phần nào chứng tỏ được rằng, nó cũng như một bộ môn thể thao, các ngôi sao hoàn toàn có thể sống dư giả chỉ nhờ vào việc chơi game, xoá bỏ định kiến: ‘chỉ những đứa vô công rồi nghề không làm được gì cho xã hội mới cắm đầu vào game’ thường thấy bấy lâu.

Dĩ nhiên, như tựa đã nêu, bài viết này viết về Riot và Valve, chủ yếu về triết lý làm game và kinh doanh của 2 ông hoàng lớn nhất trong thể loại MOBA (Multiplayer Online Battle Arena – Đấu trường trực tuyến nhiều người chơi). Mục đích tác giả viết bài này, không nhằm so sánh xem ai ưu việt hơn, ai là người chiến thắng, ai là kẻ thất bại. Thêm nữa, thì là có phần ‘giải oan’ cho Riot, khi vài tuần gần đây, rất nhiều fan cả DotA2 lẫn trung lập gắn cho họ cái tiếng là ‘nhà giàu mà keo kiệt’, ‘bèo nhèo’, ‘chỉ biết ăn không nhả’…

Valve – triết lý ‘thả trôi’

Phải rất nể phục Valve, khi với chỉ vài chục người trong team làm DotA2, họ vẫn đủ sức tạo nên một tựa game gần như tuyệt hảo, cả về đồ hoạ lẫn lối chơi. Không dưới vài lần, Valve phát biểu công khai rằng, ở DotA2, họ chỉ ‘nhúng tay’ vào tổ chức The International, chỉ thế không hơn. Valve không kiểm soát DotA2, họ không điều khiển DotA2 đi theo hướng của mình (ở đây không nói về bản thân game, vì dĩ nhiên, Valve vẫn quyết định hero nào sẽ được buff, nerf…). Họ không trả lương cho các đội, họ không buộc các ngôi sao phải quay quảng cáo này, phát biểu cảm nghĩ nọ… Với họ, sẽ tốt hơn nếu để môi trường thi đấu chuyên nghiệp tự phát triển, để các đội tự lo lấy tài chính, tự quyết định hướng đi của mình. Điều này hoàn toàn khác với Riot mà tôi sẽ nói ở ngay sau đây.

Nói sâu xa hơn, thì điều này một phần bắt đầu từ lịch sử phát triển của tựa game này, bắt đầu từ DotA. DotA phát triển đều đặn, cộng đồng và các giải đấu được tổ chức thường xuyên mà không cần phải đi theo sự lèo lái điều khiển của bất cứ công ty nào. Các đội game, các ngôi sao họp rồi tan, thành lập rồi giải thể…như một phần của cuộc chơi. Đây là chiến lược phát triển của Valve. Cho dù Valve có xảy ra tình huống xấu nhất là phá sản, thì nền thi đấu chuyên nghiệp của DotA2 cũng sẽ hầu như không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Nó đã, đang và sẽ mãi phát triển mà không cần một bàn tay chăm sóc.

Riot – vì eSport và vì chính mình

Trong mắt những game thủ, thì Riot hay được liên tưởng đến hình ảnh của một con bạch tuộc hút máu, giàu có mà keo kiệt. Điều này là hoàn toàn oan uổng cho họ. Nói đúng ra, cách mà Riot quan tâm đến LMHT có phần còn nhiều hơn cách mà Valve quan tâm đến DotA2. Trong những năm vừa qua, Riot làm đủ mọi cách để LMHT vươn lên thành một môn ‘thể thao’ thật sự.

Ở thời điểm hiện tại, giải thưởng TI4 lên tới 7 triệu USD, và số tiền Valve bỏ ra là âm. Hay nói cách khác, họ thu lợi vì trong số tiền mà người chơi bỏ ra để ủng hộ TI4, chỉ có 25% đi vào quỹ giải thưởng. Làm phép tính thì sẽ thấy, Valve đã bỏ túi tới hơn 20 triệu USD.

Những gì Riot làm với các giải đấu LMHT không nhằm mục đích thu lợi, mà như ý họ, là vì eSport. Riot biến LMHT thành một môn thể thao. Họ tổ chức (và tạo điều kiện) các giải đấu như những giải thể thao, đó là các giải vô địch Bắc Mỹ, Châu Âu, giải vô địch Hàn (OGN), vô địch Trung Quốc (LPL), vô địch khu Đông Nam Á (Garena)… và sắp tới là giải ở Châu Đại Dương. Họ mang đến trải nghiệm cho khán giả như một môn thể thao đích thực. Các đội thi đấu hàng tuần dưới sự theo dõi trực tiếp lẫn qua tường thuật có bình luận của hàng triệu khán giả trên khắp thế giới.

Nếu làm một phép tính đơn giản, năm ngoái, không tính đến chi phí cơ sở vật chất (xây dựng 2 studio để thi đấu), các chi phí phát sinh như trả lương hàng năm cho các Bình luận viên, dẫn chương trình, vé máy bay và khách sạn cho các đội bay đến thi đấu vài tháng một lần ở các địa điểm khác nhau (các tuần ‘siêu kinh điển’, khi thì ở Đức, khi thì ở Pháp…), năm ngoái Riot đã chi ra 8 triệu USD.

Họ trả lương cho mỗi đội $175.000/ mùa, 16 đội, 2 mùa/ năm, thêm tiền giải thưởng mỗi mùa, vị chi là 6 triệu USD/ năm (chưa kể các giải nghiệp dư).
Giải vô địch thế giới hàng năm là 2 triệu USD.

Và họ không thu về đồng nào.

Đó là triết lý phát triển game của Riot. Họ tựa như tổ chức NFL ở bóng bầu dục, muốn tất cả phải nằm trong tầm kiểm soát của mình. Họ có quyền đặt ra những luật lệ họ cho là cần thiết (gần đây là luật chuyển nhượng), họ định hướng hầu như hoàn toàn sự phát triển của nền thi đấu chuyên nghiệp. Lợi ích rõ nhất của điều này là LMHT gần mang lại cảm giác giống một môn thể thao điện tử hơn DotA2. Tuy nhiên, điểm yếu so với Valve là LMHT sẽ không phát triển theo lẽ tự nhiên, mà theo những gì Riot cho là cần thiết. Vì vậy, chỉ cần một sai lầm từ phía Riot, hay chuyện gì xảy ra với công ty, thì e là LMHT sẽ khó tiếp tục tồn tại và phát triển mạnh.

Kết luận

Dĩ nhiên, người viết bài không thể có đầu óc bằng những cây đa cây đề ở Valve hay Riot. Ắt những gì người viết cho là điểm yếu, là nguy cơ đều đã được các công ty đó nhận biết và có chiến lược để ngăn chặn. Bản thân người viết cũng chỉ gắng ở một cách khách quan nhất, biện hộ cho Riot khỏi những lời chỉ trích, dè bỉu họ không đáng phải nhận, và nêu lên quan điểm phát triển ở mỗi công ty, không nhằm mục đích so sánh xem quan điểm nào hợp lý hơn. Vì sự thật đã chứng minh, cả DotA2 và LMHT đều phát triển rất mạnh theo những cách riêng của mình. Và cũng mong những người hâm mộ DotA2 và LMHT hãy ngưng việc so sánh để rồi đả kích, dè bỉu lẫn nhau, vì nhìn chung tất cả đều là ‘thể thao’, và một trong những tiêu chí lớn nhất của thể thao là cao thượng và hết mình.