Ngay khi album này vừa ra, bạn đã hỏi mình nghe chưa, review xíu đi. Thật ra mình không thể nào là tay viết review nhạc được, vì cách mình nghe nhạc rất đồng bóng và đầy cảm xúc, nhiều khi thích hay không thích chỉ vì những lí do hoàn toàn cá nhân. Quay lại, album phát hành cuối tháng 5 nhưng mãi đến hôm nay mp3.zing.vn mới đăng lên, vì vậy mình mới nghe được. Nghe xong viết vội ngắn gọn vài dòng vậy.

Đây là thời điểm ất ơ của nhạc Việt, khi mà thật sự các album chất lượng xuất hiện rất ít, và bị che lấp trong mớ các album chẳng đâu ra đâu nhưng được phủ cái lớp ngoài hào nhoáng nhờ các yếu tố ngoài-âm-nhạc. Những album nghe chất lượng ít, ít đến thảm thương. Cũng may thay, đúng như mong đợi từ trước khi nghe của mình: Giấc mơ mang tên mình của Khánh Linh là một album chất lượng.

Mình từng nói nhiều lần, dù nói chả ai nghe, cứ sau một thời gian là nền nhạc Việt lại xuất hiện một lứa các ca sĩ tài năng, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng thính giả, và có khả năng trở thành diva. Sau lứa diva Thanh Lam, Hà Trần, Mỹ Linh, Hồng Nhung, nhạc Việt không phải chờ lâu khi xuất hiện lứa các giọng ca nữ sinh vào khoảng tầm năm 80 81. Mình có thể liệt kê ra đây 4 giọng ca theo mình là sáng giá nhất: Nguyên Thảo, Khánh Linh, Ngọc Hạ và Lệ Quyên.

Ngoài cái tên Lệ Quyên vẫn còn khá gượng, theo mình ba cái tên còn lại hoàn toàn đủ khả năng sau này sẽ trở thành những tên tuổi được các thế hệ sau ghi nhớ. Tuy nhiên, thật không may khi có vẻ cả ba đều thiếu một thứ gì đó. Ở đây mình nói về Khánh Linh.

Mình nghe Khánh Linh đầu tiên là ở bài, dĩ nhiên, nổi tiếng nhất của cô: “Họa mi hót trong mưa” và yêu ngay tiếng hát cô từ đó. Có thể biết một ca sĩ có chỗ đứng thế nào trong lòng thính giả chỉ bằng một việc nho nhỏ: sau bao nhiêu năm không ra album, ca sĩ đó vẫn được yêu thích và đánh giá cao về tài năng? Với Khánh Linh là 6 năm.

6 năm trong làng nhạc, bảo dài thì không phải dài, nhưng cũng không ngắn, đủ để sự yêu mến của thính giả phai dần, nhất là ở những ca sĩ trẻ. Nhưng đâu đó, khi nói về Khánh Linh, người ta vẫn bảo: Linh hát hay lắm, và khi Khánh Linh ra album, vẫn nghĩ rằng: chắc chắn là album phải hay rồi, Linh hát mà. Ca sĩ có được điều đó, là một ca sĩ tài năng.

Quay lại, nếu nhìn vào tracklist trong album, người nghe sẽ rất ngạc nhiên khi trong đó là một sự hổ lốn đầy phong cách: có những bài semi-classic quen thuộc của Linh đó tới giờ, có bài sến kiểu thị dân của Trịnh, có bài sến một cách ‘rẻ’ như người ta hay cười nhạc vàng. Nhưng nghe kĩ mới biết, bài nào cũng được phối lại để vút lên cái giọng hát cao đến ngỡ ngàng nhưng không buốt thẳng vào óc như giọng kim của nữ danh ca Thái Thanh thuở nào, mà trong trẻo đầy tinh tế và cảm xúc đến lạ. Khánh Linh sau 6 năm, nghe nhiều hơn sẽ thấy xuyên suốt còn có sự ngẫu hứng. Ngẫu hứng một cách tự nhiên, như thể tới khúc đó, tới câu đó, tới nốt nhạc đó lẽ tất dĩ ngẫu cần phải ngẫu hứng vậy.

Tên của album “Giấc mơ mang tên mình” cũng là tên bài hát mà mình mong đợi nhất. Đơn giản, trước đó có giọng ca Thùy Chi – một giọng nữ cũng cao vút hiếm hoi, và đặc biệt là Nguyên Thảo trình bày. Chả phải mình cũng từng phân vân xem “Họa mi hót trong mưa” Nguyên Thảo và Khánh Linh ai hát hay hơn đó sao? Và cũng như bài hát đó, ở bài “Giấc mơ mang tên mình”, Nguyên Thảo trình bày đầy nội lực và thiết tha, trong khi Khánh Linh thì trong veo đến lạ. Mình thích bản của Nguyên Thảo hơn cho đến 80 hay 90% bài hát, nhưng phút cuối, Linh ngẫu hứng tuyệt vời quá, khiến mình quay qua yêu bản này ngay.

Lại nói về cái ngẫu hứng của Linh trong album này, cứ thử mà nghe “Chiều một mình qua phố” xem? Ban đầu sẽ thấy lạ, vì đó không phải giọng trầm đầy biểu cảm của những danh ca đã gắn liền với bài đó như chú Tuấn Ngọc hay cô Khánh Ly. Nghe Linh hát, tưởng tượng như thấy cảnh một cô gái vừa đi vừa hát trong chiều, có cả nỗi buồn và sự cô đơn, nhưng cũng có những nét ngẫu hứng nghịch ngợm rất lạ. Hate it or like it, chắc là tùy vào cảm nhận của mỗi người, nhưng mình là mình thích thích lắm. Cũng như thế cho hai bài vốn rất quên thuộc “Người tình trăm năm” và “Phút cuối”.

Một bài nữa mà mình thích là bài “Giọt sương mai” với tiếng đàn tranh. Khi tiếng đàn và giọng ca của Linh vang lên, cứ tưởng đang xem một bộ phim cũ kĩ nào đó của Vương Gia Vệ – mình không rành xem phim, nên chỉ liên tưởng đến đây là không biết phải diễn tả sao. Một nét Trung Hoa và thơ đặc quánh.

Mình định khen album của Linh giống hai album không-thể-hay-hơn của Hà Trần khi mới bắt đầu hát, nhưng thấy không cần thiết, vì cả hai đều là những nét tính cách trong giọng hát rất đặc biệt, và vì mình đều yêu thích cả hai…