Ego

Tôi đọc những trang đầu tiên của Suối Nguồn ((http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=235004&ChannelID=172)) khi đang ngồi chờ cho hết tám tiếng quá cảnh tại một sân bay nào đó ở Tokyo. Cuốn Suối Nguồn này là do một người bạn mà tôi cho là đặc biệt với tôi tặng. Tôi ngấu nghiến cuốn sách ở một góc nhìn ra ngoài thấy hàng loạt máy bay to đùng, giữa những bước chân nhộn nhịp đi qua đi lại, xì xồ thứ ngôn ngữ mà tôi không thể hiểu tại sân bay Nhật Bản; hay vừa đọc vừa lim dim chập chờn nhìn ra cửa sổ máy bay, đọc giữa một bên là ánh sáng mờ mờ trong khoang, một bên là vẻ xanh tươi của đại dương phía dưới và mây trời phía trên; hoặc giả là vào những buổi chiều nắng nhẹ, ngồi trên xích đu trong vườn, vừa đung đưa theo gió, vừa nhấm nháp từng trang sách.

Nói từng câu, từng chữ thì hơi quá, nhưng quả thật, từng tình huống trong Suối Nguồn đều có một phần tác động không nhỏ đến nhận thức và suy nghĩ của tôi. Tôi biết rằng cái tư tưởng chủ đạo của tác giả là những gì mà từ lâu tôi – tuy mơ hồ, nhưng luôn hướng tới; tuy thế, tôi vẫn loay hoay trong cái mớ bòng bong ấy, phần hiểu, phần mù mờ, cho tới khi tôi trải qua vài sự kiện trực tiếp có liên quan.

Cũng nói thêm một chút, tư tưởng của Ayn Rand trong Suối Nguồn được khắc hoạ qua hình ảnh của nhân vật chính, dài tới gần 1200 trang, còn của tôi chỉ đơn giản trong câu: sống cho khoảng khắc hiện tại.

Tôi vốn định mượn lời của Howard Roak – nhân vật chính trong tiểu thuyết để mô tả ý mình, nhưng phút cuối nghĩ lại, tôi chọn cách diễn giải ý kiến và cảm nhận của tôi. Có lẽ điều này sẽ tốt hơn.

Trên đời này, có hai thứ nhân danh ghê tởm nhất, theo tôi, đó là nhân danh số đông và nhân danh điều tốt lành. Tiếc là, ngày càng có nhiều người đủ thông minh để áp dụng những thứ này trong các cuộc tranh luận hòng tạo thêm trọng lượng cho biện hộ của mình.
Có sự liên hệ khá mật thiết giữa cái “tôi” vị kỷ và việc nhân danh. Thực ra, những người đứng lên để hô hào, dùng những lý lẽ “nhân danh”, lại là những người có cái tôi lớn nhất. Khi cái tôi của họ lớn quá mức kiểm soát, đến mức họ sợ sệt chính con quái vật do họ tạo ra, thì họ sẽ “nhân danh” để tìm được lý do biện hộ cho chính mình.
Không phải số đông nào cũng đúng, và cũng không phải điều tốt lành nào cũng là tốt lành cho tất cả. Hai điều này cực kì đơn giản và dễ nhận ra. Nhưng để vận dụng cái “nhân danh” tốt đẹp nhất, người ta đành bỏ qua nó.

Con người thường rất ngại khi phải thừa nhận rằng mình là người ích kỷ. Nhưng quả thật, sâu trong bản thân mỗi người đều là cái tôi to đùng. Tôi có thể hiểu khi nghe câu: Tôi rất quan tâm tới anh x, chị y, cô z… nhưng lại không đồng tình với câu: tôi sống vì… Con người không thể sống vì người khác, trong cả cuộc sống lẫn trong tình yêu. Khi con người đủ nhận thức, thì việc đầu tiên họ cần làm, và người khác nên để yên cho họ làm, đó là cho họ quyền sống vì chính mình, miễn là nó không vượt đi quá mức giới hạn nào đó – theo hệ quy chiếu của gia đình, xã hội, hay luật pháp.
Khi bạn không thể yêu bản thân bạn hơn hết thảy, thì đừng nói tới việc yêu người khác.

Vị nhân sinh là tốt, nhưng trong chừng mực nào đó. Vị nhân sinh theo nghĩa tuyệt đối, lại là một cách nghĩ có phần giả tạo.

Mỗi người đều có một cái tôi. Không ai được quyền lấy đi cái tôi, hay giết chết cái tôi của người khác. Con người phải sống vì cái tôi của mình, phải tự nuôi nấng nó. Một người mà mất đi cái tôi, điều đó là thảm hoạ. Chính vì thế, việc làm ngu ngốc nhất là hướng người khác theo những gì mình muốn, khi người đấy đã đủ nhận thức, đủ trưởng thành. Lúc này, khi cái tôi của người đó đang rất mỏng manh yếu ớt, chưa kịp phát triển mạnh mẽ, đã bị bóp nghẹt, bị giới hạn. Kết quả có thể là người đó có một cuộc sống tốt lành, nhưng rất nhạt, khi cái tôi – cái cơ bản kết cấu lên chính mình đã tan biến.

Điều bi kịch là, xã hội này về cơ bản được tạo thành từ những giá trị truyền thống, nơi mà một người nhân danh, một người đẩy cái “vị nhân sinh” (theo lời người ấy nói) lên cao nhất, lại tạo được sự đồng cảm hơn những người sống vì chính mình (vốn bị đánh đồng với sự ích kỷ).

Vấn đề tiếp theo, là đi mãi theo niềm tin của mình.

Ai cũng biết, cách giết đi một người, chính là giết chết niềm tin của anh ta.

Ngay từ nhỏ, tôi luôn nghĩ mình bằng mọi giá phải sống theo những gì mình cho là đúng. Nhưng tôi thất bại.

Khi mà lẽ ra tôi phải đứng lên và chống lại cái “nhân danh” ấy, thì tôi lại để nó tác động đến tôi, dẫn tôi đi chệch với cái lí tưởng sống mà tôi đã đề ra. Tôi có thể biện hộ cho mình bằng mọi lý lẽ: vì cái “nhân danh” ấy quá to lớn, quá tốt đẹp, quá cần thiết, nhưng trong bản chất, tôi vẫn thấy coi thường chính tôi. Vào thời điểm cần thiết nhất để khẳng định cái tôi của chính mình, thì tôi buông xuôi. Tôi vẫn chưa đủ dũng cảm để nói thẳng ra là: tôi khinh bỉ và ghê sợ cái “nhân danh” của bạn.

Khi mọi việc đã xảy ra, người ta sẽ có 2 cách chọn: một là tiếp tục buông xuôi, hai là tự cải tạo chính mình để đi theo đúng cái ý nghĩa cuộc sống mà mình đã đề ra. Để không bị trượt dài, tôi sẽ chọn cách thứ hai. Tuy nhiên, đó lại là câu chuyện khác…

B.l.u.e
.