Bánh xe thời gian cứ luôn tàn nhẫn quay những vòng quay vô lượng của nó. Hôm nay nhìn lên tờ lịch treo trước cửa nhà, chợt giật mình nhận ra rằng nhanh thật, mới đấy mà đã mười năm rồi kể từ cái ngày Trịnh Công Sơn trút hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn bỏ mặc con đường mà đi về miền cát bụi.

Tôi nhớ lại, Khánh Ly trong một cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở một nơi không phải quê hương của mình (1), đã từng phát biểu ”người sáng tác và người trình bày một ngày nào đó sẽ xa, sẽ có thể chìm vào quên lãng, nhưng tác phẩm thì không”. Người ta có thể một ngày nào đó sẽ quên tên ông, những chàng trai, cô gái nơi quán cốc vỉa hè sẽ thôi bàn luận về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của ông. Có thể lắm chứ? Nhưng có một điều chắc chắn là sẽ không ai quên được các tác phẩm của ông. Vì đơn giản, nhạc Trịnh về một mặt nào đó, nó quyện và gắn chặt vào ba tiếng Hồn-Việt-Nam.

Ngày giỗ của ông, người ta bàn về ông rất nhiều, trên khắp các mặt báo, trên khắp các diễn đàn. Người ta đào sâu vào cuộc đời của ông, những cuộc tình thoáng qua trong đời ông, và ở vài nơi, còn cả quan điểm, thái độ chính trị của ông. Những cái đó với tôi nó xa vời, xa xỉ quá.

Tôi nghe nhạc Trịnh, không phải nghe cuộc đời ông, mà là nghe những tác phẩm của ông. Bởi với tôi, chỉ đơn giản, những tác phẩm đó mới làm thành một thứ gọi là nhạc-Trịnh.

***

Tôi đọc được đâu đó câu: Hát nhạc Trịnh không khó, cái khó nằm ở chỗ người nghe… tự làm khó mình (2), đột nhiên tôi nảy ra ý định viết ngắn về những bản nhạc Trịnh quen nhưng lạ. Quen ở đây là những bài mà ai đó hầu như cũng một lần từng nghe, lạ là những ca sĩ (nghệ sĩ) trình bày nó sẽ khiến bạn ban đầu nhướng mày ngạc nhiên hỏi:

– Ai hát thế nhỉ?

để rồi sau đó vỗ đùi đen đét và thốt lên:

– Tuyệt!

Danh sách này dĩ nhiên là hoàn toàn là ý kiến cá nhân của tôi, tựa như bạn đi dạo trên bờ biển và nhặt được những vỏ sò long lanh, đẹp đẽ một cách – rất – tình – cờ.

***

1. Bài đầu tiên là Tiến Thoái Lưỡng Nan do chính Trịnh Công Sơn hát, một lần tôi nghe theo kiểu cứ chọn đại trong danh sách Suggestion của youtube thì tới bài này. Video clip trắng đen, dáng vẻ gầy gò, khắc khổ trên sân khấu. Giọng nhạc sĩ khàn khàn, cuốn hút một cách kì lạ. Ông như đang hòa mình vào từng giai điệu, từng lời ca.

Tôi ấn tượng về bài hát này một phần vì nó hiếm quá, tôi nào thấy được nhạc sĩ nhiều như thế đâu, một phần vì hai chữ lận đận lập đi lập lại trong bài, đặc biệt là câu cuối ngày nay lận đận gọi là… giọt hư không nghe sao mà buồn như vậy?

Tôi tìm thấy một Trịnh – không – chỉ – của – những – bản – tình – ca, mà là một Trịnh đầy khắc khoải…

Link: http://www.youtube.com/watch?v=G-0gHDV_LJE

2. Khánh Ly đơn giản là cái tên không cần phải giới thiệu nhiều. Khi nhắc đến cô, người ta nghĩ đến nhạc Trịnh, và khi nói đến các bài hát của Trịnh, tự khắc người ta liên tưởng đến cô. Vì thế, bảo là muốn tìm được gì là lạ trong nhạc Trịnh khi nghe Khánh Ly hát e rằng hơi khó. Tuy nhiên, một ngày, trong lúc ngồi trong thư viện, tự nhiên tôi nhớ tới việc có vài bài hát của Trịnh Công Sơn được dịch ra tiếng Nhật và được đông đảo khán thính giả xứ sở hoa anh đào ưa thích. Lần mò một hồi, tôi tìm ra video clip Utsukushi Mukashi.

Utsukushi Mukashi là tên tiếng Nhật của bài Diễm Xưa, được Khánh Ly trình bày ở hội chợ Osaka vào năm 1970. Bài này sau đó được phổ biến rộng rãi qua tiếng hát của Yoshimi Tendo, một ca sĩ nổi danh ở Nhật.

Video tôi tìm không rõ có phải là thu hình vào đúng ở hội chợ Osaka không, nhưng nghe Khánh Ly hát Diễm Xưa bằng tiếng Nhật cũng là trải nghiệm thú vị, và là lạ.

Link: http://www.youtube.com/watch?v=tQszDqxLnq4

3. Cái tên kế tiếp khiến bài nhạc Trịnh trở nên lạ trong tôi là Nguyễn Đình Toàn. Tôi biết đến Nguyễn Đình Toàn nhà văn với tác phẩm Giờ Ra Chơi được ưa thích Giải Phóng, một Nguyễn Đình Toàn nhà thơ của những Hiên cúc vàng, Khi em về, một Nguyễn Đình Toàn nhạc sĩ với Tình khúc thứ nhất viết chung cùng Vũ Thành An, bài Bông hồng tạ ơn rất nổi tiếng. Nhưng đây là lần đầu tôi nghe Nguyễn Đình Toàn hát.

Album 11 ca khúc Trịnh Công Sơn của Nguyễn Đình Toàn chỉ có tiếng guitar mộc mạc vang lên, giọng ông cũng không lấy gì làm đặc sắc, ấy vậy mà chả hiểu sao tôi lại thấy quen thuộc ghê, như là người cũ hát về bài hát của một thời xa cũ vậy.

Link album: http://mp3.zing.vn/playlist/11-Ca-Khuc-Trinh-Cong-Son-Nguyen-Dinh-Toan/ZWZ9ZWWO.html

4. Kim Thoa có lẽ là một ca sĩ ít được mọi người chú ý. Nhiều người bảo rằng Kim Thoa có giọng hát rất giống Ngọc Lan – đóa hoa tài sắc vẹn toàn của nền văn nghệ hải ngoại. Thực ra tôi không kiếm được nhiều thông tin về Kim Thoa, tất cả những gì tôi biết về Kim Thoa là qua vài bài nhạc Trịnh tìm được trên mạng. Đặc biệt là ở bài Phôi Pha này, giọng hát Kim Thoa có gì đó còn truyền cảm hơn cả nữ ca sĩ Khánh Ly

Link bài Phôi Pha: http://www.youtube.com/watch?v=7qSMCilSzQ8

5. Âm nhạc luôn có những khoảnh khắc kì diệu, như là hàng ngàn người hòa mình, nghẹn ngào chỉ bởi một câu hát trong một bài nhạc nào đó. Và ca sĩ làm được điều này, dù chỉ trong một phút giây ngắn ngủi, hẳn cũng đáng để được gọi là tài năng.

Thủy Tiên không phải là một ca sĩ, hay nếu nói đúng hơn thì chưa bao giờ là một người đi hát chuyên nghiệp, nhưng nếu xét ở tiêu chí mà tôi đã nói ở trên, thì cô thật sự đã có những phút giây thăng hoa trong tiếng hát.

Trong đêm nhạc “Hàng cây thắp nến” tổ chức tại Hội quán Hội ngộ năm nào, khi nhà thơ Đỗ Trung Quân giới thiệu về một cô ca sĩ có khuôn mặt không được xinh, nhưng tiếng hát thật đẹp, có lẽ nhiều khán thính giả ở đó ngạc nhiên vì một tên tuổi còn mới lạ. Nhưng vào lúc giọng hát ấy cất lên câu Xin cho tôi nguyên vẹn hình hài, người ta sau đó kể lại rằng, cả mấy ngàn người khi đó bất giác đều lặng đi. Một cô gái với đôi mắt trong sáng nhưng giọng hát thật buồn và da diết.

Tôi tìm trên youtube bài Xin cho tôi do cô hát, lần nào nghe xong, cảm giác của tôi cũng chỉ cô đọng lại trong hai chữ: xúc động.

Link bài Xin cho tôi: http://www.youtube.com/watch?v=AFbrmU3mCIo

6. Tầm cách đây hơn một năm rưỡi, trên các mạng xã hội, diễn đàn… người ta hay chuyền tay nhau bản video clip một anh chàng người Anh đàn và hát bản Diễm Xưa của Trịnh Công Sơn. Lee Kirby có giọng hát không phải gọi là quá xuất sắc cùng việc phát âm tiếng Việt không hoàn toàn rõ ràng. Bảo rằng tôi thích thì cũng không hẳn là thích, nhưng tôi thấy lạ. Lạ không phải vì yếu tố người – nước – ngoài – hát – nhạc – Việt, mà là không hiểu sao, có đôi đoạn, tôi nghĩ rằng anh ấy đã hòa được vào cái hồn của bài hát – điều mà ngay cả các ca sĩ bản địa cũng rất khó khăn mới làm được.

Nếu bạn đã quên anh chàng Diễm xưa của xứ sở sương mù này, hay chưa từng nghe qua bản này bao giờ, thì cứ thử một lần vậy xem: http://www.youtube.com/watch?v=0LQFVPMA9rE

7. Trong số các ca sĩ trẻ hướng mình theo dòng nhạc trữ tình, lãng mạn thời điểm hiện tại thì Lê Hiếu luôn là một cái tên mà tôi thích, và thích nghe nhất. Nhận xét về Hiếu, nhạc sĩ Quốc Bảo từng viết

Giọng hát của Lê Hiếu là một giọng ca sạch sẽ hiếm hoi, nhẹ nhàng mà chất chứa những ưu phiền đằm sâu hiếm thấy ở một ca sĩ trẻ.

Vì thế, nghe Hiếu hát nhạc Trịnh, tôi thấy gì đó rất trong nhưng hoàn toàn đủ độ lắng, đọng lại như những gợn sóng nhỏ nơi tâm hồn người nghe.

Tôi nghe Mưa hồng Hiếu hát trong album Dạ khúc dương cầm phát hành tầm hai năm về trước. Mưa hồng trước Hiếu được không biết bao nhiêu tên tuổi hát, từ giọng khàn ấm của Khánh Ly, tới giọng hát sang trọng, quý phái khi Tuấn Ngọc kết hợp với Bằng Kiều. Tuy nhiên, dường như không bị chút mảy may ảnh hưởng nào từ những cái bóng quá lớn, Hiếu mạnh dạn chọn cho mình cách tiếp cận khác – dương cầm. Trong tiếng dương cầm thánh thót, giọng của Hiếu vang lên, những nốt-nhạc như hòa vào những nốt-mưa.

Một bản thu lạ tai, nhưng tôi cảm thấy thích cũng – đến – là – lạ: http://www.youtube.com/watch?v=ZOEAlz0XzlQ

8. Một người thỉnh thoảng hay được gọi là Trịnh Công Sơn nữ. Một người nổi tiếng với những gì ra ngoài khỏi sân khấu, và được mặc định là ca sĩ nhạc-Quốc-Bảo. Thật tình, tôi chưa bao giờ nghĩ ra được Lý và Mai Khôi kết hợp lại hát chung sẽ như thế nào. Nhưng, VTV9, sân khấu chỉ với hai cái ghế ngồi, hay micro cắm đứng, không ban nhạc, không hát bè, hai cây guitar và hai giọng hát, Lý và Khôi đã làm tôi bất ngờ.

Tiếng guitar đôi lúc tôi cảm thấy hơi lạc điệu, nhưng nhìn chung đó không là đáng kể, vì cách hai cô gái ấy thể hiện bài hát tuyệt quá. Để gió cuốn đi có lẽ là bài hát có câu được trích dẫn nhiều nhất trong nhạc Trịnh, vốn dĩ tưởng rất quen, nhưng lại hóa lạ nhờ cái khung cảnh kết hợp ấy.

Nếu một ngày nào đó bạn thấy mất niềm tin vào cuộc sống, hay luôn nhớ rằng tình người và lòng người rất bao la, hãy mở lòng mình ra, và để gió cuốn đi: http://www.youtube.com/watch?v=Vmqlj9V1nDU

9. Những ngày gần đây, tên tuổi của Uyên Linh không còn xa lạ nữa. Người ta nói nhiều về cô, chê có, khen cũng có. Uyên Linh hát chưa nhiều, nên khó có thể có cái đánh giá rõ ràng về cô, giọng hát cô hay dòng nhạc mà cô theo đuổi.

Có một điều rất lạ ở Việt Nam đó là các ca sĩ muốn khẳng định mình, thì phải có một giai đoạn nào đó “hát” Trịnh (trừ những tên tuổi đã rất nổi tiếng trước đó – hay cùng thời với Trịnh). Uyên Linh lên như diều không dây, rồi cũng tới ngày Linh thử sức mình với nhạc Trịnh: một thước đo vô-hình nhưng gần như là chuẩn-mực ở Việt Nam

Mời các bạn cùng xem lại bài gần đây mà Uyên Linh hát Trịnh: http://www.youtube.com/watch?v=dPwe6QIESBo Yêu Dấu Tan Theo. Liệu sau những Khánh Ly, Hồng Nhung… lại xuất hiện thêm một người – đàn – bà – hát – Trịnh nữa chăng?

10. Chốt lại danh sách nhỏ của tôi, là bài Về nơi cuối trời được cất lên trong đêm tưởng nhớ Trịnh Công Sơn cách đây không lâu.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi, ta hát tiễn đưa ông về nơi cuối trời… giọng trầm ấm của nhà thơ Đỗ Trung Quân vang lên.

Về nơi cuối trời, xin mượn bài hát qua sự trình bày của Đỗ Trung Quân và Kim Lan để kết thúc bài này, và mở đầu một ngày – nhớ – Trịnh của riêng tôi: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=XGR9-vuC4h

————————-

(1) Nguyên văn lời của Khánh Ly trong cuộc trò chuyện với Trịnh Công Sơn

(2) Từ Facebook của ca sĩ Đức Tuấn
.