Stille

Dạo này ngoài những lúc nghe các thể loại âm nhạc bất hủ như các bài ca của anh Ưng Hoàng Phúc, chị Bảo Thy, bé Xuân Mai… anh nảy ra một thú vui bệnh hoạn là bắt đầu đú theo chúng bạn nghe Metal. Sau khi lướt nát các 4rum như thegioiteenpop, jazzfordummies… anh đã khả dĩ tìm được vài band Metal để tập tành nghe.

Band đầu tiên anh học nghe là Lacrimosa, bọn này khác biệt nhiều so với các band cùng loại. Gothic mà chất nhạc nhiều bài nghe giống Doom thế cơ chứ? À, thật ra, anh cũng đâu biết Doom là gì. Mà thôi, bỏ qua, anh nói lan man rồi.

Bọn Lacrimosa này nó tham hát như heo tham ăn ấy, bọn nó ra hơn chục album rồi. Trong số những album đấy, anh thấy được nhất là ba thằng Stille (1997), Elodia (2001) và album mới nhất Sehnsucht (2009). Nhìn chung, theo anh một bài nhạc hay thì phải bao gồm hai phần: lời và nhạc. Dĩ nhiên cái tỉ lệ thì có thể chệch dần khỏi mức 50% – 50%, nhưng phải ở một mức độ vừa phải. Chứ như nhạc 100% mà lời dở như heo 0% thì là không ổn. Thế nên, cái band này, anh không thích lắm, vì đa phần chúng nó hát bằng tiếng Đức nhợn. Con bà nó, chữ Đức duy nhất mà anh biết là Adolf Hitler, vậy nên nghe bọn này hát, anh không hiểu.

Tuy nhiên, bọn này cũng biết anh dốt tiếng Đức, nên thỉnh thoảng bọn nó có chêm vào vài bài tiếng Anh (anh đồ rằng mới học xong ở lớp bổ túc). Một trong những bài tiếng Anh của bọn này mà anh đặc biệt thích là Not Every Pain Hurts.

Mấy tháng gần đây, kể từ khi bị bạn gái đá liên tiếp, và thêm một số chuyện mà ứ biết đặt tên là gì, anh đâm ra nhạy cảm với chữ Pain và Hurt. Anh nhìn tựa bài này, đã thấy tò mò: có nỗi đau nào mà lại không đau đâu chứ, thế mà đặt tựa đề như trên, hỏi có ngớ ngẩn không, phỏng ạ!

Anh không nói nhiều về nhạc, bởi nhạc bọn này anh cho là thuộc loại đỉnh cao trong dòng Gothic. Chuyện, thằng bạn anh Tilo Wolff tài năng thế mà, đã thế nó còn ảnh hưởng xíu của cụ Mozart, tuy hình thức nó hơi ngu ngu xíu, nhưng mà nó có tài. Ở đây, anh chỉ bàn về ý nghĩa bài hát.

Cha mẹ các cô các chú đặt tên, còn nhiều khi chả chính xác. Anh ví dụ, nhiều bé có tên là Nguyễn Thị Bánh Bao mà nhìn mặt như cái bánh bèo, nói gì đến từ điển. Chính vì thế, thứ mà được gọi tên là “nỗi đau” nhiều khi không đau, hay nói chính xác hơn, đến một lúc nào đó nó sẽ mất dần đi ý nghĩa cái tên của nó.

Ban đầu, nỗi đau nào cũng rất đau, từ chuyện nhỏ nhất là bị gái cắn một cái nhẹ vào mỏ, đến những chuyện to lớn hơn, phù, như bị bạn gái bỏ rơi, nhưng dần qua thời gian, có nhiều cách làm nó dịu bớt. Một trong những cách phổ biến nhất là quên nó đi. Cách còn lại là sống cùng nó. Và cách cuối cùng ngu si nhất là sống vì nó.

Anh dốt tiếng Anh bỏ bà, nhưng anh đoán là bài này nói về cách thứ ba.

Sẽ có một lúc nào đó, khi nhìn lại “nỗi đau” chỉ thấy nó như một chút gì đó nhè nhẹ, một chút gì đó đã đánh mất, đấy là khi nỗi đau không còn đau.
Sẽ có những người, sống cùng “nỗi đau” đó, hằng ngày lôi nó ra để nhớ về, đến một lúc nào đó, sẽ dần dần chai lì, đấy là khi nỗi đau không còn đau.
Lại có người, sống vì nó, xem “nỗi đau” đó như là cái đích để hướng về. Hướng về gì? Anh không biết! Có thể là để thay đổi mình. Để biết cách trân trọng điều gì đó hơn. Đấy là khi nỗi đau không còn đau.

À, bản này lời là do Anne Nurmi viết nhé. Thử xem vài câu nào

Not every pain hurts
Deep inside
When you learn to divide
Don’t fear the danger
Follow your heart to the light
Live your dream and learn to carry on

ca từ đẹp và có ý nghĩa quá.

Tuy nhiên, mọi điều không bao giờ là tuyệt đối, hình như Einstein bạn anh nói thế. Biết là vậy, mà có những thứ, qua năm tháng…

…vẫn y như ngày đầu.

B.l.u.e

p/s: link nghe thử http://www.youtube.com/watch?v=LMr8ZN-_SXY.