Skip to content

Nói về hình bóng người con gái đằng sau “Thu hát cho người” và “Ru con tình cũ”

Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say.

Cái xứ Quảng Nam đầy khô cằn, nắng gió nhưng cũng chan chứa tình ấy vốn nổi tiếng xưa nay là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, trong đủ mọi lĩnh vực. Ở đây, xin chỉ nói về thi ca, âm nhạc. Không thể kể hết những tên tuổi thành danh của xứ Quảng, chỉ có thể liệt kê đây vài ba cái tên quen thuộc. Như trong văn thơ, ta có thi sĩ điên Bùi Giáng, Thạch Lam, Nhất Linh, và gần đây là Nguyễn Nhật Ánh. Trong âm nhạc, đó là những Phan Huỳnh Điểu, La Hối, Lê Uyên Phương, Trầm Tử Thiêng, kể tiếp thì còn có Trần Quảng Nam, Vũ Đức Sao Biển, Lê Trọng Nguyễn… không sao mà liệt kê cho hết.

Thôi, tôi không nói miên man nữa, xin quay lại đúng như cái tiêu đề của bài viết: nói về hình bóng người con gái đằng sau hai ca khúc được coi như tuyệt tác trong nền âm nhạc trữ tình Việt Nam xưa – “Thu hát cho người” của Vũ Đức Sao Biển và “Ru con tình cũ” của Đynh Trầm Ca.

***

Đầu tiên, thiết tưởng cũng cần phải có đôi dòng vắn tắt giới thiệu về hai ca khúc nói trên, cùng với hai tác giả – những người con của đất Quảng tài danh.

thuhatchonguoi

Trong giới văn nghệ sĩ Sài Gòn trước đây thì Vũ Đức Sao Biển là một tên tuổi khá được chú ý. Ông tham gia viết văn, tiểu thuyết, sáng tác nhạc, viết phóng sự, biên khảo. Đối với dân mới tìm đến kiếm hiệp, thì công của ông khá lớn khi là người đi tiên phong trong công cuộc phổ biến rộng rãi kiếm hiệp đến đông đảo tầng lớp thị dân sau giải phóng.

Đối với dân ghiền chưởng như tôi, thì thật ra Vũ Đức Sao Biển để lại ấn tượng khá xấu, nhất là qua những bài biên khảo Kim Dung của ông. Đọc nhạt toẹt, như kiểu đọc văn mẫu hồi trung học. Nhưng nhìn chung, tôi không thể không thích ông được. À, dĩ nhiên là vì một thứ khác, sáng tác của ông. Nói cụ thể hơn thì là tuyệt phẩm về mùa thu “Thu hát cho người”.

Nếu bảo phải chọn ca khúc thu nào hay nhất trong dòng nhạc trữ tình Việt Nam, thì thật tình là tôi chào thua. Mỗi bài đều hay, đều đẹp theo những vẻ khác nhau. Nhưng nói về ưa thích, thì tôi thích “Thu hát cho người” – và phải là qua tiếng hát của Ngọc Lan nhất, nghe thật nhẹ, thật buồn, như một thiếu nữ đang thổn thức thổ lộ tâm tình.

Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió.
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ.

***

Đynh Trầm Ca là một trong vô số những nhạc sĩ để lại dấu ấn trong làng nhạc Việt Nam chỉ với một ca khúc (ông còn sáng tác vài ba bài nữa, nhưng những bài sau không nổi tiếng bằng). Đynh Trầm Ca tên thật là Mạc Phụ, nghe bảo ông cố tình chọn họ Đynh chứ không phải Đinh, sau một lần tranh cãi với nhà thơ khác về vấn đề “i” hay “y”.

Đynh Trầm Ca làm thơ nhiều hơn viết nhạc. Và nói chung thơ ông, cũng toàn những bài tầm tầm, thỉnh thoảng mới có vài câu xuất sắc như

Hôm qua tôi đã chết hai lần
Té ngửa bên bờ dĩ vãng xanh
Hôm nay bỗng chết thêm lần nữa
Té sấp trên đường tương lai đen…

Nhưng bài nhạc mà tôi đã nhắc đến “Ru con tình cũ” thì tuyệt vời hơn nhiều.

Ru Con Tình Cũ

Sẽ thật là khập khiễng khi đem “Ru con tình cũ” so với tuy không nhiều nhưng cũng kha khá bài nhạc viết về hình ảnh người thiếu phụ trong nền nhạc trữ tình Việt Nam, nhưng bài nhạc này mang lại những cảm xúc rất khác. Đặc biệt là hình ảnh người thiếu phụ ngồi ru con như ru tình sầu…

Ba năm qua em trở thành thiếu phụ
Ngồi ru con như ru tình sầu

và đau đáu với câu nói

Thôi anh ơi anh đừng hờn trách nữa
Đời em như rong rêu tội tình
Xin gục đầu ghi dấu ăn năn…

“Ru con tình cũ” được sáng tác vào năm 1967, tại Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, sau đó được một nữ ca sĩ nào đó trình bày. Năm 1970, tình cờ trong một đêm nhạc ở Sài Gòn, một người ở Nhà xuất bản âm nhạc Khai Sáng nghe xong bài này, thích quá, mới chuyển bản nhạc này cho Lệ Thu. Người ta bảo nữ danh ca này đã bật khóc ngay trong phòng thu âm ngay từ những câu đầu tiên của bài hát… Và từ đó, “Ru con tình cũ” đã được đông đảo các nữ ca sĩ khác trình bày, như Hà Thanh trên đài phát thanh Quân Đội Sài Gòn, sau đó là Khánh Ly, Khánh Hà, gần hơn nữa thì có Ngọc Lan.

Một ca khúc hay, rất tiếc, không hiểu sao dạo này không còn nghe các ca sĩ trẻ hát nữa, dù phong trào hát nhạc xưa đang lan rộng. Phải chăng những nỗi-buồn-thiếu-phụ ấy quá khó cảm nhận được ở một thời yên bình không loạn ly này?

***

“Thu hát cho người”, tên chính xác có lẽ là “Thu, hát cho người”, với Thu đây là tên một người con gái. “Ru con tình cũ” và một số bài thơ, nhạc khác của Đynh Trầm Ca cũng viết về hình bóng ấy. Thiếu nữ ấy tên là Thu Chuẩn. Cô Thu, khoảng thập niên sáu mươi (dựa vào năm sáng tác của hai bài trên thì tôi cho là vào tầm khoảng 1963 – 1965) là một nữ sinh trường trung học Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam. Cô có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng, nổi tiếng xinh đẹp ở thị trấn ấy. Hai chàng trai trẻ chân chất khi này đã bắt đầu dệt mộng yêu đương. Nhưng tiếc thay đó là những mối tình vô vọng khi nàng lấy chồng sớm, một anh lính pháo binh đẹp mã, oai hùng.

Thu Chuẩn

Ôm trong lòng mối tình si một thuở, vào năm 1968, trong một lần về lại quê cũ, nhớ người xưa, Vũ Đức Sao Biển sáng tác lên tình khúc để đời “Thu, hát cho người”. Giòng sông nào đưa người tình đi biền biệt…
Vào năm 1967, Đynh Trầm Ca viết “Ru con tình cũ” để tặng nàng thiếu phụ ấy, sau khi nàng đã ba năm ngồi ru con trong tình sầu. Ba năm qua em trở thành thiếu phụ…

Sau này, nghe đâu Vũ Đức Sao Biển còn có bài Thu Sài Gòn cũng để tặng cô. Còn Đynh Trầm Ca thì có bài Sông Quê cũng khá nổi tiếng, cũng nhắc đến Thu…

Về đây mới biết
Bên sông không còn mái nhà ngày xưa…

Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông
Tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?

(Bất chợt trên bến đò ngang).

***

Như Trịnh Công Sơn từng nói: Rất nhiều phụ nữ đã bỏ tôi ra đi và tôi chưa bao giờ nợ họ. Phải chăng những tuyệt tác đẹp như thế là đã trả – đầy – đủ cho một mối tình si?

220111,
B.l.u.e

P/s: Các bài nhạc được nhắc tới:
– Thu hát cho người qua tiếng hát Ngọc Lan: http://www.youtube.com/watch?v=kn_ewLdV69s
– Ru con tình cũ qua tiếng hát Lệ Thu: http://www.mediafire.com/?ni7nz1bdf7oo70q
.

2 thoughts on “Nói về hình bóng người con gái đằng sau “Thu hát cho người” và “Ru con tình cũ””

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *