Poljot Buran tuy không phải là dòng nổi tiếng nhất mà Poljot từng sản xuất, nhưng nó cũng là một con đồng hồ thú vị, mang kha khá giai thoại.
Đại loại là quay lại lịch sử tầm 70 năm trước, khi thế chiến thứ II vừa kết thúc. Lúc đấy, Đức trên cương vị là kẻ bại trận đã bị Đồng Minh, đặc biệt là Liên Xô vơ vét rất nhiều kiến thức và công nghệ. Đồng hồ là một trong số đó. Ở đây, bài này chỉ nói cụ thể tới con Poljot Buran.
Ông cụ ông kị của Buran có tên là Tutima, được sản xuất ở Đức. Nhưng khi WWII kết thúc, nhà máy rơi vào tay Hồng quân Xô Viết. Người Liên Xô khi đó thích thú với thứ mà họ tìm được, thế là không ngại ngùng gì, họ chuyển cả dây chuyền sản xuất về Liên Xô. Và họ bắt đầu sản xuất phiên bản Liên Xô của dòng đồng hồ Đức Tutima đó, có tên đầu tiên là Kirova (được cho là đặt theo tên của Sergey Kirov – bí thư tỉnh uỷ Lenigrad, người được Stalin vô cùng sủng ái), sau đó là dòng Buran được ra đời kế tiếp.
Buran được đặt theo tên phi thuyền không gian của Liên Xô thời đó. Tên tiếng Liên Xô Буран có nghĩa là ‘bão tuyết’. Thiết kế của Buran khá lạ, khi bezel của nó tựa như đồng xu khía cạnh. Buran chỉ lấy thiết kế từ Tutima, nhưng máy không xài Urofa như bậc ông cụ, mà xài một trong những máy đặc-trưng và nổi-tiếng nhất của người Liên Xô: 3133.
Đồng hồ Liên Xô, đặc biệt là 3133 thường hầm hố và cứng cáp. Poljot Buran cũng không ngoại lệ. Buran rộng 40mm (chưa kể núm vặn), dày 13mm, dài 52mm. Máy 3133 thì cũng không cần phải nói nhiều, chạy trâu bò lắm, power reserve ở những con còn tốt có thể lên tới 50 tiếng.
Mình lén con gái mua con này khi ở Việt Nam vào tháng trước. Về lại Mỹ đeo vào, mới đeo 2 ngày đã có 2 người khen. Con mình mua may mắn là còn khá mới, màu vàng ở viền chưa hề bị phai hay trầy đi. Đeo vào ai cũng bảo nhìn sang và lạ. Âu thì thôi đó cũng coi như là một lời khen…