Thường em nghĩ, trừ những ai quan tâm và đọc kha khá về đồng hồ, thì đều đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của ‘dây đồng hồ’. Em hay khuyên bạn bè mình khi mua đồng hồ, đừng nên chú ý quá đến sợi dây. Điều đó không có nghĩa là dây không quan trọng, ngược lại, dây đồng hồ quan trọng đến mức nhiều khi nó nên được dành thời gian để cân nhắc và mua riêng. Sự tương quan giữa đồng hồ và dây đồng hồ có vẻ khá giống căn nhà và lớp sơn. Nhiều khi, chỉ thay đổi màu sơn, đã thay đổi tất cả cảm giác về một căn nhà. Dây đồng hồ cũng thế.
Hãy lấy vài hình con Omega Speedmaster với các loại dây khác nhau làm ví dụ.
Đấy, cũng cùng loại đồng hồ, nhưng khi thay dây vào, nhiều khi nhìn như một con đồng hồ mới hoàn toàn.
Em viết bài này ngoài mục đích tổng hợp những kiến thức em từng biết về dây đồng hồ thì cũng mong chia sẻ đến những thầy chưa có thời gian tìm hiểu, và mong các thầy có nhiều kinh nghiệm về dây, đặc biệt là dây da, chia sẻ thêm với em.
Các loại dây đồng hồ phổ biến
1. Giả da cá sấu: đây có lẽ là loại dây phổ biến nhất. Các dây da thường được in hoa văn lên nhìn giống da cá sấu. Đa phần các loại đồng hồ dress đều có dây này, vì nhìn nó sang trọng hơn hẳn.
2. Dây đua (rally/ racing strap): dây đục những lỗ rất to dọc thân dây. Như các thầy chắc biết, một trong những việc gây khó chịu nhất khi đeo đồng hồ dây da vào mùa hè là mồ hôi từ cổ tay đổ ra sẽ khiến dây da ướt át, gây ngứa ngáy và mùi khó chịu. Các lỗ này có mục đích là làm thoáng cổ tay.
3. Luống đôi (double ridge): một loại dây rất được ưa dùng ở các dòng đồng hồ thể thao hay năng động. Gọi là ‘luống đôi’ vì 2 rìa lồi lên như 2 luống, ở giữa lõm vào. Đeo dây này sẽ hướng ánh nhìn của mọi người vào phần chiếc đồng hồ nhiều hơn
4. Dây sắt: một trong những loại phổ biến nhất, có thể làm từ thép không rỉ, mạ vàng hay thậm chí bạch kim. Được dùng nhiều trong các loại đồng hồ lặn. Ngày nay rất nhiều người có khuynh hướng đeo dress watch với dây da sắt, dù theo quan điểm cá nhân của em, đó là sự kết hợp không thật sự hoàn hảo.
5. Dây được thêu nổi lên (Contrast Stitching): được khá ưa chuộng trong khoảng thời gian gần đây, nhiều người sử dụng vì nó lạ. Thường chỉ đan/ thêu được làm khác màu để nổi hẳn lên, tạo nên một điểm nhấn màu mới. Rất nhiều người dùng loại dây này để thêm tính casual cho con đồng hồ của mình.
6. NATO/Zulu: dây tựa như dây nylon, không dùng spring bar để gắn vào mà xỏ thẳng xuyên qua spring bar. Một thời gian dài từng được xem là chỉ dành cho những loại đồng hồ rẻ tiền, nhưng càng ngày càng được sử dụng rộng rãi. Thậm chí, người ta còn có các phiên bản nâng cấp của thể loại NATO/Zulu truyền thống, thay vì sợi nylon thì là dây da.
7. Dây cao su: được đánh giá là khá casual. Được ưa chuộng vì nó rẻ, bền và tiện dụng
8. Dây vải: thường được dùng trong các loại đồng hồ kiểu quân đội hay phi công. Dây vải hay được thêu nổi màu để tạo điểm nhấn cho cái màu xanh lá đậm hay xám đơn điệu.
9. Dây đồng hồ kiểu phi công: có thêm các con ốc gắn ở chỗ tiếp nối dây đồng hồ và đồng hồ, để tăng thêm sự chắc chắn.
10. Dây mắt lưới (mesh): đây chắc là loại dây đồng hồ bị ghét nhiều nhất. Mesh đa phần làm từ thép không rỉ và được gia công theo hình mắt lưới. Nó kém trang trọng hơn loại dây thép truyền thống nhưng bù lại nhìn bớt đi được vẻ khô cứng và lạnh lẽo.
Như hình dưới là dây mắt lưới (mesh)
Khoá đồng hồ
Các loại ‘khoá’ đồng hồ thường được chia vào 2 mục chính: Clasp và Buckle.
Buckle như hình dưới đây hết sức dễ hiểu, hãy cùng em điểm qua nhanh và đi vào loại Clasp phức tạp hơn
Như đã thấy, buckle chỉ đơn giản là miếng sắt nhỏ được xỏ qua các lỗ trên đồng hồ để cố định, là loại truyền thống từ xưa đến nay. Còn Clasp, Clasp có các loại sau:
1. Clasp cánh bướm (clasp ẩn): em không biết tại sao nó có tên này, có thể vì khi mở ra, nó bung xoè như hình cánh bướm chăng (?), nhưng đây là loại Clasp ẩn nên nếu không có kinh nghiệm mở sẽ rất khó mở
Loại clasp này khi đóng vào rồi thì không thấy sự khác biệt, muốn mở phải luồn tay vào dưới dây để ấn bật lên
2. Flip Clasp: hãy nhìn hình minh hoạ
loại clasp này khác với loại clasp trên và loại sau ở việc nó phải xỏ qua dây rồi mới ấn vào. Nhìn hình trên sẽ thấy đoạn dây lòi ra, sau khi ấn hai bên clasp vào rồi sẽ xỏ tiếp đoạn dây lòi ra đó vào keeper.
3. Clasp chắc chắn: thường được sử dụng trong các loại đồng hồ đắt tiền, để luôn đảm bảo đồng hồ sẽ nằm chắc chắn trên tay, không rơi xuống vì những sự cố đáng tiếc như lỏng khoá hay mối nối bị bật ra.
Như trong hình, khi bên trái ấn xuống, phía bên phải sẽ có nắp để ấn đóng chặt lại lần nữa, và nắp này rất khó mở trừ khi nhấn hai nút bật hai bên đồng thời.
Các thuật ngữ kĩ thuật
Phần này em sẽ nói cực kì ngắn gọn, vì em nghĩ đa phần đều biết những kiến thức cơ bản này rồi. Ngoài những từ như buckle, clasp… đã nói ở trên, thì khi nói về dây đồng hồ, nên biết những thuật ngữ sau:
1. Spring bar: là thanh nhỏ để nối dây vào đồng hồ. Thường spring bar sẽ được xỏ vào dây và được cho một cách khéo léo vào đồng hồ (như trong hình minh hoạ).
Kĩ thuật lấy spring bar ra là một trong những kĩ thuật cơ bản nhất, nhưng không hẳn dễ thực hiện. Thường để lấy spring bar, ta hay dùng một bộ dụng cụ chuyên dụng. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khác nhau, có thể do dây da làm quá dày, spring bar hai đầu làm quá ngắn chỉ ấn vô vừa đủ… khiến việc lấy spring bar ra nhiều khi là cả một cuộc vật lộn vất vả.
Để lấy spring bar ra, ta có thể dùng dụng cụ gắng len vào kẽ hở giữa dây và cạnh đồng hồ, ấn nhẹ xuống và hơi đẩy về hướng ngược lại với hướng cạnh đồng hồ. Và nhớ chú ý luôn úp mặt đồng hồ xuống, để lỡ trật tay thì không bị trầy mặt đồng hồ
2. Lug: đây là thông số cần biết nếu muốn mua dây đồng hồ. Thường dây đồng hồ có các loại: 16mm, 18mm, 20mm, 22mm tương ứng với độ rộng của lug.
Các loại da đồng hồ
Thường dây đồng hồ da là thứ được dùng để tăng thêm đẳng cấp và giá trị của đồng hồ. Dĩ nhiên, trên lí thuyết thì da con vật nào cũng làm được đồng hồ, nhưng thông thường, nguyên vật liệu làm da đồng hồ chỉ quanh quẩn vài loại chính, có lẽ vì độ phức tạp khi làm dây da đồng hồ.
– Đầu tiên, dây phải mỏng vừa đủ. Điều này phụ thuộc lớn vào loại da và kĩ thuật của người thợ thủ công.
– Kế tiếp, da phải bảo đảm xài lâu màu theo thời gian sẽ đẹp. Dĩ nhiên không ai trông đợi dây da sẽ đi cùng với con đồng hồ qua vài chục năm tuổi thọ của nó, nhưng ít nhất cũng phải xài tốt trong thời hạn vài năm.
– Cuối cùng là vì dây đồng hồ phải tiếp xúc với da tay người đeo ở các điều kiện thời tiết khác nhau, nên nó phải bảo đảm không gây mùi khó chịu, không gây cảm giác ngứa ngáy cho người đeo.
Vì lẽ đó, làm dây đồng hồ hay có các loại da sau:
1. Da thường: là các loại da rẻ tiền, thường nhiều nhất là da bò hay da dê. Loại da này là loại chiếm đa số và thường thấy ở các trang bán hàng thủ công. Tuy chỉ là da không mắc lắm, nhưng nếu biết cách chọn thì vẫn có thể tìm được nhiều loại dây đồng hồ độc và nhìn rất phá cách.
2. Nappa sheep (từ da cừu): loại da này về cơ bản vẫn rẻ nhưng khác với da bò ở chỗ nó nhìn không gồ ghề bằng nên tạo cảm giác mềm mại lẫn sang trọng hơn. Tuy nhiên điều đáng chú ý là độ bền của nó không cao
3. Da cá sấu: được hầu hết các loại đồng hồ mắc tiền sử dụng. Nói kĩ hơn thì dường như người ta phân ra là cá sấu mõm ngắn (gator) và cá sấu (croc). Trong đó loại da làm từ gator hiếm hơn vì cá sấu mõm ngắn số lượng ít hơn. Dù cả 2 nhìn bề ngoài không khác biệt lắm, nhưng thường dây croc giả xuất hiện trên thị trường nhiều hơn, vì rất dễ dàng để ai đó cam đoan rằng ‘dây cá sấu (croc) này tôi lấy ở trang trại nuôi của người quen’, trong khi Gator thì không rộng rãi thế.
4. Da thằn lằn: thường được sử dụng ở các loại đồng hồ vintage xa xưa, đặc biệt là những đồng hồ mỏng. Da thằn lằn đem lại bề mặt đan xen li ti, hợp với những con đồng hồ mỏng và thanh lịch
5. Da đà điểu: nhiều người thích da đà điểu vì nó khá mềm, bề mặt lạ không đồng đều và nó bền.
6. Da cá mập: một lựa chọn được ưa thích của những ai mê đồng hồ lặn. Da cá mập khi gặp nước bề mặt đang từ khá phẳng sẽ nổi lên những cục phồng gồ ghề hay những đường nhăn.
Những nơi bán dây đồng hồ
Dưới đây em xin giới thiệu một số chỗ bán dây đồng hồ uy tín. Xin lưu ý list này có được qua một thời gian dài lăn lóc, tìm hiểu của em từ các forum, trang web khác nhau. Đa phần trong đây là từ review của người khác, không phải của chính em, vì vậy các thầy chỉ nên xem list này như là gợi-ý. Và list này toàn là các trang ở nước ngoài thôi nhé, các tiệm hay handmade ở Việt Nam cũng có nhiều mà em chưa có điều kiện để trải nghiệm.
Dây xịn
1. Hirsch: một trong những brand về strap đồng hồ được đánh giá cao nhất. Hirsch bán khá nhiều loại dây đồng hồ, nhưng những gì làm nên tên tuổi họ là dây đồng hồ làm từ da cá sấu. Em nhìn và đọc qua giới thiệu thì thấy da cá sấu bọn này làm là hàng thật, làm khéo và khá bền. Đa phần những review em đọc về Hirsch Strap là rất tích cực.
2. Crown & Buckle: đây có lẽ là brand về strap đồng hồ được biết đến rộng rãi nhất trong cộng đồng chơi đồng hồ, bởi ngoài chất lượng rất tốt, đội ngũ làm social media của họ luôn rất tích cực hoạt động trên các forum về đồng hồ (worn&wound từng có bài phỏng vấn họ tại đây). Em có cảm giác các dây của Crown & Buckle làm rất lịch-sự, ở đây nghĩa là gọn gàng và thanh nhã. Họ làm đủ loại, từ Nato/Zulu đơn giản cho tới các loại da thường, và cả da khá cao cấp.
3. Horween Shell Cordovan: được nhiều người xem như công ty làm các sản phẩm từ da (đặc biệt là da mông ngựa) tốt nhất thế giới, Horween cho ra đời đủ loại sản phẩm: giày, túi, thắt lưng… Và dây đồng hồ. Dây đồng hồ của Horween được đánh giá cao bởi sự sang trọng và tinh tế, và cả cái hồn của nó – điều chỉ có được ở những tên tuổi gạo cội đã tồn tại và phát triển qua cả thế kỷ. Nghe đâu từng dây đồng hồ của Horween đều được lấy từ da ở mông ngựa và quá trình nhuộm màu để ra được màu đẹp và thật như thế kéo dài tới tận 6 tháng.
Dây lạ
1. Bonetto Cinturini: có lẽ là hiệu làm dây cao su nổi tiếng nhất. Dây cao su không được đánh giá cao về gout-thời-trang trong giới chơi đồng hồ, nhưng thỉnh thoảng, cũng có đôi ba khi những tay mê đồng hồ thèm cảm giác được đeo con diver và dây cao su của mình rồi nhảy ùm lặn xuống nước. Khi đó, có lẽ Bonetto Cinturini là lựa chọn tuyệt vời nhất.
2. Isofrane: được quảng cáo như dây sinh ra chỉ để dàh cho dân lặn, Isofrane mắc một cách khủng-khiếp. Vì giá tiền như thế, Isofrane luôn là một đề tài được bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều trên các forum đồng hồ. Nhiều người cho rằng giá Isofrane là quá mắc so với chất lượng tương ứng, nhưng những người ủng hộ thì cho rằng độ bền, sự mềm mại và tiện lợi của Isofrane là đủ để bù vào cái sự đắt đỏ ấy.
Worth Checking: Rubber B
3. Bradystrap Sailcloth: được xem là tên tuổi đầu tiên làm dây đồng hồ từ vải-cột-buồm. Oh well, có nhiều người với sở thích chèo thuyền buồm nói rằng đây không thật sự là vải-cột-buồm, chỉ có pattern như vải cột buồm thôi. Cái này thì thật sự em không chắc, chỉ nêu thông tin em từng đọc được thôi. Dây Bradystrap có vẻ cứng cáp khô ráp của vải dù làm buồn, lại có sự mềm nhẹ như lướt sóng, chắc là nhờ các mũi đan xen nhau.
Dây NATO/Zulu
NATO và Zulu vì rẻ + dễ làm nên có rất, rất nhiều hãng, hay cá nhân làm dây này. Thật ra sự khác biệt giữa các hãng có tiếng và các cá nhân làm phải qua sử dụng lâu dài mới biết. Em từng mua dây NATO/Zulu của các cá nhân làm handmade, qua một thời gian là thấy vải bị sờn và tước ra lỉa chỉa trông rất xấu, trong khi đó từ các hãng lớn làm thì dây xài bền hơn. Em xin giới thiệu vài tên tuổi.
1. Maratac: là tên tuổi nổi bật nhất trong số những hãng làm dây NATO/Zulu, điều rõ nhất làm nên khác biệt giữa Maratac và các hãng khác là dây của Maratac nhìn mạnh mẽ và cứng cáp kiểu nhà-binh hơn. Nhìn chung em ấn tượng nhất với phần ring kim loại của nó, nhìn cực kì chắc chắn và cứng cáp.
2. Timefactors : đây là tên tuổi không lép vế quá so với Maratac. Các dây NATO/Zulu của Timefactors chất lượng cũng rất tốt, nhìn chung nếu phải so sánh thì chắc chỉ kém Maratac nửa điểm.
3. Da Luca: giá cả rất cao (được cho là tương ứng với chất lượng), em hoàn toàn không chú ý gì tới bọn này lắm, vì dây NATO/Zulu ở tầm giá này thì ngoài khả năng cân nhắc của em, nhưng cũng xin giới thiệu ở đây cho các thầy có nhu cầu.
Worth Checking: Gnomon, International Watchman Inc, natostrapco
Kết luận
Bài khá dài nên em tạm dừng ở đây. Em còn định giới thiệu thêm về những trang web, địa chỉ bán dây đồng hồ chất lượng mà em biết, hay được động đồng review tốt. Tuy nhiên, cũng đã một thời gian em không xem và đọc lại coi chất lượng của các nơi đó thế nào nên không dám viết bậy bạ, sợ mọi người mua phải hàng kém chất lượng. Nhưng nếu ai cần thì cứ liên lạc em, em có thể đưa tên và địa chỉ trang web để tự check.
Bài còn nhiều thiếu sót, đặc biệt càng về cuối viết càng đuối, nên mong nhận được sự đóng góp ý kiến từ mọi người.
B.l.u.e
Mình ở SG cho mình hỏi ở đâu bán khóa butterfly clasp. Mình kiếm mà lại không thấy. vô hảng thì báo giá khóa không là $126. Mong bạn giúp đỡ.
Cho mình hỏi thêm làm dây ở da làm ở đâu đẹp. THanks bạn
Gửi chủ bài viết, mình muốn hỏi địa điểm bán dây maratac ở chỗ nào ở hà nội nhỉ? Cảm ơn bạn trước!
Cái này thì mình chịu, mình ở nước ngoài nên toàn mua trực tiếp trên các trang đó. 😀 Ở Hà Nội thì chắc order rồi nhờ dịch vụ ship hàng ship về giùm thôi.
Xin chào B.l.u.e,
Chúng tôi đến từ The Undercut, blog chuyên về thời trang và phong cách sống dành cho giới trẻ Việt Nam. Chúng tôi rất muốn được cộng tác với B.l.u.e, xin được mạn phép xin địa chỉ email để tiện bày tỏ :).
P/s: Một bài viết rất hay và tâm huyết! (y)
Địa chỉ email của mình là ng.hoanghai@gmail.com 😀 Cám ơn lời nhận xét của bạn
Pingback: Dây đồng hồ: “Phụ” nhưng không thể bỏ qua | The Undercut
Bài viết của bạn quá tuyệt, như mở mắt cho mình về chủ đề dây đồng hồ.”
Mình đang ở HN, bạn có biết địa chỉ nào uy tín bán dây đồng hồ thì chia sẻ cho mình và mọi người với. Cảm ơn bạn.
Bài viết rất hay. Cho mình hỏi có chỗ nào o tphcm bán dây cao su của rolex không bạn. Thanks