Skip to content

Kế hoạch 14 năm của Đức đã huỷ diệt Brazil thế nào

(bài dịch từ Business Week).

—-

Khi trận đấu càng đi dần vào những phút cuối, càng khó để có thể tiếp tục thưởng thức nó. Cũng tội cho Andre Schürrle, tiền đạo vào thay người bên tuyển Đức trong hiệp 2, vì cậu ấy không thể ăn mừng 2 bàn thắng của mình một cách vui vẻ như Thomas Müller, khi anh này nổ phát súng đầu tiên vào phút thứ 11. Một người bạn của tôi xem trận đấu tại quán bar nơi Berlin kể rằng, thời điểm Oscar, cuối cùng, cũng ghi được bàn danh dự cho Brazil vào phút 90, tất cả người Đức đều tặng Oscar một tràng vỗ tay nhẹ như lời an ủi và sẻ chia.

Không nghi ngờ gì việc Brazil thi đấu dưới sức hôm thứ 3 rồi, và nếu nói rộng hơn, là xuyên suốt kì World Cup. Tất cả các chiến thắng của họ đều may mắn, suýt sao, hoặc cả hai. Nhưng chiến thắng của Đức không phải do Brazil đột nhiên tan vỡ mong manh. Mà là Đức đánh bại đội chủ nhà bằng thứ bóng đá đầy chính xác và cảm hứng – thứ bóng đá mà họ đã chơi ngay từ giây phút bắt đầu giải đấu. Đây không phải ngẫu nhiên, không phải là món quà Thượng Đế đã gửi tới cho họ: một thế hệ vàng đầy tài năng. Đây là kết quả của kế hoạch đã kéo dài 14-năm, đãi cát tìm vàng từ hơn 80 triệu người Đức, để tìm ra những đứa trẻ có thể thật sự chơi bóng, huấn luyện chúng ngay khi nhỏ, và đưa chúng từ từ lên chuyên nghiệp.

Tất cả các quốc gia đều làm như thế, ồ, hoặc là gần gần thế. Bỉ chẳng phải cũng làm tốt lắm đấy ư? Nhưng sau trận đấu hôm nay, không ai có thể phủ nhận rằng Đức thực hiện việc đó tốt nhất.

Ở Euro 2000, khi Đức bị loại ngay từ vòng đấu bảng, sự giận dữ lan tràn khắp cả quốc gia. Liên đoàn bóng đá Đức lúc đấy mới cho ra đời một kế hoạch. Theo truyền thống ở Châu Âu, đào tạo và phát triển cầu thủ trẻ là việc của các câu lạc bộ. Vài câu lạc bộ, như Bạch Xà (Barcelona) hay Ajax, vốn có truyền thống tốt đẹp với học viện bóng đá trẻ của họ hàng năm đều sản sinh ra nhân tài. Nhưng LĐBĐ Đức cho rằng, như thế vẫn để sót tài năng, và vào năm 2002, họ tiến hành một chương trình tìm kiếm trên phạm vi toàn quốc gia.

LĐBĐ Đức đứng ra tổ chức các chương trình trên khắp các vùng lãnh thổ trên nước Đức, nơi các Huấn luyện viên (có chứng nhận từ LĐBĐ) bắt đầu dạy các kĩ năng chơi bóng cho những đứa trẻ mới-6-tuổi. Rồi sau đó, là việc của các tuyển trạch viên, đi khắp nơi để tìm kiếm những đứa trẻ đã-8-tuổi đủ kĩ năng để đào tạo cao hơn.

Ngoài ra, tất cả CLB ở giải hạng nhất và hạng nhì Bundesliga phải lập một câu lạc bộ bóng đá trường trung học (cấp 3) của riêng mình. Trong khoảng từ năm 2002 – 2010, số tiền mà các đội chuyên nghiệp bỏ ra cho việc đào tạo tài năng trẻ đã tăng gấp đôi, lên tới tầm 85 triệu euro mỗi năm. Và những gì bỏ ra đã đạt được thành quả. Hãy thử nhìn vào thế hệ cầu thủ của Đức Julian Draxler (19), Andre Schürrle (22), Sven Bender (24), Thomas Müller (23), Holger Badstuber (24), Mats Hummels (24), Mesut Ozil (24), Ilkay Gündoğan (22), Mario Götze (20), Marco Reus (23), Toni Kroos (23)… danh sách còn nữa.

Müller, Kroos, Schürrle là những anh chàng đã ghi 5 trong số 7 bàn trận rồi. Và cỗ máy sản xuất tài năng của Đức, nên nhớ rằng, vẫn chỉ mới bắt đầu hoạt động. Một cậu bé 6 tuổi vào năm 2002, giờ đây cũng mới chớm 18 mà thôi.

Chúng ta yêu thích World Cup, bởi vì nơi đây, chúng ta thấy được sự cạnh tranh gay gắt giữa các quốc gia. Vài đất nước may mắn, như Argentina có thiên tài Lionel Messi, Bồ Đào Nha có Cristiano Ronaldo. Nhưng một đội tuyển quốc gia nên được vận hành như một cỗ máy, với một kế hoạch chạy dài hơi, bền bỉ qua vài thập kỉ, để tìm kiếm và đào tạo tài năng.

Đức không may mắn có những cầu thủ như Leo hay Ronaldo. Nhưng họ theo đuổi và làm đến cùng kế hoạch của họ. Vì vậy, ắt không lấy gì làm ngạc nhiên lắm, khi Đức đá tốt thế này.

—-

Dịch ý là chính. Chưa check lại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *