Có những người thích sưu tập đồng hồ theo một chủ đề nào đó, hoặc là chẳng có chủ đề gì sất. Đại loại, có người chỉ thích diving watch, có người thích minimalist watch, có người thích đồng hồ Đức, người mê đồng hồ Liên Xô… Nhưng dù gì đi nữa, thì hầu hết đều ít nhất tìm cho mình một con Birth year watch để bổ sung vào bộ sưu tập. Vậy birth year watch là gì? Tại sao hầu như ai cũng muốn tìm cho mình một con như thế?
Birth year watch đơn giản là đồng hồ được ra đời cùng năm với mình. Cảm giác khi đeo một con Birth year watch thích lắm, nhất là lại là thứ có liên quan đến thời gian. Nhiều lúc đeo nhìn vào và bất giác thấy vui và tự nhủ: “này, bọn mình bằng tuổi đấy. Mày có trải qua những mốc thời gian như tao không? Vào năm mày 14, 17, 19… tuổi, trong khi tao bắt đầu biết xao động yêu đương, biết buồn vui thương nhớ, thì mày làm gì? Mày đang ở trên tay ai?”.
Nói thì hơi sến, nhưng Birth year watch nhiều khi mang lại cảm giác đặc biệt thế đó. Như có nhân chứng thời gian cùng với mình 🙂
Và, hãy để mình kể về quá trình tìm Birth year watch của mình: con đồng hồ ra đời năm 1987.
I. Các lựa chọn
1. Đầu tiên là Swatch, đơn giản là vì bọn này… mỗi năm đều ra một loại. Nghĩa là loại năm 85, 86 chả khác gì năm 87, 90… chỉ là mang một con số khác nhau. Vậy nên khi mình đấu giá hụt con Watch rất đặc biệt chỉ sản xuất mỗi dịp Giáng Sinh 1987 (trên mặt có hình bông tuyết), thì tức khắc mình bỏ qua lựa chọn này.
2. Seiko 6309-729A, loại này của Seiko được sản xuất trong khoảng từ 1984 – 1988. Con này giá cả phải chăng, nhìn cũng được. Seiko có số seri nên thường rất dễ nhận ra ngay nó được sản xuất năm nào.
3. Rolex Oyster Perpetual. Ờ con này giá $7000. Bảy ngàn đô. Thế nên khỏi nói nhiều. Mà thật ra mình cũng không mê Rolex lắm.
4. Omega Speedmaster DayDate 1987. Con này giá dao động từ $2,500 – $3,500. Nếu mà mình giàu giàu giàu chắc tầm chục năm nữa mình sẽ mua huhuhu. Con này nhìn đẹp quá.
II. Đồng hồ Liên Xô?
Well, dĩ nhiên với một đứa thích mê đồng hồ Liên Xô như mình, thì tìm được một con Birth year watch sản xuất năm 1987 tại Liên Xô ắt là số dzách. Tuy nhiên, khó, khó lắm. Chi tiết đầu tiên khả dĩ có thể nghĩ đến là vào năm 1987, để kỉ niệm 70 năm ngày Cách Mạng Tháng Mười Liên Xô (Tháng Mười Đỏ), Vostok có cho ra mắt con đồng hồ Amphibia đặc biệt.
Mình đi tìm con này khắp mấy tuần trên Net, nhiều lúc đăng kí các forum để pm thành viên có con đồng hồ này để hỏi xem họ có bán lại không, rất tiếc là không được may mắn.
Kế đó, mình chuyển hướng sang dòng Poljot Sturmanskie huyền thoại của Xô Viết xem có cách tìm được con nào sản xuất năm 1987 không, vì dòng này mỗi thời kì có một kiểu rõ ràng dễ phân biệt (màu mặt đồng hồ, chữ, font…). Tuy nhiên, những tay chơi rành đồng hồ Liên Xô nhất cũng không tay nào có thể biết chính xác con Poljot Sturmanskie nào chính xác ra đời vào năm nào (chỉ biết trong khoảng thời gian xê dịch 4, 5 năm). Tưởng hi vọng vụt tắt thì tình cờ một ngày mình được đọc blog của một tay Hà Lan cũng sưu tập đồng hồ. Thấy ngay một con Poljot Sturmanskie mà ở máy có ghi rõ ngày sản xuất 87 – con hiếm hoi và duy nhất mà mình thấy có ghi như thế.
Mình gửi email cho tay này, rất may sau một hồi nói chuyện, hắn đồng ý nhượng lại cho mình. Vấn đề tiếp theo là tiền ship từ Hà Lan qua Mỹ quá mắc, và qua Mỹ sẽ dính thuế hải quan 15-20% nữa. May sao mình đang phân vân thì tay ấy bảo: “tầm 3 tuần nữa tao qua Mỹ đọc diễn văn ở trường đại học bên đó” (vãi cmn hoành tráng), tin thì đợi tao qua tới Mỹ tao ra Fedex chuyển cho. Nói chung email qua lại trao đổi các vấn đề về đồng hồ Liên Xô với tay này tầm 15, 20 email rồi, nên mình cũng khá yên tâm. Thật ra tính mình cũng hay tin người, nhưng may là mình không bị lừa lần này.
Hôm nay đi làm về, thấy gói Fedex được đặt trước cửa, không kiềm được sung sướng, chưa kịp thay đồ rửa mặt, mình lôi ra ngắm nghía ngay. Trong email tay Hà Lan có bảo, tao cho mày cái hộp đặc biệt đẹp, vì đây là birth year watch của mày. Quả đúng thế. Và không những chỉ có hộp, đồng hồ cũng đẹp bất ngờ. Share đây vài tấm hình
Các bạn vào chúc mừng mình đi 🙂
—-
Thông tin thêm về con Poljot của mình. Poljot Sturmanskie là loại đồng hồ đặc biệt được sản xuất riêng cho phi công, quân đội và các nhà du hành vũ trụ của Liên Xô, không bán cho dân thường. Tuy nhiên, sau này khi Liên Xô tan rã, các quân nhân ngày nào bắt đầu đem bán Poljot Sturmanskie ra ngoài, vì vậy trên thị trường mà để ý tìm vẫn có.
À, hiện mình và tay Hà Lan vẫn nói chuyện đều. Tay ấy vừa khoe mình đọc diễn văn diễn thuyết gì rất thành công. Hắn hỏi mình nhiều thứ về cuộc sống bên Mỹ, thắc mắc những câu rất buồn cười như sao bên bọn mày nhà cửa san sát thế (bố khỉ, anh tới New York thì nhà cửa nó thế đúng rồi), sao bọn mày khoái ăn chip thế… và bàn về thú chơi đồng hồ Liên Xô khá nhiều. Nói chung đây là một tay thú vị. Rất vui khi quen được một người thế.