Skip to content

STRELA 3133 – My Holy Grail

Tôi từng đọc đâu đó rằng: “Thứ trang sức duy nhất mà một người đàn ông nên đeo là đồng hồ”. Tôi bắt đầu tìm hiểu về đồng hồ chưa lâu, cũng chỉ mới chập chững, nhưng chưa từng dứt niềm yêu thích với nó. Tôi có thể bỏ hằng chục phút ngồi lì chỉ để ngắm từng mặt kiếng, từng chữ số, từng cây kim ở những bức hình tìm thấy trên mạng, và ao ước nó là của mình.

Tôi mê sự thanh nhã đồng hồ Thuỵ Sĩ, tôi mê nét đẹp chuẩn mực đến ngỡ ngàng từ những chiếc đồng hồ Đức quốc, hay là nét giản đơn rất riêng của Seagull 1963 từ Trung Quốc (tại sao liệt kê tên ở đây, vì đây là chiếc đồng hồ Trung Quốc duy nhất tôi thích). Nhưng trên hết, tôi phát cuồng vì đồng hồ Liên Xô.

Đồng hồ Liên Xô với nhiều người xấu, rất xấu, nhưng với tôi, đồng hồ Liên Xô có thứ gì đó không cưỡng lại được. Nó mạnh mẽ, thô ráp nhưng cũng đầy tinh tế và tỉ mỉ. Đeo trên cổ tay chiếc đồng hồ Liên Xô có cảm giác như chạm vào những thiếu nữ Xô Viết đầy mạnh mẽ hoang dại nhưng cũng thật duyên dáng. Và đã nói đến đồng hồ Liên Xô, thì phải nhắc đến cái tên STRELA.

Tôi yêu STRELA từ cái nhìn đầu tiên. Xin nhắc lại, từ cái nhìn đầu tiên. Không phải ngẫu nhiên mà ngày xưa người ta hay đùa: “Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ”. Thật ra, trong dòng đồng hồ loại trung, thì STRELA của Liên Xô không thua gì những tên tuổi như Hamilton hay Tissot về chất lượng. Còn về lịch sử, STRELA 3017 từng được xem là ‘đồng hồ biểu tượng’ của một Liên Xô vững mạnh.

Trong lịch sử ngành không gian, Speedmaster (Omega) của Mỹ và Strela của Liên bang Xô Viết là 2 biểu tượng lớn nhất. Năm 1965, phi hành gia Ed White của NASA thực hiện những bước đi trên vũ trụ, và trên tay mang chiếc đồng hồ hiệu Omega Speedmaster. Nhưng đó cũng chỉ là lần thứ 2, vì vài tháng trước đó, phi hành gia huyền thoại Alexi Leonov là người đầu tiên bước đi ngoài không gian, và trên tay ông, là chiếc đồng hồ STRELA đầy biểu tượng này.

Kể từ đó, STRELA 3017 trở thành loại đồng hồ quen thuộc được các phi công và phi hành gia Liên Xô đeo trên tay. Và tới ngày nay, với những tay mê đồng hồ Xô Viết, thì STRELA là niềm mong mỏi và ước ao.

—–

STRELA 3017 là huyền thoại. Tuy nhiên, nhược điểm của những chiếc đồng hồ làm từ thời xa xưa dần bộc lộ: đó là khả năng chống shock và chống áp lực của nước kém. Đây là nguyên nhân Poljot quyết định ‘thiết kế’ lại STRELA, vẫn dựa trên nguyên mẫu từ 3017, nhưng sử dụng máy Poljot 3133 vốn được dân thích đồng hồ Liên Xô xem như số 1. STRELA 3133 được thiết kế lại hiện đại hơn, mạnh mẽ và chính xác hơn, và nhìn thanh hơn một xíu.

—–

Tôi mong STRELA 3133 từ rất lâu, hằng ngày vào nhìn đi nhìn lại trên web rồi tiếc nuối vì số tiền khá mắc. Nhưng sau một hồi cân nhắc, tôi bước vào quá trình dành dụm tiết kiệm tiền. Đúng ra mà nói, với công việc và lương tháng hiện nay, một tháng có mua cả chục cái như thế này cũng đủ, nhưng cảm giác để dành từng đồng một, ngày nào cũng vào nhìn thèm thuồng, và mong đợi đến ngày mình đạt được mục tiêu rất rất thích.

STRELA ship tới nhà tôi hôm qua lúc tôi đang ở công ty. Và vì tôi không có nhà, nên phải để ngày hôm sau em gái tôi ra bưu điện lấy, đến tối nay đi làm về mới có được. Một ngày này thật dài và mong đợi. Khi làm về, tôi chạy thật nhanh, về đến nhà chưa kịp thay đồ đã phải lôi đồng hồ ra ngắm nghía và thử. Nhìn ở ngoài còn đẹp hơn nhiều so với trên mạng. Cảm giác trên tay đeo chiếc STRELA này đúng là chỉ có một chữ: ĐÁNG; à, hai chữ: RẤT ĐÁNG.

No. 160 Marie Antoinette Breguet
No. 160 Marie Antoinette Breguet

B.l.u.e

2 thoughts on “STRELA 3133 – My Holy Grail”

  1. Mới chơi sang đồng hồ Liên Xô, tình cờ ghé vào trang của bạn, đọc những bài viết rất thú vị và bổ ích. Rất cám ơn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *