Lịch sử chung
Tự nhiên mình lại muốn nói về đồng hồ lặn (diving watch). Thật ra ngày nay thì công nghệ làm đồng hồ đã tiến được một bước quá xa, nên ngay cả những con đồng hồ khá-bình-thường cũng đều có những tính năng như một con đồng hồ lặn. Có câu nói mà mình đọc và khá nhớ rõ: Ngay cả những anh thợ lặn hiện giờ cũng không đeo đồng hồ chuyên-để-lặn nữa. Thế nhưng, nếu nói về lịch sử, thì lịch sử của đồng hồ lặn, theo mình, cùng với đồng hồ cho phi hành gia, là những câu chuyện lí thú nhất.
Đối với những tay thợ lặn, thì việc có một thiết bị có thể đánh dấu thời gian là một trong những điều tối quan trọng. Khi ở một mình dưới làn nước lạnh giá và tối đen, thứ duy nhất mà họ có thể tin tưởng ngoài bình dưỡng khí của mình, đó là chiếc đồng hồ lặn – ở trong một khoảng không gian nơi thời gian dường như ngừng lại thế.
Các nhà sản xuất đồng hồ đã tìm tòi để thiết kế ra những con đồng hồ có thể chống nước từ những năm của thế kỷ thứ 17, và vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu điều kiện công nghệ và kĩ thuật không cho phép nên mãi đến năm 1926, chiếc đồng hồ chống thấm nước đầu tiên mới ra mắt. Lịch sử ghi tên “Oyster” của Rolex như thế. Tuy nhiên, đồng hồ lặn đầu tiên được đưa vào sản xuất và bán ra rộng khắp được ghi nhận là Marine của Omega, được giới thiệu lần đầu vào năm 1932. Và sau hàng trăm hàng ngàn thử nghiệm cùng cải tiến bởi những nhà làm đồng hồ có tiếng, vào tháng 5 năm 1937, Omega Marine đã đạt được tầm cao mới khi có thể chống được áp lực nước ở tận độ sâu 135m.
Tuy nhiên, đúng ra mà nói, những chiếc đồng hồ trên được thiết kế khá ‘ăn gian’. Chúng không phải là một chiếc đồng hồ chống nước, mà là một chiếc đồng hồ bình thường bỏ vào một cái hộp chống nước.
Phải đến tận thời thế chiến thứ 2, những mẫu đồng hồ-lặn đúng nghĩa mới xuất hiện, nhờ sự chạy đua công nghệ mong trở thành người dẫn đầu và chiếm lĩnh cái thị trường đầy béo bở này giữa các ông lớn như Hamilton, Elgin, Waltham…
Cùng thời điểm đó, ở Liên bang Xô Viết, có một công ty còn khá trẻ cũng nhảy vào nghiên cứu để sản xuất đồng hồ lặn. Họ là Vostok. Và những nhà thiết kế tài năng đến từ Vostok đã làm mọi người ngạc nhiên khi mẫu đồng hồ lặn của Vostok – và đến giờ vẫn được xem như một trong những biểu tượng của ngành đồng hồ Xô Viết – Vostok Amphibia ra đời.
Điều gì đã khiến những kẻ yêu thích đồng hồ Xô Viết, bên cạnh những con thuộc hàng hiếm Strela 3017, hay Poljot Sturmanskie, hay Poljot Okeah… để mắt đến Vostok Amphibia rẻ bèo vốn xấu xí và thô kệch? Điều gì cuốn hút họ từ mẫu thiết kế ở Vostok Amphibia vốn kém nhiều so với những con đồng hồ chức năng tương tự từ Thuỵ Sỹ hay Huê Kỳ?
Như câu trả lời phỏng vấn của Mikhail Novikov – một trong hai nhà thiết kế chính tạo ra Amphibia (người còn lại là Vera Belov): Vostok Amphibia là những gì tinh tuý và tự hào nhất mà nền sản xuất đồng hồ Liên Xô – vốn lúc đó lạc hậu và kém xa hoàn toàn so với các nước khác, có thể làm ra.
Không đủ điều kiện vật chất (máy móc công nghệ) để làm một chiếc đồng hồ lặn theo mẫu thiết kế của Thuỵ Sỹ, hai nhà thiết kế của Vostok đã tự mình nghiên cứu để cho ra mắt mẫu thiết kế hoàn toàn mới.
Những đặc điểm của đồng hồ lặn
Đồng hồ lặn ngoài việc chống nước vào, còn phải bảo đảm rằng nó có thể hoạt động dưới áp lực của nước khi xuống sâu. Và trong một chiếc đồng hồ lặn, có 3 nơi cần chú ý nhất vì nước có thể vào dễ dàng:
1- Mặt đồng hồ: nếu mặt đồng hồ làm không cẩn thận, khi xuống sâu có thể bị nứt hay bị co giãn vì áp lực nước, dẫn đến trường hợp nước vào đồng hồ hay tệ hơn là nứt và bể cả mặt kính.
2- Nắp sau: cũng giống trên, chỉ cần hơi nước rò rỉ thấm vào bên trong đụng tới bộ phận máy chính cũng đủ khiến đồng hồ ngưng hoạt động.
3- Núm vặn: ở một cái đồng hồ, núm vặn phải đủ lỏng và nhẹ để người dùng có thể vặn chỉnh giờ, nhưng khi xuống nước, phải đủ gắn vào đồng hồ kín đến mức ngăn được nước vào.
Có một số công ty giải quyết vấn đề này rất hay bằng cách:
1- Trâu bò: kiểu áp lực nước mạnh thì tạo ra mặt đồng hồ khoẻ y như thế, họ lần lượt nghiên cứu các vật liệu cứng rắn nhất có thể.
2- Giống y như cách mà Apple từng làm với Macbook năm nào: cả chiếc đồng hồ là một khối, không có cách nào mở ra, vì vậy cũng ngăn được nước vào trong.
3- Nắp đậy lại cho núm vặn: cách rất đơn giản mà hiệu quả
Như hãy nhìn vào con Zlatoust của Liên Xô, ta có thể thấy cái nắp đậy cho núm vặn.
Và hãy cùng tìm hiểu qua về Vostok Amphibia
Thiết kế của Vostok Amphibia
Như đã nói ở trên, vì ở Liên Xô ngày đấy không có các máy móc kĩ thuật hiện đại đủ để làm theo mẫu thiết kế của Thuỵ Sỹ, Mikhail Novikov và Vera Belov của Vostok đã tự nghiên cứu thiết kế riêng của mình (dĩ nhiên vẫn dựa vào các mẫu cơ bản đã trở thành nguyên tắc hiện có).
1- Mặt đồng hồ
Trong khi các hãng đồng hồ khác chọn cho mình những mặt kính tinh thể càng khoẻ càng tốt, thì Novikov và Belov đã quyết định tinh thể acrylic (có lẽ dịch ra là Mica) và chọn thiết kế mặt cong.
Thiết kế mặt đồng hồ cong kết hợp cùng tinh thể acrylic giúp khi xuống sâu, áp lực của nước phân bố và tác động lên các điểm trên đồng hồ đều nhau. Thêm nữa, khi phải chịu áp lực quá lớn, kính đồng hồ sẽ bị ép từ cong thành dẹp xuống, tránh việc bị nứt bế, đồng thời cũng khép chặt những viền quanh khung đồng hồ, khiến nước khó vào hơn. Như theo thử nghiệm của Vostok, ở độ sâu 200m, áp lực nước lên tới 20kg mỗi centimet bình, và mặt kính sẽ bị đẩy lõm xuống khoảng 0.5mm.
2- Nắp đậy đằng sau
Áp lực nước quá mạnh đủ khả năng nén méo lớp thép làm nắp sau của đồng hồ, vì vậy hai nhà thiế kế của Vostok đi đến quyết định dùng thêm một vòng tròn kim loại để gia cố nắp đậy, khiến nắp đậy khó chuyển dịch. Và cuối cùng họ thêm một vòng tròn cao su ở điểm tiếp nối giữa máy và nắp đậy.
Vòng tròn cao su này được làm theo công nghệ được Bộ Quốc Phòng Xô Viết sử dụng.
Theo tính toán kĩ thuật, khi xuống độ sâu 200m, độ nén của nắp đậy sẽ là 20-30%. Khi này nắp đậy cùng vòng tròn kim loại sẽ ép chặt vào vòng cao su bên trong, khiến chiếc đồng hồ mạnh mẽ và khó bị nước vào hơn. Khi lên bờ lại thì vòng cao su sẽ lại đẩy mọi thứ về vị trí cũ.
3- Núm vặn
Novikov và Belov đã quyết định học theo kĩ thuật ở một số đồng hồ Poljot khi đó cho phần này. Với một chiếc đồng hồ thường, muốn lấy lại giờ, chỉ cần kéo núm vặn ra chỉnh giờ, rồi ấn vào lại. Vostok Amphibia cũng như một số đồng hồ lặn khác dùng cơ chế phải vặn theo chiều ngược kim đồng hồ như để mở ốc ra trước, sau đó mới cho phép kéo núm vặn ra chỉnh giờ, và xong việc phải ‘xoắn con ốc’ lại. Đây là một thiết thông minh vì khi này núm vặn đồng hồ sẽ vặn trực tiếp vào sâu bên trong, đóng chặt mọi lỗ nhỏ mà nước có thể chui vào máy.
Kết luận
Dĩ nhiên, Vostok Amphibia không thể so sánh với các ‘ông lớn’ trong cùng lãnh vực. Hiện tại một con Rolex Submariner hay Omega Seamaster, hay IWC Aquatimer Automatic… phải đắt hơn cả 40, 50 lần so với một con Vostok Amphibia. Và không nói đâu xa, Amphibia còn rẻ và bị đánh giá thấp hơn nhiều so với hằng hà vô số các con đồng hồ lặn khác đang có mặt trên thị trường (Seiko Diver, Citizen Diver, thậm chí cả Invicta diver). Tuy nhiên, với những người yêu đồng hồ Liên Xô, Vostok Amphibia là thứ gì đó tượng trưng cho tinh thần Xô Viết một cách rõ nét nhất – đó là sự sáng tạo khôn cùng trong điều kiện khó khăn bất lợi của người Xô Viết. Không bóng bảy, không hào nhoáng cao sang, không phải là kẻ đi tiên phong, Vostok Amphibia cũng như bao nhiêu dòng đồng hồ Xô Viết khác, mãi là kẻ đi sau lầm lũi bên cạnh những nhãn hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ, nhưng với những người như mình, Vostok Amphibia là sáng tạo, là lịch sử và là cả đam mê…