Trời ạ, đúng ra mà nói mình không có ý định nghe album này đâu. Qua đến giờ nghe đi nghe lại album mới nhất thể loại World Music của 5 Dòng Kẻ xoay xoay đến mụ cả đầu, mới quyết định chuyển sang nghe một mạch, từ Trịnh Lam, Quốc Thiên đến Trần Thái Hòa (đều là 3 album mà mình muốn viết, mà để sau)… ai ngờ cuối cùng Media Player nhảy tới album này của Tân Nhàn – album mình để xó đó lâu rồi mà chưa có hứng nghe, vì cảm giác nghe chắc không hợp và nghe ắt sẽ nhức đầu. Cơ mà không ngờ nghe được rồi, nghe tới luôn, lại thấy thích.
Cảm giác của mình khi nghe xong album này là Tân Nhàn khủng vãi. Tân Nhàn đoạt giải nhất mục nhạc Dân Gian ở cuộc thi Sao Mai 2005 với ca khúc ‘Trăng Khuyết’. Tuy nhiên, phải vài năm sau đó, khi em gái Hà Nội tuy không bé bỏng nhưng rất xinh xắn rủ mình log acc vào game, cùng nhau cưỡi ngựa đi dạo ngắm trăng ở Hoa Sơn Tuyệt Cảnh, và e ấp dịu dàng dưới vầng trăng ấy nói lời chia tay mình, mình buồn lang thang nghe nhạc, nghe được bài ‘Trăng Khuyết’ do Tân Nhàn hát mà thấy buồn gì đâu:
Sao anh lại ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn
Từ đó mình mới chú ý tới Tân Nhàn.
Mà cũng bảo thế thôi, sau này Tân Nhàn có ra vài album khác, mình cũng chỉ tặc lưỡi rồi lướt qua, vì không hứng thú nhiều, nhưng ‘Yếm Đào Xuống Phố’ này thì ngay từ khi album được tung ra, mình đã muốn nghe, vì đọc qua về nó thấy hấp dẫn gì đâu.
‘Yếm đào xuống phố’ là sự kết hợp giữa chèo, xẩm – những thể loại nhạc dân gian đến từ Bắc Bộ, và jazz – thứ nhạc tự sự đặc sệt chất Tây Phương, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hòa âm phối khí. Mình không biết có chính xác không, nhưng có lần Lê Minh Sơn đã nói đẳng cấp phối khí cổ điển của Trần Mạnh Hùng đã được thế giới công nhận. Đúng hay sai thì không biết, nhưng khi nghe album ‘Ru Mãi Ngàn Năm’ của Thanh Lam do anh phối khí, cái chất bán cổ điển trong đó nghe hay, và lạ lắm, lạ hơn hẳn so với kể cả Thanh Lam trước đây. Ngoài ra, nếu ai còn nhớ, thì việc kết hợp giữa một thể loại nhạc đậm chất làng quê Bắc Bộ và jazz cũng không phải là lần đầu tiên anh thực hiện. Một trong những bài mình chú ý trong ‘Bên bờ ao nhà mình’, album đầu tay của Thị Mầu Ngọc Khuê năm nào, thì Trần Mạnh Hùng cũng ‘trộn’ quan họ và jazz hết sức nhuần nhuyễn, tạo nên màu sắc riêng biệt ởca khúc ‘Ngồi tựa mạn thuyền’.
Với một thằng sinh ra và lớn lên trong miền Nam như mình thì chèo xẩm là thứ gì đó rất khó nhằn. Ban đầu mình cũng hơi thắc mắc là liệu một giọng ca sau Sao Mai đi về hướng thính phòng cổ điển với chất giọng trong và cao lảnh như Tân Nhàn, sẽ thể hiện các bài nhạc có âm hưởng chèo và xẩm, vốn rất buồn như thế nào. Trong album này, nghe nói Trần Mạnh Hùng cũng mạnh dạn thay toàn bộ các nhạc cụ trong chèo, xẩm truyền thống như đàn tranh, nhị, sáo… bằng các nhạc cụ Tây Phương.
Mình nghe qua thì rất ngạc nhiên, album ‘Yếm đào xuống phố’ này qua giọng hát của Tân Nhàn và sự phối khí của Trần Mạnh Hùng, nghe vẫn giữ được âm hưởng của chèo và xẩm, vẫn í a luyến láy, nhưng dễ nghe, không còn cái buồn đến ảo não thường thấy, mà thay vào cái đó là sự trong trẻo và hiện đại.
Mình không nghe chèo, xẩm nhiều, bảo là cách hát và phối trong album này hay hơn chèo, xẩm truyền thống thì mình không dám nói, nhưng mình là mình thích hơn.
Thử lấy bài chắc là được nhiều người biết nhất trong thể loại này: ‘Đào Liễu’ làm ví dụ. ‘Đào Liễu’ thuộc loại kinh điển trong thể loại chèo dân gian. Có thể nói hầu như không vở nào không chen vào một ít giai điệu của ‘Đào Liễu’. Nếu ai có theo sát thể loại World Music từ những bước đầu ở Việt Nam, thì ắt biết trong chương trình âm nhạc ‘Đường xa vạn dặm’ rất thành công của mình vào tầm vài năm trước, Quốc Trung có phối lại ‘Đào Liễu’. Ca khúc được thực hiện rất thành công qua sự thể hiện của Lê Xuân Diệu – trưởng đội nhạc đoàn II, Nhà hát Chèo Trung ương. Buổi đó, Xuân Diệu kéo nhị và hát ‘Đào Liễu’ với chất giọng ‘xẩm’ (bài này như Xuân Diệu nói: chỉ hợp với những giọng nam mượt mà) đã dường như làm sống lại không khí và cảm xúc của một miền quê Bắc Bộ thời xa xưa. Quốc Trung cũng từng bảo: hát Đào Liễu thì không ai chuẩn bằng Xuân Diệu.
Nghe ‘Đào Liễu’ do Tân Nhàn trình bày, không còn thấy cái buồn (trời, nghe tiếng nhị kéo của Xuân Diệu đã thấy buồn rồi) xen lẫn chút gì đó dửng dưng khi một người đàn ông nhìn vào và tiếc thương cho một nàng thiếu nữ, mà đó như là người thiếu nữ kể về câu chuyện của mình: xinh xắn, dịu dàng nhưng cũng chỉ có lứa có thì mà ‘xuân bất tái lai’, bằng cái giọng trong trẻo và luyến láy duyên.
Hay như bài “Quân tử vu dịch” hát cùng Quốc Phòng, thuật chuyện xưa Lưu Bình và Dương Lễ, đoạn Châu Long nghe lời chồng tới chăm chuyện cơm nước và học hành của Lưu Bình, bản của Tân Nhàn – Quốc Phòng dễ nghe hơn hoàn toàn so với cũng chính Quốc Phòng hát cùng Phương Mây trong một album mới phát hành năm ngoái, dù có thể nói Tân Nhàn thiếu đi phần nào cái vẻ sắc sảo đặc trưng của người con gái Bắc khi xưa.
Điểm đáng tiếc có thế hiểu và thông cảm ở album này là giọng Tân Nhàn không hợp để hát nhiều bài đòi phải có chất quái rất lọc đời, hay độ chua ngoa đanh đá ở một mức nào đó – vốn được xem những điểm khá nổi bật ở thể loại chèo hay xẩm. Như trong bài ‘Mục hạ vô nhân’
Chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh não nùng.
Dù em má phấn chỉ hồng
Dửng dừng dưng anh chẳng thèm trông làm gì.
Giọng Tân Nhàn không làm nổi lên được cái vẻ dưng dửng, khinh khỉnh nhưng xuyên suốt là rất duyên lém lỉnh đó.
Dĩ nhiên, mình nghĩ Tân Nhàn và cả nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đều biết được điều này khi bắt tay thực hiện album, nhưng để chèo và xẩm đến được với đông đảo người nghe hơn, đặc biệt là giới trẻ, họ phải quyết định đánh đổi điều gì đó, ở đây là những đặc điểm tuy hết sức khó nghe nhưng là đặc trưng riêng biệt của chèo, xẩm. Có rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề nên hay không nên, và những người thủ cựu thì cho rằng thà ít người nghe mà vẫn giữ được những đặc trưng ấy, hơn là cách tân thu hút mà thay đổi hoàn toàn. Ở đây, đứng ở cương vị người trẻ nhờ những album như thế này mới có thể nghe và hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật dân gian nước ta, mình rất trân trọng động thái và nỗ lực này của các nghệ sĩ. Thật sự mong về sau sẽ có thêm nhiều album nghe hay và lạ thế này nữa 🙂.