Cái ngày 30/04 lịch sử đã trôi qua được gần 40 năm. Thời gian bóng câu, 40 năm thoáng nghe thì dài nhưng tựa như một giấc mộng – có người đã tỉnh, có người còn mơ, và có người vẫn đang tiếc nuối. 40 năm chưa đủ để những người-Sài-Gòn ngày ấy lãng quên hình ảnh về một Sài Gòn hòn ngọc Viễn Đông đầy hoa lệ, đặc biệt là về làng văn nghệ Sài Gòn sôi động. Những người nghệ sĩ đầy tài năng, đằng sau ánh đèn sân khấu lung linh, huyền ảo là những cá tính, những câu chuyện cuộc đời… khác biệt, nhưng hoà quyện vào nhau đến lạ kì, để cùng nhau tạo nên những tháng ngày thăng hoa của làng văn nghệ, không chỉ là Sài Gòn nói riêng, mà còn cả Việt Nam nói chung.
Người Sài Gòn ngày xưa thật lạ! Họ đồng thời yêu thích cải lương mùi mẫn, những bộ phim điện ảnh hào nhoáng, các ca khúc nhạc vàng đầy trữ tình tự sự lẫn những bài nhạc kích động trẻ trung… Trông qua thì mỗi loại hình nghệ thuật ấy đều thật khác biệt và không có điểm chung nhiều, cùng lúc thích vài ba thứ đã thấy lạ, nói gì đến người có thể nổi danh ở đồng thời nhiều lãnh vực nghệ thuật khác nhau. Ấy vậy mà Sài Gòn trước năm 1975 có một tên tuổi như thế: cố nghệ sĩ Hùng Cường.
Bài dưới đây, tuy nằm trong loạt bài về tứ trụ nhạc vàng, nhưng xin mạn phép thỉnh thoảng đi lan man khỏi nhạc-vàng đôi chỗ, mà nhắc sơ qua về những tài năng khác của Hùng Cường, vì với tài năng và tâm huyết, cống hiến của mình, anh xứng đáng được tri ân như thế.
***
Hùng Cường tên thật là Trần Kim Cường, sinh ngày 21 tháng 12 năm 1936. Theo các tài liệu còn sót lại thì con đường ca hát của Hùng Cường bước đầu không may mắn, nhưng cũng không gặp trở ngại gì cho lắm. Anh bước lên sân khấu lần đầu tiên khi còn đang theo học tiểu học tại trường Trần Hưng Đạo với nhạc phẩm “Con chim hoà bình đang đau nặng” của nhạc sĩ Lê Thương và đã được toàn thể thầy cô, phụ huynh và học sinh cả trường hoan nghênh. Ngoài tư liệu về mẩu chuyện nhỏ đó, rất khó để tìm hiểu những giai đoạn đầu khi đi hát của Hùng Cường như thế nào, chỉ biết Hùng Cường vụt nổi lên với bài “Ông lái đò” của Hiếu Nghĩa, với số lượng đĩa phát hành đạt kỉ lục và khuấy động cả thị trường âm nhạc miền Nam thời bấy giờ.
Bài “Ông lái đò” còn có tên khác là “Hình ảnh hai cuộc đời” được xem là một trong những bài đánh dấu cho các sáng tác thời kháng chiến, mở đầu cho dòng nhạc lãng mạn cách mạng. “Ông lái đò” có hình thức mới lạ, nó như một câu chuyện kể cuộc đời được truyền miệng hơn là một bài thơ phổ nhạc, nếu nói đúng ra, nó có hơi hướng của một vở kịch nhỏ. Bài “Ông lái đò” hoàn toàn không dễ hát, vì cái tính đầy tự sự của nó. Thường nghệ sĩ trình bày bài hát hay thêm vào những khúc ngâm thơ để thu hút thính giả. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vừa hát hay, vừa ngâm thơ truyền cảm, thế mà chàng ca sĩ thời đó còn rất trẻ Hùng Cường lại làm được.
http://www.youtube.com/watch?v=vBzEgyWFIDs
Hùng Cường sở hữu giọng tenor rất hiếm trong làng văn nghệ Sài Gòn thời đó. Lại nhắc lại trường hợp bài Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng, bài này có những đoạn lên cao vút rất khó hát, ngoài Thái Thanh là giọng kim cao vút trời phú, nam ca sĩ thời đó cũng chỉ có Duy Khánh, Thanh Hùng và Hùng Cường là có thể trình bày hay hết cái hồn của bài hát. Và cứ thế, tầm những năm 54, 55, tiếng hát của Hùng Cường đã làm mưa làm gió bằng các bản hit: Sơn Nữ Ca, Chàng Đi Theo Nước, Đường Xưa Lối Cũ… với số lượng đĩa thu kỉ lục. Đồng thời, tiếng hát của anh cũng tung hoành khắp các vũ trường lớn của Sài Gòn thời bấy giờ như Kim Sơn, Baccara…
***
Hùng Cường & hình ảnh anh kép cải lương
Những năm gần đây, nền nghệ thuật cải lương ở Việt Nam lẫn hải ngoại đều đã đi xuống, đối với nhiều người trẻ tuổi thì khi nói về cải lương họ nghĩ ngay đến hình ảnh những rạp hát lèo tèo khán giả, mà đa phần cũng chỉ là các cụ già vừa mê mẩn theo dõi vừa chõm chẽm nhai trầu. Ấy thế mà đã từng có thời cải lương được xem như một trong những món ăn tinh thần chính yếu của người dân Sài Gòn. Ngày đó các rạp cải lương và các suất diễn cải lương đông nghịt. Khán giả nhớ tên từng diễn viên và thuộc từng trích đoạn trong các vở cải lương nổi tiếng. Người Sài Gòn để ý đến từng biến chuyển của nền cải lương, thế nên khi xảy ra sự kiện tay ca sĩ đang rất thành danh thời bấy giờ – Hùng Cường quyết định chuyển sang thành kép hát cải lương, khắp nơi từ ngõ hẻm, con phố đến mặt báo chính thống, người ta bàn luận rất rôm rả.
Nghĩ cũng phải, không như giới ca sĩ vốn rất nhiều người tình cờ được phát hiện và lăng-xê, nổi lên như ngôi sao sáng một cách bất thình lình, đa phần các nghệ sĩ cải lương phải luyện tập rất công phu, từ giọng hát đến điệu bộ, cử chỉ, nét mặt… trong từng trích đoạn nhỏ. Nếu nghệ sĩ đó có giọng ca đặc biệt hay nét đẹp lạ ở một góc cạnh nào đó, thì khả năng được chú ý và tiến thân sẽ cao hơn, nhưng cũng phải đi qua từng bước một, từ các vai diễn quần chúng, kép phụ… qua một thời gian mới được giao vai kép chánh. Có lẽ là Hùng Cường may mắn khi mới nhảy từ sân khấu ca nhạc sang đã được ông bầu Hoàng Kinh của đoàn cải lương Ngọc Kiều tin tưởng giao ngay cho vai kép chính Đông Nhật trong kịch bản “Tuyết phủ chiều đông” của soạn giả Bạch Yến Lan.
Chập chững bước từ sân khấu ca nhạc sang, trước sự nghi vực của rất đông giới mộ điệu, Hùng Cường bằng nỗ lực học hỏi và tập luyện cần cù của mình, quyết tâm chứng tỏ anh đủ khả năng để theo đuổi niềm đam mê. Như kể lại, Hùng Cường bỏ tiền mướn riêng một nhạc sĩ cổ nhạc đến nhà anh ở hẻm Phát Diệm gẩy đàn để anh tập luyện ngày đêm. Ngoài ra, anh còn tìm đến các diễn viên của đoàn vốn có kinh nghiệm để nhờ họ hướng dẫn thêm. Cũng phải cám ơn nữ nghệ sĩ Ngọc Đáng, người đóng cặp với anh trong vở đó, đã dìu dắt anh rất nhiều ở những ngày tháng ban đầu đầy khó khăn.
Buổi trình diễn “Tuyết phủ chiều Đông” tại rạp Viễn Trường Mỹ Tho, khán giả từ khắp nơi đổ về kín hết bên trong và còn kéo dài ra đến nửa rạp bên ngoài, tạo nên khung cảnh hết sức nhộn nhịp. Ngôi sao cải lương Hùng Cường bắt đầu sáng lấp lánh từ dạo đó.
Xin nói qua về cải lương chi bảo của nền nghệ thuật cải lương miền Nam – Bạch Tuyết. Bạch Tuyết cũng có khởi đầu kì lạ như vậy. Năm 1961, đoàn Kiên Giang diễn vở “Lá thắm chỉ hồng”, cô đào chính tới trễ, Bạch Tuyết khi đó bất ngờ được giao vai cô lái đò Lệ Chi, và diễn xuất sắc khiến khán giả hết sức ngạc nhiên và thích thú. Có lẽ đó là một điểm nhấn nghịch ngợm của số phận khi kết hợp hai người có khởi đầu lạ lùng “trong mơ” ấy để kết hợp thành một cặp Sóng Thần của sân khấu cải lương theo như báo chí Sài Gòn mô tả. Lúc đó là vào tầm năm 1966, sau khi Hùng Cường về đầu quân cho đoàn Dạ Lý Hương của ông Bầu Xuân.
Hùng Cường tuy không đặt toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp vào sân khấu cải lương, nhưng những đóng góp của anh cho nền nghệ thuật cải lương nước nhà cũng không thể nào phủ nhận. Tuy không sáng chói đến tột đỉnh như một cải lương chi bảo Bạch Tuyết – bạn diễn chung của anh, Kỳ Nữ Kim Cương, Út Trà Ôn hay Nghệ sĩ nhân dân Ngọc Giàu…, anh vẫn có những vai diễn để đời như vai tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cùng tên, hay vai Vân Châu trong vở Yêu Người Điên…
Bài nằm trong chủ đề nói về nhạc vàng, thiết nghĩ cũng không nên đi quá xa nói về cải lương như thế này, nhưng như chúng tôi đã nói ở trên: cải lương cũng là một trong những lĩnh vực đặt trọn tâm huyết của Hùng Cường, và cũng nằm trong số các món ăn tinh thần góp phần làm nên một Sài Gòn hoa lệ và đáng nhớ ngày xưa. Xin được trích dẫn lại lời kể của Nghệ sĩ Bạch Tuyết, để nói lên cái tâm của Hùng Cường dành cho cải lương – đến cuối đời vẫn không vơi bớt đi phần nào:
Đã hơn 30 năm rồi, kể từ cái ngày cuối cùng anh gọi cho tôi, qua điện thoại là những giọt nước mắt nửa mừng nửa tủi khi anh nghe tin tôi trở lại sàn diễn với vai Thái hậu Dương Vân Nga: “Em xuất hiện trở lại đi. Anh mừng cho em lắm”. Những giọt nước mắt đã âm thầm căn dặn và gửi gắm hết cho tôi “Em phải diễn luôn cả phần của anh nữa đấy”.
***
Cơn sóng thần trên cả hai sân khấu
“Sóng thần” là từ báo chí Sài Gòn đặt để chỉ cặp đôi vàng của sân khấu cải lương ngày đó: Hùng Cường và Bạch Tuyết. Và cũng chính làng báo chí văn nghệ Sài Gòn phải dùng lại cụm từ đó để chỉ sự kết hợp của Hùng Cường và một nữ ca sĩ khác. Lần này ở một sân khấu, một lãnh vực khác – nhạc kích động.
Thiết tưởng cũng cần định nghĩa sơ qua về nhạc kích động. Nhạc kích động đơn giản là các thể điệu nhạc trẻ sôi động đa phần du nhập từ châu Âu, châu Mỹ. Những năm 60, Sài Gòn lên cơn sốt vì thể loại nhạc này. Hàng loạt các bar, phòng trả lập những band trình diễn, cả tiếng nước ngoài lẫn những bài đã được dịch sang tiếng Việt. Hoà vào cơn lốc nhạc kích động (sau được Trường Kỳ đổi tên lại là nhạc trẻ) là những nhạc sĩ uy tín (Phạm Duy, Y Vân, Lê Hựu Hà…), những danh ca vốn chuyên hát nhạc trữ tình (Duy Quang, Tuấn Ngọc, Julie…). Hùng Cường cũng bước vào lãnh vực này, và nổi như cồn; nếu không muốn nói là nổi vào hàng bậc nhất.
Phong trào nhạc Twist sôi động tại Sài Gòn bắt đầu từ khi Khánh Băng đem cây guitar điện đầu tiên lên sân khấu và giật điên đảo với bài Sầu Đông, đạt đến cao điểm khi nhóm Trịnh Lê Ngân (Trần Trịnh & Nhật Ngân) tung ra ca khúc “Gặp Nhau Trên Phố” do Hùng Cường và Mai Lệ Huyền song ca. Bài hát sau khi được ban nhạc Trần Trịnh hoà âm và cho hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu thu và tung ra thị trường kèm theo là hàng chục ngàn bản nhạc rời với hình bìa thật sexy khiêu gợi của Mai Lệ Huyền đã được nhiều người tiêu thụ nhanh như chớp.
Sau Gặp Nhau Trên Phố, nhóm Trịnh Lâm Ngân viết 1 loạt tương tự khác như Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, Mắt Xanh Con Gái, Làm Quen Với Lính… đều trở thành những bài ca phổ biến nhất Sài Gòn đầu thập niên 70. Ngoài nhóm này, nhiều nhạc sĩ khác như Khánh Băng, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Tuấn Lê, Giao Tiên… cũng sáng tác nhiều ca khúc như Say, Lính Dù Trên Điểm, Người Lính Chung Tình, Ghét Anh Lắm, Thiên Duyên Tiền Định, Túp Lều Lý Tưởng, Xây Nhà Bên Suối, Hờn Anh Giận Em… dành riêng cho cặp sóng thần bốc lửa Hùng Cường & Mai Lệ Huyền cũng đã tạo được nhiều thành công như ý. Nên nhắc thêm, với những ca khúc trên… đôi song ca này đã trở thành những dấu ấn yêu thương tròng lòng hàng triệu người lính khắp nơi.
http://www.youtube.com/watch?v=PN6aXN7_5Wo
***
Xiêm y trả lại cho sân khấu
Trong một bài vọng cổ khá nổi tiếng “Đời nghệ sĩ” có hai câu vào đầu: Xiêm y trả lại cho sân khấu, Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi.
Người nghệ sĩ một khi nằm xuống là trả lại xiêm y, những niềm vui, nỗi buồn của đời nghệ sĩ. Hùng Cường vào những năm cuối cùng của thế kỷ trước đã trút hơi thở cuối cùng. Anh yên nghỉ ở một nơi tuy không phải quê hương của mình, nhưng là một vùng đất tự do mà cánh chim Hùng Cường sau bao năm miệt mài đã tìm được chỗ đậu.
Hùng Cường là một quân nhân, vì thế hình ảnh gắn liền với một Hùng Cường “sóng thần” trên sân khấu là bộ quần áo Treilli rằn ri đầy cứng cỏi. Và hình ảnh ấy vẫn luôn còn sống mãi trong tâm trí của những người Sài Gòn xưa cũ, như một hình ảnh đẹp về một thời đao binh khói lửa chiến tranh nhưng cũng đầy nhộn nhịp và vui tươi. Dù thời gian đã qua đi, với nhiều người, vẫn còn nghe văng vẳng đâu đây những bài nhạc lính oai hùng gắn liền với hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà năm xưa.
Dù những kí ức đó có còn nguyên vẹn hay đã đượm bụi thời gian, vẫn xin dành lới cuối như sự tri ân đến Hùng Cường, vì hình ảnh đầy tưởng niệm đấy. Cám ơn anh – một cá tính thật riêng biệt nhưng cũng thật đặc trưng của nền văn nghệ và nếp sống của một Sài-Gòn-xưa-cũ – một Sài Gòn chưa bao giờ chết đi.
—
Blue.
Toi rat yeu quy va kinh trong nguoi nghe si Tai Hoa nay