Ở Việt Nam những năm hiện tại, có hai nhạc sĩ rất tài ba trong việc dùng nhạc thay thoại, đó là Trần Tiến và Đỗ Bảo. Cảnh trong nhạc Trần Tiến là một tay giang hồ phiêu du nào đó, mỏi mệt ngồi xuống kể chuyện xứ đồng quê; còn nhạc Đỗ Bảo như trong những bộ phim Hồng Kông thập kỉ 90, mọi thứ diễn ra chầm chậm, uể oải, tưởng tất cả sẽ trôi qua vô vị nhưng trong đó lại có vài điểm nhấn nhẹ đầy xúc cảm. Cái khó của nhạc sĩ khi viết nhạc như chuyện kể, đó là làm sao để người nghe không dễ chán, hay tài hơn nữa là để họ tưởng như câu chuyện đó được viết cho riêng mình (vì phỏng trên đời mấy ai thích ngồi nghe câu chuyện người khác đâu?)
Tôi, vào những ngày của tháng 6 nơi thời gian gần như dừng lại – không phải vì cái uể oải của mùa hè, mà là sự lười biếng từ trong tâm. Em đã xa tôi, và tôi chuẩn bị xa Việt Nam, đã từng nghĩ “Bài ca tháng sáu” của Đỗ Bảo như là một câu chuyện kể dành riêng cho mình. Người ta thích nhạc của một ai đó, có lẽ chỉ từ những sự đồng cảm nhỏ như thế thôi.
“Cánh cung” là câu chuyện kể kéo dài non một thập kỉ của Đỗ Bảo, mở đầu với album cùng tên vào năm 2004, và kết thúc bằng “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” vừa phát hành gần đây. Khác với nhiều người, tôi có xu hướng xem những bài của Đỗ Bảo như những câu chuyện ngắn vụn vặt hơn là gắng tìm mối liên kết giữa chúng với nhau. Những câu chuyện vặt của Đỗ Bảo mười năm trước và hiện tại không khác nhiều: cũng vẫn cùng một lối dẫn, xoay quanh vài kiểu trình bày. Tôi biết nhiều người có lẽ giống tôi, mong album này, bởi vì nó là sản phẩm của Đỗ Bảo (ừ, và Hà Trần) hơn là mong đợi một sự gì đổi mới, cách tân trong âm nhạc khác lạ.
Ca từ trong nhạc Đỗ Bảo không nắn nót đến mức tưởng thêm hoặc bớt một từ cũng đều đánh rơi cái đẹp như những lời nhạc của Quốc Bảo. Quốc Bảo viết hoa mỹ, Đỗ Bảo viết thoại giản đơn. Nhạc của Đỗ Bảo dễ nghe hơn, nhưng lại khó thích hơn.
Khác với 2 album “Cánh cung” trước, toàn bộ bài hát trong album này đều do Hà Trần trình bày. Hà Trần tuyệt vời nhất là Hà Trần của những ngày đầu còn chập chững hát, nhưng đỉnh cao của chị lại là những album sau đó – những album dày đặc tự sự khó nghe. Có thể nói, trong số các giọng ca nữ gần đây, không ai có thể kể chuyện hay như Hà. Cũng nên nhắc lại rằng, album từng làm cho khán giả phát sốt, đưa tên tuổi chị lên hàng diva, cũng là một album đầy tính tự sự, và do Đỗ Bảo hòa âm phối khí.
“Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” không rối rắm, ma mị và đầy ám ảnh như “Nhật Thực” năm nào. Thậm chí, so với 2 album “Cánh cung” trước thì phông màu xám của nó còn nhạt hơn. Trong 2 album trước, các câu chuyện được kể qua sự trình bày của nhiều ca sĩ khác nhau, vì thế mang nhiều màu sắc khác nhau. Đỗ Bảo quyết định để một mình Hà Trần độc diễn trong album Cánh Cung cuối cùng này. Trong 4 diva Việt Nam, thì Hà Trần được xem như là người có giọng hát mỏng nhất. Tuy sau này được bù đắp rất nhiều bằng kĩ thuật thanh nhạc và phòng thu, nhưng ở vài chỗ, đặc điểm đó trong giọng của cô vẫn khẽ bộc lộ ra, không che giấu được. Điều đó khiến tôi hơi e ngại. Lại nghĩ vu vơ, Hà Trần của “Nhật Thực” có lẽ chỉ xuất hiện một lần, rồi thôi.
Hà Trần trình bày tất cả các ca khúc trong “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” đều rất đạt và tròn trịa. Bảo tôi tìm một ca sĩ trình bày được tinh tế như Hà Trần trong album này thì có lẽ chịu, tôi không tìm được đâu. Nghe “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”, có lúc thấy Hà ngô nghê “Hãy đưa tôi về bên anh nhé đôi giày lười”, khi thì dửng dưng lạnh lùng “Anh đâu là tiên phật, mà nhìn ra khoảng trống thấy được vạn vật”, khi thì chậm rãi nhẹ nhàng nhưng đến xót xa “yêu là bâng khuâng trước bóng em vụn vỡ, bóng em điệp trùng“ trong bài “Người câu bóng” (đây là bài mà tôi ưng không thể nào chịu được). Thiết tưởng việc chỉ có một ca sĩ trình bày xuyên suốt trong album vốn là một yếu điểm nhưng nếu thực hiện đúng, thì lại thành ra điểm nhấn đáng chú ý.
Đến thời điểm viết xong những dòng này, tôi đã nghe album được 3 lần. “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta” cũng giống những câu chuyện bên bàn ăn của ông, của ba, những câu chuyện nhàm chán bắt đầu bằng câu quen thuộc “ngày xưa đó, cái thời của ba đó, ba còn nhớ…”, lặp lại ngày qua ngày, nhưng dần dần những diễn biến đó, những chi tiết đó đi vào trí nhớ lúc nào chẳng hay. Một ngày nắng nóng nực và lười biếng nào đấy, tự nhiên lại khẽ vang lên “Tháng sáu nóng như đổ lửa. Cây sấu giả thả chiếc lá xanh” hay “Anh đã mơ về, ngôi nhà và những đứa trẻ”. Có lẽ, những ca khúc trong album này rồi cũng sẽ được nhớ đến như thế.
Màu xám nhạt và đơn điệu, không có nghĩa là màu xám không có nét đẹp. Vấn đề chỉ là, vào thời điểm nào, thì người ta thích cái thứ màu đó mà thôi…