Thật ra, không nhờ mấy vụ lùm xùm quanh em Tưng thì mình chắc cũng chả biết Lam Trường ra album mới. Rất chán khi phải bắt đầu bằng Once upon a time he he, nhưng quả thật là đã có một thời mình chửi nhau với cả gái (việc lúc đó mình xem là đại nghịch bất đạo) về việc Lam Trường nhất định là hát hay hơn cái tay tóc bổ luống hai mái ẽo à ẽo ọt cùng tên.
Cơ mà, để nói về album này, mình nghĩ dùng: Once upon a time vẫn rất hợp. Giọng Lam Trường vẫn như anh Hai của ngày xưa, từ cái thời ảnh mặt này non choẹt đại phá Làn Sóng Xanh với những hit như Mưa phi trường, Gót hồng, Tôi ngàn năm đợi… nhưng hoàn cảnh bây giờ không như vậy. Ngày đó, nhạc trẻ Việt Nam và cơn lốc Làn Sóng Xanh mới lạ dẫn đến lan tỏa trong giới trẻ như cơn bão, những bài nhạc trẻ pop như vầy dễ lên ngôi. 15 năm đã trôi qua, tới thời điểm hiện tại, mỗi tháng cũng phải tầm 5, 7 ca sĩ tung ra album nhạc trẻ, hằng ngày vô vàn bài tự hát, tự sáng tác được tung lên mp3 zing, nhaccuatui hay youtube, anh Hai vẫn là anh Hai của ngày xưa, nhưng nhạc anh đã không còn thu hút. 10 ca khúc trong album của anh vẫn là những ca khúc Pop, Pop Ballad, vẫn dễ nghe, nhưng trong giai đoạn bội thực các bài hát kiểu thế thì không ai có hứng thuộc.
Lam Trường làm việc mà anh làm rất đạt trong hơn chục năm qua, nhẹ nhàng, tình cảm, vẫn khiến người ta mỉm cười nhẹ, nhưng cái bóng quá lớn của quá khứ đã không thể khiến anh đạt được tiếng vang cho dù anh có ra bao album mới. (1)
Trong album này, bài mình thấy hay nhất là bài Xin Em Đừng Đi, mình chỉ thắc mắc là sao Lam Trường không phát hành mỗi bài này thôi, quay clip này nọ và viral để lên top các bảng xếp hạng Zing, nhaccuatui, sau đấy tung ra album sau. Vì bài này mình nghĩ là bài dạng có thể cứu cả album.
Phương Linh – Tiếng hót từ bụi mận gai
Nhiều ca sĩ tên Linh quá, cứ lẫn lộn cả lên. Bạn này trùng tên với mối tình đơn phương cô gái Sài Gòn đầu tiên của mình, đến giờ qua hơn 11 năm mình vẫn nhớ số điện thoại nhà bản í. À, lạc đề.
Cái tên album “Tiếng hót từ bụi mận gai” thu hút sự chú ý của mình trước tiên, đơn giản nó lấy ý từ một trong những tác phẩm mình thích nhất của Colleen McCullough. Xem qua track list thì thấy Phương Linh quá liều lĩnh, khi những tác phẩm mà cô chọn, không phải hoàn toàn là những bài thuộc dạng cây đa cây đề đi vào lòng người nghe nhạc, nhưng cũng toàn mấy bài đã rất nổi, nhiều bài thuộc loại gần như ‘hàng tủ’ của một vài ca sĩ nào đó.
Điển hình như bài ‘Họa mi hót trong mưa’ của Dương Thụ, trước đó cả Hồng Nhung, Khánh Linh và gần đây là Nguyên Thảo đều thể hiện không thể nào tốt hơn được xíu nào nữa, nhưng cả 3 bản này đều có cá tính riêng đặc sắc của mỗi người. Phương Linh liệu hát lại bản này hay hay không đã là một vấn đề, nói gì phải nhét được cái chất riêng của mình vào?
Thôi tóm gọn lại, phải test chương trình nữa, công ty không có tester khổ thế đấy, tự code tự design tự test tự báo cáo luôn, album này đáng nghe, dù có thể là không hay hoàn hảo. Giọng của Phương Linh giờ có cái chất riêng: lạnh. Cái chất ‘lạnh’ đó, cùng sự hòa âm của Thanh Phương (anh này hồi đó ở trong band Phương Đông – cái band này cũng thường thôi, các thành viên cũng chỉ có Quốc Trung, Quốc Hưng, Trần Mạnh Tuấn… sau đều rất thành danh đấy thôi í mà, sau thì ‘làm’ một loạt cái bài hay cho Thanh Lam, Hà Trần… – nói để khen album này hòa âm hay thôi).
Mỹ Tâm – Vol 08 – Tâm
Mỹ Tâm – Vol 08 – Tâm
Sau cái album Mỹ Tâm hát nhạc xưa lời sai toe toét thì mình cũng không kì vọng gì vào mấy album sau của Mỹ Tâm nữa. Theo mình cái album Nhạc Xưa đó là một trong những cơ hội tốt để Tâm bứt phá hoàn toàn, lên là lên là lên là lên luôn đó, tiếc là Tâm không làm được.
Mình cảm giác cái thời đỉnh cao của Tâm đã qua rồi, tất cả những bài sau này của Tâm, như là mấy bài trong album này, mình nghe chả khác gì Hải Băng, Khởi My hay Noo Phước Thịnh. Mình nghĩ như Tâm cũng buồn (dù mình chắc là Tâm chả cần mình buồn giùm), Tâm đang đứng ở đỉnh cao của showbiz, nhưng muốn vươn lên tới hàng 4 diva của làng nhạc Việt thì còn xa vời vợi, thậm chí giờ so với một số các ca sĩ trẻ trẻ hơn chắc cũng khó có thể bằng nữa rồi.
Tâm có thể không cần hát nhạc xưa. Không phải chỉ hát nhạc xưa mới nổi. Nhưng Tâm nên chọn những bài khác, hơn là (hầu hết) mấy bài nghe rồi quên ngay thế này. Như Hà Trần hay Mỹ Linh đấy, đâu hát nhạc xưa lắm đâu, mà nghe vẫn thấy hay, vẫn nhớ mãi.
Nếu mà Tâm không có được một album nào thật là hay vượt trội thì rồi sợ sẽ như một Phương Thanh đình đám một thời, rồi dần dần tàn. Cơ mà mình cũng chả quan tâm lắm, mình cũng vẫn thích Mỹ Tâm như một thời thích mấy bài Tóc nâu môi trầm, Hát với dòng sông… (cũng như vẫn mãi thích Phương Thanh) vì đã gắn với một thời mải mê chinh chiến và yêu đương của mình
Đức Tuấn – Bài tình ca đêm
Trong số các ca sĩ trẻ Việt Nam hiện tại thì mình có cảm tình với Đức Tuấn nhất. Có lẽ bắt đầu từ lí do cực kì đơn giản Tuấn là cựu học sinh trường cấp 3 của mình, và mình chả nhớ năm nào, Tuấn có về trường hát, và hát “mộc” bài Ngày Xưa Hoàng Thị rất hay.
Thời điểm đó và cả sau này, Tuấn nổi lên như một trong những ca sĩ trẻ trình bày nhạc Phạm Duy đạt. Đạt ở đây là không trở thành “thương hiệu” cho mình, nghe không thể khiến người ta nhớ mãi (trừ, ừ, một hai bài), nhưng cũng khó để người nghe chê trách điều gì (ngoài cái nhỏ nhặt là điệu đà, tỉ mỉ quá).
Đức Tuấn sau này thử mình với khá nhiều ca khúc của các nhạc sĩ khác – như một thời của Phạm Đình Chương mà mình không có ấn tượng lắm. Các album Phạm Duy sau của Tuấn như Kỷ Niệm, Kiếp nào có yêu nhau… mình cũng thấy bình thường.
Mình thích Tuấn đặc biệt ở album “Trẻ mãi”, Tuấn hát nhạc phẩm của Trần Lê Quỳnh phát hành đâu năm 2009 2010. Mình thấy thể loại đó hợp với Tuấn hơn. Tuấn hát những bài nhẹ nhàng, trong trẻo như ngày đó hát Ngày xưa Hoàng Thị, hay những bài tự sự xíu nhưng không đến mức tràn đầy tâm sự, đau thương… thì hay, nghe hợp lắm.
Vì vậy, mình đang nghe album này của Đức Tuấn, và thấy thích. Các ca sĩ trẻ cũng nên hát mấy bài hát thế này, chứ cứ đâm đầu vào mấy cụ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Từ Công Phụng, Ngô Thuỵ Miên… làm chi?
Quang Dũng – Tình ca Phạm Duy
Quang Dũng rất giống Tuấn Ngọc ở chỗ cả hai anh đều như một cái máy hát, thể loại nào, nhạc của nhạc sĩ nào cũng hát. Tuy nhiên, Quang Dũng khác Tuấn Ngọc ở chỗ anh ấy hát (hầu như) nhạc ai nghe cũng rất chán.
Sau một hồi chạy từ Trịnh Công Sơn sang Diệu Hương, lẽ tất dĩ ngẫu anh Dũng cũng dừng lại ở dòng nhạc Phạm Duy. Đĩa này được hoà âm phối khí bởi hàng loạt tên tuổi lớn, nghe được hơn so với các album cũ của anh ấy, nhưng thú thật là nghe vẫn rất chán.
Quang Dũng hát cứ đều đều, hát những bài trong trẻo không có được cái trong trẻo nhẹ nhàng như Đức Tuấn ngày xưa khi hát “Ngày xưa Hoàng Thị”, hoặc ở một số bài “khó” thì không có được cái day dứt nghẹo ngào đến xót xa như Nguyên Thảo. Nghe Quang Dũng hát “gắng” ở một số bài như Nha Trang Ngày Về nghe rất mệt.
Lạ lùng nhất theo mình, trong album này, bài mà Quang Dũng hát có những khúc nghe “tạm” nhất lại là bài “Nghìn trùng xa cách”. Nói chung phí thời gian nghe
Nguyên Hà – Địa đàng
Album thứ 10 của Quốc Bảo, được làm trong thời gian 2 năm. Nguyên Hà là một giọng ca được Quốc Bảo phát hiện, không chuyên nghiệp, không trường lớp nhưng giọng hát trong trẻo, vô tư mà cảm xúc đến lạ.
Trên blog của mình, Quốc Bảo cũng xem đây là album ngọt và dịu nhất của mình, có thể sánh ngang hay hơn cả Ngồi hát ca bềnh bồng hay Bình yên năm nào.
Cảm nhận riêng của em khi nghe album này thì không thấy đọng lại chút gì đó bâng khuâng như ngày đó từng nghe Bài tình cho giai nhân hay Tàn phai, Tình ca, Em về tóc xanh… của Quốc Bảo. Vẫn là những giai điệu nhẹ nhàng êm dịu thường thấy, vẫn là những ngôn từ nắn nót, hoa mỹ đến kinh người của Quốc Bảo, nhưng đơn giản là em không cảm thấy gì.
Cũng có thể i’m not in the right mood, sau có thời gian chắc sẽ nghe lại xem thử. Em giới thiệu đây để bác nào thích nhạc Quốc Bảo và muốn tìm gì đó trong trẻo, nhẹ nhàng nghe thì nghe thử, em nghĩ sẽ có cảm nhận khác em.
Lam Anh – Về lại cõi sầu
Về lại cõi sầu – Album mới nhất và (hình như) là album thứ 2 của Lam Anh do Thúy Nga Paris By Night phát hành.
Trong số các ca sĩ trẻ của làng nhạc hải ngoại vài năm trở lại đây thì Lam Anh vụt lên như một trong số các tên hứa hẹn nhất. Lam Anh xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu Paris By Night 96 với bài song ca cùng Quỳnh Vi. Cô bắt đầu được chú ý hơn dần qua các chương trình sau đó, đặc biệt là khi cô trình bày bản ‘Cho em quên tuổi ngọc’ của nhạc sĩ Lam Phương (PBN 102), và lên tới đỉnh điểm là bản song ca ‘Nơi tình yêu bắt đầu’ với Bằng Kiều (PBN 104).
Giọng hát của Lam Anh không hẳn là xuất sắc lắm, chỉ vừa đủ, có thể lên vừa đủ, cảm xúc trong giọng hát cũng vừa đủ, nhưng nhờ ngoại hình dễ nhìn cùng cách biểu diễn rất “hợp” sân khấu, Lam Anh ngày càng được yêu mến trong cộng đồng hải ngoại.
Lam Anh rất giống Minh Tuyết ở nhiều điểm, từ cách diễn trên sân khấu đến việc chọn bài hát. Đó là những bài không quá khó hát và khó nghe, nhưng cũng không hẳn là dễ dãi. Điều này có thể thấy qua các bài trong album ‘Về lại cõi sầu’ này của Lam Anh. Giống như vô vàn các album của những ca sĩ trẻ được Thúy Nga phát hành, ‘Về lại cõi sầu’ không tạp nham và nhảm nhí, vớ vẩn như các album nhạc thị trường đang tràn ngập, cũng không hẳn là một tác phẩm nghệ thuật đích thực – như các đĩa của những giọng ca huyền thoại khác.
Nghe ‘Về lại cõi sầu’ nhìn chung cũng được, thấy một Lam Anh vượt trội so với các ca sĩ trẻ cùng tuổi trong lẫn ngoài nước, nhưng nghe bài ‘Nếu em được lựa chọn’ thì thấy Lam Anh còn một con đường khá xa để ít nhất đạt đến được như Minh Tuyết hiện tại.
TNCD 528 – Ảo giác
Đang nghe cái này nà. Nói chung mình ít thích nghe các album Top Hits của Thúy Nga hay Asia vì thường chẳng có chủ đề nào cả, nhưng album này nghe được.
Ngoài các giọng ca của Ngọc Anh (Nha Trang ngày về), Bằng Kiều (Chỉ còn lại tình yêu), mình khá bất ngờ với Cô gái đến từ hôm qua của Lam Anh, đặc biệt là 2 giọng ca Đình Bảo và Thiên Tôn.
Thiên Tôn đoạt giải nhất trong cuộc tuyển chọn ca sĩ gần đây trong V-Star, được xem là thế hệ nam ca sĩ trẻ tiềm năng của làng nhạc hải ngoại. Nhiều người mong chờ anh tiếp tục phát triển như cách mà Trần Thái Hòa làm được. Mình thấy ảnh trong các chương trình PBN, từ hát các ca khúc của Ngô Thụy Miên đến Nhật Trường đến Trịnh Công Sơn chỉ bình thường, không có gì quá đặc sắc, dưng mà chắc nhờ công nghệ thu âm, trong đĩa này ảnh hát được phết.
Đình Bảo nếu như mình không nhầm thì là một trong những giọng hát đỉnh từ thời còn ở AC&M, sau khi đi du học bên Mỹ thì bắt đầu xuất hiện trên PBN. He he còn nếu tình cờ trùng tên mà là anh Đình Bảo khác thì mình chịu. Khá bất ngờ với bài Tình Cầm và Dư Âm mà anh trình bày trong album này, nghe đẳng cấp hẳn, còn thích hơn cả Bằng Kiều hay Trần Thái Hòa.
Bài mình thích nhất là “Chỉ chừng đó thôi” của Don Hồ. Không thích cách phối trong bài “Nha Trang ngày về” mà Ngọc Anh hát, nhưng do bản thân bài hát hay và giọng Ngọc Anh đầy nội lực nên nghe cũng được lắm đó.