Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Chàng thư sinh gầy gò lang bạt vào Sài Gòn cuối thập niên 50 – Trịnh Công Sơn khi lần đầu nghe Thanh Thúy hát “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong, và khóc… đã có câu nhận xét như thế. Và tôi cũng xin mượn câu nói đó của nhạc sĩ họ Trịnh để bắt đầu bài tản mạn ngắn về Thanh Thúy – người tình trong mộng của cả một thế hệ văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ… Sài Gòn xa cũ.
***
Thanh Thúy chưa bao giờ được xem như là hồng nhan có sắc đẹp khuynh quốc khuynh thành. Xét về lĩnh vực nghệ thuật, tiếng hát của cô không được đánh giá cao như những nữ danh ca Khánh Ly, Lệ Thu, Khánh Hà… Tuy nhiên, nếu nói về người phụ nữ được yêu mến, được hâm mộ và giành được nhiều tình cảm yêu thương nhất vào ngày đó thì phải xếp Thanh Thúy lên đầu.
Thanh Thúy bắt đầu đi hát từ năm 15 tuổi (1959) để kiếm tiền nuôi người mẹ đang bị bệnh nặng. Nơi cô xuất hiện đầu tiên là phòng trà Đức Quỳnh (vào cuối năm 1974 đổi tên thành Văn Hoa, hiện tại là rạp Thăng Long nằm ở đường Cao Thắng). Sau đó, cô tiếp tục trình diễn ở các phòng trà như: Văn Cảnh, Arc en ciel, Tự Do, Anh Vũ, Hòa Bình…
Cách phát âm của Thanh Thúy không chuẩn, tôi phải nói thế. Và đó cũng là đặc điểm chung của những giọng hát “rặc” miền Nam. Đối với phần lớn khán giả nghe không quen, thì ắt sẽ thấy khó chịu. Tuy nhiên, không thể không thừa nhận những giọng hát như thế dễ gây cho khán giả cảm giác rất thật, như những lời ca đó xuất phát từ tâm khảm của họ, không luyến láy, không kĩ thuật cao siêu. Đơn thuần là chân chất. Có thể tìm thử bài “Chiều mưa biên giới” qua giọng hát của quái kiệt Trần Văn Trạch, “Giọt mưa thu” với giọng hát nghiệp dư của kĩ sư địa chất Võ Anh Tuấn để cảm nhận rõ hơn về ý này.
Chính cái giọng hát rất u hoài, buồn man mác, nghẹn ngào của Thanh Thúy, kết hợp với hình ảnh một thục nữ trong tà áo dài e lệ, khi hát thì một tay vịn lấy dòng tóc đen đang buông lơi trên đôi vai gầy, một tay nâng chiếc micro, đã tạo nên một Thanh Thúy làm điên đảo biết bao người.
***
Đầu thập niên 60, ngọn bút đầu đàn của nhóm Sáng Tạo & Kịch Ảnh là nhà văn Mai Thảo đã gọi Thanh Thúy là “Tiếng hát lúc không giờ”. Nguyên Sa đã có lần hỏi Mai Thảo:
– Tại sao “Tiếng hát lúc không giờ?”
Mai Thảo trả lời bằng những tiếng ngắn: Vì muộn…
Rồi ông tiếp: – Là muộn màng…
– Là về khuya…
– Tôi vẫn thấy một con chim nhạn bay trong giòng sông sương mù…
– …
– Chậm và khuya…
– …
– Công phu… Kỳ lạ…
Ngoài ra, Thanh Thúy còn được gọi là “Tiếng hát khói sương” (Lâm Tường Dũ). Họa sĩ Vũ Hối cũng đã từng làm thơ để nói về tiếng hát Thanh Thúy:
Liêu trai tiếng hát khói sương
Nghẹn ngào nhung nhớ giòng Hương quê mình
Tuy nhiên, danh hiệu đi liền với tên tuổi Thanh Thúy nhất có lẽ đến từ ông Nguyễn Văn Trung, giáo sư Triết Đại Học Văn Khoa thời đó, trong chuyên đề “Ảo ảnh Thanh Thúy” đã gọi giọng hát của cô là “Tiếng hát liêu trai“. Và từ đó, danh hiệu đó đã đi cùng với cô.
***
“Ướt Mi” không phải là bản nhạc đầu tay của Trịnh, nhưng chính bản thân tác giả đã từng nói
Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi
Hãy cùng nghe Trịnh Công Sơn tâm sự
Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, năm đó tôi mười bảy tuổi – Sơn kể – đêm nào tôi cũng lò dò đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì cũng chưa hẳn. Vì tôi nhỏ tuổi hơn, lại nhiều mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.
Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao, mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát vọng đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời.
“Ướt Mi” là một nhạc phẩm hay kỳ lạ, buồn thương cảm đến não nề với những câu như “đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca“. Sau này, nhạc sĩ họ Trịnh còn viết bài “Thương một người” với hình ảnh “Thương ai về ngõ tối, sương rơi kín đôi vai…” để dành tặng Thanh Thúy.
Mối tình đơn phương của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, gọi là chút thoáng tình cảm đầu đời cũng được, gọi là tình say đắm nhưng vô vọng cũng được, có lẽ chỉ Trịnh là hiểu rõ nhất. Thôi thì hãy chỉ nên nhớ về nó như một bài hát đẹp, một câu chuyện đẹp, thế thôi.
***
Ngoài Trịnh Công Sơn ra, còn có một bài nhạc viết tặng Thanh Thúy cũng rất nổi tiếng: đó là bài “Tiếng hát về khuya” của nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Tuy nhiên, trong số những văn nghệ sĩ hâm mộ Thanh Thúy, nổi tiếng nhất phải kể đến Trúc Phương.
Trúc Phương yêu Thanh Thúy, yêu bằng một tình yêu trọn vẹn, nhưng có lẽ hai người chỉ có duyên mà không có phận. Rất nhiều những tác phẩm để đời của Trúc Phương như Chuyện chúng mình, Bóng nhỏ đường chiều, Tàu đêm năm cũ… đều mang hình ảnh của Thanh Thúy, hay đúng hơn là về một mối tình đau thương và tuyệt vọng mà nhạc sĩ tài ba gởi gắm vào. Lại trớ trêu thay, chính “Tiếng hát liêu trai” đã góp phần làm những ca khúc của Trúc Phương bay thật cao, bay thật xa.
Thanh Thúy lên xe hoa về theo người khác, Trúc Phương vò võ nhớ thương. Thanh Thúy xa quê sống cuộc sống lưu vong, Trúc Phương ở lại quê nhà cùng bao hoài niệm.
Nhạc sĩ Trúc Phương đến trước khi chết trong nghèo khổ, sau một quãng thời gian đối mặt với căn bệnh ngặt nghèo, đã lìa bỏ cõi đời vào một ngày tháng 9 hơn 15 năm trước, vẫn luôn nhớ luôn mong hình bóng trong tâm tưởng đấy. Trong ca khúc “Mắt chân dung để lại”. dòng nhạc cuối đời của Trúc Phương vẫn ẩn hiện bóng người xưa:
Gửi người xưa bỏ ta để đôi mắt lại, giọt vắn giọt dài mãi đọng vũng bùn nhỏ, ta và em trót đã thiên thu nhầm lỡ, khóc mình khóc người, đỏ hoe suốt đời
***
Tôi nghe Thanh Thúy, không phải vì đó là người từng làm điên đảo biết bao thi nhân, nhạc sĩ. Thật ra, tôi nghe Thanh Thúy trước, một thời gian lâu sau mới biết rằng Ướt Mi và Thương Một Người của Trịnh, cùng hàng loạt ca khúc của Trúc Phương là dành tặng cho cô. Bỏ qua những giai thoại về cô, tôi thật sự yêu cái giọng hát ấy – một giọng hát đặc biệt và rất riêng, mà có lẽ ngoài cô ra không còn ca sĩ nào khác có được. Tôi xin mượn bài thơ của Hoàng Trúc Ly khi nói về giọng hát của cô để kết thúc bài này, vì những tưởng, khó mà có thể tìm được những ngôn từ mô tả nào thích hợp hơn:
Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay mời âm thanh.
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan thành hư vô
210411,
B.l.u.e
p/s: Bài viết sử dụng một số tư liệu và hình ảnh trên trang www.thanhthuy.me. Về một số bài hát được nhắc đến:
– Ướt mi của Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Thanh Thúy: http://music.hatnang.com/node/6246
– Tàu đêm năm cũ & Bóng nhỏ đường chiều qua tiếng hát Thanh Thúy: http://www.youtube.com/watch?v=cqNCYRPkW8c
– Chiều mưa biên giới qua tiếng hát quái kiệt Trần Văn Trạch: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=gA4nD0lpmO Zantac
.