Người ta có thể chọn mọi thứ, nhưng không thể chọn người sinh ra mình. Đại loại là có ai từng nói với tôi câu này, là mẹ tôi, là bà nội tôi, hay là bác ruột tôi? – trời, kí ức qua lâu lắm rồi, làm sao tôi nhớ được cơ chứ? Tôi chỉ biết họ nói câu này khi tôi bảo rằng tôi hận ba tôi. Những cảm nghĩ, những tình cảm của tôi về ba, nó nhòe nhoẹt lắm, không phải vì do thời gian làm cho nó mờ đi, mà là do có quá nhiều cảm xúc khác nhau, và mỗi thứ đều là những thái cực hoàn toàn tương phản.
Lịch sử dưới góc nhìn của một đất nước chỉ là những biến cố xảy ra, theo cách này hay cách khác, nhưng đối với nhiều người, nó đơn giản để lại những hệ quả cả đời người. Ba tôi hồi trẻ học giỏi, đẹp trai, hát hay và đàn giỏi (tôi thì không được cái nào trong cả bốn cái đó). Ông có lẽ đã được đi du học nếu không xảy ra sự kiện 1975. Và chính cái biến cố ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông sau này.
Có hai thứ gắn liền với hình ảnh ba mà tôi nhớ nhất khi nghĩ về tuổi thơ của mình: đó là hình ảnh chai xì dầu bay đánh choảng vào cái tủ sau lưng, chỉ cách đầu tôi vài gang tay, và hình ảnh ngọn đèn thắp thâu đêm khi ba kèm tôi học. Những kí ức yêu, hận cứ đan xen lẫn nhau, đi cùng tôi đến gần hai mươi năm cuộc đời.
Có những lần khi ba uống rượu say, tôi hay ngồi một góc, lặng nhìn khuôn mặt đang rất tức giận, và tự hỏi liệu đó có phải là người đàn ông rất tinh tế, rất nghệ sĩ luôn tươi cười mà mình biết trước đó? Những lúc như vậy, tôi hay nghĩ về quá khứ, khi ông cùng tôi chơi đá banh, những lúc ông học cùng tôi, giải toán cùng tôi, hình ảnh ông ngồi im trên chiếc xích đu cũ kĩ, nhìn ra bãi cỏ xám bạc cả một màu vào những buổi chiều ông chờ tôi tan lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở huyện về, hay hình ảnh ông nhảy xuống ao hì hục tát nước lên dập cho tắt đám cháy mà tôi và thằng Bảo, vì nghịch ngợm chơi trò búng diêm đã xém đốt gần như trụi bãi cỏ của trường. Cũng có lúc, tôi lại nhớ về cái ngày mà ba nói với tôi: ba mẹ bỏ những gì gầy dựng bao năm ở đây, chuyển nhà lên thành phố để con học cho tốt.
Tôi biết ơn ba lắm, ông dạy tôi từ những bài học của cuộc đời ông, những bài học mà một anh chàng vốn thư sinh như ông phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, bằng những ân tình và cả lừa dối của người đời. Nhưng rồi, cũng có lần tôi hận ba ghê gớm, khi ba và mẹ gây sự ầm ĩ cả xóm làng, và sáng hôm sau, tôi đi học, tôi đến trường trong cái nhìn đầy thương cảm của bọn bạn.
Tôi hận ông, đặc biệt khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, của em gái tôi, và đôi khi của tôi – như thể tôi đang từ ở một nơi nào đó xa lắm, một tầng không gian nào đó và đang nhìn xuống cái cảnh tan tành đang diễn ra. Đôi khi tôi thấy quen thuộc đến chai lì với nó, đôi khi tôi thấy đau đớn khôn nguôi.
Những cơn say của ông diễn ra thường xuyên đến mức, nhiều khi ngay sau lúc xưng tội xong, biết rằng mình đã được Chúa tha thứ hết, tôi nghe tiếng còi tàu xe lửa hú vang lên và nghĩ, hay mình đâm đầu vào đó cho xong, vì chắc chắn chết rồi sẽ được lên thiên đàng, sẽ có cuộc sống tốt hơn hiện tại. Nhưng rồi tôi lại nhớ về mẹ tôi, về em gái tôi. Đó cũng là lúc tôi tự bảo mình phải mạnh mẽ hơn.
Năm tôi bắt đầu học cấp ba, cũng là khi tôi bắt đầu phản kháng lại ông. Những lần ầm ĩ trong nhà tôi hay bắt nguồn từ các kịch bản quen thuộc, ba la tôi hay em tôi, mẹ tôi bênh lại, và cuối cùng tôi là người đứng thẳng lên phản kháng. Những lúc như thế, những lúc khi tôi sẫng giọng lên với ông, nhìn vào đôi mắt đỏ hằn vệt máu của ông, tôi nghĩ ông sẽ đánh tôi, nhưng ông chỉ run run và bảo: ngay cả mày giờ cũng như thế, rồi đóng sập cửa phòng lại và ngồi trong đó cả ngày. Những lần đó, tôi hay tự hỏi, ông làm gì trong đó, liệu ông có đang buồn vì tôi như thế?
Tôi khi đó hành xử theo những cơn nóng giận của cảm xúc, của bản thân. Tôi từng lén xé bỏ đơn li hôn của ba mẹ tôi, cũng có lần khuyên mẹ nên nộp đơn ra tòa, vì như thế là giải thoát. Có một lần như thế, khi tôi in cái bảng bán nhà cho mẹ tôi, và tự mình ra dán ngay trước cửa nhà, ba tôi đi đâu về, thấy, ông lẳng lặng xé nó ra, và ngồi ngay cầu thang. Tôi khi đó chả thiết gì nữa rồi, tôi cũng chỉ ngồi lẳng lặng đó xem ông làm gì. Ai ngờ, nơi cái góc cầu thang tối om, ừ, đó vẫn là kí ức hằn sâu trong tôi, tôi thấy ông khóc. Ông bảo tôi rằng: ba biết con hận ba lắm, nhưng ba lúc nào cũng là ba của con, phải không? và ông tiếp tục: ba không biết, là ba không tốt, ba sợ sau này khi con quen ai đó, gia đình người ta nhìn vào nhà mình thấy ba không tốt, sẽ không cho con quen con gái người ta. Lúc đó, tôi chết lặng, đúng nghĩa của từ đó, tôi chỉ muốn chạy tới ôm chặt ông, nhưng cái tính ích kỉ quá trẻ con của mình khiến tôi chỉ đứng đó, chăm chăm nhìn ông…
Sau đó, đột ngột một buổi sáng ông thức dậy, ông quyết định thay đổi. Ông là một trong những người mà tôi thấy khó hiểu nhất. Ông bướng bỉnh không chịu thay đổi, ngay cả khi có thể vì sự bướng bỉnh đó mà ông mất cả gia đình ông yêu thương nhất, thứ quý giá duy nhất của cuộc đời ông. Và rồi, ông lại đột ngột trở thành một người khác hẳn. Ông bỏ rượu, bỏ thuốc lá ngay lập tức, không có triệu chứng vất vả gì. Rồi ông hằng ngày thức dậy lúc 4h sáng để đi nhà thờ. Dù là muộn màng, nhưng ơn trời, lòng ông rốt cuộc cũng được bình an. Ông hay bảo đó là do bà nội tôi ở Thiên Đàng hằng ngày cầu nguyện cho ông.
Tôi học được từ cái cách tôi nhìn ông qua năm tháng rất rất nhiều điều, và tôi đang làm rất tốt. Tôi học những bài học để trở thành một tôi như hiện tại qua những trải nghiệm đích thực như thế. Tôi chưa bao giờ để mình thật sự say mất kiểm soát. Cả cuộc đời tôi từ đó tới giờ, tôi có thể tự hào nói rằng tôi hầu như chưa từng nóng giận. Tôi lì lợm theo cách mà đôi khi tôi cũng ngạc nhiên, tôi gai góc, tôi phớt đời, và tôi cũng rất đa cảm, rất yếu đuối.
Những điều tốt đẹp của cuộc đời, dạy ta theo một cách, và những mất mát, những kí ức buồn đau, lại làm công việc của nó theo một hướng khác, và phải chăng chính chúng mới tạo nên một chúng ta như hiện tại?
Ba tôi thay đổi nhiều kể từ ngày ấy, ông vui vẻ cả ngày, không còn cái bất mãn với cuộc đời thường thấy. Tuy ông không thể cùng tôi học như những ngày còn nhỏ, nhưng ông vẫn theo dõi từng bước tôi đi. Ông không bao giờ hỏi tôi về những cô gái mà tôi đang quen, nhưng ông biết rõ về họ.
Những kỉ niệm không vui của tôi về ba, giờ được thay thế bằng tiếng cười của ông những lúc ông cùng tôi chơi game. Ông chơi một trò chơi với tôi, đến mức nhiều lúc tôi đang ngồi tán gái trong game, còn bị bạn tôi bảo: thằng Cún xê ra để ta nói chuyện với bác xem nào. Những lúc như thế tôi thấy tôi và ông thật gần gũi (dù đôi khi ông hay mắng tôi vì tôi quen những đứa con gái “không ra gì”).
***
Cuộc sống ở Việt Nam rất nhàn hạ, dư ăn dư mặc, nhưng như một lần nữa, ba vẫn quyết định bỏ tất cả để qua Mỹ, vẫn với câu quen thuộc: nơi đó tốt cho con và em hơn. Qua đây, tôi đi cùng ông tới từng garage sửa xe, từng tiệm mộc, từng chợ người Việt… để hỏi người ta việc cho ông. Khi tôi chưa biết lái xe, ông chở tôi đi tới từng nơi, từng nơi để phỏng vấn, mỉm cười khi tôi bước ra khỏi công ty, an ủi tôi khi biết tôi bị họ từ chối.
Một lần tôi có cuộc phỏng vấn dài hơn ba giờ đồng hồ, khi tôi bước chân ra khỏi cửa công ty, thì thấy ông đang ngồi bên gốc cây chờ tôi. Mười năm trước, vẫn là hình ảnh đó, mười năm sau, vẫn là hình ảnh đó. Tôi biết rằng, tình yêu và niềm hi vọng của ông về tôi, sẽ theo tôi cả đời.
Ngày tôi được nhận đi làm trên Dallas, ông vào sở làm và khoe với tất cả mọi người. Khi tôi nghe mẹ tôi kể lại, tuy không ở đó, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ông vui thế nào.
Tôi đi làm, ngày ngày vẫn nói chuyện với mẹ, vẫn chat trên YM với em gái tôi, nhưng chưa từng nói chuyện gì với ông, trừ những lần liên quan đến việc nhà này nọ. Tôi không coi đó là xa cách, giao tiếp không phải là cách duy nhất mà hai người đàn ông có thể dùng để hiểu nhau.
***
Mẹ gọi tôi, mẹ nói tôi rằng ba dạo này yếu lắm, nhưng mẹ nói ba mua bảo hiểm sức khỏe, ba không mua, vì nó mắc quá. Mẹ nhờ tôi khuyên ba. Đến lúc này, tôi mới thực sự nhận ra ba tôi đã lớn tuổi thế nào, và tôi thật sự đang thay thế ông trở thành trụ cột của gia đình ra sao.
Những đoạn kí ức đó vẫn còn, nhưng cách nghĩ của một thằng nhóc 16 tuổi không còn. Tôi chỉ còn kính trọng ba, và rất thương ông. Như lúc ấy tôi đang chạy xe, giọng mẹ nhỏ nhẹ vì sợ ba nghe thấy, nói tôi về tình hình sức khỏe của ông, tới những chữ “ba dạo này yếu lắm”, tôi buồn, rất buồn…
25102010,
B.l.u.e.
thích chàng trai viết quá
ai thế nhỉ? 😮
Em cũng có những cảm giác vừa yêu vừa giận với ba mình như vậy. Có những lúc ba nặng lời, nhưng cũng có lần, em thấy ba ngồi đợi mình trước cửa. Sao mà giống quá =)
thế bây giờ sao rồi em :p
Bây giờ xa nhà, thấy nhớ =)
Sao mà thích những bài OP viết về gia đình 😡
Ta đối với cha cũng như OP thôi, vừa yêu vừa hận. Bình thường thì thương cho cái sự bất đắc chí của của ông, nhưng nhiều lúc cảm thấy chịu chẳng nổi 🙁
Dù sao thì cha cũng là cha mình, và mình cũng chỉ có một người cha thôi 🙂
Sao không ai khen hồi nhỏ anh rất là đáng yêu nhỉ?
Kể từ 18t trở về trước thì coi như là đáng yêu đi…