Skip to content

những bài nhạc tôi yêu về Hà Nội [p1]

riêng tặng Hiệp của anh

Người ta có nhiều lí do để yêu một thành phố nào đó. Như tôi, tôi yêu Hà Nội chỉ vì những câu thơ, những bài nhạc – hay nói đúng hơn là một Hà Nội trong trí tưởng, một Hà Nội của thời xa xôi lắm. Thật ra, không phải cứ là người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, mới có quyền yêu Hà Nội. Có nhiều nhạc sĩ, thi sĩ chưa một lần đặt chân ra thủ đô, nhưng đã có những sáng tác tuyệt vời về vùng đất này. Tôi cho rằng, họ mang tâm hồn và tính cách Hà Nội còn hơn cả nhiều người xưng mình là Hanoian thật sự.

Dĩ nhiên, trong bài viết để tặng riêng em, tôi không muốn gây nhiều tranh cãi, nên tạm ngừng cái quan điểm cá nhân ở đây. Bài viết ngắn này tặng em, không phải vì em yêu Hà Nội hay tôi yêu Hà Nội, mà là vì tôi yêu tất cả những gì liên quan đến em, đơn giản như là vùng đất em đang sống, cái bầu không khí mà em đang thở vậy.

Những ca khúc viết về Hà Nội cũng nhiều, bài này của tôi không nhằm mục đích tổng hợp lại tất cả, mà chỉ là những bài – mà theo ý kiến riêng của tôi, tôi cho là – hay nhất.

(tất cả các link download đều nằm ở phần comment cuối bài)

Hà nội 49 – Trần Văn Nhơn 1949

Hà Nội 49 luôn được xem là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội. Trần Văn Nhơn là một trong những nhạc sĩ ở thời buổi đầu nền tân nhạc Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi thời bấy giờ biết hòa âm, phối khí và chỉ huy dàn nhạc.

Khắp chốn nay điêu tàn
Nhà xiêu đổ một cảnh nát tan

Cũng cần lưu ý là Trần Văn Nhơn sinh ra và lớn lên ở miền Nam. Sau này không rõ vì lí do ông lưu lạc ra Hà Nội và trở thành nhạc trưởng ban Việt Nhạc đài phát thanh Hà Nội. Hà Nội 49 được viết khi Hà Nội đang nằm trong tay người Pháp. Thời điểm này Việt Minh từ chiến khu hay tổ chức những trận đánh úp vào Hà Nội rồi rút rất nhanh, bỏ lại một Hà Nội điêu tàn, đổ nát.

Hà Nội 49 xưa có Duy Trác và Khánh Ly hát. Sau này ca sĩ Mai Hoa cũng hát lại trong album Hà Nội 49 gồm các ca khúc của thời kì đầu tân nhạc Việt Nam. Về cảm nhận cá nhân, thì tôi thích Hà Nội 49 do Duy Trác hát nhất.

Hướng về Hà Nội – Hoàng Dương 1954

Đây là ca khúc mà tôi thích nhất về Hà Nội, và cũng được đa phần mọi người đánh giá là hay nhất.

Về ca khúc này có nhiều giai thoại, nhiều câu chuyện bên lề. Như theo lời Hoàng Dương kể lại, thì thời điểm đó Hoàng Dương đang ở Nam Định. Khi đó ông mới tầm hơn 20 tuổi, đang yêu một cô gái Hà Thành. Vào một đêm khuya, khi nghe tiếng pháo dội trong thành phố, ông bồi hồi nhớ đến cô, và thắp đèn thâu đêm để viết nên ca khúc này.

Người ta còn kể rằng nhà thơ Quang Dũng khi nghe tài tử Ngọc Bảo hát bài này, sau gặp Hoàng Dương đã ôm lấy ông và bảo: “Cảm ơn Dương, mặc dù mới được gặp cậu lần đầu nhưng tâm hồn của chúng ta đã rất giống nhau. Tớ cảm nhận được rất nhiều sự đồng điệu trong đó”.

Tôi nghe Hướng về Hà Nội của Hoàng Dương, ngay từ đầu đã chết mê mệt những câu đầy ý thơ, đầy ngọt ngào và hoài niệm. Ngay từ câu đầu

Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi…

hay những câu

Hà Nội ơi, dáng huyền tha thướt đê mê…

và đặc biệt là thời điểm này, mỗi khi chạy xe, nhìn ra ngoài cửa kính mưa đang đọng lại thành từng vệt, từng vệt, rất buồn và đơn độc, mỗi lần nghe tới

Hà Nội ơi, mắt huyền ngây ngất đê mê,
Tóc thề thả gió lê thê, hãy tin ngày ấy anh về

tôi đều nở một nụ cười…

Hình ở trên là bìa đĩa do Tinh Hoa Miền Nam xuất bản, họa sĩ Duy Liêm trình bày. Bên trong bài hát có câu đề tựa: “Riêng tặng Hoàng Trọng, bạn thân yêu…”

Hoàng Trọng và Hoàng Dương là 2 người bạn khá thân. Chính Hoàng Trọng đã một phần gíup ca khúc Hướng về Hà Nội đến với đông đảo người yêu văn nghệ, bằng cách giới thiệu ca sĩ Kim Tước để hát bài này.

Sau, có nhiều ca sĩ khác như Thanh Thúy, Lệ Thu, Tuấn Ngọc, Hồng Nhung, và gần đây là Quang Dũng trình bày. Nhiều người hay cho rằng bản của Lệ Thu là hay nhất, vì giọng của Lệ Thu rất điêu luyện, dễ mê hoặc lòng người.

Cá nhân tôi, tôi lại thích version đầu tiên mà Kim Tước hát. Nó không hẳn là hay nhất, nhưng tôi cảm nhận cái nét buồn man mác, nét hoài niệm về một Hà Nội đẹp như thơ, qua từng nốt nhạc, từng câu chữ của tác giả.

Giấc mơ hồi hương – Vũ Thành – sau 1954

Người ta ít biết tới Vũ Thành, vì nhìn chung ông sáng tác nghệ thuật vị nghệ thuật, đòi hỏi ông đặt ra khi sáng tác rất cao. Theo nhạc sĩ Phạm Duy thì Vũ Thành là một trong hai nhạc sĩ Việt Nam trong ban nhạc hòa tấu đầu tiên ở nước ta. Vũ Thành là người đi tiên phong trong việc sử dụng những cung điệu mới so với cung Ré thứ ủ rũ, buồn đến nao lòng trong nhạc của Văn Vao, Đặng Thế Phong trước đây.

Ngoài lề xíu, Phạm Duy từng gọi Vũ Thành là nhạc sĩ đẹp trai nhất nước. Khâm phục ông ghê, tài sắc vẹn toàn.

Quay lại, Giấc mơ hồi hương sau năm 1954 được những người miền Bắc di cư vào Nam xem như kinh nhật tụng, ngày ngày hát lên và nhớ về một Hà Nội thân thương, một Hà Nội mà có lẽ cả đời cũng không bao giờ thấy được. Ngay như bản thân tác giả, cũng đã qua đời trước khi có dịp biến Giấc mơ hồi hương thành sự thật.

Từng từ, từng câu trong Giấc mơ hồi hương đều rất đẹp, rất gợi cảm xúc

Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về chốn xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi

Hà Nội hiện ra như hình ảnh một cô gái

Ta nhớ thấy em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua

Giấc mơ hồi hương là một trong những ca khúc rất khó hát, đòi hỏi giọng người hát phải thật khỏe. Vì thế trong giới ca sĩ, không mấy người đủ khả năng để hát nhạc của ông. Có phải vì vậy mà ca khúc này ít được phổ biến rộng rãi?

Về các version của ca khúc này, tôi đã nghe những giọng nữ như Khánh Hà, Lệ Thu, Thái Thanh… giọng nam như Sỹ Phú, Anh Ngọc hát, gần đây thì có Ngọc Hạ cũng hát lại. Không đủ trình độ để đánh giá chất giọng nào hay nhất, nhưng, một lần nữa, theo cảm nhận của cá nhân, tôi thấy “Giọng hát trượng phu” Anh Ngọc là hợp nhất, dù version tôi có chất lượng bản thu âm rất tệ. Nhưng biết làm sao hơn?

Nghẹn ngào thương nhớ “em”… Hà Nội ơi

Người Hà Nội – Nguyễn Đình Thi – 1947

Người Hà Nội được Nguyễn Đình Thi sáng tác vào năm 1947, theo như lời tác giả thì bài hát được ra đời trong một chuyến công tác tại một ngôi làng nhỏ bên bờ sông Nhuệ.

Đôi khi tôi không hiểu lắm về việc mình thích bài này, vì vốn dĩ tôi chỉ thích một Hà Nội đẹp và yên bình. Nhưng quả thật bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, tuy nội dung chủ yếu là những câu thấm đậm tinh thần quật cường, đấu tranh như

Mỗi tấc đất Hà Nội đượm thắm máu hồng tươi…

Hay tuyên truyền như

Bùng cháy khắp phố ta ơi! Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu.

nhưng đôi chỗ vẫn có những câu rất đời thường, rất bình dị

Hà Nội vui sao, những cửa đầu ô.
Tíu tít gánh gồng đây Ô Chợ Dừa, kìa Ô Cầu Rền, làn áo xanh nâu, Hà Nội tươi thắm.
Sống vui phố hè. Bồi hồi chàng trai, những đôi mắt nào. Quanh co, chen quanh rộn ràng Ðồng Xuân, xanh tươi bát ngát Tây Hồ, hàng
Ðào ríu rít Hàng Ðường, Hàng Bạc, Hàng Gai.
Ôi tha thiết lòng ta biết bao nhiêu

Ngoài lề một chút, theo tôi thì chỉ bằng đoạn này thôi, cũng đã đánh bại được cái gì mà báo chí khen ngợi quá lời về những sinh hoạt bình dị của người dân Hà Nội được khắc họa rõ nét trong bài Hà Nội Boogie, và còn một vài độc giả đề nghị nên trình diễn ở dịp đại lễ.

Nếu có bài nào được trình diễn, thì đó nên là bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, đầy hào hùng, đầy quật cường nhưng đôi đó vẫn ẩn hiện một Hà Nội rất thơ, rất đẹp.

À, trước đây tôi hay nghe bài này do Lê Dung hát, gần đây nghe Lan Anh (Lan Anh là một giọng ca hiếm có, tuy ở nhiều chỗ còn kém Lê Dung, nhưng cũng có thể coi là độc đáo vô cùng ở Việt Nam thời điểm này) hát cùng dàn hợp xướng. Nếu xét về giọng hát, thì tôi vẫn thích Lê Dung hơn, nhưng version này hát với dàn hợp xướng thì hay hơn, đủ chất hào hùng cần có của một bài nhạc như thế này.

Vì vậy, tôi thích bài này do Lan Anh và dàn hợp xướng hát nhất (không biết Lê Dung có version nào như thế không, hay tôi chưa tìm ra nhỉ?)

Tiến về Hà Nội – Văn Cao – 1949

Văn Cao là nhạc sĩ mà tôi hâm mộ nhất trong tất cả các nhạc sĩ Việt Nam từ xưa tới nay, cả về nhạc, thơ, lẫn tính cách của ông. Nói về những giai thoại về Văn Cao thì cả ngày cũng không hết. Riêng bài Tiến về Hà Nội này cũng có nhiều điểm đáng lưu ý.

Bài Tiến về Hà Nội được viết trước ngày Giải phóng Thủ Đô những 5 năm, nhưng từng lời ca của bài hát vẫn mô tả được chính xác cái không khí tưng bừng, trùng trùng quân đi như sóng sau đó.

Theo lời Văn Cao, thì ông sáng tác bài này

“Tôi sáng tác Tiến về Hà Nội trong một đêm thu, bầu trời trong vắt, đầy sao, không gian tràn ngập ánh trăng và thơm ngát mùi lúa ngậm đòng” (Trích trong “Văn Cao – đời và người”).

Thực ra bài này tôi không nghe thường xuyên lắm, nên không biết được bài này ca sĩ nào hát hay nhất. Gần đây tìm được version do dàn hợp xướng trình bày, thấy nghe cũng hay. Nên gởi lên đây vậy.

Thật, chỉ cần nghe câu đầu Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về thôi là đã thấy hào khí nổi lên rồi…

[còn tiếp].

18 thoughts on “những bài nhạc tôi yêu về Hà Nội [p1]”

  1. Gái nào mà tên như tên con trai vậy B.l.u.e :-??
    À, mà có nói đó là gái đâu nhỉ:”>.
    Quê quá, em chưa từng nghe “Hanoi 49” và “Giấc mơ hồi hương” [đỏ mặt thêm lần nữa].

  2. Tôi cho rằng, họ mang tâm hồn và tính cách Hà Nội còn hơn cả nhiều người xưng mình là Hanoian thật sự.

    _____

    Hehe câu này sai em nhé. Không phải cứ sáng tác làm thơ về Hà Nội là có tâm hồn về Hà Nội hơn Hanoian được. Những cái đó chỉ là trong tâm tưởng thôi, nó có thực tế hay không thì chưa biết. Không thể đánh giá qua nghệ thuật được.

    Giống như việc người ta viết thơ tiếng Pháp, không thể bảo là họ có hồn Pháp hơn người Pháp chính gốc được.

    Hanoian có thể chẳng cần phải nói ra hay thể hiện gì cả, thì họ vẫn có cái Hanoi soul ở trong máu thịt. Non-Hanoians, không có được điều này. Đây là intangible value, not for everyone to achieve.

  3. à quên, kia là ý kiến của anh, coi như ko liên quan gì đến bài của ku, vì ku đã “tôi cho rằng” rồi 😀 😛

  4. Dĩ nhiên là có “Nỗi lòng người đi”, còn Gửi người em gái, tên ban đầu là “Gửi người em gái miền Nam”, và thật sự không phải viết về Hà Nội lắm (so với các ca khúc còn lại)

  5. Đâu phải cứ phải :”Hà Nội ơi” , “Hà Nội ơi ới ời ời” mới là viết về HN sao? :-ss

    Em thấy bài đó là viết về HN, gửi cho một em gái (cũng HN) chỉ là đang ở miền Nam, và cái âm hưởng, không gian, cả hình ảnh cô gái trong bài hát đó, chẳng thể nào Hà Nội hơn được nữa :-<

  6. Anh thì không nghĩ thế 😀

    Viết về Hà Nội khác, mượn hình ảnh Hà Nội để viết về một ai đó lại khác.

    Em nghe bài đó, em thấy hiện lên gì trước, tình cảm của cụ Đoàn Chuẩn với bạn ấy, hay là Hà Nội trước?

  7. Hà Nội trước 🙁

    “cành hoa tim tím bé xinh xinh báo xuân nồng, nụ đào phong kín cánh mong manh hé hoa lòng, Hà Nội chờ đón tết, hoa chen người đi..”

    🙁

    Rồi thì mới :”Em tôi đi..” rồi mới :”khăn san bay..” 🙁

  8. =))
    Trời mưa ngồi công viên viết thư. Bạn N ơi bạn N, bạn bị hấp thật rồi =))
    Hà Nội thì chắc chắn là phải có bài “Nồng nặc Hà Nội” nhỉ?
    =))
    Lên Sàn nhạc mà tìm =))

  9. Bài Gửi người em gái, ta đánh giá, là bài thật sự hay nhất về Xuân và Tết ở HN. Nhưng chỉ có điều là chả bao giờ nó dc phát lên trên truyền hình các dịp đó cả. Mịa.

  10. Sáng nay ngủ dậy, xem chương trình gì đó, mk, bọn làm chương trình chả hiểu đầu làm = chất liệu gì, nói: “Alive quả thực là một bar cafe đậm chất Hà Nội xưa”:| . Mình đếch cần đến cái quán đó, cơ mà nghe cái câu kia đã như đấm vào tai. Tới cái tên quán cũng là tiếng Anh, mà kêu cổ với chả kính. Rồi cả cái trò I .
    Ôi! Hà Nội lai căng đầy khói bụi và kẹt xe của tôi ơi! Ngàn năm VĂN HIẾN :-<

  11. :O, sao comment của bạn Noob lởm thế? Mình type cả đoạn dài thế mà tự động cắt bớt là sao?
    :-< Đúng là người làm sao của chiêm bao làm vậy :-<
    Type tiếp cái đoạn "Rồi cái trò…"

    "Rồi cái trò I <3 Hà Nội của bọn trên fb nữa chứ, mình thấy thật là phản cảm. Có mỗi "Tôi yêu Hà Nội" cũng không nói được bằng tiếng Mẹ Đẻ, thì nói gì tới Văn Hiến với truyền thống với lịch sử?"

  12. Xin lỗi bạn Noob, đang bức xúc, chẳng biết xả ở đâu nên xả tạm ở đây! Vẫn chờ đọc các phần tiếp theo về Hà Nội của bạn Noob, dù sao mình cũng là gái Hà Nội :”>

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *