Hồi đó, mỗi khi tôi đọc về những người sống cả đời ở khu phần mộ của tổ tiên, ông bà mình, tôi không hiểu lắm những hành động của họ. Mãi đến gần đây, chính xác hơn là mới cách đây vài phút thôi, tôi mới giật mình, mơ hồ nhận ra một điều gì đó.
Tôi nhớ về ngày trước khi tôi đi, ba tôi chở anh em tôi ra nghĩa trang, đứng trước mộ của bà nội tôi, ông nói:
– Hai con chào bà lần cuối đi. Không biết rồi đến bao giờ mới có thể thăm lại bà thế này
rồi ông ngồi xuống ôm khuôn mặt của bà – được khắc trên nền bia đá lạnh lẽo, mắt đỏ hoe. Tôi thì khóc ròng như một đứa trẻ.
Đôi khi tôi hay ngồi trách tôi, làm sao tôi lại có thể bỏ quá ít thời gian nhớ về bà nội tôi, người rất mực thương yêu tôi; hoặc giả thỉnh thoảng nhớ, thì hình ảnh về bà lại quá phai mờ như thế.
Tôi không mong dùng những câu chữ này, để lưu lại kí ức về bà tôi kẻo ngày nào đó tôi quên mất. Tôi chỉ viết, vì thình lình mọi thứ ập đến quá bất ngờ – như kiểu các nhà văn Nhật Bản hay nói, làm tê liệt mọi giác quan khác của bạn.
Tôi nhớ bà tôi, người có thể kiên nhẫn ngồi xem tôi chơi điện tử bốn nút hàng giờ liền, và luôn thưởng cho tôi vài ngàn tiền tiêu vặt mỗi khi tôi hoàn thành một màn chơi nào đó – kiểu như tôi là đứa trẻ duy nhất trên thế giới này có thể chơi xuất sắc như thế, và điều đó đáng được vinh danh.
Tôi nhớ bà tôi, người mỗi buổi trưa năm tôi học lớp bảy, trước khi tôi đi học, đều làm riêng cho tôi một cái đùi gà chiên bơ, dù tôi ăn hoài, ăn hoài, mà chẳng mập lên được.
Tôi nhớ lúc bà tôi nghiêm nghị quát tôi, khi phát hiện tôi lén xem phim se_x lần đầu tiên vào năm lớp tám.
Tôi nhớ cái mùi thuốc Bắc đến nồng nặc cả căn gác, mùi rau dấp cá đầy tanh hôi mà bà tôi dùng để trị bệnh; tôi nhớ những đêm đang ngủ say, nghe tiếng bà ho gấp gáp, ho đến như xé cổ.
Tôi nhớ vẻ mặt bình thản của bà, khi biết tin mình bị ung thư máu.
Tôi nhớ lại những giọt nước mắt của bà, khi nhìn ba tôi và các cô chú tôi cãi nhau, rồi đánh nhau.
Tôi nhớ những giây phút cuối đời của bà, đau đớn tột cùng bên giường bệnh.
Tôi còn nhớ như in cái buổi sáng tinh mơ, khi tôi đang nằm ngủ thì nhận được tin bà mất, ngay ở căn gác dưới tầng tôi ở. Tôi chạy xuống nhìn bà, đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được mình đã mất, thật sự mất đi một người rất thân yêu. Tôi chỉ đứng đó, nhìn bà, tôi trống rỗng đến mức không nói được gì.
Tôi nhớ khi người ta khiêng quan tài của bà qua ngôi nhà, khi người ta hướng bà về căn nhà mà bà đã ở những ngày cuối cùng, và khẽ nhún người để bà chào ngôi nhà lần cuối.
Tôi nhớ những miếng đất vô hồn, dần phủ lấp lên chiếc quan tài của bà.
Tôi nhớ lời ba tôi dặn chú tôi trước lúc cả nhà tôi đi Mỹ:
– Anh không cần biết chú bận gì! Chú giờ là con trai duy nhất còn ở Việt Nam. Ngày giỗ mẹ, chú về thăm mẹ, giùm anh…
Bà tôi giờ chắc xương cốt đã hóa thành bụi đất. Nấm mộ của bà ắt vẫn luôn có hoa, có nhang mỗi dịp lễ. Chỉ không biết là, đến bao giờ đứa cháu đích tôn của bà mới có dịp lại thắp cho bà một nén hương, để ôm lấy bia mộ bà thật chặt đây.
-Hải .
“Sân nhà em đầy nắng
Bà ngồi khâu bên thềm
Tóc bà trắng như cước
Nắng giúp bà xâu kim”
…
Một bài thơ viết từ hồi lớp 3, về bà, giờ chỉ nhớ có mấy câu.
Bà em không thương em như bà anh, không bao giờ cho em tiền, không bao giờ ôm em, không bao giờ lén phần quà riêng như bà làm cho các anh trai khác, nhưng kí ức tuổi thơ em là những kỉ niệm ngọt ngào về bà. Bà cho em theo đi chợ, cho em theo đi xem quay tơ, dệt vải, bà đưa võng tre cho em ngủ, và thậm chí em còn như ngửi thấy mùi dầu xoa bà xoa vào tay em khi em chui vào vườn của bà hái trộm chanh cho bọn bạn hư, bị nái chanh chạm vào…
Kỉ niệm đau đớn nhất về Bà của em, không phải khi em là người chứng kiến bà em nhắm mắt, mà là khi bà vật vã khóc trước ban thờ người chú duy nhất của em, bị bom bi Mỹ, qua đời. Bà vừa khóc, vừa chửi người Mỹ đã “cướp mất con tao”, dù khi đó chiến tranh đã lùi xa lâu rồi. Hóa ra, nỗi đau khi chứng kiến người khác đau đớn, lớn hơn là nỗi đau khi người ta ra đi bình yên. Vì bà em ra đi cũng bình yên …
Em yêu bà nội, nên đồng cảm cùng anh…