Người ta hay cố gắng tách biệt lịch sử, chính trị với những sự kiện văn hóa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng những thứ đó có mối liên hệ rất mật thiết với nhau. Lịch sử góp phần tạo nên một nền văn hóa đầy màu sắc, với những bài thơ, những ca khúc… mà nếu không nhờ những sự kiện lịch sử ấy, ắt sợi dây tơ lòng của các nhạc sĩ khó có điều kiện rung động một cách mãnh liệt như đã từng, để mang lại cho đời bao tuyệt tác bất tử với thời gian. Nhưng, cũng phải nói rằng chính những nỗi nghi kị, thù hằn lẫn nhau còn sót lại qua các sự kiện lịch sử ấy, đã góp phần giết chết một phần nền văn hóa đầy rực rỡ, giết bằng cách tàn độc nhất – phủ bụi thời gian lên chúng.
Hiện nay, người ta hay tự huyễn hoặc nhau rằng, bằng một cách nào đó, cái nền văn hóa đầy chất thơ, tinh tế, đẹp lung linh ngày nào đang từng bước sống lại, nhờ những chương trình giao lưu, nhờ chính sách mở cửa, cái nhìn thông thoáng đối với “phía bên kia”. Người ta nhìn những liveshow Phạm Duy, Tuấn Ngọc và sắp tới là Tuấn Vũ, nhìn tiếng hát Khánh Ly, Lệ Thu, Elvis Phương… tràn ngập sóng phát thanh, phấn khởi với phong trào các ca sĩ trẻ tìm đến các nhạc phẩm của các nhạc sĩ thởi xa xưa: Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Phạm Duy, và “lạ” hơn nữa là những Anh Bằng, Trúc Phương… mà cho rằng mình đã biết giữ gìn, làm sống lại cái nền văn nghệ, thơ ca trước đây.
Lịch sử xảy ra là điều không ai muốn, cũng khó có thể trách những chính sách, những cái nhìn đầy thiên kiến của “người chiến thắng”, có buồn thì buồn cho những bài nhạc bị cấm vì lí do chính trị, từ đó dẫn đến những nghệ sĩ dần đi vào lãng quên vì ít được nhắc tới.
***
Khánh Ly trong cuốn “50 năm cuộc đời cho âm nhạc” từng nói câu đại ý như: người nhạc sĩ và người trình bày, rồi cũng về với cát bụi… Thế hệ sau sẽ không quên Khánh Ly, Thái Thanh, sẽ luôn nhớ về tiếng hát Tuấn Ngọc, Chế Linh… Nhưng… ngay như Ngọc Lan, một trong những đóa hoa tài sắc nhất mà làng nhạc Việt Nam từng sản sinh ra, liệu vài năm tới đây, người ta có quên cô như đã và đang dần quên những Sĩ Phú, Duy Trác, dần không còn nói tới Duy Khánh, Nhật Trường… như hiện tại không?
Người nghệ sĩ đôi khi chỉ cần đốt cháy hết mình trên sân khấu, nào đâu cần hậu thế khắc tên, nhưng đứng ở góc độ một người có chút đam mê nho nhỏ giành cho nền âm nhạc đầy tuyệt vời của dân tộc qua suốt mấy chục năm, tôi chạnh lòng thay cho họ – những tài năng rồi sẽ chìm vào trong lãng quên, khi lứa thính giả cuối cùng còn để tâm chú ý tới họ qua đời….
***
Hôm nay tôi nghe lại một vài bài do Anh Ngọc hát, chợt giật mình khi nhớ tới cái cách mà hiện người ta gọi ông – “giọng hát trượng phu” một thời lẫy lừng này: The Last Samurai.
Khi Anh Ngọc nằm xuống, thì lứa những kẻ tiên phong ấy, xem như đã rụng hết rồi, và trong số đó, mấy ai được đánh giá đúng với tài năng của mình?.
Đoạn đầu đọc đau đầu quá
Hehehe negative thế, gì mà chả có thời hoa niên của nó. It’s better to burn out than to fade away mà.
Câu hỏi cuối, “số đó” hoàn toàn đã được đánh giá đúng với họ, từ công chúng trong thời của họ. Một thời hoa niên. And that’s enough.
Biết là thế, chỉ thấy hơi chạnh lòng thôi…