Skip to content

Một năm ở xứ sở cờ hoa

Đường lối và cương lĩnh cách mạng của các cụ Mác Lênin có chửi bọn tư bản giãy chết đến đâu đi nữa thì cũng khó có thể khiến người ta phủ nhận một điều: những xứ sở nơi trời tây là thứ ánh sáng chói rực rỡ, hay như một cái hồ không đáy luôn cuốn hút ước mơ, mong mỏi của bao triệu con người ở khắp nơi trên thế giới.

Đối với Mỹ – kẻ không phải cầm đầu nhưng lại là tên sừng sỏ nhất, thì điều đó lại càng đúng. Người ta hay nói về giấc mơ Mỹ. Người ta biện hộ cho việc mình muốn đặt chân tới đây bằng nhiều mĩ từ khác nhau (vì vốn trên đời có kẻ nào vui khi bị gán ghép là sính ngoại, chạy theo thứ hào nhoáng, phù hoa… đâu chứ?).

I dreamed a dream – một năm như bóng câu qua cửa sổ, giấc mơ Mỹ của riêng tôi vẫn đang tiếp tục – giấc mơ không hoàn toàn chỉ có hình dáng của bà bụt, ông tiên… mà còn có những tháng ngày buồn bã, thất vọng…

***

Tôi đặt chân đến Mỹ với không một cái gì trong tay – ngoài bằng cử nhân (chưa kịp lấy) ở Việt Nam – mà ai cũng bảo là sẽ chẳng được công nhận. Houston chào đón tôi bằng một bầu trời xám ngắt, bằng cơn mưa không nặng hạt nhưng đọng lại thành những vệt dài trên cửa kính xe như đang khóc theo điệu bài hát Thành phố buồn mà radio đài người Việt đang phát.

Khi đặt chân xuống sân bay, hành lý của tất cả mọi người đều đi qua, chỉ hàng hóa của chúng tôi bị giữ lại. Những cái áo, đôi giày… vừa mua ở Việt Nam, bị hải quan sân bay – một lão già Trung Quốc cau có, khó chịu – qui cho là đem sang Mỹ buôn bán mà không khai, để trốn thuế. Bằng thứ tiếng Anh lõm bõm của mình, tôi bảo tay đó:
– Cái áo này có tầm 8$, anh nghĩ chúng tôi bán lại được bao nhiêu?
Bao nhiêu hải quan sân bay quanh đó đều đồng ý, chỉ có lão già đó trả lời:
– Tao không tin được bọn người Việt Nam.

Ôi thương thay cho cái suy nghĩ đầy thiên kiến của một người đầu đã được hai thứ tóc. Tôi định nói lại tiếp thì lão ấy nói:
– Đây là Mỹ. Chịu thì vào, còn không thì quay lại.
Thế là chúng tôi phải để hành lý lại, cứ chui tọt vào nước Mỹ đã rồi tính gì tính. (Tất nhiên là sau này, khi sân bay thuê người kiểm định giá trị tài sản, chúng tôi lấy lại mớ hành lý đó không một chút khó khăn gì). Đấy, cái giấc mơ Mỹ của tôi bắt đầu bằng một hành động đầy phân biệt – dân – tộc như thế (dù ông ta cũng chỉ là người Châu Á – da vàng, mũi tẹt như tôi, hay ông nghĩ đất nước ông đứng ở vị trí cao hẳn hơn?)

***

Nhắc lại, tôi qua đây khi vừa tốt nghiệp đại học được một tháng, với tấm bằng nhờ bạn bè hết lòng kéo lên, được đúng 7.000000001. Thật may mắn.
Tôi qua đây đúng lúc kinh tế Mỹ đang tụt dốc không phanh – mà tôi dám chắc là chỉ thua cái tốc độ tôi cởi đồ con gái thôi. Các cậu dì của tôi lớn lên ở đây, tốt nghiệp đại học bên này, làm việc đã bao nhiêu năm, nhưng người thì thất nghiệp, người thì lo ngay ngáy sắp bị mất việc.

Thế là tôi đi xin một chân chạy bàn, và ôn thi GRE để gắng thi vào cao học.

GRE là một bài thi rất chó chết, ngay cả dân bản xứ còn thấy khó nhằn (đâu như nếu học ở trung tâm ngốn hơn 2000 Mỹ kim), huống hồ là một người đến từ đất nước mà tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ như tôi.

Tôi làm phục vụ bàn ở một nhà hàng Việt Nam, công việc cũng không có gì nặng nhọc, nhưng cũng chỉ làm được có tầm một tháng là nghỉ, lí do nhà hàng ế quá, dạo này kinh tế xuống, dân Việt mình tiết kiệm toàn mang theo đồ ăn đi làm, ít hẳn người buổi trưa ra ngoài ăn.

Thế là tôi lại chỉ ở nhà học ôn thi GRE. Mà cái sự học đó cũng chắn ngắt, ngồi cả ngày ở thư viện, gắng nhét vào đầu hơn 70 từ tiếng Anh (mà toàn lạ hoắc lạ hươ)/ ngày, trong khi xung quanh toàn các bé gái teen cười cười nói nói bàn về anh người sói, anh ma cà rồng, chị gái ngu ngốc…

Cứ ở nhà chỉ đi đi lại lại học học hành hành (và chả biết khi nào mới xong), cái chán nhất không phải là cái nhìn của mọi người. Đôi khi có những người bà con xa – mà nếu không qua đây thì tôi thề là tôi sẽ chẳng bao giờ biết, nhìn tôi với ánh mắt giả vờ như quan tâm: ôi, đâu có ai bên đây ngồi không thế cháu, cháu phải kiếm việc gì làm chứ… Cô/ chú/ bác sống bên này lâu rồi nên biết. Bằng đại học ở Việt Nam ai công nhận đâu mà cháu đòi học cao học. Tôi thì ngoài gái nói anh làm tình với em nhé tôi còn quan tâm, còn lại xem như cỏ rác, à mà đổ rác cũng tốn tiền, thôi xem như gió thổi vậy. Do thế, cái tôi thấy chán nhất là chính bản thân tôi. Cứ ngồi không thế, nhìn ba mẹ và em gái cực khổ đi làm, đôi khi cũng tệ lắm.

***

Tôi cũng thử gửi đơn xin vào vài chỗ làm về công nghệ thông tin. Nhưng như đã nói, chẳng việc gì trong cả chục lá đơn apply, người ta chú ý tới một thằng học đại học mà chả ai biết là đại học gì, gọi điện thoại thì nói chữ được chữ không. Thế là nộp cho có thôi, tôi cũng chả hi vọng nhiều.

Rồi tôi nhận được email từ một công ty ở Dallas, với link bài test kiến thức chuyên môn. Tôi hoàn thành chẳng khó khăn gì (trời ơi, tôi đạt điểm cao nhất luôn cơ đấy). Thế là công ty đó mua vé máy bay cho tôi tới phỏng vấn. Sau đó là thuê khách sạn cho tôi ở 3 tuần trong thời gian thử việc.

Quá trình thử việc diễn ra thật may mắn. Tôi nhận được offer chính thức. Ngày đó tôi mừng ơi là mừng. Chẳng có bà bụt, ông tiên nào hóa đũa thần vào giấc mơ, chỉ có những đêm thức trắng, ngồi code đến mỏi nhừ cả tay, đau cả mắt mà thôi…

Cùng thời điểm này, ba mẹ tôi cũng có việc làm (cũng gọi là khá đối với những người mới qua), em tôi xin được vào học college. Thật may…

***

Một năm chỉ hơn 1000 từ tóm tắt, nói ít không phải ít, nói nhiều cũng đủ là khá nhiều. Cái giấc mơ Mỹ của riêng tôi vẫn chưa thể dừng, tôi sẽ vẫn còn phải mơ tiếp và bước tiếp.

***

Giấc mơ Mỹ của tôi, không có bóng em…

030710
B.l.u.e


.

7 thoughts on “Một năm ở xứ sở cờ hoa”

  1. Cố lên OP.
    Trước giờ ta vốn cũng nghĩ như đám họ hàng xa của OP vậy đó. Rằng bằng ĐH VN chẳng có ai công nhận. Rằng ôm tấm bằng đó đi xin việc, dù là việc ở VN cũng còn khó, chứ chưa nói chi tới ở nước ngoài.
    Nhưng mà, OP đã làm được. Cũng đã cho ta 1 niềm tin rằng chỉ cần mình có năng lực là mình sẽ có một công việc tương xứng. Sang năm ta cũng ra trường rồi, cũng tính đi làm luôn chớ cao học nỗi gì nữa 🙁 Mà ko biết sao đây 🙁

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *