Nhạc sĩ mà tôi ngưỡng mộ và yêu thích nhất trong nền nhạc tình Việt Nam từ xưa tới nay là “Người sông Ngự” Văn Cao – một con người tài hoa đến tột bậc. Chỉ cần một trong ba mảng nghệ thuật của ông: họa – thi – nhạc cũng đã đủ để làm say đắm lòng người rồi. Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng… không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn nhận xét thế này.
Các bài nhạc của Văn Cao không nhiều, nhưng bài nào cũng rất xuất sắc và rất Đường Thi. Nếu có ai bảo tôi chọn bài nhạc nào của Văn Cao mà tôi ấn tượng, làm tôi say mê nhất, thì tôi có thể trả lời ngay đó là hai bản: Trương Chi và Thiên thai. Tiếc thay đó lại là hai bản mang lại cho tôi cảm giác “không trọn vẹn” nhất.
Với Trương Chi đó là việc không tìm thấy bản “Trương Chi 1” (((sau này Văn Cao lấy một đoạn trong bản này để viết “Suối mơ”)) lời nhạc thơ không kém gì “Trương Chi 2” là bản hiện đang nổi tiếng. Còn ở Thiên Thai – tác phẩm mà chính tác giả cũng phải thốt lên Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi! đó là việc không tìm được bản do ban đại hợp xướng Tiếng Tơ Đồng trình diễn.
Thiết nghĩ cũng cần nói qua về Tiếng Tơ Đồng. Đây là ban đại hợp xướng phải được gọi là hay nhất vào trước những năm 1975. Phần hòa âm phối khí được “Ông vua Tango” Hoàng Trọng thực hiện, với các ca nhạc sĩ toàn những tên tuổi nổi tiếng của dòng nhạc tình Việt Nam thời đó. Thời hoàng kim của Tiếng Tơ Đồng có lẽ là thập niên 60, khi mà xu hướng nghe lại những ca khúc sáng tác trước năm 1954 phát triển rất mạnh, lúc này Tiếng Tơ Đồng chuyên trình diễn các ca khúc bất hủ với phần hòa âm rất mới lạ. Tiếng Tơ Đồng có thể được coi là đòn bẩy để đưa tên tuổi các giọng ca nữ như Châu Hà, Kim Tước, Mai Hương, Hoàng Oanh… hay các giọng ca nam, trong đó có “giọng hát trượng phu” – ca sĩ nổi tiếng Anh Ngọc lên cao.
Đỉnh cao của Hoàng Trọng và Tiếng Tơ Đồng có lẽ là hai bản Tiếng sáo Thiên Thai của Phạm Duy và đặc biệt hơn cả là Thiên Thai của Văn Cao.
Giang hồ đồn đại rằng Thiên Thai của nhạc sĩ Văn Cao do Tiếng Tơ Đồng trình diễn xứng danh tuyệt phẩm. Lí do thì chỉ cần tên của Hoàng Trọng xuất hiện trong phần nhạc, tham gia trình bày ca khúc này có nhiều nghệ sĩ tài danh: Anh Ngọc (giọng nam chính), Thái Thanh (hát bè nữ chính) và các tên tuổi vang bóng một thời: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao, Bạch La, Hà Thanh, Hoàng Oanh… là đủ.
Chính vì thế, bản Thiên Thai do Tiếng Tơ Đồng này đã ám ảnh tôi từ khi tôi mới chập chững bước chân vào thế giới đầy thi vị của nhạc Văn Cao cho tới tận bây giờ. Tình cờ hôm nay dạo vòng vòng, thấy lại bản này, cảm giác như gặp lại cố nhân, như được quay lại hình ảnh một thằng nhóc sững sờ đến run lẩy bẩy khi lần đầu tiên nghe những giai điệu này từ cái máy cát-xét và cuốn băng cũ kĩ tình cờ lục ở trong chồng đĩa đầy bụi bặm ở góc nhà.
(cần nói thêm xíu, tôi đã có bản Thiên Thai do Tiếng Tơ Đồng trình diễn nhưng giọng hát chính là Thái Thanh từ khá lâu. Tuy rằng bản này phải gọi bằng chữ “hay”, nhưng tôi vẫn có cảm giác (dù chưa nghe) là bản do Anh Ngọc hát chính “ắt” sẽ hay hơn nhiều. Vì giọng Anh Ngọc khi mạnh mẽ, phong trần, lúc lại phiêu du)
Bản này do thu âm cách đây cũng phải gần nửa thế kỉ, nên chất lượng không cao, nhưng có những thứ, mà cho dù kĩ thuật có phát triển đến thế nào cũng không thể so sánh được. Thứ đó tôi gọi là “hương cố nhân”.
Link down: http://www.mediafire.com/?kotjjfxn55w
Vậy là chỉ còn lại mỗi Trương Chi…
030210
B.l.u.e
p/s: Nói ngoài lề, ngoài bản Thiên Thai, thì tôi thấy Tiếng Tơ Đồng còn Trầu Cau của bác Phan Huỳnh Điểu (Anh Ngọc – Ngọc Long – Hà Thanh – Mai Hương – Thanh Vũ hát) rất hay..
Bản Thiên Thai – Tiếng Tơ Đồng mà Thái Thanh hát chính, ai cần thì nói mình up cho. Lười quá 😀
Thôi up lên luôn đi cho bà con down ké với 😀
Nghe bản mà Anh Ngọc hát chính chưa? Hay không? :p
ha thanh hat cung hay lam