Con đường hằng ngày anh đi làm được tô điểm bởi một bên là màu xanh của những hàng cây, tuy đã vào thu nhưng lá vẫn còn xanh ngắt, và một bên là cánh đồng hoa cúc vàng rực
Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai
buồn đến nao lòng.
Dạo này, anh có thói vui bệnh hoạn, cứ đi ngang cánh đồng màu vàng ấy, là lẩm nhẩm Nơi ấy hoa vàng cho đẹp mùa sang…, rồi lại nhấp ngụm cafe thật đắng và ngồi lặng yên.
——————
Việt Anh là một trong số ít nhạc sĩ thời hiện đại mà theo cảm nhận của anh là thuộc vào hàng hay (cùng với các tên tuổi khác như Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Bảo…). Các ca khúc của Việt Anh đều mang tâm sự gì đó rất buồn. Có một dạo anh cũng toàn nghe nhạc Việt Anh, điển hình như các bài Dòng sông lơ đãng, Không còn mùa thu, Đánh rơi bên hồ, Mùa hoa bỏ lại…. Những ca khúc này, anh thật, đem so với vài ca khúc đời trước thì có kém cũng không kém nhiều, nếu không muốn nói là gần ngang ngửa.
Dĩ nhiên, không xét về nhạc, nếu chỉ xét về ca từ, thì những lời ca kia vẫn không thể nào so được với nét rất thơ của Chiều năm xưa gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương – Cung đàn xưa (Văn Cao), không thể có nét hoài cổ rất buồn của Ai đốt Cô Tô thành vì đôi mắt giai nhân hề – Vĩnh biệt (Đoàn Chuẩn), không có cái đau đáu đến cùng cực của Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau – Hạ trắng (Trịnh Công Sơn)… nhưng nhìn chung, cũng có thể liệt vào hàng những bài nhạc trữ tình đáng chú ý.
——————
Khi đi ăn cùng em, ừ, cái ngày mình còn quen nhau ấy, anh hay nói đùa: anh chỉ thích ngọt bùi, không chịu được đắng cay. Những món anh ăn, vị chủ đạo đa phần là ngọt. Nhưng em biết không? À, chắc em chả biết, khi mình xa nhau, tự tay anh đã thêm chút muối vào những hồi ức mà em bỏ lại, để anh đánh lừa vị giác của thứ mà dăm bữa nửa tháng lại nhói đau liên hồi, rằng em ơi, có những kí ức trong anh dường như vẫn còn rất mặn nồng.
Hiện, lọ muối anh dùng, được dán mác “Việt Anh”
——————
Có những nhạc sĩ, trong một thời điểm chỉ nên nghe vài bài. Phú Quang và Việt Anh là hai nhạc sĩ như vậy. Hà Nội không phải là một nhạc sĩ, nhưng đại loại, những bài hát về Hà Nội cũng như vậy.
Anh còn nhớ các bạn Queen của anh từng có bài hát rất nổi tiếng Too much love will kill you, trường hợp này tương tự thế.
Nhạc Phú Quang rất nồng nàn.
Nhạc Hà Nội hoài niệm.
Việt Anh thì sầu man mác.
Chỉ nêm một ít thì hương vị rất lạ và đặc biệt, nhưng nếu cho quá nhiều vào, thì sẽ thành bội thực đến phát ngán.
Khi nghe nhạc Việt Anh một lúc lâu, anh thấy phân vân, cái ý tứ yêu thương giờ hoá xa lạ… quen lắm, ngồi nghĩ lại một hồi thì thấy cái ý này xuất hiện nhiều trong các bài nhạc của Việt Anh
Chợt nhận ra mình cô đơn giữa đời nhau … – Ngày hôm qua là thế
Và nỗi đau rơi trong lòng đêm vắng, Nỗi đau ta nhận riêng mình… – Dòng sông lơ đãng
Dòng sông trôi giống em lặng lẽ, mặc tình yêu hoá thân trong lòng… – Đánh rơi bên hồ
——————
Lại nhân nhắc đến nhạc Việt Anh, anh nhớ về bài hát thuộc hàng nổi tiếng nhất của anh ấy: Đêm nằm mơ phố.
Có hai cô bé rất Hà Nội mà anh biết, một người anh yêu, một người anh quí, đều rất thích bài này. Từng có giai đoạn, anh rất bực bội khi nghe con bé ngốc suốt ngày để status YM những câu đại loại như
Tay em lạnh mùa đông ngoài phố…
hay thường xuyên hơn là
Đêm đêm nằm mơ phố, mơ như mình quên hết…
Quên đi tình yêu quá vô cùng…
Hi vọng rằng giờ nó không cần đến nằm mơ mới biết rằng nó đã quên anh.
Cái phòng ngủ của anh đêm về thường không kéo rèm, để mỗi tối anh cuộn người trong chăn, phóng tầm mắt lên hàng cây cao vút trước nhà và nghĩ về nhiều chuyện. Đôi lúc, làm bạn với anh không chỉ có tiếng gió vi vu, mà còn có ánh trăng vàng lạnh ngắt
Đêm đêm nằm mơ phố, trăng rơi nhòa trên mái…
——————
Dạo này anh hay nói miên man, có tuổi rồi cũng khác, không tập trung vào bất cứ việc gì được. Anh đang nói về gì nhỉ? Ừ, về nhạc Việt Anh.
Những tưởng đã quá quen với vị mặn chát mà những hồi ức mang hình bóng em ùa về cùng với từng câu chữ…
Tưởng vị ấy, đã làm chai lì hết cõi lòng.
Nhưng đột nhiên, vào một buổi như tối hôm nay, thời gian như đông cứng lại hết mọi giác quan, khi tình cờ nghe đến
Giật mình như Thu lên tiếng đâu đây
Mà đời kia lạc mất em rồi…
250909,
B.l.u.e.