Skip to content

kẻ du ca Trần Tiến

Hoàng Cầm

Hôm nay em đang nằm trong phòng đọc Promise of the Wolves của Dorothy Hearts thì nghe văng vẳng tiếng chú Ngạn và cô Kỳ Duyên giới thiệu về bài hát Chị Tôi của nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình Paris By Night 90 – Hình tượng người phụ nữ Việt Nam.

+++

Ở đây, cần nói ngoài lề một chút cảm nghĩ của em về Paris By Night. Đối với em, Paris By Night chỉ là chương trình văn nghệ, không hơn không kém. Những gì báo chí Việt Nam đồng loạt tấn công vài cuốn băng Paris By Night trên khắp mặt trận ((http://www.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=82939)), không làm em quan tâm lắm. Đối với em, bỏ qua các quan điểm về chính trị, thì Paris By Night hay thật sự, từ cách dàn dựng chương trình, khả năng qui tụ nhiều giọng hát tốt, nghiêm túc trong từng tiết mục nhỏ đến cách dẫn chương trình hóm hỉnh của chú Ngạn và cô Kỳ Duyên, đủ để khiến khán giả trong nước phải thốt lên câu “giá mà bên này cũng có…”

+++

Nhắc lại, khi em chạy ra ngoài phòng khách, thì thấy anh Bằng Kiều đang hát bài nhạc này của Trần Tiến. Thế là đủ để em có cảm hứng mở nghe lại Trần Tiến từ tối đến giờ.

Trần TiếnVũ Đức Sao Biển, là hai cái tên liên quan đến nghệ thuật mà em có những cung bậc tình cảm thích và không thích hoà trộn lẫn nhau. Điều này thật ra cũng không phải lạ ở em, bởi em có thể thích một thời điểm nào đó trong cuộc đời sáng tác của một người nghệ sĩ, nhưng ghét và bỏ qua phần còn lại.

Ba em hồi trẻ rất nghệ sĩ, tóc xoăn và dài, lại đàn guitar giỏi, giọng trầm ấm rất hay. Em lớn lên cùng với rất nhiều bài hát của ba em. Tuổi thơ của em là một vùng quê nghèo, ánh sáng văn minh của đô thị chưa kịp từ từ bò tới. Vì thế, mỗi tối sáng trăng, điều em thích thú nhất là nằm dài ra chiếu và nghe ba em đàn hát. Bài nhạc duy nhất mà em vẫn còn nhớ tới giờ là bài Mặt trời bé con của Trần Tiến.
Thật ra, chắc hầu như ai sinh ra và lớn lên vào những năm cuối của thập niên 80, đầu thập niên 90 thế kỉ trước, đều quen thuộc với bài hát rất đỗi dễ thương này của ông

Ngoài kia có cô bé nhìn qua khe nghe tiếng đàn của tôi
Ngoài kia có chú bé trèo cành me mắt xoe tròn lắng nghe

Đôi khi, lúc ngồi hâm hâm, em hay nghĩ, sau này em lập gia đình và có con, thì chắc chắn em cũng sẽ nuôi con em lớn bằng ca từ và giai điệu của bài này. Quá ngọt ngào và dễ thương. Và em cũng không tưởng tượng được một đứa trẻ khi lớn lên lại có thể có một tâm hồn cằn khô, héo hắt nếu ngay từ nhỏ đã tắm mình trong những làn điệu đậm chất Việt Nam thế này.

Những bài hát của Trần Tiến (ngoại trừ album mới ((Trần Tiến 2008))) và một số bài mang tính phá cách không được (các cơ quan chức quyền) công nhận, thì hầu hết đều mang dáng dấp của vùng quê Việt Nam xưa. Đó không phải đơn thuần là vấn đề ca từ hay nhạc điệu, đó là chuyện của cảm giác và cảm nhận, nói nôm na là chỉ cần nghe văng vẳng bên tai đã đủ hình dung về một vùng quê với những cánh đồng xanh mát, những cây cầu tre bắt qua hai bờ dòng kênh nhỏ uốn lượn, vùng quê của những cánh bướm, cánh chim gắn liền với tuổi thơ đầy sôi động…

+++

Hoàng Cầm là một trong những nhà thơ Việt Nam em yêu ngay từ khi đọc vài dòng thơ đầu tiên và vẫn yêu cho đến tận bây giờ. Đôi khi, trong cảm nhận của em, Hoàng Cầm có những góc cạnh thơ nhất định đủ để đánh bật Nguyễn Bính ra khỏi cái danh hiệu “nhà thơ của làng quê Việt Nam”. Cái khác biệt nhất là thơ Hoàng Cầm hầu như đều ẩn chứa một nỗi buồn man mác

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…

(Nếu anh còn trẻ – Hoàng Cầm)

hay

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

(Cây tam cúc – Hoàng Cầm)

hay là

Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng.

(Qua vườn ổi – Hoàng Cầm)

Hầu hết mọi người đều cho rằng bài hay nhất của Hoàng CầmBên kia sông Đuống. Thật ra, trong nền thi ca Việt Nam, Bên kia sông Đuống có thể liệt vào hàng tuyệt tác, xứng đáng đứng vào danh sách những bài thơ hay nhất. Tuy nhiên, em vẫn thích bài Lá diêu bông của Hoàng Cầm hơn cả.

Em đọc Lá diêu bông vào năm lớp mười, nghe bài nhạc do Phạm Duy phổ, Ý Lan hát vào cùng năm ấy. Đến giờ, cứ mỗi lần nhắc đến câu Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng, em lại thấy nôn nao đến lạ kì…

+++

Bài thơ đẹp và buồn nhất của thi sĩ hồn Kinh Bắc, nếu được phổ nhạc bởi kẻ du ca đồng nội Trần Tiến thì sẽ như thế nào? Đó lẽ ra sẽ phải là một trong những bài nhạc đẹp và đáng nhớ nhất. Nhưng tiếc thay, đáng nhớ thì có, chỉ có điều đẹp thì hoàn toàn không. Nói thẳng ra, theo em đó là một sự bôi bác.
Sao em nỡ vội lấy chồng nếu đứng riêng thì có thể gọi là tác phẩm hay, nhưng khi gán mác Hoàng Cầm vào như

Sao em nỡ vội lấy chồng hay Lá Diêu Bông là một bài hát thuộc thể loại trữ tình do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác vào năm 1990, phỏng theo bài thơ mang tên “Lá Diêu Bông” của nhà thơ Hoàng Cầm.
(Wikipedia Việt ((http://vi.wikipedia.org/wiki/Sao_em_n%E1%BB%A1_v%E1%BB%99i_l%E1%BA%A5y_ch%E1%BB%93ng)))

thì chẳng ra sao cả.

Thật buồn cho Lá diêu bông vốn mang một nét đẹp ngây thơ và thánh thiện nhưng man mác một nỗi buồn của Hoàng Cầm. Người ta càng biết tới Sao em nỡ vội lấy chồng nhiều, thì lại càng quên mất hình ảnh cậu bé

Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
Diêu bông hời…
…ới diêu bông…!

trong bài thơ nguyên tác. Đến nỗi, em đã từng gặp rất nhiều người hồn nhiên khen Hoàng Cầm theo đúng nghĩa

Ru em thời con gái kiêu sa
Em đố ai tìm được lá diêu bông
Em xin lấy làm chồng…

+++

Trần Tiến ơi, em chẳng biết quan điểm của em khi nhìn nhận về ông như thế nào đây, khi bài hát mà tuổi thơ em rất yêu thích gắn liền với ông, nhưng một bài thơ tuyệt tác mà em say mê khác, lại bị chính tay ông làm hỏng.

Ôi, Lá diêu bông…

020909
B.l.u.e.

2 thoughts on “kẻ du ca Trần Tiến”

  1. Hehe, bài Sao em nỡ vội lấy chồng í ta thấy đậm chất Karaoke lắm, chắc tại căn bản hồi nhỏ nhỏ, đi ngang mấy quán karaoke lại nghe thấy rền rĩ bài này, lâu dần nó thành ấn tượng, ấn tượng ngang với bài Trái tim bên lề của BK lun, hình như đấy là mí bài tủ của mấy quán karaoke 😀
    Lá diêu bông của Hoàng Cầm mơ màng hơn lãng đãng hơn, ngây thơ trg sáng hơn bài hát kia nhìu, hic 🙁

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *