Skip to content

Thể Công – trời còn buông nắng để gió đi tìm…

Hôm nay, buổi sáng phải đi tập lái xe, nên bỏ lỡ trận ManUtd đá. Vừa về nhà, chưa kịp ăn uống gì, tôi vội vào livescore để xem kết quả trận đấu, sau đấy nhởn nhơ mò tới các trang tin tức bóng đá, để xem bình luận về trận đấu. Cái cảm giác vui vẻ khi nghe tin đội bóng mình yêu thích của mình chiến thắng trong tôi, ngay lập tức tụt xuống hàng thấp nhất, khi thấy dòng tiêu đề: Bộ Quốc phòng ra quyết định: Xóa tên Thể Công!

Kể từ khi V-League chuyển thành bát nháo như hiện giờ, tôi chả nhớ rõ năm nào, nhưng đại loại là năm mà giải bóng đá Việt Nam lên hàng chuyên nghiệp, tôi ngừng xem bóng đá Việt.
Như tôi đã từng nói về tôi ở một bài viết trước, tôi là một thằng đôi khi nguyên tắc đến mức tiêu cực. Tôi thấy rất khó chịu khi nhìn thấy tên những đội bóng đầy bản sắc một thời mà tôi từng yêu quí như Cảng Sài Gòn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh, Sông Lam Nghệ An… giờ mang những cái tên dài lê thê như Thép Miền Nam – Cảng Sài Gòn, Đông Á TP HCM, Hà Nội ACB… (tôi không nhớ chính xác lắm, vì mấy cái tên này đổi xoành xoạch qua mỗi mùa, khi các nhà tài trợ kẻ đến người đi).

Tôi còn nhớ ngày ấy, các cầu thủ chiến đấu, các cổ động viên – nói không ngoa chút nào – sẵn sàng đổ máu vì những cái tên: Hải Quan, Thể Công, Công an Hà Nội, Công an TPHCM, Cảng Sài Gòn… nó thuộc về thứ gì đó rất thiêng liêng, không ai xúc phạm được. Mỗi lần có các trận derby thủ đô CA Hà Nội – Thể Công, derby Sài Gòn CA TPHCM – Cảng, hay các cuộc đối đầu kinh điển Thể Công – CA TPHCM, là khán giả được sống cái không khí ngày hội bóng đá thật sự. Tuy lúc đó tôi còn khá nhỏ, nhưng tôi vẫn cho rằng, sức nóng từ các trận đấu này, chẳng kém gì các trận derby khác trên thế giới.

Thế mới thấy, đôi khi chỉ là một cái tên, mà có sức ảnh hưởng đến thế nào.

Ngày ấy, bóng đá Sài Gòn phát triển rất mạnh, Hải Quan với trung vệ thép Đỗ Khải, CA TPHCM với những tiền đạo nổi tiếng một thời của bóng đá Việt Nam như Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Cảng Sài Gòn với Võ Hoàng Bửu, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương (chú này năm 1997 có cú vô lê cực đẹp đưa Việt Nam đoạt HCĐ SeaGames 97 tại Indo). Tuy nhiên, một thằng nhóc sinh ra ở miền Nam như tôi, lại đi mê một đội bóng ở Thủ đô xa xôi – Thể Công.

Ngày ấy mê anh Hồng Sơn như điếu đổ. Sơn hay được gọi là “Sơn công chúa” vì lối chơi bóng đầy hoa mỹ, và cái dáng lướt thướt nhẹ nhàng trong từng pha chuyền và dẫn bóng của mình. Có thể nói tầm những năm 90 ấy, trong làng bóng đá Đông Nam Á này, không thể đào đâu ra thêm được một tiền vệ tài hoa và kĩ thuật như anh. Hơn mười năm trôi qua, tôi vẫn nhớ tới hình ảnh anh trong một trận đấu ở Tiger Cup năm 1998, sau khi ghi bàn, anh chạy một mạch ra góc sân, và chào theo kiểu nhà binh (trận Malaysia thì phải).

Vẫn còn nhớ năm 1998, sau trận hoà 2-2 với Hải Quan, trung vệ đội trưởng Đỗ Mạnh Dũng đại diện cho đội bóng áo lính nâng cao chiếc cúp Vô địch giải Các đội mạnh toàn quốc, lúc đó tôi đã gần như bật khóc vì sung sướng.

Tôi yêu Thể Công không chỉ vì họ là một tập thể hào hoa, đầy kĩ thuật… Thể Công khi đó có một Mạnh Dũng, chốt chặn hiệu quả nơi phòng ngự cùng với thủ môn Thế Anh nổi tiếng với những màn bay cản phá bóng như chim, một Như Thuần điển hình cho lớp hậu vệ thi đấu bằng cái đầu là chủ yếu; có Đặng Phương Nam nhìn hiền lành, chân chất, cày ải trên sân như một chú ong thợ chăm chỉ (em của anh này là Đặng Thanh Phương đá cũng rất khá); đó là Triệu Quang Hà, ở Thể Công hay đá lùi sau Hồng Sơn, nhưng khi vào đội tuyển quốc gia, được ông Murphy – HLV trưởng đội Việt Nam bấy giờ nhận xét: cậu ấy là hậu vệ cánh phải hay nhất của Việt Nam; đó là Trương Việt Hoàng, anh này từng được coi là người kế thừa Hồng Sơn, cũng với lối đá rất kĩ thuật; tuyệt chiêu của Việt Hoàng còn là những cú sút xa như đại bác, điển hình là ở TigerCup 1998, Hoàng có một pha bắn phá cực đẹp từ ngoài vòng cấm địa, ghi bàn mở tỉ số cho Việt Nam trong trận đại thắng 3 – 0 trước bọn Thái nhọ.

…tôi còn yêu Thể Công vì tinh thần thi đấu rực cháy, lòng quả cảm của những người lính, và sự chiến đấu hết sức mình vì sắc áo màu cờ. Lối đá của Thể Công lúc nào cũng hừng hực, khát khao, các tiền vệ cánh chạy lên xuống như con thoi, những pha chuyền và đan bóng đầy tinh tế.

Điển hình cho tinh thần Thể Công thì nhiều lắm, nhưng có một hình ảnh tôi còn nhớ mãi là hình ảnh Hồng Sơn chống nạng bước lên bục nhận huy chương. Ngoài ra còn những lần Hồng Sơn ngã xuống sân liên tục, nhưng vẫn đứng lên, động lực và ham muốn thi đấu vẫn cháy bỏng trong anh.

——————–

Tôi vẫn vui và điên hết mình khi Công Vinh đội đầu ghi bàn đưa Việt Nam lên hàng vô địch AFF Cup.

Lứa thế hệ hiện tại, đã làm được nhiều thứ hơn đàn anh ở “thế hệ vàng” thập niên trước không làm được. Nhưng riêng tôi, tôi biết mình sẽ không thể tìm lại được niềm say mê, sự hâm mộ đến cuồng nhiệt, cũng như không thể bỏ đi suy nghĩ rằng, cái lứa thế hệ năm 90 ấy, mới là điển hình nhất cho “tinh thần bóng đá Việt Nam”…

Cũng như tôi biết rằng, cho dù Hải Phòng có mua được Denilson, hay sau này là Deco, Van de Gol, cho dù Hoàng Anh Gia Lai có Lee Nguyễn, Thonglao, cho dù SHB Đà Nẵng hiện tại gần như là đội bóng hoàn hảo, tôi vẫn không thể tìm được một đội bóng Việt Nam nào, khiến tôi say mê, như đã từng mê Thể Công một thời.

Rồi đây, người ta sẽ không còn bao giờ có thể được nghe hai cái tên Thể Công vang trên khán đài nữa. Ngẫm ra cũng phải thôi, khi mà Thể Công đã không còn là chính mình. Khi mà cái cốt lõi khiến hàng triệu người hâm mộ say mê đội bóng là “tinh thần Thể Công”, “lòng tự hào người lính”… đã không còn, thì hai tiếng Thể Công ấy, cũng xin để vào dĩ vãng…

Trời còn buông nắng để gió đi tìm….

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *