Skip to content

Anh và Game

Anh là kẻ hay lừa dối, vì thế khi quen gái, anh luôn mồm mép rằng: đối với anh, em là quan trọng nhất. Thật ra là chẳng phải vậy. Có hai thứ anh đam mê hơn gái nhiều, đó là nhạc và game (thứ tự xuất hiện không đồng nghĩa với vị trí trong danh sách ưa thích của anh). Nói về gái, về nhạc đã nhiều, nay anh mạn phép nói miên man về game vậy.

Anh nhắc lại lần nữa, anh rất mê game. Mà thật ra, thằng con trai nào chẳng mê game. Nghĩ lại thì hơi buồn cười xíu, nhưng hồi học cấp II anh và đám bạn từng tuyên bố câu xanh rờn: không biết chơi game thì chẳng xứng là thằng đàn ông! dù rằng lúc đó đến râu trên cằm còn chưa đứa nào có…

Anh chơi game nhiều, hầu như giai đoạn nào của đời người, anh lại phét, nói thế cho oai thôi, nói chính xác là từ lúc lên ba lên năm biết chạy nhảy, cho tới khi trở thành một thằng sinh viên vừa thất học như bây giờ, anh đều rất mê game. Hiện tại, niềm đam mê ấy trong anh hầu như đã hoàn toàn tan biến, có chăng chỉ là vài ba ngày mới click vào PES để làm một trận tầm phào.

Với anh, game là một niềm đam mê. Đã không chơi thì thôi, đã chơi phải chơi cho tới cùng (chơi tới cùng khác với việc go pro). Vì vậy, khi mà anh cảm thấy rằng, niềm đam mê của anh cần phải xếp sau vài thứ khác quan trọng hơn, thì anh tự khắc không muốn đụng vào nó nữa. Nói thế nào nhỉ, tựa như cảm thấy chút gì đó có lỗi, khi mình lỡ khơi lại cái đam mê ấy, mà không theo đuổi nó được đến cùng (vì nhiều lí do khác nhau). Đến giờ, anh vẫn cất cái đam mê ấy của anh vào một góc xa xôi. Anh không biết liệu rồi sẽ có ngày anh thọc tay vào thật sâu để lôi lại nó ra, hay để nó mãi đóng một lớp bụi nhàn nhạt của thời gian.

Thỉnh thoảng, khi tay lướt nhanh qua một vài trang web điểm game, anh lại chỉ mỉm cười, nghĩ về cái thời – mới cách đây không xa, đầy vui vẻ ấy. Thôi thì, không dám chơi, ngồi nhớ và viết lại vậy – dù những lời văn, câu chữ, có cố gắng thế nào cũng không thể khắc hoạ lại cái cảm xúc ngày đó.

Về các giai đoạn chơi game của anh, thì tạm chia ra bốn giai đoạn, theo đúng bốn cấp lớp mà anh đã trải qua: cấp I, cấp II, cấp III và Đại Học.

Cấp I – Điện tử bốn nút

Điện tử bốn nút

Cái này cũng có tên tiếng Anh, nhưng hồi cấp I, hầu như không đứa trẻ nào biết tiếng Anh, nên bọn anh hay gọi nó là điện tử bốn nút. Đối với nhiều đứa trẻ sinh ra tầm nửa cuối những năm thập kỉ 80 đến vài năm đầu của thập kỉ 90, thì điện tử bốn nút là tất cả.

Trước giờ, với một đứa trẻ, không có gì thích thú bằng kẹo và cà-rem. Nhưng bọn anh ngày đó, đến cái vỏ kẹo và que tre cà-rem cũng chẳng nghĩ tới, vì bao nhiêu tiền nướng hết vào quán điện tử bốn nút cả. Có một điều rất lạ, thứ gì càng bị cấm thì càng khoái. Xin ba mẹ ra ngoài chơi điện tử đã vui, buổi trưa len lén trốn ngủ trưa ra ngoài quán còn vui gấp bạo. Và cảm giác đi học về tạt ngay vào quán, ngồi chơi cho tới khi một là nhận ra đã quá muộn (hay là hết tiền), hai là các cụ xách gậy ra tới tận quán tìm, vui gấp bạo của gấp bạo.

Anh còn nhớ, hồi đấy, giá chơi điện tử là 200 đồng mười phút, 500 đồng là được nửa tiếng, cứ thế. Mà các bạn nên nhớ là, ở nông thôn quê anh ngày ấy, 200 đồng đủ mua được bịch gia-ua hay que cà-rem tươi mát rồi ấy nhé.

Thật ra ban đầu, khi tiệm mới mở, bà chủ cho chơi theo kiểu 500 đồng được một lần game over (thường là ba mạng, nếu không tính các 1up nhặt được). Về sau, khi bọn anh quá rành đường đi nước bước rồi, đến nỗi đi phá băng nhiều đứa còn chưa xài hết một lần game over cơ mà, thì bà chủ thấy không ổn, bả mới chuyển thành tính theo giờ ấy chứ.

Game mắc thế mà đâu phải ra là có đâu. Hầu như vào giờ cao điểm sau khi tan học, các máy game đều kín chỗ. Thế là phải đứng chờ. Mà hồi đó làm gì có kiểu hàng đợi, cứ phải canh máy nào khả năng bọn nó ra sớm nhất thì nối đuôi đứng sau. Thằng sau tới lại tìm như thế mà đứng nối tiếp. Cái qui tắc mà anh xài để đánh giá hồi ấy phụ thuộc vào nhiều thứ: như là thằng này có hay phải về sớm kẻo bị má la không? thằng ku này hay có mang nhiều tiền không? để mà chọn. Tiếc là hầu như toàn bộ bọn kia cũng đều xài qui tắc như anh, nên nó lại trở về qui tắc đơn giản nhất là: tới trước chơi trước và hên xui.

Cũng may là sau này, hai cụ nhà thương thằng con đẹp trai hào hoa ngời ngời như anh mà trưa nào cũng phải chen chúc mồ hôi nhễ nhại mới chơi được, nên bấm bụng bỏ tiền ra mua cho anh một cái máy, cũng đâu được vài cuốn băng trò chơi. À, anh nhớ còn cả khẩu súng để bắn vịt nữa. Thế là anh chuyển sang chơi ở nhà. Nhờ vậy mà anh chơi được nhiều trò, và biết nhiều trò, dù đôi khi vẫn thấy nhớ cái cảm giác bọn bạn ồ lên khi Mario của anh húc cột cờ được nhiều lần hơn chúng nó.

Mario

Game đầu tiên anh chơi là game rất quen thuộc: Mario. Anh không nói tới mấy game Mario cải tiến sau này nhé, chỉ bàn tới game Mario nguyên thuỷ ban đầu thôi á. Ban đầu thì hơi khó chơi, nhưng sau khi quen tay lẹ mắt rồi thì tương đối dễ. Đến giờ anh vẫn còn nhớ mang máng vài cái mẹo trong trò chơi, như mấy viên đá ẩn, phải nhảy đúng vị trí mới có, mấy ống cống màu xanh mà chui vào sẽ đi tới đâu đâu, cách để lấy thêm mạng, và thậm chí cách nhảy lên cột cờ sao cho ăn nhiều tiền nữa cơ. Ngày đấy, hầu như đứa nào trong xóm anh cũng đã từng phá băng game này (có bạn thì gọi là phá đảo, dù sao, cũng chỉ là cách gọi). Cái cảm giác giết con rồng để cứu công chúa quả thật rất tuyệt. Anh đồ rằng bọn Viking Metal cũng học từ game này ra, nên mới có mấy cái bài hát về hiệp sĩ giết rồng cứu người yêu.

Tank

Trò tiếp theo anh chơi là Tank (Battle City). Trò này có tới 50 màn thì phải, có nhiều màn khó vãi. Đến giờ cái nhạc nền Tò te tò te gì đấy khi mới vào màn vẫn làm anh thích thú khi nghe lại (anh có chơi giả lập trên máy tính). Tank chỉ có nhiệm vụ chính là bảo vệ Đại Bàng và giết xe địch. Xe tank địch thì có nhiều loại: xe con chạy nhanh, xe tank bự, xe tank nhiều màu (để lấy item). Item thì cũng khác nhau, có cái mũ cối (đúng từ hồi xưa xài he he), đồng hồ ngưng thời gian, bom nổ, sao (để thăng cấp), xẻng (để nâng cấp đại bàng)… Cứ nhớ mỗi lần mà lên được tank mõm tru thôi (loại tank bự nhưng bắn đá không được) là đã xách chạy vòng vòng mà càn quét. Nhiều lúc để bọn địch bắn nát Đại Bàng bên mình, bực chỉ muốn ném cái tay cầm vào màn hình. Mà ngu gì, ném vào thì lấy gì chơi tiếp?

Hai trò tiếp theo là Contra Rambo. Hầu như thằng con nít nào cũng thích hai trò này như điên. Chuyện, cứ có bom mìn súng đạn là thích thôi. Trò Contra đầu chơi rất thú vị, anh vẫn còn nhớ vài tên đạn như đạn, như đạn F (xoáy), đạn M (cà chua), đạn S (đạn toả), đạn R (cho nhanh) và đạn gì mà tia lửa xẹt xẹt (L thì phải). Rồi các con trùm như căn nhà ở vòng 1, đầu rồng vòng 3, người đá vòng nào anh quên mất, còn trùm cuối thì như sau
Trùm Cuối Contra
Hồi chơi ngoài quán, vui nhất là đoạn gào thét vì để lỡ đạn, và đặc biệt thuật ngữ mà ai chơi điện tử bốn nút mới biết: kéo màn hình. Cái này nó riêng và đặc trưng đến mức anh chả biết giải thích sao nữa. Chơi Contra chửi nhau đa phần là do thằng kia kéo màn hình, hố hố.
Rambo thì là phần II của Contra thì phải. Rambo nổi tiếng với câu thần chú “lên lên xuống xuống trái phải trái phải B A” mà tới giờ anh còn nhớ (nó nổi tiếng đến mức có tên riêng là The Konami Code). Rambo thì vũ khí ngon hơn, mẹ, toàn đạn vãi ra, anh không chơi Rambo nhiều nên chỉ nhớ mỗi một đạn là đạn cối, viên nào viên lấy nó to như cái tô ăn cơm của anh.
Rambo thì hay hơn, được chơi nhiều hơn, mà không biết sao anh lại thích Contra hơn cơ chứ.
Bạn nào muốn chơi online tìm lại cảm giác thì vào đây Contra

NES đánh nhau

Một trò hay nữa mà anh nhớ là trò đánh võ đối kháng, không biết có phải là Street Fighter không nhỉ. Trò mà ngày đó anh hay lấy thằng cảnh sát, có tuyệt chiêu xoáy tròn tròn, người bao quanh bởi điện ấy. Trong trò này còn có con nhỏ người Trung Quốc, tuyệt chiêu là gì anh không nhớ vì nó dở quá nên trong xóm chả thằng nào chọn. Thằng Nhật Bản thì có tuyệt chiêu chưởng như Kamojoko, thằng Mỹ thì đầu đinh, mặc đồ rằn ri, có chiêu chưởng như lưỡi dao ấy. Trò này thằng nào thua thì hình vẽ mặt mũi bị sưng phù lên hài lắm. Hồi đấy trong xóm anh trò để thách đấu chính là trò này. Không phục nhau, chửi nhau gì đấy cứ vào quán game làm ba trận. Đấy, người văn hoá nó thế, ai lại vác gậy đánh nhau. Chỉ có điều thằng nào cũng chọn ku cảnh sát nên đánh tuy thừa quyết liệt nhưng thiếu hẳn sáng tạo.

Ngoài ra, không thể không kể tới những trò như bắn ruồi (galaxy), bắn vịt với khẩu súng (anh hồi đấy toàn dí thẳng vào màn hình mà bắn), xiếc (thằng trong rạp xiếc, cưỡi sư tử nhảy qua lửa, đu dây…) – trò mà anh tốn thời gian nhiều nhất mới phá được băng.

Mẹ, tự nhiên anh hâm hâm ngồi nghĩ lại, giờ nhớ quá cơ. Cái ngày tháng còn nhỏ hồn nhiên vui vẻ ấy, nghĩ lại vẫn còn thèm thuồng và thích thú. Ôi….

Tags:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *