Đợt rồi nhân dịp đưa cho ông anh xem bài “Văn học – Thi ca – Âm nhạc – Từ thời đại đến thời đại – II”, tôi có tranh luận với lão hàng lởm ấy một hồi về việc tôi cho rằng nhạc Trịnh không đến mức xuất sắc để trở thành một hiện tượng quá lớn như hiện đã và đang từng là.
Nay, tôi viết bài này, để giải thích một số quan điểm về cảm nhận của mình.
Tôi nghe Trịnh cũng nhiều, nghe đủ mọi ca sĩ hát, từ những ca sĩ lão làng như Khánh Ly, Lệ Thu, đến các ca sĩ gần đây như Bằng Kiều, Quang Dũng, hay gần hơn nữa là các ca sĩ trẻ Đức Tuấn, Ngọc Hạ; từ những version chất lượng cao cho tới các version được chuyển từ đĩa than (loại đĩa to ơi là to màu đen hồi đó hay xài) và băng cát-xét ra. Tôi nghe Trịnh nhiều nhưng không yêu nhạc Trịnh.
Vì thế, tự cho mình là một người không bị áp đặt bởi ý nghĩ chủ quan của cá nhân, tôi có đôi lời nhận xét về nhạc Trịnh và hiện tượng nhạc Trịnh như sau…
Như trong film Music & Lyrics, có đoạn rất hay sau
A melody is like seeing someone for the first time. The physical attraction. Sex.
But then, as you get to know the person, that’s the lyrics.
Nhạc Trịnh dễ đi vào lòng người không phải bằng nhạc, nhạc của ông đều đều, mang âm hưởng dân ca nhiều, nói chung là không đặc sắc. Các sáng tác của ông không bài nào đạt được nét bi tráng như “Hòn vọng phu” của Lê Thương, nét nhí nhảnh, ngây ngô, đáng yêu như trong “Ngày xưa Hoàng Thị” của Phạm Duy (phổ thơ Phạm Thiên Thư), hay những nốt nhạc thánh thót đến lay động lòng người trong “Trương Chi” của Văn Cao, cũng không có vẻ sầu bi tột độ như các bài Trần Duy Đức phổ thơ Du Tử Lê. Nhạc của ông, nếu tách phần lời đi, thì nghe đều, nhàm, không có sắc thái riêng.
Nhạc Trịnh bước chân vào lòng người nghe nhờ ca từ. Riêng phần này cũng đáng để nói qua, ca từ trong nhạc Trịnh không quá hoa mỹ đến mức gần gũi với các bài Đường Thi như của Văn Cao (gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân – Cung đàn xưa) hay Thu ca tam tuyệt của Đặng Thế Phong (Trong cây hơi thu cùng heo may – Vi vu qua muôn cành mơ say – Con thuyền không bến). Trái lại, ca từ trong các bài của Trịnh Công Sơn rất bình dân. Nó chẳng là gì cả, chỉ là những điều vụn vặt trong cuộc sống, một tiếng thở dài cho phận người như trong Cát Bụi, một lần nhớ đến Mưa bay ngày nào như trong Diễm xưa… Thế là đủ!
Nói cách khác, như đoạn tôi đã trích dẫn ở trên, nhạc Trịnh cuốn hút người ta bởi sự bình dị một cách chân thành nhất.
Tôi nói dài dòng thế để làm chi? Chỉ để nói một điều rằng: nghe Trịnh thôi là đủ rồi, việc gì phải bày vẽ nghiên cứu Trịnh. Tôi thấy người ta nghe những tác phẩm của Trịnh mà cứ gán cho ông cái mác nào là triết học, nào là nhân tâm, nào là thiền, nào là Phật… mà đôi khi mỉm cười chua chát.
Nói mạnh miệng thì là, may hồi đấy cố nhạc sĩ không nghiên cứu những cái đấy, chứ không thì chưa chắc nhạc của ông đã được yêu thích rộng rãi đến thế.
Điển hình nhạc Trịnh có những bài có phảng phất chất “Thiền” như trong “Một cõi đi về”, nhưng đó không phải là điển hình, và bản thân tác giả cũng từng giải thích ngay bản thân mình cũng khó hiểu. Thế mà thiên hạ nổ ra phong trào nghiên cứu chất “Thiền” và “Đạo” trong nhạc Trịnh. Theo tôi, trong dòng nhạc Việt Nam đương đại, bài mà đi gần tới cảnh giác Thiền nhất là bài “Đưa em đi tìm động hoa vàng” (Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư), có lẽ bởi vì Phạm Thiên Thư là một nhà tu đích thực…
Thôi, như Bùi Giáng đã nói: Rằng xin các hạ hãy vô ngôn… Cứ một buổi chiều nào đấy, khi ngoài cửa kính là tiếng mưa rơi tí tách, bên li trà nóng thơm mùi nhài rất nhẹ, bạn ngồi mơ màng nhấp từng ngụm trà, văng vẳng bên tai là tiếng rất nhẹ, rất nhẹ như lời thì thầm “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” hay “và em đã khóc chiều mưa đỉnh cao”. Tin tôi đi, đến lúc đó, bạn sẽ cảm thấy nhạc Trịnh hoà vào bạn, theo một cách hoàn toàn rất tự nhiên, chứ không phải là qua những cuốn sách dày cộm, hay những bản nghiên cứu đậm chất khoa học đâu.
Và tôi chọn cách nghe Trịnh như một chút gì đó rất bình dị trong cuộc sống. Nghe, chứ không yêu, và không thần tượng…
B.l.u.e.
đã đọc 1 xấp cộm phân tích tư tưởng nhạc Trịnh và disagree 50% bài viết này
I like your blog 🙂 Find it accidentally, and like. That’s what I want to say