Một buổi chiều, khi mà thời tiết không quá nóng bức, khi mà nhiệt độ vốn cao như heo ở Texas giảm một cách rõ rệt, thì thiết tưởng chẳng có gì thích thú bằng ngồi trên chiếc xích đu nhỏ trong vườn, nghe lại các bài nhạc thật nhẹ, và ngồi viết.
Cái nhìn của tôi về nghệ thuật, hay nói khác đi là cách cảm nhận về nghệ thuật của tôi khá thiên kiến và tiêu cực. Tôi thường chỉ thích đọc sách từ vài tác giả, hay về vài chủ đề quen thuộc; nhạc cũng thế, tôi thích nghe đi nghe lại những bản nhạc cũ của mình, hơn là tìm đọc và nghe tràn lan. Việc này thoạt nhìn thì có khuyết điểm con ếch chỉ thấy được bầu trời là miệng giếng, nhưng nó giúp cho tôi tự tin rằng cái nhìn của mình về các thể loại yêu thích là một cái nhìn hoàn toàn không hời hợt.
Tôi bắt đầu nghe nhạc trữ tình Việt Nam vào những năm trung học phổ thông, khi nhà tôi nối Internet. Tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác háo hức chờ để tải cho bằng được một bài nhạc xưa nào đấy, hay thích thú đến mức chỉ muốn hét toáng lên khi đột nhiên có một cơn rùng mình nhè nhẹ, không thể kiểm soát được khi có dịp “nếm” một ca khúc nào, mà cả ca từ lẫn nội dung đều xứng đáng gọi bằng tên tuyệt tác.
Tôi vẫn giữ thói quen này cho tới tận bây giờ, kể ra cũng đã tầm bảy năm trời. Đem cái kinh nghiệm bảy năm nghe nhạc của mình để bàn về chữ “thời đại” như trong tựa đề, điều này là không lượng sức mình. Tuy nhiên, bài này tôi không thật sự viết cho tôi…
Tôi viết cho những người có cùng sở thích với tôi, dù quen biết hay chưa từng nghe tên, nói chuyện.
Tôi viết cho tất cả những người đã và đang chia sẻ những bản nhạc này, dù là qua forum, hay từng bài, từng bài lẻ gởi qua Yahoo! Messenger ì ạch, ngay khi có bất cứ ai yêu cầu, chỉ với mục đích đưa cái đẹp, cái tinh tuý đi khắp nơi.
Tôi viết cho những anh, những chú mà tôi đã có cơ duyên gặp gỡ. Đó là những buổi – trộm vía thay, toàn gắn liền với thịt chó, ngồi vừa nhấm nháp miếng dồi chó, vừa đệm guitar thùng và cả bọn cùng hát vang, hay là những phút giây ngồi cùng nhau bên bờ sông, kẻ xướng người ca những bài nhạc quen thuộc, choàng tay khoác vai nhau nói chuyện thật thân thiết. Dù hiện tại, đã hết rồi những dịp thế này, tôi vẫn rất trân trọng các chú, các anh và thời khắc ấy.
Thế nhé, bắt đầu vậy…
2 – Âm nhạc
Khác với thi ca và văn học, nền âm nhạc Việt Nam kéo dài cái thời huy hoàng của mình xuyên suốt gần nửa thế kỷ. Quãng thời gian ấy tuy dài, nhưng độ chín, độ rung động của các bài nhạc không bị loãng đi, trái lại, nó chỉ giúp cho số lượng các bài nhạc tuyệt tác tăng nhiều, tỉ lệ thuận với độ dài của thời gian.
Tuy cùng bị ảnh hưởng bởi làn sóng nghệ thuật ào ạt đổ bộ từ phương Tây, đặc biệt từ Pháp, nhưng nền tân nhạc Việt Nam đi sau phong trào Thơ Mới tầm vài năm, nghĩa là phát triển chậm hơn. Tân nhạc Việt Nam được cho là bắt đầu từ khoảng năm 1937. Thời điểm này, các nhạc sĩ bắt đầu viết lời cho các bài nhạc Tây, hay gọi là “bài hát ta điệu Tây”. Và chỉ khoảng thời gian ngắn sau đấy, các nhạc sĩ bấy giờ đã mày mò, sáng tác ra các bản nhạc hoàn toàn Việt Nam. Người ta dùng thuật ngữ “âm nhạc cải cách” (musique renovée ((nhà thơ Nguyễn Văn Cổn là người đầu tiên dùng thuật ngữ này))) để chỉ loại nhạc này.
Thực ra, vẫn chưa ai biết ai là người đầu tiên khai phá, đặt viên gạch đầu tiên cho nền tân nhạc Việt Nam. Theo Trần Quang Hải trong Lịch sử tân nhạc Việt Nam thì ca khúc tân nhạc Việt Nam đầu tiên là bài Cùng nhau đi Hồng binh của nhạc sĩ Đinh Nhu, viết vào năm 1930, trong thời gian bị cầm tù tại Côn Đảo. Người thì cho là các nhạc sĩ như Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Văn Chung, Doãn Mẫn… tuy nhiên đa phần các nhạc sĩ này chỉ sáng tác và phổ biến các ca khúc của mình trong phạm vi hạn hẹp (nhóm nhạc).
Mốc đánh dấu sự hình thành của nền tân nhạc Việt Nam là buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội vào năm 1938. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đã nổi tiếng trên sóng đài phát thanh với các ca khúc như Kiếp hoa (sáng tác năm 1937), Anh hùng ca, Bông cúc vàng – ba ca khúc này hầu như được chính thức xem là các ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, mốc này chỉ xét trên khía cạnh “được phổ biến”, bởi thời điểm này đã có nhiều ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên; Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung được sáng tác. Tại Huế, Nguyễn Văn Thương viết bản Trên sông Hương năm 1936. Lê Thương ở Hải Phòng cũng có Xuân năm xưa năm 1936. Tuy nhiên, các ca khúc này không được phổ biến rộng rãi trên phạm vi cả nước.
Nhắc lại, vào tháng 4 năm 1938, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ra Bắc, chuyến đi này được báo Tiếng dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng và báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn – tờ báo rất phổ biến ở miền Bắc thời bấy giờ, đánh giá rất cao. Sau đấy, vào tháng 9 năm 1938, tờ Ngày Nay đã cho đăng những bản nhạc đầu tiên Bông cúc vàng, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Đám mây hàng của Phạm Đăng Hinh, Đường trường của Trần Quang Ngọc…
Nhiều ca khúc sáng tác từ trước được các nhạc sĩ phát hành. Từ đầu 1939, các bản nhạc của được bán tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành.
Lạ lùng thay, nền tân nhạc Việt Nam không có khái niệm mới – cũ, ban đầu – sau này, chập chững – trưởng thành. Tuy mới phát triển, nhưng các ca khúc trong giai đoạn này đã đạt được chữ “mỹ”. Một trong những ca khúc rất hay ban đầu là bản Biệt ly của nhạc sĩ Doãn Mẫn, và đặc biệt là Thu ca tam tuyệt: Đêm thu – Con thuyền không bến – Giọt mưa thu của nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh Đặng Thế Phong.
Kể từ bước phát triển đầy mạnh mẽ lúc ban đầu ấy, nền tân nhạc Việt Nam đã phát triển như vũ bão, giai đoạn nào cũng có những nhạc sĩ vô cùng tài năng, với các bài hát tuyệt mỹ cả về ca từ lẫn giai điệu. Thật may mắn cho thế hệ thính giả chúng ta, trong vòng hơn nửa thập kỉ ấy, kho tàng âm nhạc Việt Nam đã được lấp đầy với hàng loạt tuyệt tác.
Bài này, nhắc lại, mục đích chính không phải là tóm tắt nền tân nhạc Việt Nam, mà chủ yếu là so sánh lí do tại sao thời hiện đại không có nhiều ca khúc hay như trước đây.
Giống như trong phong trào Thơ Mới, chỉ cần đem ra một cái tên nhạc sĩ nào đó trong giai đoạn trên, cũng có thể khiến chúng ta hiện nay lắc đầu mà cảm thán rằng: đến bao giờ, đến bao giờ…
Liệu có phải vì thính giả chúng ta quá thiên kiến, quá yêu mến những nhạc sĩ cùng các ca khúc bất hủ như: Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy… mà bĩu môi, dè bỉu các bài nhạc hiện tại? Tôi nghĩ câu trả lời là không!
Nếu chúng ta nhìn vào mốc thời gian mà nhạc sĩ nổi tiếng nhất trong nền âm nhạc Việt trong vài thập kỷ trở lại đây là Trịnh Công Sơn, và trước đó xíu là các sáng tác của cây đại thụ Phạm Duy, thì sẽ nhìn thấy một điều: những bài hát này ra đời trong giai đoạn người ta đang say mê nhạc của vô vàn các tên tuổi nổi tiếng như Văn Cao, Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Thương, Dương Thiệu Tước…
Nếu mà những Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Từ Công Phụng của ngày ấy cũng có tâm lý e dè trước cái bóng Hòn vọng phu của Lê Thương bất hủ, Thu ca tam tuyệt sầu mà đẹp đến nao lòng của Đặng Thế Phong, hay các bài thu của người được xem là “nhạc sĩ của mùa thu” Đoàn Chuẩn, thì làm sao có được các bản tình ca hoa mỹ và đắm say lòng người? Vì thế, đem lý do thị hiếu của người nghe ra là không đúng. Người nghe tuy có thiên kiến nào đấy, nhưng luôn yêu thích cái đẹp, và luôn đi tìm “chân, thiện, mỹ”. Chỉ cần nhạc hay, là đại bộ phận người nghe sẽ tiếp nhận, như họ đã từng yêu mến và say mê cùng lúc những nhạc sĩ thuộc hai thế hệ khác nhau đã nói ở trên.
Vậy thì, lí do tại sao nền tân nhạc đương đại Việt Nam hiện tại không được đánh giá cao?
Không thể nói rằng, hiện tại âm nhạc Việt Nam không có ca khúc hay. Người ta hay cho rằng, thời điểm mà các nhạc sĩ như Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Vũ Thành An… ngưng sáng tác, thì nền âm nhạc Việt Nam dần dần lụi tàn. Tuy nhiên, có một điều ít ai để ý, ca khúc nổi tiếng Riêng một góc trời của Ngô Thuỵ Miên được sáng tác vào năm 1997, Mưa trên cuộc tình tôi cũng của Ngô Thuỵ Miên được sáng tác vào năm 2000, vào đúng thời điểm làn sóng nhạc Hàn, Tàu, Thái… tấn công ồ ạt thị trường âm nhạc Việt. Đến thời điểm hiện tại, vẫn có những tên tuổi như Dương Thụ, Quốc Bảo… sáng tác những bài nhạc với ca từ thật nhẹ nhàng, nên thơ.
Cá nhân tôi vẫn cho rằng, các bài của Dương Thụ như Đánh thức tầm xuân, Bài hát ru cho anh, và gần đây tôi nghe là Hoạ mi hót trong mưa; Quốc Bảo với Chờ em nơi thềm trăng, Em về tinh khôi, và đặc biệt là Còn ta với nồng nàn, có thể đạt tới mức gọi là hoa mỹ, sánh với các tuyệt tác của Văn Cao hay Đoàn Chuẩn thì không nổi, nhưng lời ca thì theo tôi hoàn toàn có thể sánh với một vài bài hay nhất của Trịnh Công Sơn hay Phạm Duy. Thử nhìn ca từ Chờ em nơi thềm trăng, như giấc xưa áo hoa tóc rối… hay Mưa, trong mưa họa mi vẫn hót thật dịu dàng dịu dàng/ Trên môi em tình yêu đã mất còn nồng nàn nồng nàn…, nó rất đẹp và rất lạ, nồng nàn và thắm thiết, có kém gì đại đa phần các tác phẩm thời trước đâu?
Tuy nhiên, những nhạc sĩ như thế là quá hiếm, so với hàng hà sa số các tác phẩm mà người ta gán cho nó cái mác là âm nhạc chả ra thể thống gì hiện nay. Vậy tại sao nền âm nhạc Việt Nam lại đi xuống như thế? Tại sao những chương trình được ưa thích như Paris By Night, các ca khúc được mong chờ luôn là các ca khúc xưa?
Tôi đã từng có một thời gian nghe tuốt luốt tất cả các album nhạc teen mới nhất trên Zing, chủ yếu để xem loại nhạc này có gì hấp dẫn. Kết quả là thấy chán ngắt, tôi thuộc lời các bài nhạc đấy vanh vách, mà chẳng thể nhớ nổi chúng nói về cái gì. Lỗi lớn nhất trong việc này nhiều người cho là thuộc về anh báo chí, trong việc lăng xê quá đáng bọn mà họ gọi là sao tuổi teen ấy, giọng hát thì yếu ớt, cảm xúc thì không có, lăng xê phong trào ca sĩ tự sáng tác, thay vì nói thẳng là sáng tác của anh dở tệ. Tuy nhiên, như lão già Wynand trong Suối Nguồi đã nói: tờ báo của tôi thành công vì viết về những thứ mà độc giả thích đọc, mọi sự ở đây cũng như thế…
Vậy vì lí do gì mà lứa trẻ ngày nay thích đọc và thích ca sĩ vì những tin lăng xê vớ vẩn, thay vì bỏ thời gian nghe những loại nhạc hay đích thực? Một xã hội đang trên đà xuống dốc về mặt văn hoá – nghệ thuật, hay là Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế ((câu của Ngô Thì Nhậm)). Công nghệ truyền thông phát triển quá nhanh, nhu cầu nghe – nhìn của công chúng cũng tăng theo cấp số nhân, vì thế các nhạc sĩ không có thời gian sáng tác các tác phẩm âm nhạc bằng tâm huyết đích thực của mình, mà đành phải xào xào nấu nấu để cho ra các sản phẩm mì ăn liền phục vụ nhu cầu và thị hiếu? Do phải chăng giờ trở thành ca sĩ quá dễ, người người nhà nhà mộng thành sao, chỉ cần vài chục triệu là được lên truyền hình hát, nên cái tâm với nghề không còn cháy bỏng, dẫn đến việc ít khi chịu tìm hiểu để hoàn thiện kĩ năng ca hát của mình?
Cá nhân tôi cho rằng, tất cả những điều trên, từ thị hiếu lười và thích hưởng thụ những thứ hào nhoáng của lứa trẻ, cho tới sự đồng tình của báo chí và các cơ quan truyền thông, đã góp phần biến nền âm nhạc Việt Nam, từ giai đoạn phát triển huy hoàng, trở thành tàn lụi. Và nếu không phải có những tác phẩm của những nhạc sĩ có tài và có tâm như Bảo Phúc – Bảo Chấn, Dương Thụ, Quốc Bảo, Trần Tiến… góp phần giữ cho nó từng hơi thở thoi thóp, thì ắt là nó đã đi về nơi xa lắm.
Lạ lùng cái là giới trẻ ngày nay đủ nhận thức để biết đâu là ca khúc hay – dở, nghĩa là họ vẫn biết những bài nhạc Trịnh là tuyệt vời, họ vẫn nghe và vẫn cảm nhận được, nhưng song song với đó, họ lại dễ dàng tỏ ra say mê các ca khúc thời thượng với ngôn từ rỗng tuếch, và nhạc thì chả có điểm đặc sắc riêng. Liệu có cần một cú hích thật thẳng tay, để dần dần bỏ đi cái lớp hào nhoáng rẻ tiền ấy?
Biết phải làm gì, kêu gọi mọi người đi tìm về những giá trị nghệ thuật đích thực chăng? Thôi đành, nghe những bản nhạc tuyệt tác ấy, mà chặc lưỡi than rằng: Thương thay, một kiếp vàng son...
B.l.u.e
p/s: bài viết có sử dụng tư liệu trên vi.wikipedia.org (từ khoá: Tân nhạc).
xu thời và phi thời, hê hê