Skip to content

Văn học – Thi ca – Âm nhạc – Từ thời đại đến thời đại

Hôm nay, nhân đọc tin Tế Hanh – một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào Thơ Mới vừa qua đời ((http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2009/07/3BA11540/)), tôi chợt giật mình, cảm thấy hơi hụt hẫng khi nhận ra một điều rằng: những ngòi bút tuyệt vời ấy, rồi đã tới ngày chẳng còn ai trên cõi đời này (sự thật là hiện trong những tác giả được liệt kê ở cuốn “Thi nhân Việt Nam”, chỉ còn nhà thơ Xuân Tâm còn sống ((thông tin tại http://tintuc.xalo.vn/02976019621/nguoi_tho_con_sot_giua_nhan_gian.html – chưa kiểm chứng))). Để dòng suy nghĩ trôi miên man một hồi, tôi lại buồn bã khi phải tự thừa nhận sự thật là, sẽ phải cần một thời gian rất lâu (mà có lẽ cuộc đời tôi sẽ không chứng kiến được), Việt Nam mới lại sản sinh ra một thế hệ tài hoa tuyệt đỉnh như thế.

Tôi vốn là người rất ngại tìm hiểu, ít khi nào tự đặt những câu hỏi: tại sao?, nhưng trong vấn đề này, tôi muốn tìm ra câu trả lời thật thỏa đáng. Câu hỏi đặt ra ở đây là: tại sao thời đại hiện tại, không có những văn nghệ sĩ thực sự nổi bật? Điều này là do sự cách khoảng của chu kì thời gian, do ảnh hưởng của những yếu tố khách quan hay do những tính chất đặc trưng của thời đại chúng ta?

Tôi thích đọc thơ và nghe nhạc. Vì vậy, tôi sẽ thử viết về hai chủ đề chính này. Bài viết ắt còn nhiều thiếu sót, mong nhận được sự góp ý của mọi người.

1 – Văn học và Thi ca

Thi nhân Việt Nam

Trong tác phẩm Thi nhân Việt Nam do hai anh em Hoài Thanh – Hoài Chân xuất bản (lần đầu vào năm 1942), tác giả trong bài luận đề tựa của mình có gọi quãng thời gian từ năm 1932 – 1941 là “một thời đại trong thi ca”. Tôi cả nghĩ, nếu là tôi viết cuốn sách ấy, thì ắt sẽ đổi lại cụm từ trên thành “thời đại rực rỡ nhất trong thi ca”.
Nếu bạn lần đầu nhìn vào danh sách những nhà thơ được liệt kê trong Thi nhân Việt Nam (dĩ nhiên, có kha khá nhà thơ tài ba bị “bỏ sót” ((Tú Mỡ, Đỗ Phồn…))), tôi quả quyết rằng bạn sẽ phải ngạc nhiên. Không thể tin được tại sao chỉ trong chừng chục năm ngắn ngủi, mà văn đàn Việt Nam lại sản sinh ra nhiều quái kiệt thế, hoặc cũng có thể là tại sao những quái kiệt ấy, lại cho ra đời hầu hết những tác phẩm xứng đáng xếp vào hàng đỉnh cao trong cuộc đời sáng tác của mình vào thời điểm ấy.

Trăm hoa đua nở, Lưu Trọng Lư nhẹ nhàng và tinh tế, Huy Thông gói gọn trong hai chữ “bi tráng”, Xuân Diệu ông hoàng của tình thơ Việt Nam, chân quê như Nguyễn Nhược Pháp, đau thương Hàn Mặc Tử… tất cả đều tỏa sáng rực rỡ trong giai đoạn này.

Xét về lãnh vực văn xuôi, truyện ngắn. Tầm thời điểm này cũng chứng kiến sự lớn mạnh của các nhà văn trong phong trào Tự Lực Văn Đoàn. Những ngòi bút tài hoa của Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh… đua nhau nhảy múa. Chẳng thể nào quên được Thạch Lam với ngòi bút rất nên thơ, chân thật và thấm đậm tình người trong “Gió lạnh đầu mùa”, một “Hồn bướm mơ tiên” phiêu du, ảo mộng của Khái Hưng.
Năm 1941 cũng là năm ra đời của tác phẩm “Lò gạch cũ” (sau đổi tên thành Chí Phèo), là bệ phóng đưa Nam Cao vào danh sách một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỉ 20. Tầm năm này (1940), Nguyễn Tuân cho ra đời “Vang bóng một thời” – ngông đến cùng cực, nhưng tài hoa uyên bác được thể hiện qua từng câu, từng chữ, và “đẹp” đến vô ngần. Chúng ta cũng cần lưu ý, hầu như tất cả các tác phẩm hay nhất của “ông vua phóng sự” Vũ Trọng Phụng cũng ra mắt trong thời gian này (Giông Tố 1936, Số Đỏ 1936…)

Có kể thì tới ngày mai cũng không hết về các nhà văn, nhà thơ cùng tác phẩm tiêu biểu, tôi chỉ muốn rút lại một câu: hầu như những tài năng văn thơ kiệt xuất, đều chọn thời đại ấy để đầu thai, và để phát tiết tinh hoa, để lại cho đời những đứa con tinh thần bất hủ.

Vậy thì, tại sao thời đại ấy lại được như thế, còn hiện tại thì không?

Đầu tiên, ta thử xét qua về khía cạnh lịch sử và xã hội. Chúng ta nói về hai khía cạnh “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”, nhé!
Sau chừng chục năm hội nhập với văn hóa của Tây phương, khi mà những giá trị đến từ các nước trời Âu ấy cái thì hòa lẫn, cái thì đấu đá với cái tư tưởng văn hóa Trung Hoa lãnh hội từ bao đời nay, con người ta phân vân, lạc lối trong mớ hỗn độn, ngổn ngang

Củi một cành khô, lạc mấy dòng
(Tràng Giang – Huy Cận – 1939)

Đến một lúc, khi nhu cầu khẳng định cái “TÔI” lớn mạnh, vượt qua những cái quan niệm “vì số đông” tồn tại lâu đời, người ta muốn viết, để ca ngợi những gì họ yêu thích, đấy là tình yêu, đấy là cái đẹp. Đây cũng là thời gian mà quan điểm “vị nghệ thuật” phát triển mạnh nhất. Hầu hết các bài thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ mới, đều rất thi vị, hoàn toàn không giáo điều, không chính trị, không áp đặt tư tưởng… Phải chăng vì thế, nó mãi đi vào lòng người, bởi bản chất vốn có của loài người là yêu cái đẹp?

Về văn xuôi, lại là vấn đề khá khác.

Xã hội nhiễu nhương, nước mất nhà tan đặt các nhà văn vào vị trí phải dùng ngòi bút để vạch trần, để bóc tách mọi thứ. Những Chí Phèo, Số Đỏ… trong thời điểm này, đọc vào chỉ thấy đầy chua xót.

Tôi không bàn về “vị nghệ thuật” và “vị nhân sinh”, cái nào đúng, bởi việc này chẳng khác gì gà và trứng cái nào có trước. Chỉ thấy thật tấu xảo, phải chăng chính cái “vị nghệ thuật” đến mức tối đa đã tạo nên những bài thơ đầy thi vị, tinh tế và nhẹ nhàng và cái “vị nhân sinh” đến cùng cực cho ra đời các tác phẩm văn xuôi, truyện ngắn, phóng sự đọc vào chỉ muốn rơi nước mắt, đã hòa cùng nhau để tạo nên giai đoạn hoàng kim ấy?

Tôi lí giải điều trên có ý nói là điều kiện xã hội đã góp phần tạo nên những văn nghệ sĩ tuyệt vời ấy, mà bỏ qua yếu tố ngẫu nhiên của tạo hóa (vì bàn thế nào được). Thế thì ngày nay ra sao?

Ngày nay, cũng là thời điểm cái TÔI được đề lên rất cao. Phong trào emo rầm rộ, phong trào ăn mặc và để tóc phá cách, nhạc nhẽo, thể thao cá tính mạnh… là một phần minh chứng cho xu hướng này. Việc một người đề quá cao cái TÔI của mình không còn bị đánh giá một cách thiên kiến như vài chục năm trước.

Con người càng ngày càng yêu cái đẹp và muốn nói về nó. Nhưng vì sao thơ văn không lớn mạnh? Vì sao lại ít nhà văn nhà thơ nổi tiếng?

Tuy nhiên, với việc xã hội phát triển nhanh, dân giàu nước mạnh, ít hẳn đi các cảnh sống lầm than (nhìn chung đại bộ phận dân chúng so với những năm trước 1945), có thể nói, các văn nghệ sĩ của chúng ta thiếu hẳn đề tài sáng tác. Ồ, tôi không có chủ trương hay suy nghĩ: đất nước cần nghèo khổ để văn học phát triển, chỉ nêu lên mối tương quan giữa việc khi xã hội càng cần nhiều ngòi bút sắc lạnh, cần nhiều tác phẩm, thì khi đó mới xuất hiện càng nhiều tài năng kiệt xuất.

Nhưng, không thể lấy đó làm lí do để đổ lỗi hoàn toàn cho sự thật rằng nền văn học Việt Nam phát triển chậm hẳn lại vào lúc này. Thiên chức của người cầm bút là dùng câu chữ, lời văn của mình khắc họa cuộc sống. Cuộc sống không dừng lại, thì vì lí do gì mà văn học dừng lại?

Không thể nói rằng văn học – thi ca Việt Nam ta vào thời điểm này chẳng có gì ra hồn. Vẫn có những tác phẩm hay, nhưng đem so với những bài thơ, câu chuyện của thời đại trước, thì khoảng cách còn ở xa lắm. Đấy là chưa nói giai đoạn trước đây, có vô vàn bài thơ và tác phẩm văn xuôi xuất sắc thế.

Ngoài ra, tôi nghĩ cần bàn đến sự tác động của việc bùng nổ các phương tiện truyền thông. Nhưng đây là vấn đề, sẽ bàn ở phần sau, bởi nó cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Nói ra trước sẽ mất lí thú.

2 – Âm nhạc

Còn tiếp…

p/s: Bài này có sử dụng tư liệu tại http://vi.wikipedia.org/wiki/Thi_nhân_Việt_Nam.

1 thought on “Văn học – Thi ca – Âm nhạc – Từ thời đại đến thời đại”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *