Skip to content

Thất Dạ Tuyết

Thất Dạ Tuyết

“Thì ra, cho dù là tình cảm sâu sắc nhất trong đời, chung quy cũng không chống lại nổi thời gian.”

Phụ nữ viết truyện, luôn có tư vị khác với đàn ông.
Phụ nữ viết kiếm hiệp, thì lại càng khác.

Kim Dung uyên thâm, tinh tế, tựa như một vò rượu nhẹ, uống xuống rồi vẫn còn để lại chút cảm giác thoải mái, ngọt ngào.
Cổ Long tràn đầy khắc khoải, ưu tư, rượu càng vào sâu càng đắng, không, phải gọi là chát, chua chát đến tận cùng.
Thương Nguyệt – người phụ nữ ấy, về mặt tinh tế không thua gì Kim lão, nhưng lại đôi khi khiến độc giả gấp trang sách lại, ngồi ngẩn ra một lúc rồi nhủ thầm: “sao lại có thể khắc khoải, sâu lắng, đến mức này?” như hay thấy ở các tác phẩm nổi tiếng của Cổ Long.

Thất Dạ Tuyết, thực ra, cái tên không khái quát nên đủ nội dung câu chuyện. Bởi mọi thứ có thể bắt nguồn từ những đêm tuyết ấy, nhưng, phù, cô gái ấy quá tham lam, chỉ trong 17 chương, đã đủ nói trọn vẹn về rất nhiều người, mà người nào, cũng mô tả đến mực tuyệt diệu.

– Hoắc Triển Bạch – thất công tử của Đỉnh Kiếm Các, người được xem là Trung Nguyên đệ nhất kiếm, trí tài đều có thể coi là không đứng dưới bất kì ai, lại không thể nào tự thắng được chính những ảo mộng do mình tự tạo ra rồi khăng khăng giữ lấy.
Tám năm trời rong ruổi bốn phương, chỉ để đuổi lấy một bóng hình, nhưng, mãi chỉ là kẻ đến sau.
Đến rồi, một ngày, khi chợt nhận ra mình đã già mất rồi, cái thời niên thiếu yêu cuồng si mê dại ấy đã qua đi không trở lại. Cái tư vị khi một ngày nhìn nhận ra điều này sẽ như thế nào nhỉ?
Thở dài? Tiếc nuối? Thống hận? hay thanh thản?

– Tiết Tử Dạ – Dược sư cốc, thiên hạ đệ nhất thần y. Cũng như Triển Bạch, hơn mười năm trời, nàng sống với ánh mắt nhìn đăm đăm về quá khứ, nơi ngày ấy, nàng và chàng trai ấy thật vui vẻ và hạnh phúc.
Là si mê? Là chấp niệm?
Biết là thế, mà nàng cứ đâm đầu vào.
Cái vọng tưởng ngỡ như tồn tại cả đời ấy, rồi lại cũng tan biến theo thời gian

Triển Bạch và Tử Dạ, cái ngày hai người quyết tâm bỏ đi – thứ – gọi – là – một – thời của mình, tôi thật sự muốn biết, hai vị có cảm giác thế nào?

– Đồng – Minh Giới – Đại Quang minh cung đệ nhất sát thủ. Có người nói, quên sẽ tốt hơn. Nhưng, quên đi điều làm mình đau, và mãi nhớ điều làm mình đau, điều gì tốt hơn? Câu trả lời là điều đầu tiên. Nhưng có lẽ không ít người sẽ chọn cách sau. Chỉ để mãi nhớ một trường kí ức, một hình ảnh. Con người này, sống nhưng chẳng khác nào đã chọn cách chết cho chính bản thân mình. Là định mệnh ư?

– Diệu Phong – Minh Giáo Ngũ Minh Tử. Trong Thất Dạ Tuyết, có thể nói, đây là người đau khổ nhất.
Một người mà ngay từ năm tuổi không thể khóc, phải luôn cười, cứ vô tâm, vô thần mà hành sự. Một người biết rằng mình phải khóc để giải toả, mà không khóc được. Người ấy, ắt hẳn là sẽ đau đớn đến khôn cùng.
Cái đêm Diệu Phong chạy như bay ngoài tuyết, vô vọng sưởi ấm một bóng hình – hình ảnh ánh sáng của đời hắn, hắn đã nghĩ gì? Khi ngay vừa thoát khỏi vẽ lãnh ngạo trên khuôn mặt lẫn cả trong tim, lại phải chịu đựng cái chết của hai người có ý nghĩa nhất đời mình, hắn đau đến mức nào?

Mỗi nhân vật đều là mỗi đoạn cuộc đời khác nhau, điểm giống nhau duy nhất là đều phải trải qua những giai đoạn đau khổ – hạnh phúc – đau khổ, nối tiếp. Tất cả, từ giờ đến cuối cuộc đời, đều sẽ sống với hai từ “kí ức”.
Biết là như thế, mà vẫn đâm đầu vào, con người, chung quy vẫn mãi là những kẻ ngốc…

những ký ức ấy tựa như một thanh đao, mỗi lần nhớ đến là lại cắt sâu vào tim một vết thương sâu hoắm, chỉ cần y còn sống một ngày, thứ hình phạt lăng trì này sẽ mãi không bao giờ dừng lại.

B.l.u.e.

2 thoughts on “Thất Dạ Tuyết”

  1. Chào bạn, tôi là người dịch cuốn sách này. Thú thực, tôi rất vui khi có một độc giả như bạn. Cám ơn bài viết của bạn rất, rất nhiều.

    Thân,

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *