Skip to content

Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Eternal Sunshine of the Spotless Mind

Điên rồ!
Thật sự điên rồ!
Khó hiểu đến mức phát điên, nhưng cũng đẹp và đầy tràn triết lí.

Tôi xem Eternal Sunshine of the Spotless Mind giữa lúc đầu óc không thể gọi là trong trạng thái tỉnh táo nhất, khi sự mệt mỏi xâm chiếm lấy tôi qua từng thớ thịt lẫn từng neural trí não. Nghe thì thoạt có vẻ đây là một sai lầm, khi tiếp cận một tác phẩm nghiêng nhiều về tâm lí – hơn là tình cảm lãng mạn trong tình trạng này. Nhưng, như bản thân bộ phim đã cực kì khó hiểu, như một mê cung, không phải được xây lên bằng gạch đá, hay những hàng cây, mà là những nét vẽ mờ ảo, đứt đoạn của kí ức, thì việc đang tỉnh hay đang mê, có lẽ cũng không khác biệt nhiều lắm.

Eternal Sunshine of the Spotless Mind là một bộ phim tâm lý của điện ảnh Hoa Kỳ công chiếu tháng 3 năm 2004. Bộ phim được thực hiện bởi đạo diễn người Pháp Michel Gondry dựa theo kịch bản của Charlie Kaufman với dàn diễn viên chính gồm Jim Carrey, Kate Winslet, Kirsten Dunst, Mark Ruffalo, Elijah Wood và Tom Wilkinson. Eternal Sunshine nói về câu chuyện của đôi tình nhân Joel Barish (Carrey) và Clementine Kruczynski (Winslet), gặp nhiều bất đồng trong cuộc sống, họ quyết định tới công ty Lacuna Inc. xóa bỏ kí ức về người kia để rồi lại thấy không thể sống thiếu nhau và phải tìm mọi cách để giữ lại hình ảnh của người mình yêu trong trí nhớ. Sau khi ra mắt khán giả Eternal Sunshine đã nhận được nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là về kịch bản sáng tạo của Kaufman cùng diễn xuất của hai ngôi sao Jim Carrey và Kate Winslet. Với tác phẩm này, Kaufman đã được trao Giải Oscar cho kịch bản gốc hay nhất còn Kate Winslet trở thành nữ diễn viên trẻ nhất có được 4 đề cử Oscar cho hạng mục diễn xuất. ((http://vi.wikipedia.org/wiki/Eternal_Sunshine_of_the_Spotless_Mind))

Những cảnh trong bộ phim, mới trông rất rời rạc và vô cùng, xin lỗi, nhảm nhí. Những cung bậc cảm xúc được đẩy lên tới mức cực kì thái quá đủ khiến những ai, dù là kiên nhẫn nhất, cũng phải thốt lên câu “cái quái quỉ gì đang diễn ra đây?” Nhưng, xét trên tổng thể bộ phim, không cảnh nào là thừa cả. Tất cả hợp nhau, từng đoạn, từng đoạn ấy, để làm nên một mê cung đầy rắc rối, nhưng ảo diệu kì lạ.

Trong cái mớ hỗn độn của bộ phim – kí ức ấy, dù cho kí ức có kéo chủ nhân sở hữu của nó đi về phía nào, vượt qua những giới hạn tuyệt đối nhất của thời gian và không gian, thì nó cũng đều ẩn chứa trong đó một tình yêu thật sâu đậm.

Friedrich Nietzsche trong Jenseits von Gut und Bose có nói về ý nghĩa tích cực của sự lãng quên:

Blessed are the forgetful: for they “get the better” even of their blunders ((Sung sướng thay sự lãng quên, với nó con người trở nên tốt đẹp hơn bất kể những điều sai lầm của họ)).

Có những người chọn cách lãng quên, để tìm sự thanh thảnh cho tâm hồn của mình. Lại có những người, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng đều muốn chống trả lại những kẻ thù của kí ức, bất kể chúng là những thứ siêu nhiên như thời gian, hay là các liệu pháp khoa học, để giữ lại cho mình những thứ mà mình hằng yêu quí ấy, bất kể nó có gây cho chính bản thân mình – chứ không phải ai khác, đau buồn đến mức nào.

Người ta hay nói nhiều đến cụm từ “là của nhau”. Nhưng, là của nhau, mà nếu không cố gắng, thì những gì còn đọng lại, mãi chỉ là niềm đau và nỗi hối tiếc đến khôn nguôi mà thôi.

Vì vậy, bạn tôi ơi, đừng bao giờ buông xuôi, đừng bao giờ tìm quên, nếu không giữ được ai đó ở mãi bên bạn, thì cũng đừng bao giờ để những kí ức đẹp đẽ ấy rời xa bạn.

Vì, người ta có thể yêu nhau chỉ một thời, nhưng kí ức là…

…một đời.

Tựa như tia nắng vĩnh hằng…

B.l.u.e.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *