Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring là một bộ phim Hàn Quốc được sản xuất vào năm 2003. Phim xoay quanh về một ngôi chùa nằm nổi lênh đênh giữa hồ, được bao bọc chung quanh bởi rừng cây xanh tươi tốt.
Tôi đã từng nghe về bộ phim này một khoảng thời gian trước, nhưng hơi có phần e ngại mỗi khi trong đầu nảy ra ý tưởng xem thử, có lẽ vì phần giới thiệu của nó khiến cho người ta liên tưởng ngay tới một bộ phim đầy màu sắc Phật giáo và triết lí.
Phim này khi xuất hiện ở các chợ bán đĩa lậu tại Sài Gòn, đã được gán cho một cái tên hết sức ngu ngốc là “Bốn mùa tình yêu”, nghe như các phim mì ăn liền giải trí cũng xuất thân từ Hàn Quốc.
Được đạo diễn bởi Kim Ki-duk, tuy nhiên, phim hoàn toàn không thấy xuất hiện những yếu tố vốn bị chỉ trích rất dữ dội như trong các phim trước đây của ông: sự ghê sợ phụ nữ và rất bạo lực. Trái lại, Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring là một bức tranh tuyệt đẹp, chậm rãi mà đầy cảm xúc, được điểm xuyến bởi cảnh vật yên bình đến mê người của tự nhiên, xen lẫn những nỗi thổn thức, những tâm tư cả đời người, xuyên suốt nhiều thế hệ.
Tôi không phải là một người hâm mộ điện ảnh. Số lượng phim tôi xem không nhiều. Và trong số không nhiều phim tôi đã từng xem ấy, thì chiếm đa số lại là phim của Tây. Nhưng, có điều ngạc nhiên thay, những phim tôi yêu thích nhất và đánh giá cao nhất lại là các phim có xuất xứ từ châu Á.
Không xem nhiều phim ảnh, kiến thức cũng nông cạn, nhưng tôi vẫn mạo muội đánh giá phim Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring xứng đáng được điểm 10.
Kim Ki-duk đã nói về bộ phim như sau:
I intended to portray the joy, anger, sorrow and pleasure of our lives through four seasons and through the life of a monk who lives in a temple on Jusan Pond surrounded only by nature.
Tôi mạn phép không dịch ra tiếng Việt, để cho các bạn có thể hiểu chính xác ý của ông.
Khi người ta quay đầu nhìn lại, mọi thứ đều trôi qua rất nhanh. Cái bánh xe vô lượng của thời gian thật sự rất tàn nhẫn, nó xoay chuyển không ngừng, đập tan cái ước muốn đôi khi xuất hiện của chúng ta là có một giây phút dừng lại, chỉ dừng lại và đứng đó thôi.
Cuộc đời của một con người, như các bạn có thể đoán qua tiêu đề bộ phim, là một vòng tuần hoàn khép kín, lặp đi lặp lại.
Bộ phim bắt đầu bằng mùa Xuân. Cũng là bắt đầu cuộc đời của chú tiểu nọ.
Cuộc sống của chú tiểu những tháng năm đầu đời này, giống với từ pleasure trong câu nói trên của Kim Ki-duk. Và thật ra luôn là thế, hầu hết trong chúng ta, những năm tháng đẹp đẽ nhất luôn gắn liền với hai chữ “tuổi thơ”. Ở đây, chú tiểu được học những bài học đơn giản và chân thật nhất về thiện – ác. Nụ cười rất tươi của chú khi đùa giỡn, cùng những giọt nước mắt hối hận của tuổi nhỏ trước bài học đầu đời, là điểm nhấn trong mùa Xuân đầy an bình này.
Xuân qua, Hạ tới.
Dĩ nhiên, ai cũng có thể hiểu, Hạ ở đây ứng vào giai đoạn trưởng thành của chú tiểu, và chữ joy trong câu của Kim. Mùa Hạ nóng rực như tâm tình của một chàng trai khi trưởng thành, nhưng cũng thật vui vẻ với những xúc cảm êm đềm thuở ban đầu ấy.
Trong giai đoạn này, chú tiểu của chúng ta đã được nếm cảm xúc mãnh liệt nhất trong đời người: tình yêu.
Tình yêu đẹp nhưng cũng đầy men say của dục vọng.
Cảnh tượng chú tiểu khóc trước tượng Phật khi lần đầu tiên sờ mó cô bạn gái, cảnh tượng hai người ân ái ngay trong phòng cúng Phật, làm tôi liên tưởng tới hai câu
Gió thông đưa kệ tan niềm tục
Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời
(Khái Hưng – Hồn bướm mơ tiên)
Đỏ như anh của một thời trai trẻ và như em của một thuở mê say. Đỏ như cái tình yêu mà vì nó, chú tiểu rời bỏ ngôi chùa đã gắn bó với tuổi thơ của mình, để khăn gói ra đi, bất chấp câu nói của sư phụ vẫn vang vọng bên tai
Desire leads to attachment
Thu sang, đỏ nhoà sắc phong
Cảnh bắt đầu với hình ảnh sư phụ của chú tiểu năm nào, nay đã rất già, tình cờ đọc bài báo viết về đệ tử mình.
Ngày đấy, bỏ qua mọi cấm đoán của lề luật, bỏ qua sự can ngăn của sư thầy, chú tiểu bỏ đi để nếm vị ngọt ngào của ái tình. Và nay, sau khi bị chính ái tình giết chết bằng liều thuốc độc đắng nghét, sau khi phạm vào tội sát nhân vì tự tay giết người vợ bội bạc, chú tiểu lại quay về nơi chốn ngày xưa.
Cảnh xưa còn, người vẫn còn, nhưng liệu người xưa có còn chăng?
Hình ảnh cảm động nhất trong mùa Thu, là cảnh chú tiểu năm nào, dùng chính con dao vấy máu người yêu, hì hục khắc một bài kinh theo yêu cầu của sư cụ, mỗi nét khắc là một lần phá tan sự tức giận trong lòng mình.
Mùa thu bắt đầu bằng anger, và kết thúc bằng sự mong muốn phá bỏ cái anger ấy…
Đông phủ tuyết trắng xoá
Chú tiểu trở về khi hết án tù. Lúc này, ngôi chùa xưa đã trở nên điêu tàn.
Mùa Đông trong phim diễn ra rất nhanh. Giữa cái cảnh tĩnh lặng của tuyết trắng xoá là sự thổn thức cũng trong tĩnh lặng của một bà mẹ khi phải đem vất bỏ đứa con mình, xen vào đó là tiếng khóc xé lòng của đứa nhỏ, khi bò trên mặt hồ đông cứng, cố với tới xác mẹ mình.
Mùa Đông – sự đau thương và mất mát. Liệu có phải là chữ sorrow trong câu của Kim?
… và mùa Xuân
Lại một vòng đời, lại một chu kì, đứa trẻ ngày ấy lại lớn lên, chú tiểu năm xưa đã già đi.
Vẫn ngôi chùa, vẫn mặt hồ, vẫn hai người, nhưng là sự lặp đi lặp lại có nối tiếp của số phận. Tiếng thở dài của chú tiểu năm xưa, hay tiếng cười trong vắt của chú tiểu ngày nay, thứ nào mới đích thực là hình ảnh của thời gian và số phận. Theo tôi, có lẽ là cả hai.
Rồi đây, đứa trẻ bây giờ, sẽ lại viết tiếp câu chuyện Spring, Summer, Fall, Winter… And Spring…
B.l.u.e
p/s:
1 – Main theme ost
2 – tình cờ nhớ tới một truyện ngắn mà tôi thích nhất Thương nhớ Hoàng Lan – Trần Thuỳ Mai
Tôi nghe tiếng thét của nàng vang động cả giấc mơ, nàng nhào xuống rơi thẳng vào không gian mênh mông như chiếc lá lìa cành trước gió.
“Thầy ơi, nếu vào Niết bàn mà phải đạp lên một chiếc lá, Phật có làm không? Xin thầy cho con hay, trời đất nặng hơn hay chiếc lá nặng hơn?”
Thầy nhìn vào mắt tôi:
“Chỉ có con tự trả lời được thôi. Ngày mai con hãy về, cứ nhìn thẳng vào nghiệp duyên mà tự quyết định lòng mình.”
Ta cũng rước phim này về rồi nhưng chưa xem 😀 Cũng đang định xem… vào một ngày nào đó có hứng 😀
film này coi tưởng vậy mà ko fải vậy, tè le lớp nghĩa (kể cả chánh trị :-<)
Oài, nhiều khi mấy cái đó là do người ta tự suy diễn thôi.
Xem film thì việc tìm hiểu background của bộ film đó trước đôi khi hay, nhưng thường cũng là mất hay 😀