Người xuống núi mang về đâu có chắc
Những dịp về còn nữa ở mai sau?
Dặm hồng vàng ai đứng lại nhìn nhau? ((Bùi Giáng – Giã Từ Đà Lạt))
Người ta cho rằng, thói quen nhìn lại quãng đời đã qua của mình thường chỉ có ở người già, những người mà thứ dệt nên cuộc sống của họ, không phải là các gam màu tươi sáng, rõ ràng của hiện tại, mà là một màu “xám” đến nhạt nhoà của quá khứ.
Nàng trong anh cũng là một màu xám, chỉ có điều nàng không nhạt nhoà. Thời gian đã và đang dệt một lớp bụi ngày càng dày hơn lên trên khuôn mặt nàng. Nhưng với anh, nàng không bị che khuất, mà vẫn sống động như ngày nào.
Anh đã từng gắng làm tất cả mọi thứ để quên nàng, từ những hành động đơn giản như tắt TV, hay đóng trình duyệt web mỗi khi tình cờ thấy xuất hiện tên nàng, cho đến những thứ phức tạp hơn như mượn câu châm ngôn “Esse est percipi” ((Tồn tại nghĩa là được nhận thức bằng tri giác)) của Berkeyley để tự ép mình quên.
Chỉ bởi vì nàng vẫn còn tồn tại trong anh.
Nàng rất đẹp. Mọi người ở đất nước này đều nói như thế. Nàng có vẻ dữ dội như những dòng thác ngàn năm chảy mãi, lại có vẻ trầm mặc như những rừng thông xanh bát ngát, hay vẻ mộng mơ phiêu ảo tựa mây trời đên đỉnh Lang Biang.
Ở bên nàng, ai cũng có cảm giác bình yên.
Nàng không phải là người anh yêu nhất, nhưng là người anh nhớ nhất.
Nàng mang lại cho anh cái hạnh phúc tột đỉnh, nhưng cũng chính nàng, thực ra là những kí ức về nàng, dìm anh vào nỗi đau mà đã có những lúc anh tưởng chừng không thoát được.
Chỉ bởi vì, nàng là nhân chứng, cho một cuộc tình – đẹp – nhưng – dang – dở, của anh…
Rồi lại sẽ có ngày, anh trở về thăm nàng, nhưng khi đấy, sẽ là một anh – đầy hạnh phúc.
B.l.u.e.