Chắc phải lâu rồi mới có album Việt khiến tôi nghe xong ngồi thẫn thờ đến đẫn đờ một lúc như album ‘Yêu’ này của 5 Dòng Kẻ. Và đây cũng là album mà dù nghe xong đến lần này lần thứ 4, tôi cũng ngần ngại không dám đặt bàn phím vào viết bình luận, vì vốn hiểu biết và kiến thức của tôi còn hạn chế quá. Đêm qua mệt mỏi chắc vẫn còn do jetlag, ngủ một mạch từ 8 giờ tối, tới 6 giờ sáng thì bật dậy, trong không gian yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi làm chè trôi nước ăn và quyết định nghe lần nữa và viết gì đó. Vì có lẽ không viết thì cảm thấy áy náy lắm.

—-

Khái niệm World Music tuy đã có từ khá lâu, nhưng đến giờ vẫn còn gây kha khá tranh luận, và vẫn thuộc loại mới mẻ trên thế giới, chứ chưa nói gì đến Việt Nam. Thật ra, đừng tin khi lâu lâu có một ông hay bà nào đó bảo là âm nhạc Việt Nam chậm tiến tầm vài chục năm so với thế giới. Những năm gần đây, tôi thấy các nghệ sĩ bên ta bắt nhịp khá nhanh so với các trào lưu, dù đang thịnh hành hay vẫn còn đang dạng thử nghiệm trên thế giới. Mà thôi, lại quay về thể loại World Music.

World Music tuy không rầm rộ, nhưng cũng đã được vài nghệ sĩ ở Việt Nam tìm tòi và theo đuổi. Về nhạc sĩ, nhà sản xuất thì đó là Quốc Trung, với hàng loạt dự án thử nghiệm sau-Đường xa vạn dặm của anh; về ca sĩ, nhóm nhạc thì nổi lên nhất là Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ. World Music như đã nói về khái niệm đến giờ cũng chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng có thể tạm hiểu là cách kết hợp những đặc trưng trong nền âm nhạc của một sắc tộc, dân tộc, khu vực nào đó với loại âm nhạc hiện đại trên toàn cầu. Nói dân dã như quê ta hay nói thì là: kết hợp âm nhạc truyền thống và đương đại.

—-

Sau thất vọng (cá nhân) với ‘Chuyện của mặt trời, Chuyện của chúng ta’ của Đỗ Bảo – Hà Trần, thì tôi rất trông chờ vào tầm vài tháng cuối năm, để nghe thử ‘Độc đạo’ của Tùng Dương (kết hợp cùng nghệ sĩ jazz Pháp gốc Việt Nguyên Lê) và ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ. Có một điều thú vị là vào năm 2007, Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ đều tung ra những album rất đỉnh: ‘Cánh mặt trời’ và ‘Những ô khối màu lập phương’. Cả 2 album đã có cuộc rượt đuổi ngoạn mục ở giải Cống Hiến và cuối cùng thì album của Tùng Dương vượt lên trên 5 Dòng Kẻ chỉ với vài phiếu.

Năm nay, lần lượt Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ đều tung ra album vào một thời điểm, cùng theo đuổi World Music. Trong khi album Tùng Dương được chính anh bay sang tận Pháp để thu âm, thì ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ cũng được hoà âm bởi các nhạc sĩ uy tín trong nước, và được master tại Mỹ. Tùng Dương ngày càng trưởng thành, giờ bảo anh là nam ca sĩ người Việt xuất sắc nhất, ắt cũng có thể. Với 5 Dòng Kẻ, thì đó là dấu hỏi lớn.

Đã 6 năm rồi, các cô gái của 5 Dòng Kẻ mới tung ra album mới, dù trong khoảng thời gian xen kẽ đó, họ cũng đã xuất hiện nhiều lần trên các chương trình ca nhạc, nhưng thính giả (trong đó có cả tôi) vẫn khá hồ nghi, không biết 5 Dòng Kẻ sẽ ra sao sau sự ra đi của Hồng Ngọc. Lần Hồng Ngọc rời nhóm này khác với Giáng Son. Trong khi Giáng Son rất mạnh ở vai trò sáng tác, phần ca hát của cô lại không ấn tượng bằng. Với Hồng Ngọc thì khác. 5 Dòng Kẻ thời ‘Cánh mặt trời’ là sự hoà quyện rất đẹp giữa các giọng ca trong vắt như thiên thần của Bảo Lan, Lan Hương và Thuỳ Linh, đối lập với giọng khàn nhừa nhựa khói của Hồng Ngọc. Nay Hồng Ngọc tách nhóm rồi, liệu ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ có đơn điệu là một màu chán ngắt?

May mắn là không.

6 năm trước, khi còn trẻ, các cô gái ấy viết lan man khá rộng về đủ thứ, về vạn vật, về con người, về những biến chuyển rất nhỏ của cuộc sống. Giờ đây, khi trưởng thành hơn, họ chỉ viết về ‘Yêu’. Nghe thì có vẻ hơi ngược, nhưng đó lại là điều đáng chờ mong. Toàn bộ bài trong album đều là sáng tác của Bảo Lan, và cô cũng đảm nhiệm phần hoà âm, phối khí. Nói tóm lại, mình cô lo tất tần tật từ A tới Z. Đây là một concept album, các bài được sắp xếp để cùng nhau kể về một câu chuyện: tình yêu của một thiếu nữ, từ lúc mới ngỡ ngàng chạm vào yêu, đến khi thăng hoa tưởng chừng đến cùng cực khi thiếu nữ được yêu trọn giấc mơ, và cuối cùng là những hoang mang, nuối tiếc, những nỗi buồn khi tình yêu tan vỡ. Tuy về lí thuyết chỉ là những sáng tác riêng của Bảo Lan, tưởng rằng câu chuyện chỉ viết cho cô, để mình cô hiểu, nhưng nghe kĩ lại thì mới thấy, đây chẳng phải là tâm trạng chung của biết bao cô gái trên thế giới này, khi yêu đấy sao?

Tôi xin không đi kĩ vào phân tích từng bài hát, như bài này thế nào, lời hay ra sao, nhạc xuất sắc đến mấy… vì phần đó, mỗi người tự nghe và có trải nghiệm của riêng mình sẽ hay hơn. Tôi chỉ xin nói về chất nhạc, thứ khiến tôi rất ngạc nhiên.

Album không phải đơn sắc, mà là sự hoà quyện của rất nhiều gam màu nhạc khác nhau, từ nhẹ nhàng và sâu lắng, có khi tưởng như biến mất hoàn toàn để tiếng thổn thức của tâm hồn người thiếu nữ vang lên, có khi lại dữ dội, ồn ào và mạnh mẽ, như Bảo Lan chỉ mượn tiếng nhạc để nói hộ lòng cô thôi cũng là đã đủ. Nghe album này thú vị lắm, có khi tôi nghe lại cảm giác phần nhạc lấn áp phần lời, có khi thì thấy phần lời và phần nhạc chẳng hoà vào nhau gì cả, có lần nghe lại thì thấy cho dù có là cái sự chẳng-hoà-quyện ấy, vẫn có gì hay trong đấy.

Tôi vẫn khá phân vân khi nghĩ xem album này và album trước của 5 Dòng Kẻ, cái nào hay hơn. Về chất nhạc thì tôi thấy thích ‘Yêu’ hơn, nhưng khó mà có thể phủ nhận, sự ra đi của Hồng Ngọc đã để lại khoảng trống nào đó ảnh hưởng không hề nhỏ tới nhóm. Có những bài mà tôi thấy, dường như không có Hồng Ngọc cũng chả sao, giọng 3 nàng thiếu nữ ấy hoà vào nhau, nâng đỡ nhau là đủ; nhưng cũng có không ít bài, chỉ cảm thấy tiếc nuối, như món ăn mình biết thêm vào tí gia vị nào đó là sẽ ngon hơn, ấy thế mà lại không có…

Dĩ nhiên, như đã nói ở đầu bài, tôi vẫn đánh giá album này là một trong những album thành công nhất trong năm 2013. Và giờ đây, sự trông chờ của tôi chỉ còn là ‘Độc đạo’ của Tùng Dương….