Cuối cùng là chẳng có một đổi thay nào. Sau bốn mươi năm, chúng ta vẫn yêu mến Hoài Bắc Phạm Đình Chương bằng một mến yêu không bao giờ thay đổi.

Đoạn trên là lời tưởng niệm Phạm Đình Chương của nhà văn Mai Thảo. Ngày ấy, nghĩa là sau cái thời điểm mà cuộc hôn nhân giữa Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc tan vỡ, ông uống rượu rất nhiều, uống cả ngày, cùng với Mai Thảo. Phạm Đình Chương là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu mến nhất trong số rất nhiều nhạc sĩ của nền tân nhạc Việt Nam – tuy chỉ dài chưa được 3/4 thế kỉ, nhưng đã sản sinh ra bao nhiêu tài năng, bao nhiêu tuyệt phẩm.

Tôi nghe Phạm Đình Chương khi nào tôi cũng không rõ lắm, nhưng hình như là sau Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn một thời gian khá dài. Thật ra, ban đầu là tôi mua cái đĩa Mp3 tổng hợp các bài nhạc tiền chiến (12 ngàn/ đĩa bán đầy ở các cửa hàng băng đĩa lậu). Tôi nghe nhạc hay thích nghe vào những buổi chiều, trong căn phòng kéo kín rèm tối bưng. Và lần đó, Winamp chơi random tới bài “Người đi qua đời tôi” với tiếng hát Thái Thanh. Những giai điệu lúc dồn dập, lúc thê lương hòa cùng tiếng hát liêu trai rất đặc trưng của “Tiếng hát vượt thời gian” Thái Thanh khiến tôi rùng mình ớn lạnh, ngay từ câu đầu tiên: Người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu… cho tới câu: Trên lối về nghĩa trang/ Nghe những linh hồn nghe những linh hồn/ Trong mộ phần tối đen…

Kể từ đó, tôi biết tới cái tên Phạm Đình Chương.

Ban đầu, tôi không thích nhạc của ông nhiều lắm, vì đơn giản một điều là nó quá thê lương. Thậm chí, sau này khi đã nghe qua những câu như Đừng bỏ em một mình, đường về nghĩa trang mông mênh (Phạm Duy) hay Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ, Con dế buồn tự tử giữa đêm sương (Từ Công Phụng), tôi vẫn không cảm giác được cái nỗi tuyệt vọng như thế.

À, đại loại là, tôi ngày đó nghe hầu hết các bài của Phạm Đình Chương, nhưng chỉ là nghe qua cho biết, rất ít khi nghe lại lần thứ hai…

***

Phạm Đình Chương về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác, có thể chia thành hai giai đoạn rõ ràng, được ngăn cách bởi một sự kiện – đau đớn – và – phũ phàng: phát hiện vợ mình ngoại tình.

Chương của thời tâm hồn tươi trẻ, đó là ca sĩ Hoài Bắc, ca sĩ chính của ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng một thời. Cho đến nay, theo ý kiến của tôi, có lẽ chỉ có ban đại hợp xướng Tiếng tơ đồng của ông vua Tango Hoàng Trọng, và sau này, tuy hơi khập khiễng xíu khi so sánh, là ban Phượng Hoàng với các thành viên Elvis Phương – Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang mới đạt đến mức tuyệt vời như thế.

Không hiếm chuyện các nhạc sĩ xuất thân từ ca sĩ, hay có giọng hát hay. Một vài tên tuổi quen thuộc có thể liệt kê ở đây như Phạm Duy, Từ Công Phụng, Tuấn Khanh, Duy Khánh, Lê Uyên Phương, và sau này là Trần Tiến… nhưng trong đó, hiếm ai hát thật sự cuốn hút như Phạm Đình Chương.

Tôi hồi đó nghe kể lại là Hoài Bắc (Chương) sở hữu một giọng hát rất trầm ấm, truyền cảm và cuốn hút. Đặc biệt là ông có tài ngâm thơ. Nói ngoài lề một chút, việc ngâm thơ trong một bài hát, nếu áp dụng đúng lúc, đúng chỗ, thì đem lại hiệu quả tuyệt vời, nhưng nếu thái quá thì ra tác dụng ngược. Có thể nêu ra ở đây vài bài của Hoàng Oanh – ngay cả khi ‘thương hiệu’ riêng của Hoàng Oanh là thế (nhưng không vì vậy mà bài nào cũng hay và hợp), gần đây là Trường Vũ. Anh Trường Vũ này rất khoái ngâm thơ, dù nhiều lúc, nói thật, tôi thấy chán òm, mà chả hiểu sao người ta khen nhiều thế.

Quay lại, Chương sau khi chia tay Khánh Ngọc, là một Phạm Đình Chương của u sầu, của hoài niệm, của tiếc nhớ, của đớn đau. Những điều này có thể dễ dàng nhận ra qua những sáng tác thời điểm sau của ông. Có nghe, có hiểu Chương qua cả hai thời kì ấy, mới thấy thương ông ghê gớm. Phải chăng vì thế, khi ông mất bên hải ngoại, rất nhiều người buồn và thương tiếc…

***

Trong các bài thơ đã học ở chương trình văn học phổ thông, thì chỉ có hai bài để lại cho tôi ấn tượng nhất, đó là Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, và Tây Tiến của Quang Dũng. Đến bây giờ, đôi khi tôi vẫn hay lẩm nhẩm vài câu trong những bài đó. Những câu cứ thế tự nhiên đến trong đầu, thật là lạ kì.

Như đã nói ở trên, tôi đã không nghe Chương từ lâu lắm, bất chợt một chiều nọ – quái, tôi rất hay bị chết đứ đừ bởi các bài nhạc tình cờ đến như thế này – tôi ngồi lái xe và nghe lại “Đôi mắt người Sơn Tây”.

Đôi khi người ta hay đặt câu hỏi: ai là người phổ thơ hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam? Dĩ nhiên, kể ra thì nhiều lắm, Phạm Duy với những bản phổ thơ Minh Đức Hoài Trinh mà tôi rất thích, hay Anh Bằng với số lượng ca khúc phổ thơ đồ sộ; có nhiều người thì gọi Phạm Đình Chương là thiên tài trong lãnh vực đem thơ vào nhạc.

Thật ra, ai cũng có những điểm mạnh của mình. Lấy Phạm Duy làm ví dụ, “Kiếp nào có yêu nhau” và “Đừng bỏ em một mình”, ông đem vào nhạc hay đến mức chính Minh Đức Hoài Trinh cũng phải thừa nhận là chúng thậm chí còn hay hơn cả hai bài thơ gốc. Riêng tôi, tôi đánh giá việc Phạm Đình Chương đem cả hai tuyệt phẩm của Quang Dũng “Đôi bờ” và “Đôi mắt người Sơn Tây”, để hòa vào một bài nhạc bất hủ duy nhất “Đôi mắt người Sơn Tây” cao hơn.

Nghe “Đôi mắt người Sơn Tây” của Chương sau khi đã đọc hai bài thơ nguyên gốc của Quang Dũng, hẳn ai cũng phải ngạc nhiên vì không thể tìm thấy cái ranh giới nào, dù chỉ là rất nhỏ, gọi là có thể ngăn cách cái ý liền mạch của bài hát. Dường như, đó là một bài duy nhất, chứ không phải lấy ý từ hai bài thơ khác biệt. Chỉ nội điểm này thôi cũng đã đủ để người đời ngả mũ kính phục.

“Đôi mắt người Sơn Tây” gần đây được khá nhiều người biết tới, sau khi Đức Tuấn – một giọng ca tiềm năng của nền nhạc Việt đương đại, đưa nó trở lại với khán giả yêu nhạc sau hơn 30 năm đóng mờ cát bụi. Không thể phủ nhận Đức Tuấn xử lí bài hát này rất đạt, đạt từ giọng hát tới phần hòa âm. Tôi đánh giá version này của Đức Tuấn còn hay hơn cả Bích Liên, và ngang ngang bản của Thái Thanh.

***

Cái thú vị của việc nghe lại những bản nhạc xưa, là tình cờ tìm được version nào đó, rất độc, rất lạ, và rất cũ. Như bản “Dạ khúc cho tình nhân” vào năm 1970, chỉ có độc tiếng guitar của Phương, hay bản “Thiên thai” với phần trình diễn của ban đại hợp xướng Tiếng tơ đồng.

Đối với “Đôi mắt người Sơn Tây”, thì đó là hai phiên bản (mà tuy chất lượng thu âm không cao), nhưng theo tôi là ăn đứt version của Đức Tuấn, và cả Thái Thanh.

Bản đầu là giọng hát của chính tác giả, điều đặc biệt là khúc cuối, đích thân Hoài Bắc ngâm bốn câu thơ cuối trong bài Đôi Bờ:

Bao giờ ta gặp em lần nữa
Ngày ấy thanh bình chắc nở hoa
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta?

Đúng là có nghe tiếng hát trầm ấm của Chương hát xong, lại nghe tiếng ngâm thơ hòa hợp về cuối, mới thấy được hết cái đẹp xen lẫn buồn nhẹ nhàng của bài hát.

Bản thứ hai là sự kết hợp giọng ca liêu trai, đầy cao vút của Thái Thanh, chất giọng truyền cảm của Chương, và giọng ngâm thơ của Hồng Vân.

Hồng Vân là một trong những giọng ngâm thơ khá được chú ý trong nền âm nhạc Việt Nam, dù không được như Tô Kiều Ngân, Vân Khanh… nhưng đặc biệt trong bài này, giọng ngâm của cô mang lại nhiều tư vị riêng, nhất là khi nghe hai câu ngâm:

Em đi áo mỏng buông hờn tủi
Dòng lệ thơ ngây có dạt dào?

***

Buồn viễn xứ khôn khuây… nghe câu này, tôi nhớ ai? Nhớ quê hương, nhớ kỉ niệm, hay nhớ em…

091110,
B.l.u.e .