Ngoài bài “Dạ khúc cho tình nhân” nghe từ những năm đầu tiên khi mới chập chững bước chân vào cái thế giới bao la rộng lớn của nhạc trữ tình Việt Nam, hầu như tôi không nghe bài nhạc nào khác của Lê Uyên & Phương, cho tới quãng thời gian gần đây, khi có vài sự kiện nhất định xảy ra.

Thật sự, tôi không thích viết nhiều về âm nhạc, phần vì mức độ cảm nhạc của tôi không được cao lắm, phần nữa là con người tôi bị chi phối bởi cảm xúc rất nhiều. Khi cảm xúc dâng lên cao quá là gần như mất hết mọi giác quan, mọi suy nghĩ, thành ra có rặn óc cũng không tuôn được câu chữ gì. À, tất nhiên điều gì cũng có ngoại lệ. Ở đây, Lê Uyên & Phương là ngoại lệ ấy.

Gần đây, thời gian tôi nghe nhạc xưa bắt đầu nhiều hơn thời gian nghe rock. Có thể vì tôi tâm trạng, hoặc giả vì tôi muốn tìm khoảng lặng cho tâm hồn mình. Vẫn tóm lại một câu, như tính cách của tôi xưa nay: Muốn nghĩ sao cũng được. Trong playlist của tôi dạo này, số lượng bài và tần suất nghe Lê Uyên & Phương của tôi đột nhiên tăng mạnh. Chẹp, như câu đã nói ở trên…

***

Ðâu có ai biết mai sau
Ðâu có ai mãi thương đau
Ðâu có ai phải muôn kiếp xa nhau…

Điều tiếc nhất của tôi, là dù thế nào, vẫn không thể hiểu được Lê Uyên. Vào một chiều thứ ba cuối tháng sáu, Phương ra đi. Nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng kể lại, khi Lê Uyên gọi điện cho ông báo tin, giọng cô ngập tràn nước mắt: “H. ơi, anh Phương đã bỏ Uyên đi rồi!”

Lê Uyên bỏ Phương đi trước, sau 15 năm chung sống, có với nhau bao nhiêu kỉ niệm. Người ta nói Lê Uyên theo thi sĩ Du Tử Lê, sự kiện này khi đó làm giới yêu nhạc ở hải ngoại sững sờ, chưng hửng. Phương buồn bã lang thang khắp các phòng trà ở California cùng với cô con gái mới 17 tuổi, tấu lên những khúc saxophone buồn đến nao lòng.

Thời những năm 1970, từ phong trào Du Ca ở quán Thằng Bờm, cặp song ca vàng ấy đem tài đàn giọng hát đi trình diễn khắp Sài Gòn, tạo ra cơn sốt lúc bấy giờ. Lê Uyên là giọng ca tuyệt vời, đầy khắc khoải. Cá nhân tôi cho rằng, giọng ca của chị có thể đứng chung được với những Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh…
Nhạc của Phương là không đủ, chị hát thêm những bài khác. Song Thảo – một người bạn của Phương, khi đó có hỏi ông:
– Anh đi một mình thôi sao?
Gật đầu.
– Lê Uyên đâu?
– Ở lại Sài Gòn. Bận hát.
– Một mình?
– Ừ, một mình!
– Hát nhạc của anh?
– Không, cô ấy hát nhạc khác.
Lặng im.
– Tôi nghĩ Lê Uyên chỉ nên hát nhạc của anh, với anh.
– Tôi cũng nghĩ vậy…

Có lẽ, con người đa cảm ấy, đã tiên đoán được trước mối tình khắc cốt ghi tâm ấy, rồi sẽ đi đến đâu.

***

Sau này, khi ở hải ngoại, vào năm 1994, hai người tái hợp để vào phòng thu thu âm CD Khi loài thú xa nhau. CD này được cộng đồng người yêu nhạc đón nhận nồng nhiệt. Nhưng, ai cũng biết, đó không còn là Lê Uyên & Phương của một thưở yêu thương nữa rồi. Giọng hát Phương có thể yếu đi vì sự tàn phá của ung thư phổi, nhưng đó chưa bao giờ, và có lẽ cũng không bao giờ là nguyên nhân chính. Nguyên nhân chủ yếu có thể là do Lê Uyên. Giọng hát của chị điêu luyện hơn, nhưng giờ nó chỉ thích hợp với những đại hí viện sang trọng, những phòng trà được đầu tư, những lứa khán giả khác…

Bài Dạ khúc cho tình nhân như một lần tôi từng nói ở bài viết trước,

Nghe Lê Uyên & Phương phải nghe những bản thu trước giải phóng, khi bài nhạc được khắc hoạ một cách đầy hoàn hảo bằng cây đàn guitar của Phương và giọng hát khàn khàn da diết của Lê Uyên.

Đây là CD thu năm 1970, khi mà Lê Uyên & Phương vẫn là cặp tình nhân ngụp lặn trong thú đau thương bất tận.

Sau này, “Dạ khúc cho tình nhân” được rất nhiều ca sĩ trình bày: Quang Dũng, Nguyên Khang, Trần Thái Hòa… nhưng không có ai có thể tiếp cận được mức độ dường như lột tả toàn bộ tâm can, sống vì từng tiếng đàn, chết vì từng lời nhạc như bản thu năm 1970.

Thật may mắn, vào một ngày đẹp trời, tôi đã tìm được….