Trong truyện Kim Dung có những ông thần si tình đến mức phát sợ. Hơn mười năm đọc truyện chưởng của tôi, đọng lại trong đầu không phải là những trận chiến long trời lở đất, những bộ võ công danh trấn thiên hạ, mà là hình ảnh những kẻ si tình. Chỉ bởi vì tôi thấy mình không làm được như thế.

Đoàn Thị Đại Lý Đoàn công tử, chỉ để đổi lấy một nụ cười của Vương Ngọc Yến mà không tiếc bất cứ điều gì: Cái vui chân chính của ta là làm cho nàng được vui lòng, có vậy ta mới là yêu thương nàng, chân thành đến mức mặt dày mày dạn đi khuyên Mộ Dung Phục từ bỏ giấc mộng phò mã Tây Hạ.

Bách thắng đao vương Hồ Dật Chi, một trong những cao thủ nổi tiếng trong Lộc Đỉnh Ký, chỉ vì yêu đến si mê Viên Viên mà ở Tam Thánh Am làm những việc vụn vặt, mong được bên người trong mộng. Nàng chưa từng ngó mặt ta. Nàng coi ta như một gã quê mùa… Ta chỉ mong ngó trộm được nàng một cái là đã thỏa lòng

Gã đầu sắt Du Thản Chi trong Thiên Long Bát Bộ, vì A Tử – một kẻ không yêu mình mà
Tôi xin chịu cuồng si để sáng suốt
Tôi đui mù cho thỏa dạ yêu em

Lụy tình hay si tình không ai có thể phán xét, chỉ cần người trong cuộc thấy đáng là đủ.

***

Nhạc sĩ Lữ Liên là linh hồn của band nhạc trào phúng nổi tiếng trước 1975 – band AVT. Ngoài ra, ông còn biết đến với việc có nhiều bài nhạc hay. Một trong những bài được biết đến nhiều nhất của ông là Lạc mất mùa xuân, rất thành công qua tiếng hát của Anh Tú và Tuấn Ngọc

Thương bèo trôi theo muôn hướng
biết bây giờ em lạc bước về đâu
Em ơi, chờ em đến kiếp nao?
Xin cho ngày sau, mình mãi bên nhau.

đã ru hồn người qua bao nhiêu thế hệ.

Bài Lạc mất mùa xuân nhạc nguyên là một bài hát Pháp của Jean-Charles Lafon, có tên là Le Géant De Papier (dịch ra là Người khổng lồ bằng giấy). Giống như phần lớn các sáng tác nhạc ngoại lời Việt thời bấy giờ, Lữ Liên chỉ mượn nhạc, còn lại lời bài hát Lạc mất mùa xuân hoàn toàn khác với ý nghĩa của tác phẩm gốc.

Nhạc sĩ Quốc Bảo sau đó đã dịch khá sát nghĩa bài đấy thành Hình nhân non yếu, được Lê Hiếu trình bày thành công ở Đêm Hiền của nữ ca sĩ Thái Hiền.

Lạc mất mùa xuân ngoài việc khác hoàn toàn với lời tác phẩm gốc, thì ca từ cũng rất hay và đẹp. Tôi thích cả hai bài này, tuy nhiên ưu ái bài Hình nhân non yếu hơn, vì…

Khi nàng trong mơ thấp thoáng
Trái tim của tôi bằng thép chảy tan
Xôn xao đường cong xôn xao gió
Biến tôi thành ra hình nhân non yếu
Thân mềm em trong tay ấm
Vẫn run vì em cành liễu nhỏ nhoi
Xin em nằm ngoan trong tiếng ru
Có tôi hình nhân quỳ dưới chân nàng

***

Bạn gái tôi ngày xa xưa nọ có lần nói với tôi hai điều:
– Em sẽ không bao giờ rời khỏi Việt Nam!
– Em không đủ dũng cảm để yêu xa đâu.

Khi nhận được tin rằng mình sắp đi, tôi không nghĩ rằng mình sẽ vì em mà ở lại. Tôi không phải là một kẻ si tình đến mức đó. Nhưng mà, tôi lại thấy rất thích và phục những kẻ si tình.

Chỉ là chút vụn vặn khi nghe lại Hình nhân non yếu

310111,
B.l.u.e.