Dubrovsky

Bạn thân của em, một cô bé có tâm hồn rất nhạy cảm, người mà trong giai đoạn này nói chuyện với tôi nhiều hơn bất cứ người nào, giới thiệu cuốn này cho tôi.

Thật ra tôi thích văn học Nga. Trong suy nghĩ [mà theo bạn Cờ Lau là hoàn toàn không có đúng với cái gọi là phân tích văn học đích thực, hay cái thuật ngữ chuyên môn nào tương tự thế, mà chuyên ngành của bạn ấy tập trung vào] của tôi, văn học Nga và văn học Pháp là đỉnh nhất. Lí do tại sao thì có thể vào một lúc nào đó, có dịp ngồi trước li cà phê nghi ngút khói, trong ánh nến hay ánh điện mờ mờ, chỉ đủ làm phông nền để bừng lên khuôn mặt người đối diện, thì tôi sẽ kể cho bạn biết.

Văn học Nga hay lắm ấy nhé. Tôi đọc thơ Nga không nhiều, chủ yếu đọc trên mạng nơi này, nơi kia một ít. Nhưng những câu đọc được, đa phần là nhớ luôn. Mỗi khi đọc thơ Nga, tôi luôn có cảm giác mình chạm được một phần vào cái nỗi buồn man mác thể hiện qua những ngôn từ trau chuốt của tác giả – một nỗi buồn như cảnh hàng cây bạch dương đứng run rẩy giữa một trời đầy tuyết.

Tuy nhiên, truyện và tiểu thuyết Nga tôi đọc không nhiều. Tính tới giờ, nếu không kể những truyện ngắn tình cờ đọc được trong tuyển tập này nọ, thì tôi mới chỉ đọc qua Thép đã tôi thế đấySông Đông êm đềm.

Văn học Nga khá khó nuốt, hay các tác phẩm tôi đọc là như thế. Có thể do những tác phẩm nổi tiếng ấy có bối cảnh là một nước Liên Xô xã hội chủ nghĩa, nếu xưa hơn nữa thì là một Liên Xô phong kiến, với các lãnh chúa, các chủ nô… rất xa lạ so với lứa trẻ lớn lên trong một thành phố, một thời đại hiện tại như tôi.

Vì thế, khi nghe cô bạn thân của em giới thiệu về Dubrovsky, biết là Pushkin viết, thì đột nhiên hứng thú giảm đi một nửa. Chả phải tôi chê bai gì Pushkin. Ông là một trong những nhà thơ tôi thích nhất trong nền văn học Nga (cùng Olga Bergon và Esenin). Chỉ là tôi nghĩ tâm trạng của tôi thời điểm này không thích hợp đọc các truyện của Nga.

Tuy nhiên, một cô bé tinh tế như em giới thiệu, ắt có mục đích.

Giữa tiếng mưa đang rì rào đập vào cửa kính, bên hộp sữa cô gái Hà Lan, cùng với cái headphone chụp vào tai đang rỉ rả các bài hát nổi tiếng của đất nước Nga anh hùng (mà phổ biến ở Việt Nam) như Kachiusa, Đôi bờ, Tình ca du mục, Triệu đoá hoa hồng…, tôi ngấu nghiến đọc Dubrovsky.

Truyện bình thường. Nhưng rất thấm.

Người ta mất nhau đơn giản lắm các bạn của tôi ơi.

Một phút lỡ nhịp…

Một chuỗi những sự kiện tiếp nối nhau, mà cái sau là hệ quả của cái trước…

Cả vì sự cố chấp của con người nữa…

Cô bé có hỏi tôi, tại sao cố gắng đến mức như thế rồi vẫn không được hả anh?

Lúc đó, tôi xài cái icon hai chấm đê mà lòng nhói lên. Nội con người tại sao lại được sinh ra đã là điều huyền hoặc lắm rồi, việc chi lại phải đi tìm câu trả lời cho những điều huyền hoặc khác làm chi?

Tôi chỉ biết nói với em, và cả với tôi một câu: Everything will be ok 🙂

B.l.u.e.