Bài này viết theo lời nhờ của một người bạn cho đài phát thanh của cô, nay post lại nơi đây để lưu trữ…

***
Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…

Đất nước Việt Nam hào hùng trải hàng ngàn năm lịch sử đã không biết bao nhiêu lần phải đứng lên dấy ngọn cờ đào, cầm giáo gươm chống giặc bảo vệ quê hương. Những người con trai đất Việt muôn đời nay luôn sẵn sàng theo tiếng gọi lên đường bảo vệ non sông, bỏ lại mẹ già, vợ trẻ và con thơ, bỏ căn nhà thân quen, xóm làng xưa cũ… để báo đền ơn nước. Người phu ra đi vì nghĩa lớn, bỏ lại người chinh phụ ngày đêm chờ đợi và lo lắng thấu cả tim can.

Từ xưa đến nay, không thiếu những áng văn thơ tuyệt tác mô tả nỗi lòng người vợ ở nhà dõi theo tin chồng. Đặng Trần Côn từng viết tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, với những câu hết sức ai oán như:

Lòng này gửi gió đông có tiện
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên
Non Yên dù chẳng tới miền
Nhớ chàng thăm thẳm đường lên bằng trời

hay

Bóng cờ tiếng trống xa xa
Sầu lên ngọn ải, oán ra cửa phòng

hoặc giả

Ngàn dâu xanh ngắt một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Trong dòng văn nghệ thời nội chiến Quốc Cộng “ba mươi năm nội chiến từng ngày”, ngoài những bài nhạc lính hào hùng, những bản nhạc kích động vui tươi, sôi nổi, vẫn có một góc nhỏ, dù rất lặng lẽ, được các nhạc sĩ tài ba dành riêng để nói lên tâm sự của những-người-ở-lại – những người vợ trẻ, con thơ… dõi mắt theo chồng, theo cha mình ra chiến trận – như là một sự thấu hiểu và tri ân những con người cũng đã phần nào hi sinh vì nước.

Bài viết dưới đây, xin nói qua về một vài, trong số rất nhiều, tác phẩm đó.

Đầu tiên xin giới thiệu bài “Cho người vào cuộc chiến” – một nhạc phẩm của Phan Trần. Phan Trần là một bút danh thoạt nghe rất lạ nhưng thật ra đến từ hai tên tuổi nhạc sĩ rất nổi tiếng: Mặc Thế Nhân và Nhật Ngân. “Cho người vào cuộc chiến” được trình bày trước năm 1975 qua tiếng hát liêu trai của Thanh Thuý. Bài ca được mở đầu bằng

Anh bỏ trường xưa, bỏ áo thư sinh
theo tiếng gọi lên đường

sau đó tiếp nối

Đêm rồi lại đêm, một bóng đơn côi
em nhớ người phương trời

Giọng ca của Thanh Thuý rất nhẹ nhàng và tha thiết khi hát đến những câu như

Mai kia anh trở về, anh trở về
Dẫu rằng…. dẫu rằng không còn vẹn như xưa

Tình em vẫn chẳng đổi thay

Thế đấy. Người phụ nữ tiễn chồng, tiễn người yêu ra chiến trường. Chiến tranh ác liệt, những viên đạn không có mắt, khói lửa thương tích chẳng chừa một ai, người phụ nữ dẫu luôn cầu bình yên cho người trai chiến trận, nhưng cũng luôn chuẩn bị sẵn tâm lý: người trai ấy sẽ trở về, có thể khoác trên mình đầy rẫy huân chương, chiến công, hoặc cũng có thể “không còn vẹn như xưa”. Nhưng dù thế nào đi nữa, thì tình em vẫn còn mãi đó, chẳng đổi thay bao giờ.

Nhạc sĩ Khánh Băng vốn được nhiều người biết đến như là một trong những người đầu tiên mang cây đàn guitar điện lên sân khấu, nổi tiếng với những giai điệu Twist điên đảo giới trẻ một thời. Nhưng mấy ai biết, anh cũng sáng tác nhiều bài nhạc-lính hết sức cảm động, và đặc biệt hơn, trong đó có một bài dành riêng cho tâm sự của những người-vợ, người-tình của lính lo lắng cho chồng, cho người yêu trong chiến trận.

“Giờ này anh ở đâu” qua tiếng hát của Thanh Thuý, không vòng vo hoa mỹ mà đi thẳng vào tâm hồn người nghe với những câu hỏi thắm thiết

Giờ này anh ở đâu?

và câu hỏi đó được lập đi lập lại xuyên suốt bài hát. Người-ở-lại lo lắng cho “anh”, không biết anh đang chiến đấu ở nơi nào? Những nơi chiến sự quyết liệt như Hạ Lào, Tây Ninh… hay đang ở trại Hoàng Hoa của “Thiên thần mũ đỏ” sư đoàn dù tỉnh Gia Định.

Tuy nhiên, người phụ nữ ấy vẫn quả quyết dù chiến tranh loạn lạc có mang điều gì đến cho người trai của mình, thì cô vẫn

Dù rằng anh ở đâu, Anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài
Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời…

Chọn cách tiếp cận khá khác so với Phan Trần và Khánh Băng, nhạc sĩ rất có duyên với các bài hit nhạc vàng Hoài Linh sáng tác “Lá thư trần thế” như là lời tâm sự của một gia đình có người đi lính. Đầu tiên là người chồng, người cha

Lạy chúa con là lính trận ngoài biên

và tiếp đó là những lời tâm sự của người vợ

Lạy chúa con là thiếu phụ miền quê
Chồng con vì nước nên đã ra đi

và cuối cùng là lời nguyện cầu bằng một tình cảm hết sức đơn sơ, tha thiết của một đứa bé dù chưa hiểu nhiều về nỗi buồn của sự chia ly thời loạn.

Lạy chúa con còn lứa tuổi học sinh
Vì cha là lính con thiết tha xin

Dẫu đã chuẩn bị tinh thần đón nhận những điều xấu nhất có thể xảy ra khi tiễn người ra trận, sẵn sàng chấp nhận một ngày

Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng
Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh

như những lời trong bài thơ Để trả lời một câu hỏi của thi sĩ Linh Phương, nhưng khi ngày đó xảy ra, đó là sự đau xót đến vô vàn.

Có lẽ trong số vô vàn bài nhạc thời chiến, hiếm có bài nào lột tả được cái nỗi niềm đứng trước quan tài chồng và muôn màn những kỷ niệm xưa cũ hiện về, những giây phút ân ái, những hình ảnh thân thương, mùi hương quen thuộc đến lạ – như trong bài Tưởng như còn người yêu, thơ Lê Thị Ý được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Những câu như

Bây giờ anh phủ mầu cờ
Bây giờ anh phủ mầu cờ

Em không nhìn được xác chàng
Anh lên lon giữa hai hàng nến trong
Mùi hương cứ tưởng hơi chàng
Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu!

đủ làm cho tất cả những ai, dù có trái tim sắt đá nhất, cũng phải ngả mũ cảm thương cho tình của người goá phụ, đồng thời thầm cảm ơn những con người đã hi sinh cả đời mình cho đất nước.

Cũng viết về sự chia ly của sự chết, nhưng nhạc sĩ Trần Thiện Thanh lại cho ra đời tác phẩm bất hủ “Anh không chết đâu anh” thật hào hùng. Và cũng xin mượn bài nhạc này để kết thúc bài viết đầy nỗi buồn và tâm sự nhưng cũng tràn đầy lý tưởng hào hùng này.

Anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ quê hương…

B.l.u.e.