Khi Vienna kể với tôi rằng, cô ấy đã khóc rất nhiều trong bữa tiệc chia tay người bạn sau khi hai người tốt nghiệp cao học và ai sẽ phải về nước của người ấy, tôi mỉm cười và khuyên cô những câu sến ngập ngụa như Thanh sơn bích thủy, Hậu hội hữu kỳ (Non xanh vẫn đó, nước biếc còn đây, ngày sau ắt gặp lại)… Vậy mà, tối hôm qua, và cả sáng hôm nay, tôi đã gần như rơi nước mắt.

Cái thước đo duy nhất của hai chữ ‘bạn bè’, nó không nằm ở cái khoảng cách xa – gần, nó không nằm ở lớp bụi thời gian, nó đơn giản chỉ là một ý niệm – cảm thấy là bạn bè, ắt hẳn là bạn bè. Đấy phải chăng mới là thứ tình cảm bạn bè chân chính?

***

Tôi và Charles biết nhau tầm được tám tháng. Ông là người bạn Mỹ đầu tiên của tôi và cũng là người bạn đầu tiên của tôi trên nước Mỹ. Nếu nói là bạn thân, bạn tâm giao hiếm hoi trong đời, kể cũng đúng. Tôi quen rất nhiều, những người tôi từng coi là bạn bè, giờ đây nhiều cái tên đã dần phai mờ trong trí tưởng. Tôi quen, quen nhiều lắm. Nhưng những người mà tôi xem như bạn tâm giao không có mấy người. Đó không phải là tôi đặt một cái tiêu chí cao cho hai chữ “tâm giao” ấy. Đấy đơn giản vì chỉ có những người ấy, không phải ai khác, khiến trong tôi dâng tràn cái ý niệm tuyệt vời của hai tiếng “tâm giao”.

Charles hơn tôi tầm 18 tuổi. Charles và tôi không đơn thuần là hai thế hệ khác nhau, đó còn là hai nền văn hóa khác nhau, hai hệ tư tưởng khác nhau. Charles là con người của một nước Mỹ phồn hoa, nhưng mê những giá trị xưa cũ – những bài nhạc của thập niên 70, 80, những bộ phim mà ông gọi là “kinh điển”. Tâm hồn tôi thuộc về một Việt Nam xưa cũ, thuộc về cái lớp bụi mịt mù phủ trên con đường làng quê, thuộc về một Hà Nội đầy hoài niệm, một Sài Gòn bát nháo, bon chen. Nhưng, tôi và ông rất hợp, ngay từ những giây đầu tiên tôi gặp ông.

Những ai từng biết tôi, ắt sẽ rõ khoảng thời gian đầu tiên của cái mà người ta hay gọi là “Giấc mơ Mỹ”, với tôi, nó khó khăn đầy trắc trở như thế nào. Bước ngoặt của tôi đến vào lúc tôi nhận được cuộc gọi đi thử việc ở một công ty bên này. Tôi chưa bao giờ là một kẻ thiếu tự tin, kể cả khi đứng trước hàng trăm người bình luận, hay khi quyết định lao vào những cuộc yêu mà ai đó đều nói sẽ không có kết quả. Nhưng khi cái máy bay mang số hiệu gì chả rõ, hạ cánh cái ầm xuống Dallas, tim tôi đập nhanh, tay chân lóng ngóng, đôi mắt dáo dác đảo xung quanh, đến mức nếu mà nhìn mặt tôi không ngu ngu bẩm sinh như thế, ắt an ninh sân bay đã tưởng tôi là khủng bố gì đó rồi. Sở dĩ tôi căng thẳng thế, vì tôi biết đây là cơ hội tốt và hiếm hoi, và tôi buộc phải nắm lấy, nếu muốn biến cái “Giấc mơ Mỹ” của tôi thành một cơn mộng đẹp. À, cũng khổ, mới tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam đã đi định cư, lần đầu tiên đi làm, đã lại làm ở một công ty nước ngoài, với những người đến từ một nền văn hóa khác, nói những thứ tiếng mà tôi lúc đó khó có thể hiểu trọn.

Tôi bước vào phòng họp công ty, quanh cái bàn tròn là những khuôn mặt đầy xa lạ đang mỉm cười, gắng nặn ra một nụ cười duyên dáng nhất mà cái mỏ đang cứng đơ của tôi có thể tạo thành, lần lượt bắt tay giới thiệu với từng người. Sau khi ngồi xuống, tôi phát hiện có một gã nhìn tôi rất ‘kì lạ’, với cái cười ‘gian gian’ – sau tôi mới biết đó là kiểu cười đặc trưng của tay ấy. Hết buổi họp, tay ấy, và lúc đó khi nhắc lại tên, tôi mới nhớ là Charles hỏi tôi ngay: I know your English is not good, but don’t worry…

Ngồi hí hoáy sắp đặt cái không gian làm việc đầu tiên của một mình một lúc, là tới trưa rồi, Charles tới, câu đầu tiên ổng bảo là: We will go to a Vietnamese restaurant near here, I don’t know whether you wanna join us, it is quite good. Tôi trả lời ngay: What did you think when you said that, I am Vietnamese…, à dĩ nhiên là với thứ tiếng Anh ngọng ngịu.

Khi tôi lên đây thử việc ba tuần, công ty thuê một phòng khách sạn cho tôi ở. Và Charles đảm nhận nhiệm vụ đưa đón tôi mỗi ngày. Mỗi sáng, tôi đều ngồi ăn điểm tâm ở sảnh khách sạn, chờ Charles lái cái xe Audi đẹp đẽ tới. Chúng tôi lên xe, ghé Starbucks và nói đủ chuyện trên trời dưới biển. Ngay từ những lần đầu tiên, bọn tôi đã nói về chiến tranh Việt Nam, về Uncle Ho, về how fucking hilarious Vietnamese girls are… Khi lên tới freeway, lại mở cửa xe ra, gió thổi vào lồng lộng và cùng gào thét những bài của The Beatles, The Police…

Ở khách sạn được tầm một tuần, Charles bảo tôi chuyển tới ở chung với ổng cho đỡ buồn, nhà ổng còn phòng trống. Thế là tôi lần nữa xách vali đi. Tới căn nhà của Charles, tôi cùng ông bắt đầu nấu những món ăn Việt Nam – phù, dở tệ, cùng ngồi loay hoay chơi Dynasty Warrior, Call of Duty, Medal of Honors… trên XBox, Playstation mỗi tối.

Charles giới thiệu cho tôi những bộ phim kinh điển của Mỹ, ngồi giảng giải cho tôi luật bóng bầu dục, nói như ông là: wanna teach you the real American cultures… Có những chiều nóng nực, tôi cùng ông ôm hai con chó nhảy ùm xuống hồ. Có những đêm dịu mát, chúng tôi xách kính viễn vọng ra nhìn lên bầu trời trăng sao xa thăm thẳm, cùng bàn kế hoạch sẽ làm gì khi người ngoài hành tinh tấn công trái đất. Charles dắt tôi đi hết các tiệm ăn ngon ở Dallas, cùng tôi đi mua đồ ở chợ Việt Nam. Đến lúc ông đi mua súng, tôi cũng đi cùng ông. Rồi tôi và Charles cùng nhau đi bắn súng – lần đầu tiên trong đời tôi bắn súng thật. Rất nhiều, rất nhiều kỉ niệm.

Sau đó, tôi về lại Houston một tuần chờ quyết định xem công ty có nhận tôi không. Khi tôi lên lại đây làm việc, tôi cùng Charles lái xe vòng vòng, đi tìm nhà, rồi cùng nhau dọn nhà.

Charles quen bất cứ ai, đều dắt về nhà và hỏi tôi nghĩ thế nào về cô ấy. Rồi chúng tôi cùng đi xem film, đi ăn, cùng trò chuyện vui vẻ.

Ở một thời gian, Charles không thấy tôi cặp kè với ai, ông đưa tôi cái account ở một trang Online Dating phải trả phí, bảo tôi đổi profile thành của tôi rồi xài. Tôi đổi cho ông vui, rồi để nó đóng bụi ở đó, mặc ông ngày nào cũng cằn nhằn: tao chỉ muốn tốt cho mày thôi… Tôi và ông ngày nào cũng đi ăn phở ở quán Việt Nam, ổng hay lân la ra chỗ ông bà chủ quán và bảo họ tìm thử xem có ai xinh giới thiệu cho tôi không, tôi tốt bụng lắm.

Khi con trai của Charles lần đầu tiên dọn tới ở chung với ông sau mười sáu năm, tôi lặng người nhìn niềm hạnh phúc hiển thị rõ rệt trên khuôn mặt ông, khi ông và tôi lái xe tới phi trường đón nó. Và cũng sau đó, tôi chứng kiến những cái nhíu mày đầy phiền muộn, những lần đôi mắt ông đỏ hoe hoe, mỗi khi ông và con trai có chuyện. Những ngày sau đó, hành động tôi và ông làm nhiều nhất là những đêm tối trời, tôi và ông đứng ở ngoài hiên sau, ngắm trời sao, ông rít thuốc liên tục, và chúng tôi cùng nói chuyện về cuộc sống, về con trai của ông.

Lúc đó, tôi mới thấy được một con người khác ngoài một người lúc nào cũng đùa giỡn liên hồi – một người cha đầy tâm sự về đứa con hư của mình. Những niềm vui khi nó học giỏi, những nỗi buồn khi he fucked everything up, tôi và Charles đều cùng trải nghiệm, cùng cảm nhận, cùng trải qua. Chúng tôi cũng hay lái xe ra ngoài lúc nửa đêm, chỉ lái loanh quanh vô định, Charles đốt thuốc, tôi cảm thán, và đôi lần bị cảnh sát hỏi thăm vì tưởng là trộm đảo quanh quẩn.

Những lần con trai Charles trong đội bóng bầu dục của trường thi đấu, tôi đều tới, ngồi cạnh ông, cùng hòa chung nhịp điệu của trận đấu. Ba người chúng tôi làm nhiều việc cùng nhau như thế ấy, như một gia đình nhỏ…

Charles hay phàn nàn về việc tôi chuyên môn quăng đồ tứ lung tung ở sofa, bàn ăn, và phòng khách; hay khi tôi lúc nào cũng ôm lấy cái laptop, kể cả khi ăn. Nhưng chúng tôi rất hợp, như có lần ông nói: you are the best roommate one can have…

***

Tôi đang ở Houston cùng gia đình đón Tết Tây khi tôi nhận được điện thoại của ông giám đốc là Charles is not going to work with us. Có rất nhiều lí do, nhiều nguyên nhân, đó là kết quả của một chuỗi các sự việc không ai lường được. Charles sẽ quay lại Arizona. Đó là lựa chọn duy nhất.

Hôm qua, khi tôi lái lên Dallas, tôi ngồi nói chuyện với ông, mắt ông đỏ hoe, tay chấm nước mắt vài lần. Ông bảo tôi: I know we will miss each other. Charles nói điều ông nhớ nhất sẽ là tôi và ông có cảm giác như một gia đình, khi hai người cùng đi làm về, và cùng nói chuyện về con cái, về cuộc sống. Tối qua là một trong những lần hiếm hoi tôi có cảm giác còn buồn hơn cả khóc…

Cái ngày ông đi, sẽ rất gần, sẽ chẳng bao giờ biết có dịp gặp lại. Rất buồn, nhưng vẫn phải nói lời tạm biệt tới người bạn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, lại là một người mà tôi có thể gọi bằng hai tiếng “tâm giao”.

Wish you all the best.

Hải
null.