In spite of everything, I still believe that people really are good at heart…

Trong cuốn Nhật Ký mà sau này nổi tiếng trên toàn thế giới của mình, cô gái trẻ Anne Frank đã có lần viết như thế. Anne Frank là một trong những cái tên được biết đến nhiều nhất khi nhắc đến cuộc tàn sát chủng tộc (holocaust) giết hại gần 6 triệu người Do Thái do Đức Quốc Xã tiến hành.

Những ai đã có dịp xem qua bộ phim nổi tiếng từng đoạt nhiều giải Oscar Schindler’s List ắt sẽ phần nào hiểu được sự tàn bạo của bọn SS, đồng thời thương cảm cho dân Do Thái, những con người lúc nào cũng phải sống trong tâm trạng chờ chết, chỉ bởi cái kế hoạch die Endlösung der Judenfrage điên rồ của Hitler.

Các bộ phim nổi tiếng của những tay đạo diễn điện ảnh lừng danh như Steven Spielberg, Roman Polanski… khiến người xem xúc động bằng ngôn ngữ điện ảnh, thì cuốn Nhật Ký của Anne Frank lại tác động đến hàng triệu triệu người theo một cách khác, với những ngôn từ giản đơn nhưng chất chứa đầy tâm trạng của một cô gái đang tuổi mới lớn. Cuốn Nhật ký của Anne Frank là một trong những quyển sách được đọc rộng rãi nhất trên thế giới, có người đã viết trong cuốn sổ dành cho các du khách tại tòa nhà số 263 đường Prinsengracht – nơi cô từng ẩn náu như sau: Nếu chỉ có hai cuốn sách dành cho cuối cuộc đời của tôi, hai cuốn này sẽ là cuốn Thánh Kinh và cuốn Nhật Ký của Anne Frank…

***

Vài dòng viết sơ lược giới thiệu về Anne Frank để nói đến một trong những album mà tôi thích nhất, và theo ý kiến của tôi là hay nhất trong dòng indie rock – album In the Aeroplane Over the Sea của ban indie rock Mỹ Neutral Milk Hotel. Mới nghe In the aeroplane over the sea lần đầu, dù có ngờ ngợ vì cái chất rất quái trong lời nhạc của ban này, tôi vẫn không nghĩ nhiều lắm. Nhưng sau đó, vì thắc mắc bởi vài chi tiết trong lời của một bản nhạc, tôi thử tìm kiếm trên Internet một hồi, và đọc được đâu đó rằng đích thân tay guitar và thủ lĩnh của band là Jeff Mangum thừa nhận trong một buổi trình diễn là album này lấy cảm hứng từ cuộc đời của Anne Frank.

null

Jeff Mangum là một tay rất tài, dưng mà chẳng hiểu sao ngoài cái album được nhắc đến trong bài này, thì những album còn lại thuộc dạng chả gây hứng thú lắm. Chất giọng của Jeff trong album này tuy không có ảo cùng cực như Thom Yorke của Radiohead, nhưng cái mớ hỗn độn cảm xúc mà tay này cùng Neutral Milk Hotel tạo ra, so với Ok Computer – album nổi danh của Radiohead, hay thậm chí là St.Pepper của huyền thoại The Beatles chả hiểu sao rất gần nhau, và quen quen đến lạ.

Điểm khác biệt của một album được lấy cảm hứng từ một nhân vật nào đó, và một album nói về một nhân vật hay sự kiện nào đó rất rõ ràng. Đến khi Jeff nói rằng bản thân mình rất thích và bị ảnh hưởng bởi cuốn Nhật ký của Anne Frank và album cũng thấp thoáng hình ảnh về cuộc đời và tâm trạng của cô, thì người nghe nghe lại, mới giật mình phát hiện ra đúng như thế. Chất nhạc vốn mập mờ, ma quái của In the Aeroplane over the Sea nay kết hợp với vài chi tiết ứng với cuộc đời và cái chết của cô gái nổi tiếng ấy, đem lại cho mọi người cái cảm giác đặc biệt.

Tôi nghe lại In the Aeroplane over the Sea khi biết được mối liên hệ rất mỏng nhưng xuyên suốt ấy, cảm giác trong tôi rất lạ. Đó có một phần xúc động đến ngẩn ngơ như khi xem thấy hình ảnh Oskar trong Schindler’s List đứng nhìn theo cái xe cút-kít chở xác người dân Do Thái, khung cảnh trắng đen ấy, nổi bật lên cái cô bé với bộ váy màu hồng nhạt – hình ảnh có màu ngoài trắng đen hiếm hoi trong phim; một phần hoàn toàn thương cảm, rất thương, khi nghe tới đoạn nhắc đến vụ thảm sát trong track Oh Comely; thậm chí cảm được cả cái tâm trạng bình an hiếm thấy của cô bé Anne Frank trong những ngày ẩn nấp.

Như đã nói, Anne Frank là hình ảnh xuyên suốt trong album này của Neutral Milk Hotel, nhưng lập lòe, chỗ thì rất mơ hồ, chỗ lại hoàn toàn rõ nét. Vì thế, phân tích từng track tìm hiểu ý nghĩa đích thực của lời nhạc dường như là điều rất khó, nếu không muốn nói là không thể được, vì cái gã Jeff Mangum ấy đã thành công trong việc tạo ra không gian âm nhạc ảo đến thế.

Dưng mà cũng thử điểm qua vài khúc có liên hệ tới Anne Frank thử. Rõ nét nhất là bài Holland, 1945 với khúc

The only girl I’ve ever loved
Was born with roses in her eyes
But then they buried her alive
One evening, 1945

Để chỉ tới việc Anne Frank và gia đình bị Đức Quốc Xã phát hiện tại một căn nhà nhỏ nơi Amsterdam, bị bắt đi, hai chị em bị đưa vào trại tập trung và qua đời vào năm 1945.

hay nói rõ hơn về cuộc thảm sát trong bài Oh Comely

I know they buried her body with others
Her sister and mother and 500 families
And will she remember me 50 years later?
I wished I could save her in some sort of time machine

hay, một lần nữa, đề cập tới mốc thời gian chính xác, trong bài Ghost

And she was born in a bottle rocket, 1929

I know that she will live forever
She won’t ever die

Anne Frank sinh năm 1929…

Một album đầy cảm xúc khiến tôi nghe nhiều lần vẫn không thấy chán. Tôi cũng không muốn đi sâu phân tích, xin nhắc rõ, đây không phải là một bài bình luận, cảm nhận album, chỉ là vài tâm trạng chia sẻ khi nghe album hay đến thế. Việc còn lại, nếu các bạn muốn đi sâu hơn vào nghệ thuật, âm nhạc, cách ban chơi nhạc… trong album này, đấy lại là chuyện của các bạn.

Xin mượn một đoạn lyrics mà cá nhân tôi thấy là rất đẹp, để làm kết thúc cho bài này

And one day we will die
And our ashes will fly
From the aeroplane over the sea
But for now we are young
Let us lay in the sun
And count every beautiful thing we can see

Và một ngày chúng ta đều sẽ chết
Tro bụi thân tàn sẽ bay bay
Từ tàu bay nơi phía trên biển cả
Thế nhưng, giờ đây, chúng ta đều còn trẻ
Hãy cứ nằm trong ánh dương
Và cùng ngắm tất cả những điều đẹp đẽ nhất mà chúng ta có thể được thấy

Anne Frank – một cô gái yêu cuộc đời, khao khát được sống đến cháy bỏng, nhưng không thể… vì vậy, hãy trân trọng những gì tốt đẹp mà cuộc đời đang mang lại…

And count every beautiful thing we can see…

280110,
B.l.u.e

.