Không phải khó hiểu khi trong các dòng đồng hồ thì Diving Watch (đồng hồ lặn) là thứ được đàn ông để ý và yêu thích nhất. Nó có gì đó mạnh mẽ và đầy nam tính, chính xác và khoẻ mạnh. Cũng như bao gã đàn ông khác đã làm một khi say mê đồng hồ, tôi quyết định chọn tìm mua cho mình một con đồng hồ lặn. Và con (đồng hồ lặn) đầu tiên của tôi, surprise?, đến từ Liên Xô.

Như đã giới thiệu qua ở note này http://xanhduong.com/2014/02/ke-choi-ve-dong-ho-lan-va-niem-tu-hao-vostok-amphibia-cua-nguoi-xo-viet/ (dù dài thế chắc chả ai có thời gian đọc aint nobody got time fo dat?), Vostok Amphibia là thứ tôi nhắm đến.

Vostok Amphibia có rất, rất, rất, và thêm một lần rất nữa để nhấn mạnh, rất nhiều kiểu, đủ hình dáng case và mặt dial khác nhau. Tôi đã phải xem qua ít nhất là vài chục mẫu khác nhau trước khi quyết định lấy cho mình Vostok Amphibia phiên bản đặc biệt chỉ sản xuất 50 cái. Từ ‘lấy’ nghe rất đơn giản, nhưng Vostok Amphibia dạo gần đây chả hiểu sao nổi lên cực kì trong các tay mê, hay chỉ là thích một con đồng hồ Xô Nga, vì vậy Vostok Amphibia SE luôn ở tình trạng cháy hàng. Tính ra từ ngày quyết định mua tới ngày tôi ‘được’ nhấn vào nút Mua là phải gần tháng rưỡi. Tháng rưỡi đó là những ngày đợi chờ, ngày ngày vào website hay Facebook page của chỗ bán đồng hồ đó rình mò.

Con tôi mua là phiên bản đặc biệt nên phải mắc gấp đôi so với các con bình thường khác (Na Na đừng giận…), đi kèm dây NATO màu đen to. Mặt đồng hồ hình tròn nhưng đặt trên lớp vỏ hình chữ nhật chắc chắn. Lớp vòng ngoài đồng hồ xoay được có các chấm đỏ và trắng, để đánh dấu thời gian lặn trung bình. Khi bắt đầu lặn, người thợ lặn sẽ xoay vòng tròn đó tới vị trí hiện tại, và khi xuống nước, chỉ cần nhìn khi nào kim phút chỉ tới chấm trắng là biết được thời gian lặn sắp hết (tại sao là 20 phút thì đến giờ vẫn chưa có lời giải đáp cụ thể, có người nói là do công nghệ lặn vào thời điểm đó chỉ hỗ trợ tối đa 20 phút?). Số và kim đồng hồ được nhuộm dạ quang để có thể phát sáng ở nơi vùng nước đen thăm thẳm.

Lại nói thêm, phiên bản tôi mua có tên là Radio Room. Radio Room là gì? Hãy thử kể về câu chuyện vụ đắm tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử: Titanic. Người ta bảo một trong những nguyên nhân chính khiến việc cứu hộ không kịp thời là do quá hoảng loạn nên các tín hiệu radio giữa tàu Titanic và các tàu khác bị nghẽn (nghĩ đơn giản là một lúc có quá nhiều tín hiệu phát đi/ nhận về giữa Titanic và các tàu khác nên không cái nào tới được). À ừ ai từng xem Titanic của James Cameron chắc nhớ cảnh này.

Sau tai nạn đó, các nước trên thế giới đã đồng ý đi đến một hiệp định chung về cách truyền/ gửi tín hiệu trên các tàu. Theo đó, trong 1 giờ, sẽ có 4 thời điểm không ai được truyền BẤT CỨ tín hiệu radio nào (ngoài tín hiệu SOS). Như 2 vị trí màu hồng nhạt (giữa 12 và 1, giữa 6 và 7) trên đồng hồ của tôi là chỉ các tàu phải im lặng để nghe tín hiệu kêu cứu bằng tiếng nói ở tần số 2182 kHz, và 2 vị trí màu đỏ nhạt (giữa 3 và 4, giữa 9 và 10) là chỉ các tàu phải im lặng để nghe tín hiệu kêu cứu bằng morse code. Mỗi dải màu dài 3 phút. Thử giả sử Titanic xảy ra sau khi quy ước này được ban hành, thì tất cả các tàu xung quanh vào 12 giờ đến 12h giờ 3’ sẽ nghe tín hiệu cầu cứu bằng lời nói của Titanic, từ 12 giờ 15′ đến 12 giờ 18′ sẽ nghe tín hiệu cầu cứu bằng mã morse của Titanic. Và như thế biết đâu tất cả mọi người trên tàu sẽ được cứu, biết đâu Jack không phải chết vì Rose mà chết vì khi cập bến bị chồng Rose bắn (ặc).

Vostok Amphibia được quân đội Liên Xô sử dụng nhiều, vì vậy họ đặc biệt làm phiên bản này cho những kĩ thuật viên radio trên tàu. Dĩ nhiên tôi không nghĩ có ngày tôi phải dùng-đến-kiến-thức này, nhưng vì câu chuyện thú vị nên khi chọn Vostok Amphibia, tôi quyết định chọn Vostok Amphibia radio room này.

Chờ 3 tuần để đồng hồ ship từ Nga, khi nó về tôi thay ngay dây NATO 3 màu xanh trắng đỏ, và hiện tại, Vostok Amphibia này là con đồng hồ đeo thường xuyên của tôi, vì nó rất cool.