Mở đầu: Cảm nhận về Bằng Kiều không khó, nhưng viết ra những cảm nhận ấy hoàn toàn không đơn giản. Bằng Kiều có số năm hoạt động ca hát không nhiều, nhưng lại khá thăng trầm và chia ra thành nhiều mốc điểm. Viết về Bằng Kiều không khéo sẽ dẫn đến những cuộc tranh cãi vớ vẩn và lạc loài về chính trị, nhận thức. Tôi tự nhận mình không khéo, nên chẳng đặng đừng phải làm phần Mở đầu để nói về cái ý xuyên suốt của tôi trong bài viết này, và cũng là từ trước tới nay: bàn về âm nhạc, chỉ âm nhạc, mà thôi.

Tài năng và sự quên lãng

Tôi nghe nhạc không sành lắm, nhưng có được cái may mắn là nghe khá nhiều. Tôi nghe Bằng Kiều từ những năm Bằng Kiều bắt đầu được nhắc đến. Có những giọng hát được thời gian mài dũa từ từ mà trở thành tuyệt phẩm, cũng có những giọng hát hay từ khi người ca sĩ mới bắt đầu hát. Bằng Kiều có lẽ thuộc về trường hợp sau.

Bằng Kiều xuất thân từ khoa kèn Basson tại Nhạc Viện Hà Nội. Nhiều người nói rằng làn hơi tuyệt vời của anh có được một phần đến từ những tháng năm miệt mài tập luyện Basson. Việt Nam nói riêng, và cả thế giới nói chung, vào những năm đầu thập kỷ 90, đều ngỡ ngàng trước cơn lốc những boyband phương Tây đầy tài năng và hào nhoáng. Theo xu thế đó, ở cả hai miền Nam, Bắc, một loạt boyband được thành lập. Khác với miền Nam, mà trung tâm là một Sài Gòn hoa lệ, hoạt động văn hóa – giải trí ở miền Bắc không được sôi nổi bằng. Nói thế, không phải là Hà Nội không có những tên tuổi đáng chú ý. Như hiện, người ta hầu như hoàn toàn công nhận Việt Nam có bốn diva, thì cả bốn diva ấy đều sinh ra, lớn lên và phát triển tài năng ở Hà Nội.

Xét về các ban nhạc, tuy không sánh bằng Sài Gòn, nhưng cũng có thể liệt kê những cái tên như: Newstar, Biển xanh, Quả dưa hấu…. Cũng không cần phải tranh cãi gì nhiều, cái tên sau cuối gây được tiếng vang lớn nhất. Và Bằng Kiều, được xem như người anh cả của nhóm.

Trước Quả dưa hấu, Bằng Kiều đã từng tham gia ban nhạc Chìa Khóa Vàng (cùng ca sĩ Ngọc Anh), hay ban nhạcHoa Sữa chuyên diễn ở các phòng trà, tụ điểm ca nhạc, trường đại học… với hàng loạt các nhạc sĩ trẻ đầy tài năng như Ngọc Châu, Vũ Quang Trung, Ngọc Hưng… Tuy nhiên, chỉ với Quả Dưa Hấu, Bằng Kiều mới được dư luận chú ý nhiều.

Quả Dưa Hấu xuất hiện lần đầu tại đêm nhạc Gala 98 và ngay lập tức khẳng định được tài năng của mình với ca khúc Mặt trời êm dịu, vốn được xem như bài hát tủ của Hồng Nhung. Các chàng trai Tuấn Hưng, Bằng Kiều, Anh Tú (và sau thêm Tường Văn) đã chọn cách thể hiện hát bè đầy kỹ thuật, mới lạ. Và họ đã thành công.

Sau Gala 98, Quả Dưa Hấu trở thành nhóm nhạc được yêu thích nhất Hà Thành, với lối trình diễn trẻ trung, sôi động và… có chút gì đó giống ban nhạc đang nổi ở Mỹ quốc thời đó: Backstreet Boys. Những phần trình diễn củaQuả Dưa Hấu giờ đây tìm trên Internet không còn nhiều, tôi cố lắm cũng chỉ tìm được hai video tiêu biểu cho hai phong cách trình diễn khác nhau của nhóm.

(ca khúc Mưa do Quả Dưa Hấu trình bày, ngoài ra, Quả Dưa Hấu còn có bài cover I Want It Thay Way)

Cũng vào thời điểm này, Bằng Kiều còn được đánh giá cao nhờ hàng loạt ca khúc song ca với các ca sĩ thành danh thời điểm đó. Bắt đầu với hai bản song ca – mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có ai qua nổi, cùng với Mỹ Linh: Giọt sương trên mí mắt Trái tim không ngủ yên, thống trị top ten Làn Sóng Xanh vào khoảng năm 1998, Bằng Kiều tiếp tục khẳng định tên tuổi với các bản cùng Hồng Nhung (Lắng nghe mùa xuân về), Phương Thanh (Em về tinh khôi).

Quả Dưa Hấu tan rã vào năm 2000, sự nghiệp của Bằng Kiều tiếp tục lên nhanh với các ca khúc tự sáng tác nhưHè muộn, Và anh vẫn hát… để rồi đạt đến đỉnh với album Chuyện Lạ, được đầu tư hòa âm và biên tập kĩ càng từ phòng thu Viết Tân. Trong album đó, đáng chú ý nhất (và, cũng chỉ cần một thôi), là ca khúc Trái tim bên lề. Ngày đó, Trái tim bên lề là một trong những ca khúc được ưa thích nhất. Người ta nghe và gắng hát bài này ở khắp các quán Karaoke, quán cafe… Ca khúc này góp phần đưa Bằng Kiều trở thành ca sĩ có giọng hát thuộc vào hàng tốt nhất ở Việt Nam thời đó.

(ca khúc làm nên tên tuổi của Bằng Kiều: Trái Tim Bên Lề)

Nhưng chỉ đến thế.

Tài năng của Bằng Kiều là điều không ai có thể phủ nhận, chỉ tiếc thay anh có vẻ không gặp thời. Đỉnh cao của Bằng Kiều cũng là thời nhạc trẻ Việt Nam dần phát triển đến điểm mạnh nhất. Khán thính giả bị vây quanh bởi loại nhạc thị trường có phần thiên về phần ‘nhìn’, từ sự thống trị của những ca sĩ đơn ca như Lam Trường, Đan Trường, Lý Hải, đến các ban nhạc như 1088, MTV, GMC, Mắt Ngọc, Mây Trắng… Thời điểm đó, ca sĩ hát hay, khán thính giả vẫn biết, nhưng rồi vẫn chỉ “biết” mà thôi, họ vẫn bị cuốn hút nhiều hơn bởi dòng nhạc thị trường dễ nghe, dễ thuộc.

Bằng Kiều ngày qua ngày càng bị lu mờ đi.

“Có phần kinh nghiệm hơn và có phần đậm đà hơn”

Những tưởng sau vụ lùm xùm liên quan đến việc đi ở vào năm 2002, sự nghiệp âm nhạc của Bằng Kiều sẽ đi vào ngõ cụt. Thật ra, nền văn nghệ hải ngoại vào thời điểm đó vẫn đang phát triển khá mạnh, như nó đã từng và tiếp nối sau năm 1975. Tuy nhiên, khẩu vị của đa phần khán thính giả hải ngoại ít khi nào ưu ái các ca sĩ đến từ miền Bắc. Hoặc giả, họ vẫn ưa chuộng những tiếng hát “vượt thời gian” mà họ vốn rất quen thuộc từ lâu, không thì là lứa ca sĩ trẻ với ngoại hình bắt mắt, ăn mặc đúng mốt sành điệu cùng những điệu luân vũ phương Tây. Một Bằng Kiều đi theo hướng nhạc nhẹ trữ tình, thoạt nhìn sẽ khó có chỗ đứng trong đời sống tinh thần của dân Việt hải ngoại. Thế nhưng, bằng tài năng của mình và những sự may mắn nhất định khác, Bằng Kiều đã thành công…

Trong khi vào thời điểm đó, album vol 7 Khi Em Ra Đi của ca sĩ đang nổi tiếng nhất trong làng nhạc trẻ Việt Nam là Lam Trường bị thu hồi vì đã “để tên” Bằng Kiều trên bìa đĩa ở ca khúc Anh sẽ nhớ mãi (cùng Đức Trí), thì tầm một năm trước, cũng ca khúc này lại là bệ phóng để đưa tên tuổi Bằng Kiều tại hải ngoại lên cao, khi anh xuất hiện lần đầu tiên ở sân khấu Paris By Night, với giọng hát vút lên những nốt cao đến “sững sờ” của mình, đã hoàn toàn chinh phục được khán thính giả hải ngoại.

Nền âm nhạc hải ngoại tuy cũng có kha khá các trung tâm băng đĩa, đa phần của những nghệ sĩ Sài Gòn trước năm 1975. Tuy nhiên, nếu xét về sự đầu tư cũng như giá trị nghệ thuật, thì phải kể đến ba cái tên: Thúy Nga, Asia và Vân Sơn. Trong đó, không nghi ngờ gì, Thúy Nga với thương hiệu Paris By Night là nổi tiếng nhất. Những cái tên thuộc vào hàng “bất hủ” trong nền âm nhạc Việt Nam trước giải phóng, mà vì lí do nào đó lưu lạc nơi trời Tây xa xôi, đều ít nhiều từng xuất hiện trên sân khấu của Paris By Night, như Duy Trác, Elvis Phương, Khánh Ly, Lệ Thu…

Quay lại, Bằng Kiều xuất hiện lần đầu tiên ở Paris By Night số 72: Tiếng hát từ nhịp tim, với bản Anh sẽ nhớ mãi. Giọng hát cuốn hút cùng lối trả lời phỏng vấn dí dỏm của anh dường như ngay lập tức đã làm xóa đi sự e dè, hoài nghi cùng chút gì đó thiên kiến của những khán giả khó tính trước đây. Kể từ đó, Bằng Kiều gần như thành con bài tủ của Thúy Nga trong việc thu hút khán thính giả – những người dù yêu thích Khánh Ly, Lệ Thu, Tuấn Ngọc từ lâu nhưng đã phần nào nghe “khá đủ rồi”, trong khi những ca sĩ trẻ thì cũng chỉ được mỗi cái tên Trần Thái Hòa. Bằng Kiều liên tục xuất hiện trong các chương trình kế tiếp của Thúy Nga.

Sau số 72, trong chương trình Paris By Night kế tiếp, Bằng Kiều tiếp tục xuất hiện cùng hai bản song ca với hai ca sĩ nữ đang khá nổi lúc đó: Dẫu có lỗi lầm cùng Vân Quỳnh và Quên đi hết đam mê cùng với Thủy Tiên.

Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi, tên tuổi của Bằng Kiều được khẳng định rõ nhất là ở Paris By Night 75: Về miền Viễn Đông, khi đích thân nhạc sĩ Từ Công Phụng đề nghị Bằng Kiều trình bày bản nhạc Mưa trên ngày tháng đó – một trong những bản nhạc hay nhất của nhạc sĩ đầy tài năng này. Cũng nên chú ý rằng, từ trước đến nay, ngoài phiên bản do chính mình trình bày, nhạc sĩ Từ Công Phụng không đồng ý cho bất cứ ca sĩ nào khác thu thanh. Và quả thật, bản do Bằng Kiều hát, tuy không có được cái chất trải đời, buồn đau đáu như do chính nhạc sĩ trình bày, vẫn có những nét riêng rất độc đáo, mà có lẽ khó có ca sĩ nào khác trình bày đạt được đến thế.

(ca khúc Mưa trên ngày tháng đó do Bằng Kiều trình bày trong Paris By Night)

Một trong những sự kiện chính thiết nghĩ cần được nhắc tới là ở Paris By Night 79, Paris By Night đã kết hợp hai giọng ca đang hết sức được yêu thích vào thời điểm đó: Bằng Kiều và Minh Tuyết, để tạo thành cặp song ca nổi nhất ở hải ngoại hiện tại. Sau Yêu thương mong manh, Bằng Kiều và Minh Tuyết tiếp tục hợp tác để cho ra những ca khúc ăn khách khác như: Xin lỗi anh, giờ thì anh đã biết, Bởi vì anh yêu em…

Trong khuôn khổ bài này, tôi cũng không có ý định liệt kê hết tất cả các ca khúc sau này được Bằng Kiều trình bày thành công trên Paris By Night, chỉ nêu lên vài mốc chính mang tên tuổi Bằng Kiều trở thành một trong những ca sĩ được yêu thích nhất trong cộng đồng hải ngoại hiện tại.

Và… nổi tiếng ngược

Bằng Kiều xuất hiện và nổi tiếng ở Paris By Night, phải nói là… rất đúng lúc. Trước những năm 2005, Paris By Night cũng có ở Việt Nam với dạng băng DVD lậu. Và chi phí không gọi là rẻ lắm. Tuy nhiên, mọi việc thay đổi khi ADSL phổ biến ở Việt Nam. Các chương trình Paris By Night nói riêng và các chương trình ca nhạc hải ngoại nói chung, rất nhanh chóng đến được tay giới trẻ Việt – vốn không ngại ngùng gì từ chối món ăn giải trí “miễn phí” như thế này. Đến bây giờ, có thể nói, Paris By Night ngày hôm trước xuất hiện ở kệ đĩa bên Mỹ thì ngày hôm sau đã có ở máy tính của hàng ngàn bạn trẻ Việt Nam, hay nằm trong đầu đĩa của biết bao gia đình.

Tài năng, sự công nhận của khán giả thuở nào vẫn còn chưa mờ phai, nay lại thêm tần suất xuất hiện liên tục cùng đủ mọi thể loại nhạc, từ nhạc Việt tiền chiến tới nhạc trẻ đương đại, từ những bản tình ca đầy thống thiết đến những bài song ca “lả lơi”, Bằng Kiều dần dần chiếm lại được sự yêu quý của đông đảo khán giả Việt ở trong nước.

Bằng Kiều là một tài năng, tôi nghe anh hát thấy hiện lên trong đó niềm đam mê bất tận, như anh hòa quyện vào từng khung nhạc, từng lời ca, đó là lí do tôi chọn tiêu đề bài hát này là “Từ tiếng hát tiếp nối”. Những giọng ca đích thực lại được dịp phát huy, được dịp cất vang, ấy xem như là điều may mắn cho nền âm nhạc Việt Nam lắm vậy…

080312
B.l.u.e
.