Nền âm nhạc Việt Nam ngày xưa rất lí thú. Cái sự lí thú ấy được tạo nên không phải chỉ bởi những ‘quái kiệt’ – những con người mà cả cuộc đời lẫn sự nghiệp đều được coi như là giai thoại, mà còn bởi những người tưởng như thật bình thường; bình thường đến mức đôi khi ta sợ rằng, họ chỉ sống trong trí tưởng của một lớp người ít ỏi và cụ thể nào đó; và rằng, một ngày, của chục năm sau chẳng hạn, sẽ chẳng còn ai nhớ đến họ, những con người tưởng như bình thường sinh ra trong một giai đoạn thú vị.
Dần dần, theo cái vòng quay hối hả vô cùng của bánh xe thời gian, chẳng còn ai nhớ tới những cái tên đó nữa. Người ta sẽ quên họ, như cách mà người ta đứng nhìn về những tháng ngày xa cũ của đất nước với con mắt của một-người-chứng-kiến, chứ không hoàn toàn có cảm giác thân thuộc – như rằng, cái tháng ngày xa xưa ấy, sao lại có phần nào khiến mình đồng cảm, khiến mình có cảm giác như một phần của mình thuộc về nó như thế?
Nhưng, chính những cái tên tưởng như bình thường, và rồi, một ngày nào, sẽ chỉ còn được dăm ba người nhắc đến trong những bài viết tưởng nhớ, lại đóng một phần không nhỏ góp phần tạo nên một nền văn hóa – nghệ thuật rất đa dạng, phong phú, rất hay nhưng cũng rất dị ngày đó.
Nguyễn Đình Toàn là một người như vậy.
***
Nguyễn Đình Toàn không phải là một cái tên mà người ta nghĩ ngay đến khi nhớ về nền văn nghệ Việt Nam ngày xưa. Đóng góp của ông không to lớn một cách gây ‘sững sờ’, nhưng cũng hoàn toàn không phải là nhỏ lắm. Dzoãn Mẫn với ‘Biệt ly’ đi vào lòng lịch sử âm nhạc nước nhà như là một trong những ca khúc đầu tiên của nền tân nhạc được đông đảo giới trẻ yêu thích; Đặng Thế Phong với ‘Thu ca tam tuyệt’ và những giai thoại quanh cuộc đời và cái chết đầy tiếc nuối của ông, cũng luôn ngự trị trong lòng những người yêu nhạc.
Không thể nói gì về việc Nguyễn Đình Toàn và những văn nghệ sĩ còn lại ai hơn ai, vì đơn giản, cảm nhận là thứ gì đó không ai cưỡng cầu được. Nhưng quả thật, Nguyễn Đình Toàn cũng góp một phần công không nhỏ để mang âm nhạc đến với đại chúng người nghe, chỉ có điều đóng góp của ông khá thầm lặng.
Nguyễn Đình Toàn trước tiên là một nhà văn, nhà thơ trong nhóm Sáng Tạo khá nổi tiếng trước năm 1975. Nhưng ông được biết tới nhiều không phải bởi những bài văn, bài thơ của ông, dù trong đó có vài bài khá, như Hiên Cúc Vàng, Khi Em Về… Người ta cũng thích ông qua những bài nhạc, như Em Còn Yêu Anh – mà lần đầu nghe Tuấn Ngọc trình bày, tới hai câu
Ta đã xanh úa như đời xa cõi chết
Có bao giờ ta thấy lại nhau không…
hay
Có nhiều khi, một người đi mà như mất thiên đường…
tôi đột nhiên thấy run cả người vì cảm được cái tâm trạng sầu thảm của bài hát.
Hoặc nổi tiếng hơn là bài Em đến thăm anh đêm ba mươi, một trong những bài nổi tiếng nhất trước 1975. Và, những ai yêu nhạc cũng hẳn còn nhớ đến Tình khúc thứ nhất, viết chung với Vũ Thành An, mở đầu cho loạt Bài không tên nổi tiếng sau này. Tình khúc thứ nhất với những lời nhạc lay động lòng người
Thần tiên gẫy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Lạc đề lan man quá, mỗi khi nhắc tới nhạc xưa, dường như tôi không có cách nào kiểm soát nổi cảm xúc của mình, cứ để nó đi xa quá.
Đại loại, điều mà khiến Nguyễn Đình Toàn được đông đảo người dân miền Nam trước những năm giải phóng yêu thích là chương trình “Nhạc chủ đề” trên sóng phát thanh của ông. Ngày ấy hàng triệu thính giả ở miền Nam chỉ đợi đến mỗi tối thứ Năm để nghe những lời dẫn quen thuộc:
Tình ca – những tiếng nói thiết tha nhất của một đời người – bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố, nơi người ta đã yêu nhau… Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta…
Cái thời khói lửa núp mình trong lớp vỏ bình an đấy, khi mà những thông tin về chiến tranh, bom đạn ngoài trận tuyến vẫn tràn về mỗi ngày, mỗi giờ, thì những giây phút hiếm hoi được hòa mình vào trong dòng nhạc trữ tình thật quí giá biết chừng nào. Và chương trình “Nhạc chủ đề” với giọng dẫn truyền cảm của Nguyễn Đình Toàn đã góp phần ru hồn người bằng những khúc ca.
Ngày đó, có hai chương trình phát thanh nổi tiếng, ngoài chương trình của Nguyễn Đình Toàn ra còn có “Tiếng nhạc tâm tình” của ca sĩ nổi danh Anh Ngọc, do nhà văn Mai Thảo đọc lời dẫn. Nếu nói về giọng dẫn, thì cả hai nhà văn đều có chất giọng cuốn hút như nhau. Nhưng cái cách mà Nguyễn Đình Toàn nhỏ nhẹ, dịu dàng dùng những từ dẫn nhập như ‘Hỡi em yêu dấu…’ khiến người ta tò mò, thích thú hơn.
Một điểm khác biệt nữa là chương trình của Nguyễn Đình Toàn thời đó hay mời những tay tài tử, hát cho vui, điển hình như luật gia Duy Trác, kĩ sư địa chất Võ Anh Tuấn đến trình bày. Nói lan man ra xíu, cá nhân tôi nghe nhạc xưa, lâu lâu được một bài mà ca sĩ “rặc” giọng miền Nam hát, thấy thích thú gì đâu. Điển hình như bài Chiều mưa biên giới với tiếng hát của quái kiệt Trần Văn Trạch. Tôi nghe bài này vào một chiều mưa âm u, khi đang lái xe, giọng Nam Bộ cùng làn hơi ấm áp của tay quái kiệt ấy, thật hợp với không khí của một chiều mưa biên giới. Và sau Trần Văn Trạch, Võ Anh Tuấn là một trong những ca sĩ hát “rặc” giọng Nam trình bày các ca khúc có hồn nhất.
Qua chương trình này, nhiều bài hát của Trịnh Công Sơn “những bản tình ca không có hạnh phúc”, qua tiếng hát của “góa phụ chiến tranh” Khánh Ly được lan tỏa rộng rãi tới người nghe.
Sau này, vào năm 1970, Nguyễn Đình Toàn cho ra mắt băng nhạc “Tình ca Việt Nam”, gồm những bản nhạc bất hủ của nền nhạc tình Việt Nam, với sự góp mặt của các tên tuổi mà giờ đây đã thành huyền thoại như Duy Trác, Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh… Ban nhạc góp mặt lúc đó cũng toàn những nhạc công nổi tiếng của miền Nam bấy giờ là ban nhạc Nhật Bằng, với tiếng dương cầm của Nghiêm Phú Phi và Lê Vũ Lê Văn Chấn, tiếng vĩ cầm của Ðan Thọ, Tuấn Khanh, Phạm Văn Phúc, Ðào Duy… tiếng clarinette của Ðỗ Thiều và Lê Ðô, tiếng đại hồ cầm của Nhật Bằng, nhịp trống của Trần Quang Mây..
Điểm đặc biệt nhất mà tôi thích ở băng nhạc này, không phải ở những giọng ca đang lúc đỉnh cao của sự nghiệp, cũng không phải bởi một ban nhạc không thể chất hơn, mà là ở lời dẫn đầu trầm ấm, cuốn hút của Nguyễn Đình Toàn. Đôi khi tôi có những suy nghĩ kiểu: Thủy Hử mà thiếu lời bình của Kim Thánh Thán thì cũng như những bài nhạc này thiếu lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn. Cái cảm giác ấy nó thật vi diệu. Dù những lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn có liên hệ tới bài hát không nhiều, nhưng một khi đã nghe rồi, thì bỏ nó ra, lại thấy thiếu thiếu gì đó.
***
Tình ca Việt Nam của Nguyễn Đình Toàn là một trong những album tôi hay nghe nhất khi rảnh, nhưng chỉ đột nhiên hôm nay mới có cảm hứng viết vài dòng về ông, và về album này. Tôi run người khi nghe “Hà Nội ơi, những ngày vui đã ra đi, biết người có nhớ nhung chi, hết rồi giây phút phân ly” (Hướng về Hà Nội) hay “Em nhớ cho, Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa” thì cũng đầy xúc cảm khi nghe những lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn như
Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố…
hay
Anh hãy tha thứ nỗi khổ đau em đang chịu đựng, và nếu yêu em xin hãy tha thứ nguồn vui của em…
hoặc giả
Ôi những bông hoa nở bằng nước mắt đau thương nhỏ trên hạnh phúc. Có bao giờ chúng ta sống được hai lần hạnh phúc của mình…
Mỗi lần nghe album này, tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập lòe ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi…
130111,
B.l.u.e
ạc ạc nhắc đến NDT mà không thấy Bông Hồng Tạ Ơn à 😐
Đang trong tâm trạng sến, phỏng ạ!
sao cứ sến là mang nghệ sĩ ra hấp diêm nhờ hố hố
vài bài là ví dụ thôi, chú cứ xỏ với chả xiên :-w
like
oi! cam on ban biet may ! mot chuong trinh het suc la gia tri nhu vay
Pingback: 70 NĂM TÌNH CA VIỆT NAM « Hồ Ngọc Cẩn Group 2011
rat cam on cong trinh nay,khien toi nho lai 1 thoi xa xua thuo truoc
Thanks Blue nhiều! Cháu rất thích Nguyễn Đình Toàn qua lời giới thiệu của Phượng Hoàng trong “70 năm tình ca”, cháu cũng mê giọng ca Trần Văn Trạch hát bài “Đêm Đông”! Rất cám ơn bài viết của Blue!
Pingback: 70 NĂM TÌNH CA VIỆT NAM « Một thời Sài Gòn
Tuyet ! Wonderful !